Kém hiệu quả vì làm... cho xong

BS TĂNG HÀ NAM ANH 13/03/2014 22:03 GMT+7

TTCT - Trên TTCT số 7 ra ngày 2-3 có bài viết “Đầu tiên là không gây hại” đề cập nhiều đến vấn đề chuyển giao kỹ thuật cho đội ngũ thầy thuốc. Nhiều năm làm giảng viên tại TP.HCM cũng như đi về các tỉnh giúp bác sĩ tuyến dưới, bác sĩ Tăng Hà Nam Anh có bài viết phân tích thêm vấn đề này.

“Đầu tiên là không gây hại” (*)

Chuyển giao kỹ thuật mổ ở Khánh Hòa - Ảnh: tác giả cung cấp

Cả nước từ lâu đã tiến hành việc chuyển giao kỹ thuật y khoa cho tuyến dưới nhằm giảm tải tuyến trên, thế nhưng hiệu quả còn khiêm tốn. Nguyên nhân của việc chuyển giao kém hiệu quả đến từ cả hai phía.

Quá nhiều câu hỏi chưa có lời giải

Ở góc độ bệnh viện đi hỗ trợ, dường như chúng ta chưa có nhiều thông tin về bệnh viện mà chúng ta sẽ đi hỗ trợ. Cần thu thập đủ thông tin trước khi bắt tay vào việc. Chẳng hạn bệnh viện thuộc tuyến nào? Trang thiết bị có những gì? Nhân lực của bệnh viện đó ra sao? Nhu cầu của bệnh viện mà các bác sĩ mình sẽ đi hỗ trợ là gì? Mình cần hỗ trợ họ những gì? Những mặt bệnh họ hay chuyển lên cho bệnh viện mình là gì? Tại sao họ chuyển nhiều bệnh này hơn bệnh khác?

Nếu chúng ta có được câu trả lời cho những câu hỏi trên thì lãnh đạo bệnh viện mới có thể đề ra chương trình, mục tiêu đi hỗ trợ cho tuyến dưới. Từ đó mới có những lớp tập huấn hay định hướng cho các bác sĩ đi hỗ trợ để các bác sĩ biết mình làm gì? Dạy gì? Huấn luyện cái gì?

Nhiều bác sĩ tham gia chương trình than phiền không biết làm gì vì lẽ đơn giản trang thiết bị tuyến dưới không đầy đủ. Các khoa không đồng đều nhau nên muốn làm gì cũng khó nhận sự hỗ trợ từ các đồng nghiệp của khoa khác. Kết quả là các bác sĩ đi hỗ trợ xử lý một vài ca cho xong thời gian rồi về.

Kinh nghiệm thực tế

Thật ra, mỗi bệnh viện đã được phân tuyến và ở mỗi tuyến được thực hiện phẫu thuật, thủ thuật hay điều trị bệnh gì. Vậy thì khi đi hỗ trợ, chúng ta cần tập trung hỗ trợ tối đa về mặt chuyên môn những gì mà tuyến dưới được làm, hỗ trợ những vấn đề xử lý ban đầu để nếu có thể chuyển bệnh nhân đi thì bệnh nhân cũng đã được xử lý tốt, tạo điều kiện thuận lợi để tuyến trên tiếp tục quá trình điều trị.

Ví dụ, tuyến huyện có thể không được phép mổ kết hợp xương đùi nhưng được phép xử lý vết thương đùi. Nếu một trường hợp gãy hở xương đùi mà tuyến huyện xử lý tốt phần vết thương rồi chuyển bệnh nhân lên tuyến trên sẽ tạo thuận lợi rất nhiều việc xử lý phần xương gãy.

Điều trị một bệnh là một quá trình mà ở đó mỗi tuyến sẽ tham gia mỗi phần khác nhau như trong dây chuyền. Cả dây chuyền hoạt động tốt thì sản phẩm xuất ra sẽ tốt. Thông tin về nơi được hỗ trợ được cung cấp từ phòng nghiệp vụ của mỗi bệnh viện không phải là việc quá khó.

Nhiều lần tham gia, bản thân người viết rất tâm tư vì rõ ràng nhu cầu hỗ trợ rất lớn nhưng dường như các bệnh viện tuyến dưới tiếp nhận hỗ trợ khá thụ động. Ban lãnh đạo tuyến dưới cần phải biết đội ngũ y bác sĩ trong bệnh viện cần hỗ trợ cái gì?

Vấn đề nào mình chưa vững hay cần cập nhật kiến thức vì lý do tiếp cận thông tin khó khăn. Ban lãnh đạo bệnh viện cần phải biết từng khoa của mình cần hỗ trợ cái gì để từ đó sẽ họp bàn trước với ban lãnh đạo bệnh viện đi hỗ trợ, từ đó xây dựng một chương trình hỗ trợ sao cho có hiệu quả nhất...

Dựa vào việc chuẩn bị này của cả hai phía, có thể điều chỉnh kịp thời chương trình để việc hỗ trợ đạt hiệu quả cao nhất có thể. Chương trình hỗ trợ tuyến dưới chắc chắn không có tham vọng là sau mỗi lần chuyển giao kỹ thuật, các bệnh viện tuyến dưới sẽ làm được những gì tuyến trên đang làm. Nhưng, chương trình sẽ thành công khi tuyến dưới thực hiện tốt việc xử lý những ca bệnh trong khuôn khổ Bộ Y tế đã cho phép tuyến dưới làm.

Xử lý tốt một phần những bệnh cần chuyển về tuyến cao hơn để tạo thuận lợi cho việc tiếp tục điều trị có hiệu quả. Chương trình hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật từ bệnh viện tuyến trên cho tuyến dưới thật sự cần thiết, nên rất cần một cách làm thực chất chứ không nên làm cho xong hoặc làm một cách hình thức.

Điều quan trọng nhất là phải làm sao cho bệnh nhân thật sự tin tưởng vào bệnh viện tuyến dưới để họ an tâm ở lại điều trị. Được như vậy mới phần nào giải quyết quá tải bệnh viện tuyến trên.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận