​Khi cầu thủ không nhìn thấy bóng

THÙY AN 15/12/2014 08:12 GMT+7

TTCT - Một sáng chủ nhật bình thường tại Trung tâm khiếm thị Nhật Hồng, Q.Thủ Đức, TP.HCM.

Pha tranh chấp bóng giữa cầu thủ hai đội Nguyễn Đình Chiểu và Nhật Hồng - Ảnh: Quang Định
Pha tranh chấp bóng giữa cầu thủ hai đội Nguyễn Đình Chiểu và Nhật Hồng - Ảnh: Quang Định

Chuyến xe chở các cầu thủ nhí đến từ Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu vừa trờ tới để chuẩn bị cho trận bóng giao hữu giữa hai đội bóng khiếm thị. Nhiều khán giả đã đứng vòng quanh sân bóng hồi hộp chờ đến giờ các cầu thủ nhí ra sân.

Thầy Nguyễn Đình Hậu - giáo viên thể dục của hai trung tâm, kiêm HLV, trọng tài của trận đấu - hướng dẫn các cầu thủ hai đội xếp thành vòng tròn. Sau vài lời giới thiệu, các cầu thủ có hơn 30 phút để làm quen và ghi nhớ giọng nói của nhau.

“Chào em, anh ở Trường Nguyễn Đình Chiểu, em tên gì?”; “Chào bạn, mình ở Trường Nhật Hồng, mình 11 tuổi”... Sau những cái nắm tay, các cầu thủ bắt đầu chạy dọc sân để đo khoảng cách và định hướng di chuyển.

Trận đấu bắt đầu. Khán giả được xem một trận bóng rất khác với những trận bóng bình thường. Đó là khi các cầu thủ không nhìn thấy.

Thủ môn Bờ Rết chặn phá thành công pha bóng - Ảnh: Quang Định
Thủ môn Bờ Rết chặn phá thành công pha bóng - Ảnh: Quang Định

Mỗi cầu thủ đều đeo một băng che mắt màu đen (để công bằng với những bạn còn nhìn thấy mờ mờ), đội một vành khăn cuộn (để tránh chấn thương khi va chạm vào đầu).

Suốt trận đấu, dù đứng ở vị trí nào, các cầu thủ đều phải hô vang liên tục để đồng đội biết mình đang đứng ở đâu và tránh để các cầu thủ đội bạn tông người vào mình. Những tiếng hô “boy”, “boy” vang khắp sân (thật ra các cầu thủ phiên từ chữ “voice” để dễ hô và đỡ mất sức).

Hai đội bóng mang cùng một màu áo, nhưng điều đó không quan trọng bởi các cầu thủ phân biệt đội bạn bằng tiếng nói. 

Một HLV khác đứng sau khung thành để hướng dẫn các cầu thủ di chuyển: “Lên nào, chuyền sang trái, sút đi... Vào rồi!”, trong khi các HLV khác di chuyển vòng quanh sân để làm “mắt” cho các cầu thủ, vừa hỗ trợ vừa khích lệ các cầu thủ chạy theo bóng. Mỗi đội có ba HLV theo sát trận bóng.

Một cầu thủ nữ khởi động tình huống dẫn bóng vượt qua đối phương và sút bóng vào cầu môn - Ảnh: Quang Định
Một cầu thủ nữ khởi động tình huống dẫn bóng vượt qua đối phương và sút bóng vào cầu môn - Ảnh: Quang Định

Những khán giả lần đầu xem trận bóng của người khiếm thị đều đặt câu hỏi: Làm sao để các cầu thủ chạy theo trái bóng nếu họ không nhìn thấy? Bí mật nằm ở quả bóng đã được gắn một chiếc lục lạc nhỏ bên trong để gây ra tiếng động trên sân, giúp các cầu thủ định hướng bóng đang ở đâu.

Quả bóng này không có độ nảy nhiều như quả bóng bình thường, cầu thủ cũng không ném biên mà chỉ đá biên để bóng luôn lăn và phát ra tiếng động trên sân. Vì vậy, các cổ động viên dù đã chuẩn bị trống, dùi cũng phải hết sức kiềm chế để không gây tiếng ồn quá lớn làm ảnh hưởng đến các cầu thủ đang lắng nghe và tìm bóng trên sân.

Thầy Nguyễn Đình Hậu cho biết: “Tiếng hô rất quan trọng trong thi đấu bóng đá của người khiếm thị, hô đều và liên tục suốt trận đấu để tự bảo vệ mình và để đồng đội cũng như đối phương biết mình đang ở đâu. Điều đặc biệt là các cầu thủ nhớ và phân biệt giọng nói rất tốt chỉ sau vài câu làm quen trước khi vào trận”. 

Cầu thủ hai đội tranh thủ giải lao uống nước để tiếp tục thi đấu - Ảnh: Quang Định
Cầu thủ hai đội tranh thủ giải lao uống nước để tiếp tục thi đấu - Ảnh: Quang Định

“Các em có thể lực, sức khỏe tốt thì sẽ đỡ bệnh, đỡ tiền thuốc men”. Câu trả lời thật giản dị của các giáo viên tại Trung tâm khiếm thị Nhật Hồng khi tham gia chuẩn bị nước uống, đồ ăn cho cầu thủ và cổ vũ suốt trận đấu.

Đa số các em khiếm thị đều có sức khỏe yếu hơn các bạn cùng lứa. Đó là nguyên nhân khiến các cô tạo thật nhiều điều kiện để các em rèn luyện thể thao. Cô Lê Thị Vân Nga, giám đốc trung tâm, cho biết hiện trung tâm đang nuôi dạy hơn 90 học sinh khiếm thị.

“Các em được tạo mọi điều kiện để tiếp cận với các môn học từ tiếng Anh, đàn, nhạc đến các môn thể thao như bóng đá, bóng rổ, bơi lội, điền kinh, cờ vua, cờ tướng. Phải có sức khỏe các em mới học tập tốt và tự lập trong cuộc sống tương lai được” - cô Nga nói.

Một em nhỏ của Trung tâm khiếm thị Nhật Hồng cổ vũ cho trận đấu - Ảnh: Quang Định
Một em nhỏ của Trung tâm khiếm thị Nhật Hồng cổ vũ cho trận đấu - Ảnh: Quang Định

Còn Lê Trọng Tấn - cầu thủ nhỏ tuổi nhất của trận đấu (7 tuổi), học sinh Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu - hào hứng kể: “Con thích đá bóng vì đá bóng sẽ có sức khỏe. Bây giờ con được học đá bóng hai buổi một tuần, con ước gì được học đá bóng tất cả các buổi trong tuần luôn. Ngoài ra con còn thích học võ và bóng rổ nữa, nói chung môn nào con cũng thích!”.

Trận đấu kết thúc khi mặt trời đã lên cao. Những tiếng cười giòn giã trước một pha bóng lệch khung thành, những tiếng reo khi một bàn thắng được ghi, mồ hôi ướt đầm áo của cả cầu thủ, HLV lẫn khán giả đứng vòng quanh reo hò, chụp ảnh là những ấn tượng đọng lại sau trận đấu.

Không có tỉ số chung cuộc, chỉ có những cái nắm tay tạm biệt, những cái ôm lưu luyến giờ chia tay. Đó chắc hẳn là những trải nghiệm đẹp được cảm nhận bằng tâm hồn, bằng cảm xúc rất ngọt ngào và trọn vẹn của những cầu thủ nghị lực, hồn nhiên và đặc biệt!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận