Khi ký ức là một phiên chợ

LỘC VỪNG 21/01/2016 02:01 GMT+7

TTCT - Phiên chợ ký ức Hà Nội chỉ có bảy ngày (từ 30-12-2015 đến 5-1-2016). Rất nhiều lát cắt của ký ức Hà Nội được tái hiện: từ những cột đèn xưa, cái máy nước công cộng, bia hơi Hà Nội và phở một hào rưỡi một bát “không người lái”.

Chơi chuyền nhưng không quên... điện thoại di động -H.V.H.
Chơi chuyền nhưng không quên... điện thoại di động -H.V.H.

Chợ của những gian hàng đồ cũ, cái quạt con cóc, ngọn đèn măngxông, đèn dầu, đôi dép cao su, tiền xu ngày ấy... Người của một thời, vật của một thời vừa như được xới lên trong chợ phiên, dù chạm tay vào ký ức hay ký ức chỉ chảy trong trí nhớ người đứng tuổi từng sinh sống lâu ở Hà Nội cũng thật bồi hồi.

Cho dù vật chất đầy đủ hơn của ngày hôm nay đã phần nào làm cho con người ta viên mãn, nhưng kỷ niệm khốn khó một thời như giấc ngủ quên, ngủ sâu, nay thức dậy xao xuyến vì đời sống của mỗi chúng ta không quá dài, chúng ta đã tạt qua không dễ dàng, dễ gì quên bao cam go, khốn khó của một cuộc chiến tranh kéo dài nhiều năm.

Thiếu nữ phố Hàng Đào -L.V.
Thiếu nữ phố Hàng Đào -L.V.


Lữ khách được chạm tay vào hiện vật cũ, những hiện vật tưởng chừng chỉ tồn tại trong trí nhớ mỗi người nhưng ở đây đã được quyền xem và được quyền mua.

Nếu bạn muốn xem cuộc đời mình có bao lần đi đổi tiền thì có cả một gian trưng bày tiền giấy, tiền xu qua nửa thế kỷ. Sân chợ có chiếu nghe ca trù, các nghệ nhân trình bày ca trù dưới chiếu bên cái cột đèn xưa. Hình ảnh phố Khâm Thiên như của ngày nghệ nhân Quách Thị Hồ say hát hồng hồng tuyết tuyết...

Phía cột đèn có cô Thu tay kéo bạc phố Hàng Buồm chuyên cắt tóc nam trẻ đẹp giá rẻ bất ngờ. Còn rất nhiều bức ảnh có giá trị về ký ức Hà Nội xưa được giới thiệu trong một không gian rất đẹp của Hoàng thành.

Việc tái hiện phiên chợ đồ dùng ngày xưa là cả một nỗ lực sưu tầm... Bà Nguyễn Thị Hoa, nguyên phó giám đốc Triển lãm văn hóa nghệ thuật số 2 Hoa Lư, cho hay tìm kiếm những giá trị xưa cũ không dễ, người gìn giữ nó không còn nhiều, nhưng đắm đuối với văn hóa nên bà đã cùng cộng sự dâng hiến những ý tưởng hay nhất để có một phiên chợ chảy vào ký ức.

Những người làm văn hóa hết mình vì văn hóa là một chuyện, nhưng người thực hiện phiên chợ ký ức là một thực tế khác. Không bỏ qua chi tiết thuở ấu thơ, rất nhiều trò chơi: ô ăn quan, chơi chuyền, nhảy dây, đi cầu khỉ, trò chơi mặt nạ, làm con giống với lá dừa... Những đứa trẻ Hà Nội đến đây đều được vui chơi các trò dân gian...

Những gian hàng chợ phiên đồ xưa còn hiện lên cả phố Lãn Ông bán thuốc bắc thuốc nam, có cả người kê đơn bốc thuốc. Phố Hàng Đào, Hàng Ngang xưa nhưng tơ lụa mới. Tàu điện bờ hồ cũng mới quá, cái sự mới này đã làm cho ký ức người đứng tuổi tổn thương.

Những quán trà chén vỉa hè, quán ngô nướng mùa đông, mẹt kẹo bột và vài hàng kẹo kéo cũng quá mới. Nhất là bãi cỏ xanh của Hoàng thành sau một ngày phiên chợ, dân tình giẫm đạp xác xơ.

Phả hơi sương mùa thu sót lại của cốm làng Vòng, có chè cốm, bánh cốm và xôi. Quang gánh của ngày xưa tái hiện nhưng những đôi quang gánh chưa hề đượm phong sương, các trò chơi cũ nhưng các em mặc áo nâu quần đen tóc nhuộm, điện thoại đắt tiền để cạnh, khiến sự hiện hữu của cái cũ cứ pha pha tạp tạp làm cho “chợ” ký ức ngổn ngang, phân vân.

Xe đạp Phượng Hoàng xưa, máy nước công cộng trên phố cổ -L.V.
Xe đạp Phượng Hoàng xưa, máy nước công cộng trên phố cổ -L.V.

 

Riêng mảng ẩm thực thì thất vọng lắm, chỉ chuyện bát đũa, bếp gas, giá cả đã cho thấy tính chất thương mại rồi. Món ngon Hà Nội xưa khiến người “xưa” ngơ ngẩn buồn vì món ngon và rẻ của Hà Nội xưa bị “kinh doanh hóa”. Các phố hàng cũ thế mà không phải thế. Võ sư Hoàng Kim Xuân ngồi thừ ra ở cây cột đèn, tiếc nuối ngày hôm qua đã bị xóa đi như ta ấn phím delete.

Đây là phiên chợ nhiều người đứng tuổi rủ nhau tới nhất, họ mua bán thì ít, hàn huyên thì nhiều. Thu hút hàng chục vạn lượt người xem là sức hấp dẫn thật lớn của chợ ký ức, nhưng Hà Nội chưa có một không gian mở thật sự cho ký ức xưa để người người ngoảnh lại, dù chỉ là ngoảnh lại một bờ vai.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận