Khi những dự án vẽ voi xì hơi

THANH TUẤN (THEO NEW YORK TIMES) 24/04/2014 01:04 GMT+7

TTCT - Từng được coi là đầu tàu của những nền kinh tế mới nổi, Brazil đang phải đối phó với một loạt dự án hoành tráng dang dở, từ dành cho World Cup 2014 đến các dự án phát triển.

Thủ tướng Lý Quang Diệu từng nói “không” với Asiad
Thái Lan được gì sau 4 lần tổ chức Asiad?

Công trường sân bay quốc tế Pinto Martins ở Fortaleza, đông bắc Brazil, phục vụ cho World Cup - Ảnh: Reuters

Sân Amazonia ở Manaus tổ chức bốn trận đấu ở World Cup được dự báo là bỏ trống sau giải - Ảnh: Reuters

Khi Brazil đang tăng tốc để chuẩn bị World Cup vào tháng 6 này, quá trình chuẩn bị gặp vô số vấn đề khiến các dự án đình trệ: lúc thì bởi các tai nạn chết người ở các sân vận động, lúc thì vì chi phí đội lên. Rồi hệ thống xe buýt và tàu lửa dự định xây dựng cho khán giả tới xem World Cup giờ sẽ chỉ hoàn thành rất lâu sau khi giải đấu kết thúc.

Nhưng các công trình cho World Cup chỉ là một phần vấn đề lớn hơn ở Brazil. Tất cả xuất phát từ những kế hoạch kỳ vĩ thái quá của chính quyền: một loạt dự án hoành tráng được đề xuất khi kinh tế tăng trưởng nhanh để rồi giờ lại bỏ đó, đình trệ hoặc bội chi so với dự toán ban đầu rất nhiều lần. Các dự án này ban đầu dự định để đánh dấu sự phát triển của nền kinh tế và vị thế mới, nhưng giờ thì đất nước của điệu samba đang dần tỉnh từ cơn mê bùng phát dự án đó.

Cùng lúc đó, giới lãnh đạo cũng bị chỉ trích kịch liệt vì chuyện chi tiêu lãng phí, kiểm soát kém, trong khi các dịch vụ cơ bản cho hàng triệu người dân vẫn vô cùng tệ hại. Các nhà kinh tế chỉ ra nguyên nhân từ tình trạng quan liêu, phân bổ vô trách nhiệm các nguồn lực và nạn tham nhũng.

Hàng loạt cuộc biểu tình nhắm vào các dự án sân vận động tốn kém như Manaus và Brasilia, nơi vốn chỉ có số ít CĐV và gần như chắc chắn sẽ bỏ trống sau World Cup.

“Bê bối ngày càng lan rộng cho thấy sự hỗn loạn này mang tính rộng khắp. Chúng ta chợt bừng tỉnh nhận ra rằng một nguồn lực rất lớn bị lãng phí vào các dự án hoành tráng, trong khi trường học thì vẫn lụp xụp, rác rưởi vẫn ngập đường” - Gil Castello Branco, giám đốc Trung tâm Contas Albertas, tổ chức chuyên giám sát các nguồn công quỹ, nói.

Các nhà kinh tế tính toán Brazil chỉ tăng trưởng 1,63% trong năm World Cup, giảm xấp xỉ 1/5 so với tốc độ 7,5% của năm 2010.

Khởi công từ năm 2006, dải dất dài dọc tuyến đường sắt Transnordestina ở đông bắc Brazil giờ đang bỏ hoang. Dự án này đã khiến vô số người dân phải tái định cư và đến giờ nhiều người vẫn chưa nhận được tiền đền bù. Từ chỗ dự kiến hoàn tất vào năm 2010 với tổng mức đầu tư 1,8 tỉ USD, giờ tuyến đường sắt dài trên 1.600km này sẽ tốn ít nhất 3,2 tỉ USD và chỉ hoàn thành vào năm 2016.

“Một số dự án thậm chí là không đáng đầu tư ngay từ đầu” - nhà kinh tế học Sérgio Lazzarini tại Insper, trường kinh doanh ở Sao Paulo, nhận xét.

Tiền ngân sách từng được rót để đầu tư một bảo tàng cho người nước ngoài ở Varginha, đông nam Brazil, nơi người dân nói họ từng nhìn thấy người ngoài hành tinh ở đây hồi năm 1996, giờ là bãi hoang và chỉ có cái xác trơ trọi giống hình chiếc đĩa bay.

“Cái bảo tàng đó là sự xúc phạm đối với cả những người ngoài hành tinh và những người trên hành tinh này như chúng ta, những người còng lưng gánh một dự án mà không thể hoàn thành được” - ông Robert Macedo, nhà kinh tế học tại Đại học Sao Paulo, nói.

Một dự án khác, tháp truyền hình trị giá 30 triệu USD thiết kế giống như một bông hoa, vẫn chưa được đưa vào sử dụng sau gần hai năm khai trương. Các nhà phân tích chỉ trích việc không thể hoàn tất các dự án hạ tầng lớn cho thấy điểm yếu trong mô hình tư bản nhà nước ở Brazil.

Họ nói chính quyền đã trao ảnh hưởng cực lớn cho mạng lưới các công ty do nhà nước kiểm soát, các ngân hàng và quỹ lương hưu đầu tư vào các dự án thiếu tính khả thi. Rồi các cơ chế quan liêu khác trong quá trình kiểm toán rồi kiện tụng làm đình trệ các dự án.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận