Jeff von der Schmidt và bốn buổi diễn nhạc Việt ở Los Angeles

BAOCHAU 29/04/2012 22:04 GMT+7

TTCT - Từ ngày 9 đến 26-5, tại Los Angeles (Mỹ) sẽ diễn ra Liên hoan quốc tế âm nhạc đương đại L.A..

Dàn nhạc thính phòng hai lần đoạt giải Grammy của Mỹ Southwest Chamber Music sẽ biểu diễn các tác phẩm âm nhạc từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có các tác phẩm âm nhạc của Việt Nam, như nhạc trưởng Jeff von der Schmidt, giám đốc kiêm chỉ huy dàn nhạc Southwest Chamber Music, cho biết.

Phóng to
Nhạc trưởng Jeff von der Schmidt (áo trắng) cùng các nghệ sĩ Việt Nam và Mỹ trước thềm Nhà hát lớn Hà Nội - Ảnh nhân vật cung cấp

Phóng to

Ông Jeff von der Schmidt nói: Dàn nhạc của chúng tôi có mối quan hệ sâu sắc với Việt Nam. Năm 2008, chúng tôi nhận được một nguồn hỗ trợ tài chính quan trọng của Chính phủ Mỹ để thực hiện dự án giao lưu văn hóa và Liên hoan âm nhạc Thăng Long. Đó là dự án giao lưu văn hóa lớn nhất trong lịch sử giữa Mỹ và Việt Nam. Bốn nhà soạn nhạc được bổ nhiệm tham gia dự án bao gồm Phạm Minh Thành và Vũ Nhật Tân (Việt Nam), cùng với Alexandra du Bois và Kurt Rohde (Mỹ).

Chúng tôi đã thực hiện sáu tuần trao đổi văn hóa, ba tuần ở Việt Nam và ba tuần ở Mỹ. 19 nghệ sĩ Mỹ đến Việt Nam và 19 nghệ sĩ Việt Nam sang Mỹ để tham gia vào một chuỗi các buổi hòa nhạc, các hoạt động giáo dục và những hội thảo về lãnh đạo văn hóa, trong thời gian từ 27-2-2010 đến 3-5-2010, hơn 4.500 khán giả đã dự 12 buổi biểu diễn ở Mỹ và Việt Nam.

Có thể nói rằng dự án giao lưu văn hóa và Liên hoan âm nhạc Thăng Long mở cánh cửa rộng lớn cho sự giao lưu âm nhạc giữa Việt Nam và Mỹ. Tôi và các đồng nghiệp đều cảm thấy cần làm nhiều hơn nữa để đưa âm nhạc Việt Nam đến công chúng Mỹ.

Trong khuôn khổ Liên hoan quốc tế âm nhạc đương đại L.A. sẽ có bốn buổi hòa nhạc được tổ chức vào ngày 9, 12, 21 và 26-5, với 25 tác phẩm được soạn cho dàn nhạc giao hưởng. Các tác phẩm mới của các nhà soạn nhạc Vũ Nhật Tân, Unsuk Chin, Hyo Shin Na và Tôn Thất Tiết sẽ được ra mắt. Những nhà soạn nhạc tham gia các buổi biểu diễn bao gồm: Vũ Nhật Tân (Việt Nam), Unsuk Chin (Hàn Quốc), Hyo Shin Na (Hàn Quốc), Gabriela Ortiz (Mexico), Kurt Rohde (San Francisco, Mỹ), Alexandra du Bois (New York, Mỹ) và Anne LeBaron (Los Angeles, Mỹ).

Những buổi hòa nhạc sẽ diễn ra ở trung tâm thành phố Los Angeles, tại Grand Avenue Arts Corridor - một địa điểm uy tín của âm nhạc đương đại ở Bờ Tây nước Mỹ.

* Các tác phẩm âm nhạc Việt Nam nào sẽ được trình bày trong Liên hoan quốc tế âm nhạc đương đại L.A. sắp tới?

- Các tác phẩm của những nhà soạn nhạc Việt Nam trong liên hoan bao gồm Bài hát bom napan, Cracking Bamboo của Vũ Nhật Tân và Miroir, Mémoire của Tôn Thất Tiết.

Bài hát bom napan là tác phẩm âm nhạc đương đại do Vũ Nhật Tân soạn cho dàn nhạc giao hưởng, lấy cảm hứng và sử dụng lời thơ song ngữ Việt - Anh của Bài hát bom napan (thơ Bruce Weigl, bản dịch Nguyễn Phan Quế Mai).

Lời hát diễn tả một cách sống động và đau đớn hình ảnh em bé napan Phan Thị Kim Phúc, được Nick Út chụp năm 1972, quần áo em cháy trụi, hai tay giơ lên như đôi cánh và chạy về phía ống kính máy ảnh. Lời hát tiếng Anh sẽ được giọng ca nam trầm Evan Hughes trình bày và con gái nuôi gốc Việt của Bruce Weigl là Nguyễn Thị Hạnh Weigl sẽ đọc lời thơ bằng tiếng Việt.

Bài hát bom napan được soạn cho dàn nhạc gồm 11 nhạc cụ với sự nổi trội của ba cây đàn Việt Nam là bầu, tranh và t'rưng. Nghệ sĩ Võ Vân Ánh - bậc thầy của những loại nhạc cụ này - sẽ là người duy nhất biểu diễn cả ba nhạc cụ. Tác phẩm âm nhạc thứ hai của Vũ Nhật Tân được trình diễn tại liên hoan mang tên Cracking Bamboo là tác phẩm âm nhạc ngẫu hứng cho nhóm nhạc và bộ gõ, được nhà soạn nhạc Vũ Nhật Tân sáng tạo và trình diễn.

Nhà soạn nhạc Tôn Thất Tiết, hiện sống ở Paris, là một người bạn vong niên của dàn nhạc Southwest. Ông đã tặng chúng tôi tác phẩm Miroir, Mémoire khi chúng tôi sang Paris biểu diễn. Soạn cho dàn nhạc Southwest, tứ tấu đàn dây, Miroir, Mémoire thuộc chuỗi ba tác phẩm soạn cho tứ tấu đàn dây và tam tấu đàn dây.

Các tác phẩm này viết về sông Hương chảy qua thành phố Huế, Việt Nam, nơi tác giả đã được sinh ra. Miroir, Mémoire lấy cảm hứng từ một bài thơ của Lý Bạch, về con người và thiên nhiên.

* Trong số những nhà thơ cựu binh Mỹ viết về chiến tranh Việt Nam, ông đã chọn Bruce Weigl và đề nghị Vũ Nhật Tân soạn các tác phẩm nhạc dựa trên thơ Bruce Weigl. Vì sao, thưa ông?

- Khi tôi đọc các bài thơ của Bruce Weigl, tôi biết rằng chúng là vật liệu cho sự hợp tác. Thơ của Bruce Weigl rất xúc động - thách thức, trung thực, thẳng thắn. Chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam vẫn còn ảnh hưởng đến cách nghĩ của người Mỹ theo cả chiều hướng tích cực lẫn tiêu cực. Thơ của Bruce Weigl chuyển tải tình yêu đặc biệt của một cựu binh Mỹ dành cho Việt Nam và là nhân chứng cho những mất mát của con người mà chiến tranh gây ra.

Ngoài thơ, những bài hồi ký trong tập Sau mưa thôi nã đạn của Bruce Weigl (NXB Trẻ, 2010) khiến tôi rất xúc động. Nhất là mỗi lần đọc bài ?i l?c ? H? N?iĐi lạc ở Hà Nội, tôi lại rơi nước mắt. Khi tôi gửi cho Bruce Weigl những đĩa CD ghi âm các tác phẩm do Vũ Nhật Tân soạn, ông ấy cho tôi biết cảm giác đầu tiên là "dường như tôi đã chờ đợi cả đời để được lắng nghe âm nhạc của Vũ Nhật Tân".

Vũ Nhật Tân có những ý tưởng sáng tạo rất táo bạo và rộng lớn. Trong buổi biểu diễn cuối cùng của chương trình hòa nhạc Việt - Mỹ mang tên Thăng Long tại Los Angeles, Mỹ vào tháng 5-2010, tất cả khán giả đã đứng hết cả dậy và vỗ tay rất lâu ngay giữa buổi biểu diễn, sau phần trình bày nhạc phẩm Ký ức của Vũ Nhật Tân.

Điều này tôi chưa từng chứng kiến trong suốt sự nghiệp của mình. Vì thế, chúng tôi sẽ trở về Ký ức để kết thúc buổi biểu diễn khai mạc cho Liên hoan âm nhạc đương đại quốc tế Los Angeles lần thứ nhất này.

* Ông đã chỉ huy nhiều buổi biểu diễn ở Việt Nam trong khuôn khổ Dự án giao lưu văn hóa và Liên hoan âm nhạc Thăng Long. Những kỷ niệm đặc biệt nào mà ông đã có ở Việt Nam?

- Nhiều kỷ niệm lắm. Tác phẩm nhạc cuối cùng mà chúng tôi biểu diễn ở Hà Nội trong Liên hoan âm nhạc Thăng Long là Appalachian spring (Mùa xuân ở Appalache) của nhà soạn nhạc lừng danh người Mỹ Aaron Copland. Đối với những nhạc sĩ Mỹ, đó là quốc ca không chính thức của nước Mỹ.

Trước khi bắt đầu và trước khi tập trung toàn bộ tinh thần cho việc chỉ huy dàn nhạc, tự dưng trong đầu tôi bỗng nghĩ tới tất cả những người Việt Nam đã chết trong chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Đã có biết bao người Việt Nam phải chết, và cả những người Mỹ phải chết khi xa quê hương của mình. Ý nghĩ ấy đến rất bất ngờ và làm tôi rất xúc động.

Sau buổi biểu diễn, tiến sĩ Ngô Văn Thành, giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, đã gặp tôi sau sân khấu, ôm tôi và nói: "Chúng ta đã tiến rất xa từ cái thời bom đạn!".

* Chân thành cảm ơn ông và chúc liên hoan thành công.

Dàn nhạc thính phòng Southwest Chamber Music được thành lập vào năm 1987, với phương châm hoạt động nhằm xây dựng những cầu nối âm nhạc giữa các nền văn hóa, thông qua những buổi biểu diễn và chương trình giáo dục kết hợp giữa nhạc cổ điển châu Âu, nhạc đương đại Mỹ và nhạc thử nghiệm từ châu Mỹ Latin và châu Á.

Để biết thêm thông tin về Liên hoan quốc tế âm nhạc đương đại L.A., bạn đọc có thể truy cập trang web: http://www.swmusic.org/performances/calendar.html.

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI thực hiện

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận