Kendrick Lamar và sự trỗi dậy của những chiến binh báo đen

HIỀN TRANG 02/05/2018 21:05 GMT+7

TTCT - Giàn lửa bùng lên trên sân khấu nơi ánh đèn đỏ ma mị vừa tắt đi, Kendrick Lamar xuất hiện, giọng hát như được đúc bằng thép, ca từ dữ dội, chiêm nghiệm, sâu cay. Nhìn anh lúc đó, người ta khó mà không nhớ tới trường đoạn hoàng tử T’challa đăng quang ngôi hoàng đế bên dòng thác hùng vĩ trong siêu phẩm điện ảnh Black Panther.

Kendrick Lamar. Ảnh: Getty Images
Kendrick Lamar. Ảnh: Getty Images

 

Kendrick Lamar từng là ông vua không ngai của thế giới âm nhạc. Ba lần đề cử album của năm tại Grammy, ba lần anh trở về tay trắng. Nhưng thế thì có hề gì? Lễ trao giải năm 2018, khi cái tên cuối cùng được xướng lên là Bruno Mars, khán giả cho đó là thất bại của Grammy chứ không phải thất bại của K-Dot (nghệ danh thời niên thiếu của Lamar).

Ba tháng sau, nước Mỹ sửa sai bằng cách trao cho anh giải thưởng Pulitzer cao quý, chính thức thừa nhận thứ hip hop đường phố của Lamar đã đạt tới tầm huyền thoại.

Người tiên tri bằng âm nhạc

Đã bao nhiêu lần các nghệ sĩ đại chúng được xếp ngang tầm các nhà soạn nhạc cổ điển? Có lẽ là đếm trên đầu ngón tay. Lần thứ nhất, đó là khi độc giả BBC xếp Paul McCartney là nhạc sĩ vĩ đại nhất thiên niên kỷ (đứng thứ hai là Mozart, Bach ngậm ngùi vị trí thứ ba). Lần thứ hai, chính là lần này, khi Lamar chứ không phải bất cứ nghệ sĩ jazz hay cổ điển nào được Pulitzer tôn vinh cho cống hiến trong âm nhạc.

Nếu như Bob Dylan sáng tác ở trình độ một thi sĩ bậc thầy thì hãy gọi Kendrick Lamar là một tiểu thuyết gia của những âm giai, và không phải một tiểu thuyết gia thông thường, anh là một tiểu thuyết gia với đôi mắt tiên tri như Herman Melville - người đã gói cả nền dân chủ nước Mỹ trong một con cá voi trắng.

Thậm chí còn hơn thế.

Lễ Halloween năm 2014, Kendrick Lamar khoác lên mình chiếc áo vải, đội lên đầu bộ tóc đen dài, hóa trang thành Chúa Jesus. Anh có ý định gây hấn với cộng đồng Công giáo như kiểu John Lennon từng tuyên bố “The Beatles đã nổi tiếng hơn cả Jesus” ư? Không, Lamar không tôn mình là Chúa Cứu Thế, anh chỉ muốn được đi trong ánh sáng của Người.

Chúng ta đang sống trong một thời đại nơi ta loại bỏ đi phần quan trọng nhất của toàn bộ cuộc sống này: Thượng đế. Không ai nói về nó bởi vì nó xung đột với những gì đang hiển hiện giữa thế giới...” - 30 tuổi, Kendrick Lamar trăn trở về một nền văn minh đã ngỗ ngược thoát ra khỏi vòng tay Đức Chúa Cha và hoài thai nhiều điều man rợ.

Và vì không ai nói, Kendrick Lamar đã nói. Mùa xuân năm 2017, album DAMN. ra đời. Phần còn lại chính là lịch sử.

Đó là sự xấu xa? Hay đó là sự yếu hèn?” - DAMN. bắt đầu bằng một câu hỏi mang tính triết học về nguồn gốc của cái ác, chất vấn xem cái ác đến từ những dụ dỗ bên ngoài hay từ nỗi thèm muốn bên trong, từ đó mở ra một câu chuyện kịch tính nơi nhân vật phản diện và nhân vật chính diện nhập nhằng, nơi bóng tối và ánh sáng lẫn lộn, nơi HUMBLE. (sự khiêm cung) đi liền với PRIDE. (niềm kiêu hãnh), còn LOVE. (tình yêu) là người anh em sinh đôi của LUST. (dục vọng).

Sự thiện ác bất phân ấy tồn tại ngay trong thượng đế, người đã cùng lúc vừa ban ơn, vừa nguyền rủa những người da màu. Suốt 14 ca khúc của DAMN., Kendrick trích dẫn thường xuyên những dụ ngôn trong Kinh thánh, để rồi vạch trần đức tin lọc lừa mà người da trắng đã dùng để xiềng xích người da đen, khiến cho họ tin rằng họ là những tội nhân, những đứa con bị Thiên Chúa ruồng bỏ và phận số của họ là trở thành nô lệ.

Có cả chiến tranh và hòa bình nơi DNA của tôi... Tôi có cả tối tăm, quỷ dữ đang rữa nát nơi DNA của mình...” - Kendrick viết trong ca khúc DNA. Nhà hiền triết của nhạc rap không chối bỏ phần tà ma của dòng máu, anh không khẳng định mình là nạn nhân, cũng không cho rằng mình vô tội.

Anh chấp nhận nỗi đau của người da đen như một phần nghiệp chướng mà họ phải gánh chịu. Nhưng, hãy nhớ rằng chính những nhà tiên tri trong Kinh thánh trước khi nhận khải huyền đều đã từng phạm vào tội lỗi. Và những chiến binh báo đen, cũng như những nhà tiên tri, những thánh tông đồ, cuối cùng đều sẽ bay lên.

Trên tư cách một sản phẩm âm nhạc, DAMN. là một cuộc cách mạng về âm thanh của hip hop. Trên tư cách một cuốn tiểu thuyết, nó xứng đáng được xếp vào một áng kỳ thư. Nó có sự thấu cảm của Toni Morrison, cả sự u uất của Nathaniel Hawthorne, cả tính tiên đoán của Herman Melville, cả cái nhếch mép đả kích của Kurt Vonnegut.

Ngay đến cái kết của DAMN., cái kết về cách sự tử tế cứu rỗi một tha nhân, cũng khiến người ta nhớ tới W. Faulkner đã đóng lại thiên tiểu thuyết Nắng tháng tám. Cho dù xã hội được mọc lên từ chiếc rễ duy ác, từ đó vẫn có thể sinh ra những trái cây hi vọng.

Chỉ cần dừng lại tới đó thôi, DAMN. đã là một đỉnh núi cao vời vợi của Rap. Nhưng Kendrick Lamar không chỉ muốn làm một đỉnh núi, anh còn có tham vọng trở thành đỉnh núi cao hơn mọi đỉnh núi còn lại.

Khi nghe DAMN. theo chiều ngược lại, thính giả sửng sốt nhận ra câu chuyện cũ sụp đổ, thay thế vào đó là một câu chuyện mới, với cái kết ảm đạm là hình ảnh nhân vật chính đứng trên cầu, bị hạ sát dưới nòng súng của một người đàn bà mù hai mắt.

Kendrick thừa nhận album của anh có thể nghe theo cả hai chiều. Khi nghe xuôi, nó kết thúc với niềm lạc quan, khi nghe ngược, nó đóng lại trong nốt nhạc buồn. Vậy đâu mới đích thực là cái kết mà Kendrick Lamar muốn có? Câu trả lời nằm trong chính lời hát của anh: “Bạn hãy quyết định. Chúng ta sẽ sống hay sẽ chết?”.

Thêm một lần, Kendrick Lamar đặt ra một hoạt cảnh triết học siêu hình. Nó gợi lại bộ phim Ma trận, khi Morpheus chìa cho Neo hai viên thuốc và buộc Neo chọn một: “Uống viên thuốc xanh - câu chuyện kết thúc tại đây, anh tỉnh dậy trên giường và cứ tin điều gì anh muốn. Uống viên thuốc đỏ, anh sẽ mãi lạc trong Xứ sở Diệu kỳ, và tôi sẽ cho anh thấy hố thỏ sâu tới nhường nào. Nhớ rằng, cả hai điều đều là sự thật”. Và như vậy, nghe âm nhạc của Kendrick, ai nói rằng hip hop không phải thể loại hàn lâm?

Cơn thủy triều màu đen

Tunisia, những ngày cuối năm 2010. Một rapper ít tiếng tăm đăng lên tài khoản cá nhân của anh một ca khúc tỏ rõ sự bất bình thay cho những người yếm thế: “Thưa ngài tổng thống... con người đã trở nên giống như con thú... Chúng tôi khổ sở như những con chó”. Hàng ngàn người Tunisia sau đó đã hô vang câu hát của anh khi biểu tình đòi một cuộc sống tử tế hơn. Bắt đầu từ đây sự kiện Mùa xuân Ả Rập.

Nếu như trong thập niên 1960, những người hippy nuôi tóc dài, chơi guitar, hát rock để phản đối chiến tranh và hàn gắn chia cắt thì ngày nay, thanh niên trẻ đặt niềm tin vào hip hop để thay đổi thế giới. Lịch sử phát triển của hip hop cũng có nhiều điểm tương đồng với rock.

Rock từng thuộc về phong trào phản văn hóa, trong khi đó, hip hop sinh ra nơi đường phố, ban đầu là dòng nhạc của những băng nhóm bụi đời. Cả hai đều thăng hoa trong bối cảnh chính trị phức tạp. Cả hai đều đại diện cho tuổi trẻ nổi loạn, truy cầu lẽ phải.

Khi nhạc rock dần thoái trào với sự già đi của thế hệ hoàng kim, còn những ngôi sao nhạc pop vẫn trung thành với việc sáng tác các ca khúc ủy mị và thờ ơ với chính trị, hip hop nghiễm nhiên trở thành làn sóng văn hóa mạnh mẽ nhất trong thế kỷ này.

Ở khắp nơi, những bức tranh graffiti sặc sỡ làm các thành phố sáng bừng sức sống, những chiếc quần baggy trở thành mốt thời trang, những nhóm break dance nở rộ, những ca khúc của Kendrick Lamar, Jay-Z, Lil’ Wayne, Kanye West... được bật trên đường phố.

Những người da đen ngày nay đã không còn giống như anh chàng nô lệ Jim ngờ nghệch, cuồng tín, đáng thương, dễ vỡ mà Mark Twain đã xây dựng trong Huckleberry Finn. Họ ngạo nghễ, kiêu hãnh, dữ dội, can đảm và tạo nên một đế chế của riêng mình.

Hay như gần 30 năm trước, huyền thoại Chuck D. đã nói hip hop sinh ra với sứ mệnh trở thành một kênh CNN Đen, một viên đạn trái phá, một thế lực mà người da trắng không thể kiểm soát hay cướp đoạt.

Có một câu chuyện kể rằng tại một trường trung học ở North Bergen, để giảng dạy cuốn The Bluest Eyes của Toni Morrison, một giáo viên đã dùng tới album To Pimp a Butterfly của Kendrick Lamar. Nhân vật chính trong tiểu thuyết của Morrison là một cô gái gốc Phi với khao khát có được đôi mắt xanh màu nước biển.

Còn Kendrick thì viết: “Chàng James Bond mới sẽ mang nước da đen bóng. Màu đen như chiên giòn, như trái phỉ, như quế hương, như hồng trà. Trong mắt tôi, tất cả đều đẹp như nhau”.

Không biết liệu rồi sẽ có một James Bond với nước da như trái phỉ hay không, nhưng không còn nghi ngờ gì nữa, cơn thủy triều đen đã thực sự dâng trào, như nhiều năm trước một cách tình cờ, Paul McCartney đã dự đoán được nó qua một khúc ca rất đẹp:

“Cánh chim đen hót giữa đêm chết lặng,

mang đôi cánh gãy nát để tập bay.

Giây phút vút lên ấy, mi đã đợi trong suốt đời này”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận