Huyền thoại không dừng lại

NGÂN LONG 25/02/2014 03:02 GMT+7

TTCT - “Huyền thoại không dừng lại” không chỉ vì Sherlock (*) đã chuyển tải một tác phẩm bất hủ trong làng văn học trinh thám, mà vì bản thân nó cũng đã là một huyền thoại.

Benedict Cumberbatch (trái) trong vai Sherlock và Martin Freeman - bác sĩ Watson - trong phim truyền hình Sherlock - Ảnh: digitalspy.co.uk

Danh tiếng tác phẩm lừng danh của Conan Doyle Sherlock Holmes đã trở thành thách thức nan giải cho những nhà biên kịch nào muốn truyền tải tác phẩm mà không làm người đọc nhàm chán, và êkip thực hiện Sherlock đã làm được điều đó: đưa nhà thám tử tài ba của thế kỷ 19 đến thế kỷ 21 để dễ tiếp cận với khán giả trẻ, đồng thời tạo sức hút riêng cho bộ phim.

Huyền thoại

Sherlock hiện ra trong bộ phim với tài năng đặc sắc của nguyên tác, và mang chân dung của một con người thế kỷ 21: cô đơn, khép kín, tìm niềm vui qua tin nhắn và những thú giải trí “khác người”.

Đảm đương vai diễn khó khăn này là tài tử Anh Benedict Cumberbatch. Chuyên đóng vai các nhân vật trí tuệ (Stephen Hawking trong xêri Hawking - 2004, hay vai Khan trong Startrek - 2013, Benedict khiến khán giả trầm trồ trong những màn suy luận xuất thần, hay lặng người vì những pha biểu cảm hiếm hoi. Sherlock của Benedict khiến người ta “ghét” vì cái tôi ngạo mạn, nhưng lại “thương” sự cô đơn, lạc lõng của một thiên tài giữa một thế giới nhàm chán.

Đã nhắc đến Sherlock, dĩ nhiên không thể thiếu nhân vật bác sĩ Watson (do Martin Freeman thủ vai). Nếu bạn đã từng xem The Hobbit với Martin Freeman trong vai Bilbo Baggins, có thể nhận ra điểm tương đồng trong các vai diễn của anh: đó là mẫu nhân vật trầm tĩnh luôn phải đối mặt với những tình huống khốc liệt.

Martin Freeman hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình ở chỗ ngoài việc diễn tả một Watson thân thiện, đối cực với một Sherlock lạnh lùng và cao ngạo, anh còn thể hiện được nét cá tính tiềm ẩn của Watson, tính cách đã hút Watson đến với Sherlock, và cả người bạn đời Mary sau này.

Vẫn biết sự so sánh nào cũng khập khiễng, nhưng vào thời điểm Sherlock của BBC xuất hiện thì trên thị trường Bắc Mỹ cũng có một Sherlock Holmes khác do Robert Downey Jr. (diễn viên đóng vai Iron Man - Tony Stark trong Iron Man) thủ vai chính. Sự “đối đầu” giữa hai diễn viên thượng thặng này đã làm khán giả quốc tế không khỏi so sánh họ trên các trang web, mạng xã hội...

Nhưng có một điểm rõ ràng khiến Sherlock của Robert Downey Jr. “mất điểm”, đó chính là chất hành động Hollywood đặc sệt trong phim, khiến người ta nhìn vào Sherlock của Robert Downey Jr. như một James Bond (hay thậm chí là Jason Bourne hoặc Ethan Hunt) của thế kỷ 19. Trong bối cảnh đó, một Sherlock với tài năng lẫn nhược điểm “chết người” của Benedict chắc chắn “lấy điểm” về mặt ấn tượng.

Từ sự so sánh này, người xem sẽ thắc mắc: làm sao một Sherlock tân kỳ của Benedict lại có thể tạo ấn tượng tốt hơn Sherlock của thế kỷ 19 do Robert Downey Jr. thủ vai? Nguyên nhân lớn nhất nằm ở những người tạo ra không gian cho bộ đôi Sherlock - Watson tung hoành. Đó chính là Steven Moffat, Mark Gatiss (hai biên kịch và cũng là hai nhà sản xuất phim) và Stephen Thompson.

Nếu bạn là một fan hâm mộ của các phim truyền hình AxN, thì hai cái tên Steven Moffat và Stephen Thompson đã quá đủ để giải thích cho thành công của Sherlock: họ chính là hai nhà biên kịch từng tham gia xêri Doctor Who cực kỳ thành công từ năm 1963 đến nay.

Từ kinh nghiệm của Doctor Who (mà qua đó Steven Moffat đã đoạt giải BAFTA Cymru cho biên kịch xuất sắc), cả hai đã có đủ kinh nghiệm để ứng dụng vào việc phóng tác Sherlock Holmes của Conan Doyle. Tiêu biểu nhất là sự biến tấu tài tình trong cốt truyện, thay vì cố gắng kể lại tất cả vụ án dễ gây nhàm chán, các nhà biên kịch chọn một cốt truyện chính có tính độc lập, gắn vào đó những nét hấp dẫn của nguyên tác và thể hiện theo cách riêng của mình.

Tuy nhiên, chính việc thay đổi táo bạo hình tượng nhân vật không khỏi làm một lớp khán giả lớn tuổi, vốn đã quen hình tượng Sherlock như một nhà thám tử đại tài, một trí thức đáng kính, bị sốc! Bởi khi tạo ra một Sherlock của thế kỷ 21, các nhà biên kịch đã mạnh tay khắc họa nét quái dị trong tính cách như chính nhân vật tự nhận: “I’m not a psychopath, Anderson. I’m a high-functioning sociopath (tạm dịch: Tôi không phải là kẻ tâm thần, Anderson. Tôi là một kẻ tâm thần trí tuệ cao).

Có thể thấy rằng ở các xêri phim truyền hình mà trong đó nhân vật chính là những “kẻ xấu” nhưng cực kỳ thông minh (Breaking Bad với Walter White, Dexter với Dexter Morgan), thì việc xây dựng một nhân vật chính với tính cách khác người, thậm chí là tội phạm, đang là yếu tố hút khách.

Sherlock của Benedict thích bắn súng trong nhà khi buồn, thích để các đồ thí nghiệm khắp nơi: khi là cái đầu người chết trong tủ lạnh, khi lại “làm rơi” một con mắt vào ly cà phê. Anh ta phá án vì nó kích thích não anh ta hoạt động, anh ta đủng đỉnh và hào hứng chứng minh mình đúng qua điện thoại, dù rằng chỉ trễ một giây thôi là đứa bé bên kia đầu dây sẽ bị giết...

Một con người như thế dễ khiến người ta nghi ngại và ghét nhiều hơn là thích thú. Nhưng với những khán giả trẻ tuổi bị cuốn vào vòng xoáy của truyền thông, mang cái tôi to lớn luôn muốn được chú ý, họ có thể dễ dàng đồng cảm và chấp nhận Sherlock.

Có lẽ biết trước phản ứng này nên các nhà làm phim đã tự biện bạch qua lời của Sherlock: “I may be on the side of the angels. But don’t think for one second that I am one of them” (Tôi có lẽ đứng về phía các thiên thần. Nhưng đừng bao giờ nghĩ rằng tôi là một trong số họ).

Irene Adlin thủ vai Irene Adler quyến rũ chết người trong bộ phim truyền hình Sherlock - Ảnh: wordpress.com

Mark Gatiss, Martin Freeman và Steven Moffat - Ảnh: Radiotimes.com

Hấp dẫn cốt truyện và cách kể chuyện

Với một cốt truyện hấp dẫn như thế, cách kể chuyện cũng quan trọng không kém. Hai cái tên nổi bật trong nhóm đạo diễn của phim là Paul McGuigan và Euros Lyn. Paul MacGuigan được biết đến như là đạo diễn của bộ phim Lucky Number Slevin với dàn ngôi sao Hollywood như Morgan Freeman, Bruce Willis... và xêri Scandal cũng đang gây tiếng vang trên truyền hình Mỹ. Còn Euros Lyn từng tham gia xêri Doctor Who danh tiếng đã đề cập ở trên.

Với năng lực của mình, họ giải thích tài năng của Sherlock Holmes theo một cách trực quan và dễ hiểu nhất: mỗi một chi tiết nói lên con người, hành động của đối tượng được quan sát đều được ghi chú bằng những dòng chữ, khiến người xem hiểu được cách mà nhà thám tử tài ba nhìn thấy một đại dương bao la chỉ từ một giọt nước biển.

Tuy có hơi khó theo dõi với những ai mắt kém, nhưng cách làm này quả thật đem lại sự hứng khởi cho khán giả và kéo mạch phim nhanh hơn so với những câu giải thích dài dòng trong tiểu thuyết. Những ưu điểm trong cách xử lý hình ảnh, nhịp phim... khiến mỗi tập phim có giá trị tương đương một phim điện ảnh độc lập. Có thể nói, những đạo diễn đã kéo người xem vào những cuộc phiêu lưu mà trong đó không hề có một phút giây nhàm chán.

Khi phần 3 bắt đầu bằng việc tháo dỡ bí mật lớn nhất ở cuối phần 2, Sherlock đã thật sự làm nên chuyện: được chấm điểm 9,2/10 từ 12.027 người dùng trên trang web IMDB chuyên đánh giá phim có gần 4 triệu người xem (1). Và rồi khi kết thúc ở tập 3, số lượng người xem trung bình là 8,77 triệu người, chiếm tỉ lệ 32,1% từ 20g30 và 22g tối ngày chủ nhật (2).

Nhờ đó mà bộ phim “càn quét” các giải thưởng dành cho phim truyền hình như BAFTA (năm 2011: giải xêri phim truyện xuất sắc nhất, diễn viên phụ xuất sắc nhất; năm 2012: diễn viên phụ xuất sắc nhất), British Academy Television Craft Awards, BAFTA Cyrum...

Thành công lớn nhất của nhà sản xuất có lẽ là việc giữ chân người xem từ phần này qua phần khác (dù mỗi phần cách nhau 1-2 năm). Tuy nhiên, tập 1 của phần 3 Bromance (tạm dịch: Tình huynh đệ) có vẻ thiếu chất hấp dẫn của những cuộc đấu trí như các phần trước. Liệu phần tiếp theo sau phần 3 có “tương xứng” với hai phần trước đó hay không? Câu trả lời dĩ nhiên phải đợi đến khi phim được chiếu (mà nhiều nguồn tin chưa chính thức đã nói là vào Giáng sinh 2014).

(*): Bộ phim truyền hình do BBC sản xuất từ năm 2010 và phần 1 của xêri này đang được chiếu trên kênh AxN của truyền hình cáp Việt Nam vào 21g thứ năm hằng tuần.

(1): http://www.deadline.com/2014/01/tca-sherlock-move-pays-ratings-dividends-to-pbs-4-million-tune-in/

(2): http://www.theguardian.com/media/2014/jan/13/sherlock-finale-bbc1-dancing-on-ice]

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận