Inrasara, người lưu giữ ký ức dân tộc

NGUYỄN HÀNG TÌNH 25/03/2010 20:03 GMT+7

TTCT - Đó là gã nông phu mắc nợ văn chương, chàng thi sĩ mang khối óc học thuật, người nâng niu và sống hết mình với văn hóa dân tộc Chăm.

Mùa lễ hội Katê ở Ninh Thuận - Ảnh: Nguyễn Hàng Tình

Năm 1978 có một sinh viên năm thứ nhất Trường đại học Sư phạm TP.HCM bỗng nhiên bỏ học về quê nhà Ninh Thuận cày ruộng và... làm thơ. Người ấy là Inrasara, như anh kể qua thơ: Cởi bỏ rũ sau lưng quang gánh/Ginăng, paranưng giục về/Từng chuyến mưa nồng nã Katê.

Bỏ học nửa chừng nghiên cứu thi ca

Trong mắt người Chăm ở làng Chakleng xứ nắng gió Ninh Thuận, Inrasara là thằng Phú Trạm (cũng là tên trên giấy tờ) cày giỏi nhất làng, học giỏi nhất cộng đồng Chăm ở miền Panduranga (Phan Rang, theo tiếng Chăm), ít nói, trầm lặng, nghĩ suy khác thường, già trước tuổi, một thằng “hoang tưởng”. Vì thế mới 30 tuổi anh đã được bầu vào... hội bảo thọ của làng Chakleng, xã Phước Dân.

Phú Trạm mê cày ruộng như mê làm thơ vậy: Tôi đứa con của ngọn gió lang thang cánh đồng miền Trung nhỏ hẹp/Đứa con của nắng lửa bốn mùa cát trắng hanh hao/Đứa con của biển khơi trùng trùng gió thét/ Và của đôi mắt Chàm mất ngủ xanh xao... Với cuộc rong ruổi trời đày cùng thi ca, chàng sinh viên từ bỏ giảng đường đại học vài năm sau trở thành một người nghiên cứu văn chương: hiện có bốn luận án tiến sĩ và vài chục luận văn thạc sĩ, cử nhân lấy đề tài là thơ Inrasara (hai luận án tiến sĩ khác đang thực hiện).

Rồi Inrasara lao vào nghiên cứu văn hóa Chăm, thực hiện một chuyến hành hương đơn thân qua các tháp Chăm trên khắp dải đất miền Trung, qua đó khám phá những bi ký, tàng thư Chăm hiếm hoi được ghi lại trên lá buông đang ngày một lụi tàn, tìm cách gom góp những mảnh vỡ của một nền văn minh một thời rực rỡ từ một dân tộc có chữ viết sớm nhất ở VN.

Năm 1996, hai cuốn Từ điển Chăm - Việt và Từ điển Việt - Chăm do anh và các đồng sự biên soạn được ấn hành. Cùng lúc này là công trình Văn học Chăm khái luận và một loạt công trình nghiên cứu, sưu tầm trường ca, dân ca, tục ngữ Chăm, rồi trước tác Các vấn đề văn hóa, xã hội Chăm...

Năm 1992, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM mời người cựu sinh viên bỏ học nửa chừng này vào nghiên cứu ở Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam - Đông Nam Á của trường.

Nhà nghiên cứu Inrasara - Ảnh: Nguyễn Hàng Tình

Đi buôn thổ cẩm nuôi... sáng tạo

Món nợ thi ca dẫu có đeo đuổi Inrasara cũng không câu thúc cho bằng cái nợ cơm áo trước mắt: lo miếng ăn hằng ngày cho hai đứa con riêng của vợ và hai đứa con của mình.

Hình ảnh những phụ nữ Chăm đội trên đầu túi thổ cẩm đến bán ở các buôn làng người Ra Glai, Chu Ru, Cơ Ho, Mạ... vùng Tây nguyên không xa lạ với nhiều người, nhưng vào những năm đầu thập niên 1990, nhiều người dân các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau và vùng biên giới Việt Nam - Campuchia ở phía Nam còn thấy thi sĩ Inrasara dẫn người vợ xinh đẹp của mình cùng bốn đứa con đi bán dạo thổ cẩm.

Nhà thơ trở thành người đi buôn dạo: Rời bỏ ruộng đồng quen thuộc/Dong buồm vào hải đảo mù khơi bất trắc nhưng thơ anh vẫn dạo chơi an nhiên trên nỗi buồn khốn khó: Dẫu thơ tôi không khuây khỏa khổ đau anh/Tiếng hát tôi không vực dậy khốn khó anh/Thì có hề chi/... Anh cứ hẹn mùa sau hái tuyệt tác/...Những con chữ nắm đuôi nhau xếp hàng chịu phận đời phiêu dạt/Tàn cuộc phiêu bồng có kết được đám trang xanh...

Đi buôn dạo ở phương Nam thua lỗ, anh và vợ trở về quê nhà mở cửa hàng tạp hóa. Đến khi nhận công việc nghiên cứu ở TP.HCM, anh mang theo một đứa con trai đi cùng, sau đó quay về lấy sổ nợ của cửa hàng tạp hóa đốt sạch để “xóa nợ cho bà con và đưa được luôn vợ vào Sài Gòn”. Những năm 1993-1998, ngoài giờ đi dạy hay nghiên cứu, Inrasara chở vợ bằng xe đạp tiếp tục đi bán thổ cẩm. Và những tác phẩm như Văn học Chăm khái luận được viết khi đêm về trong những tháng ngày khó nhọc ấy.

Năm 1993 vợ chồng Inrasara “liều mạng” mở một cửa hàng trong thương xá Tax, không chỉ bán áo, tấm đắp bằng thổ cẩm mà còn nhận may balô, túi xách, nón mũ, ruybăng... Khách mua hàng nhiều dần. Và chính chất men lạ từ cửa hàng thổ cẩm này đã xúc tác cho những cuộc trình diễn thời trang thổ cẩm đầu tiên của các nhà tạo mốt.

Chị Hani - vợ anh - trở thành đối tác của những nhà tạo mốt tên tuổi để rồi những năm sau đó trong những chuyến xuất ngoại đi Đức, Nhật, Ý, Pháp... trình diễn của thời trang thổ cẩm VN đều có chị đi cùng. Sự ăn nên làm ra của cửa hàng thổ cẩm Inrahani ở Sài Gòn đã có tác động ngược lại những làng Chăm ở Ninh Thuận. Có thể nói Inrasara cùng vợ đã góp phần không nhỏ hồi sinh thổ cẩm Chăm thông qua những chuyến ngược xuôi TP.HCM - Ninh Thuận để tổ chức đan dệt, thu mua và bán hàng thổ cẩm.

Lợi nhuận từ “dịch vụ thổ cẩm” phục vụ trở lại cho thơ, cho công việc nghiên cứu, in sách về văn hóa Chăm của Inrasara. Nhưng từ năm 1998, anh chia tay với Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam - Đông Nam Á “để nghiên cứu được nhiều hơn, làm việc nhiều hơn nữa”. Anh trở thành một nhà khoa học công dân, một người nghiên cứu văn chương tự do, góp phần gìn giữ văn hóa cho xứ sở mà không cần Nhà nước trả lương.

Cô gái Chăm trong kỳ lễ hội Katê ở Ninh Thuận - Ảnh: Nguyễn Hàng Tình

Tagalau và cơn khát canh tân thi ca

Trước mùa Katê (tết cổ truyền của người Chăm) năm 2000, từ cửa hàng thổ cẩm ở Sài Gòn, Inrasara gọi điện về Ninh Thuận rủ Lâm Gia Tiến và Hứa Phăng, hai người bạn thời trung học giỏi viết lách, vào TP.HCM sống với anh để cùng nhau biên soạn một tạp chí mang tên Talagau, loài hoa tím thường mọc trên núi đồi cằn cỗi ở xứ Ninh Thuận. Tagalau cho đến nay ra đời được 10 số vào mỗi mùa Katê, số phát hành 700-1.000 bản. Điều đáng nói là người gửi bài/công trình để được in trên Tagalau không bao giờ có nhuận bút, đơn giản bởi nhóm chủ biên không có tiền trong khi với độ dày trên 200 trang, tìm kinh phí để in được tạp chí đã thật gay go. Có lần anh nói với tôi: “Văn hóa Chăm là văn hóa đùa chơi, đùa vui cùng đau khổ. Heidegger (triết gia Đức thế kỷ 20) bảo thi sĩ là người canh giữ ngôn ngữ dân tộc, còn theo tôi, thi sĩ là người lưu giữ ký ức dân tộc”.

Gọi Inrasara là nhà thơ, nhà giáo, nhà từ điển tiếng Chăm, nhà dịch thuật cổ ngữ, nhà sử học, nhà nghiên cứu văn học và văn hóa Chăm đều đúng. Nhưng trong giới văn chương, nhất là những người viết trẻ, Inrasara là nhân vật của những suy nghĩ mới, cách tiếp cận mới, những khái niệm sáng tạo mới và trên hết là nỗi khát khao bắt nhịp thời đại, người luôn tham gia một cách vững chãi cả chiều rộng lẫn chiều sâu vào đời sống sáng tạo cũng như lý luận văn chương. 

Qua các tham luận, anh là người đầu tiên đặt vấn đề về “nền văn chương mạng”, “thi ca đương đại VN”, khẳng định “VN đang ở vùng trũng của văn học Đông Nam Á”; cũng như cổ súy chủ nghĩa “tân hình thức”, “hậu hiện đại” ở VN, đồng thời phát hiện, dõi theo và đồng hành cùng những người viết trẻ hiện nay. Người đàn ông 53 tuổi có sức nghĩ luôn sống động, khoa học và táo bạo ấy cho biết đang thực hiện gần xong cuốn Thơ Việt Nam đương đại dày 1.500 trang, theo anh sẽ là một bức tranh chân thực và đầy đủ về các nhà thơ VN hôm nay dù họ sống ở đâu, trong hay ngoài nước, có thơ in trên giấy hay chỉ xuất bản trên mạng...

Nếu có dịp, hãy thử đi nghe Inrasara tham luận ở bất cứ đâu, chắc chắn bạn sẽ nhận ra khả năng nghiên cứu nghiêm túc, sự thông tuệ, tầm nhìn, độ sắc bén, mẫn cảm, khả năng hội nhập... của một gã nông phu mắc nợ văn chương, người nâng niu và sống hết mình với văn hóa dân tộc mình. Nhưng trước hết hãy đọc thơ anh để cảm nhận được thơ vẫn luôn mới lạ, mang chiều sâu của trí tuệ cùng sự giàu sang huyền nhiệm của tâm hồn con người.

Tháng 3-2010, hội đồng giải thưởng của “Quỹ văn hóa Phan Chu Trinh” đã quyết định trao giải năm 2009 cho sự nghiệp nghiên cứu và truyền bá văn hóa, văn chương Chăm của Inrasara. Chỉ riêng bộ Văn học Chăm, khái luận - văn tuyển hơn 1.000 trang của anh đã được giáo sư Bùi Khánh Thế đánh giá tại hội thảo “Bảo tồn văn học cổ dân tộc” tổ chức ở Malaysia năm 1996: “Đầy đủ và có hệ thống về di sản văn học của dân tộc này mà trước đó chưa từng có”. Trước đó, Inrasara đã nhận giải thưởng của Hội Nhà văn VN cho tập thơ Tháp nắng (1997) và Lễ tẩy trần tháng tư (2003). 

Giải thưởng văn chương ASEAN năm 2005 cũng được trao cho Lễ tẩy trần tháng tư sau khi Inrasara nhận được giải thưởng của Trung tâm Lịch sử và văn minh Đông Dương thuộc Đại học Sorbonne (Pháp) cho công trình nghiên cứu về văn học Chăm.

Tôi còn buồn là tôi còn sống. Tôi còn viết là tôi còn yêu. Tôi hết yêu là tôi đã chết, Inrasara đề như thế trên danh thiếp của mình.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận