Jerome Reuter: Khi những bi thương cất lên...

DU LÊ 17/01/2017 21:01 GMT+7

TTCT - Ở Đại công quốc Luxembourg… nhỏ bé (dân số gần 570.000 người, diện tích thứ 168 thế giới), Jerome Reuter là một nghệ sĩ nhạc folk có một ám ảnh có thể gọi là dị thường với lịch sử và những cuộc chiến của thế kỷ 20.

Jerome Reuter biểu diễn tại Sài Gòn năm 2015
Jerome Reuter biểu diễn tại Sài Gòn năm 2015

Nhân vật trong nhạc của anh là những nạn nhân bi thương của thời cuộc. Không sa đà vào thông điệp chính trị, bài hát của anh đẫm hơn nhiều tính nhân văn.

“Bờ sông [là nơi] cư ngụ những giấc mộng của con người” (*)

Truyền thống âm nhạc dân gian trước sự ra đời của hệ thống ký âm phương Tây đã tồn tại, song song và vẫn tiếp diễn qua lối hát truyền khẩu tự bao đời.

Trước khi có thể ghi chép những câu chuyện mình muốn lưu giữ bằng phương thức khác hiện đại và hay giản tiện hơn, văn hóa truyền khẩu hoặc tương đương vẫn là két sắt an toàn nhất lưu giữ những giá trị cơ bản nhất của con người.

Trong tương lai không xa, khi nhạc điện tử trở thành nhạc folk, khi khán giả và nghệ sĩ giao tiếp với nhau trực tiếp qua Internet (hay một tên gọi nào khác) nếu không thể gặp mặt, thì kết luận hợp tình nhất hẳn là con người chỉ có thêm nhiều hơn nữa điều muốn giãi bày.

Nghe Jerome Reuter hát ROME:

Ngay giữa những xã hội biến động vô cùng ngày nay, ngay giữa những ám ảnh khôn nguôi về các cuộc chiến, trước đây hay đang tiếp diễn.

Đấy là cái ta thấy trong gia tài sáng tác đồ sộ đã phát hành của Jerome Reuter, theo lời Joseph D. Rowland nhóm Pallbearer, “không lấp đủ cái hư vô sâu hoắm mà nó nói cùng”.

Bởi, thay vì nói lên những vinh quang, nó “đầy ắp những câu chuyện về thất bại rã rời, mất mát tình yêu và quê hương, và hoài mong hòa bình giữa nỗi đau chia ly”, phần nhân bản nhất, có lẽ, của mọi cuộc chiến, không loại trừ cả cuộc chiến nội tâm.

ROME, dự án âm nhạc lấy thẳng từ tên anh nhưng tình cờ trùng tên thủ đô nước Ý, được đánh giá là tạo được ngôn ngữ âm nhạc riêng, ca từ đặc sắc, kết hợp lối sáng tác truyền thống với phong cách hòa âm khác thường.

Ở đó anh kết hợp truyền thống chanson của nhạc Pháp với âm hưởng dark ambient, apocalyptic folk, pop, acoustic rock, martial industrial, cold wave, với ca từ đậm chất thi ca, dù tương phản ít nhiều với những chủ đề anh chọn lựa nhưng vẫn gần gũi, thậm chí bắt tai.

Về ca từ, đó là những vần thơ, nói ngoa một chút, có thể sánh với những đại thụ về ngôn từ lẫn hình ảnh đã ảnh hưởng rất lớn tới anh như William S. Burroughs, Bertolt Brecht, Garcia Lorca, Herman Hesse.

Bìa album A Passage to Rhodesia
Bìa album A Passage to Rhodesia

Xuất thân trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, cha là chủ đoàn hát Namaste thành lập năm 1977, tuổi trẻ của Jerome sớm gắn với những chuyến lưu diễn khắp lãnh thổ châu Âu, tới những miền đất, và có những trải nghiệm không phải ai cũng có được.

Khi sáng tác, anh viết về những điều mình đọc được trong thư viện tư gia đồ sộ, từ những thư viện công trong làng đại học, và từ những thứ gắn với lịch sử ngay sát bên như kháng chiến của quân Pháp trong Đại chiến II. Có người ví Jerome Reuter với Leonard Cohen quá cố, cũng là một thi sĩ mến Garcia Lorca.

Anh đã viết về cuộc kháng chiến Pháp trong Đại chiến II trong Nos Chants Perdus, nhưng chính album Flowers From Exile đã mang Jerome Reuter đến với đông đảo công chúng, khi phản ánh những đau xót và trăn trở của những thân phận du kích quân ly khai trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha, mà người bác ruột của anh trực tiếp tham gia và kể lại, để rồi được anh kể lại qua âm nhạc.

Trong bộ ba album theo cùng chủ đề Die Aesthetik Der Herrschaftsfreiheit (tạm dịch: Mỹ học của vô chính phủ), cảm hứng trực tiếp từ thơ trữ tình cách mạng Chile Pablo Neruda và triết gia Peter Weiss, kịch tác gia kiêm thi sĩ Georg Büchner, cả hai triết gia Nietzsche và Betrand Russell, Jerome viết về những người lính cách mạng vô danh người Tây Ban Nha, những người hùng thầm lặng, sẵn sàng hi sinh tất cả vì lý tưởng để đồng thời đương đầu với thực tại nghiệt ngã.

Quá khứ là một quốc gia khác (*)

Đó là tên một sáng tác trong album concept A Passage to Rhodesia, câu hát làm liên tưởng đến câu mở đầu trong tác phẩm The Go-Between năm 1953 của L.P. Hartley.

Tiểu thuyết đầu tay năm 1950 The Grass Is Singing (Đồng cỏ hát) của tác gia lớn tuổi nhất từng đoạt giải Nobel Doris Lessing, đặt bối cảnh tại Rhodesia, nơi bà trưởng thành và chứng kiến những mối quan hệ đa sắc tộc giữa con người.

Ngày 3-9-1978, chiếc máy bay Vickers Viscount mang số hiệu chuyến bay 825 bay từ thác Victoria qua Kariba tới thủ đô Salisbury của Rhodesia, chở theo 4 thành viên tổ lái và 52 hành khách vừa cất cánh 5 phút thì bị một nhóm du kích ZIPRA bắn một tên lửa đất đối không loại Strela-2 dẫn mục tiêu bằng hồng ngoại.

38 người chết trong số 56 người, 5 trong số 18 người sống sót tìm nước uống cho những người còn lại và 3 người trong số 5 đó thoát chết. Có 7 nạn nhân là phụ nữ, và có 2 bé gái. Bốn ngày sau, Chính phủ Rhodesia mới thừa nhận nguyên nhân chính thức và hai tuần sau thế giới biết đến vụ thảm sát nhờ một bài trên tạp chí Thời Báo (Anh).

Máy bay Vickers Viscount-wikimedia.org
Máy bay Vickers Viscount-wikimedia.org

Và 5 tháng sau, chiếc Vickers Viscount thứ hai, số hiệu chuyến bay 827, bay từ Kariba tới thủ đô Salisbury bị bắn rơi vào ngày 12-2-1979, 59 người trên máy bay không ai sống sót.

Hai diễn biến này nằm trong cuộc chiến sắc tộc tay ba kéo dài 15 năm (1964-1979) - chiến tranh Bụi cây - đề tài của album thứ 10 của Jerome Reuter, mang tên A Passage to Rhodesia, phát hành năm 2014.

Album gồm một bộ đĩa đôi, cấu trúc song song thú vị: một đĩa là âm thanh chủ đạo acoustic folk quen thuộc, đĩa còn lại là phô diễn thông minh các âm thanh đa phong cách, từ nhạc quân hành, noise đến nhạc folk vùng Nam Phi, trên nền ghi âm các bài diễn văn như tuyên ngôn độc lập đơn phương của nhà nước Rhodesia ly khai Anh của Ian Smith, và tin tức báo chí tường thuật cuộc chiến.

Cấu trúc này cho phép người nghe soi rọi vào cuộc chiến từ hai góc nhìn: cá nhân, chủ quan của người nghệ sĩ, và góc nhìn từ các cứ liệu lịch sử.

Về ca từ, Jerome Reuter chọn tiếng nói của thiểu số, của những người Anh dưới sự chỉ đạo của Ian Smith, lún sâu vào cuộc giao tranh ly khai đa sắc tộc. Không dùng lời lẽ của các chính trị gia, những lãnh tụ khởi nghĩa, Jerome nói thay những người nông dân, những người khai hoang, binh lính và những người lao động giàu hi vọng cho tương lai sau khi giã từ một châu Âu đầy thương tật sau Thế chiến II.

Họ được khắc họa là những người sống cho lý tưởng về một thiên đường tại Zimbabwe xa xôi, tuân theo những truyền thống Thiên Chúa giáo cao đẹp mà hoàn toàn không nhận ra họ chính là những kẻ cai trị. Và do đó họ vỡ mộng, xuyên suốt từ những ca từ đầu tiên cất lên. Chúng ta biết có một hư vô nằm giữa mọi điều.

Jerome chỉ trích họ, trong con mắt cảm thông, về sự ngờ nghệch, mù quáng về những biên giới chỉ họ hình dung ra, và do đó từ chối một thực tại đẫm máu của chiến tranh. Joseph Rowland trong bài viết về album chia sẻ: “Tôi tự hỏi có phải các dấu vết tươi sáng nằm giữa một cái lõi đầy rẫy đấu tranh và sầu thảm mới chính là thể hiện của một không gian thanh tịnh mới mẻ hơn [của Jerome] hay không?”.

Một nhận xét về Jerome Reuter cho rằng hiếm có nghệ sĩ nào ngày nay chọn cách nhào trộn lịch sử vào những vần thơ giàu cảm xúc, và đôi lúc trừu tượng, như anh.

Nghệ sĩ Luxembourg được xem là một nghệ sĩ thuộc vào hàng ngũ nghệ sĩ neofolk thượng thặng đang thưa thớt dần, và họ ít khi ra ngoài biên giới châu Âu hay tách rời những cuộc chiến ít người để tâm đến.

Trong sáng tác The River Eternal, Jerome viết: “Ta du hành vào Bóng tối như trên con rắn táp vào nguồn cơn của cơn ác mộng. Cuộc chiến kết thúc khi con sông kết thúc. Nhưng con sông, như cái tên, là Vĩnh cửu, bờ sông cư ngụ những giấc mộng của con người. Chiến tranh Bụi cây kết thúc, nhưng những tranh chấp sắc tộc kéo dài tiếp tục đến tận ngày nay, chồng xếp bởi những cuộc thanh trừng đẫm máu, tham nhũng, lạm quyền, bất ổn và nghèo đói”.■

(*): Lời bài hát của J. Reuter

Luxembourg nằm giữa Pháp và Đức, vị trí địa lý trọn vẹn để chứng kiến và nếm trải mọi cuộc tranh chấp giữa hai quốc gia, và có lẽ từ trước khi thành lập các quốc gia như ngày hôm nay. Chỉ bốn giờ chạy xe từ Luxembourg về phía tây đã tới được chiến trường Normandie.

Gót giày hành quân có lẽ đã cày xới mảnh đất nhỏ bé xinh đẹp này quá nhiều lần, trước khi những biên giới vô hình được lập ra rồi phá vỡ, trong những ám ảnh bởi bạo lực và chết chóc khôn nguôi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận