Khi sáng tạo đương đại "cộng sinh" với di sản

TTCT - Người ta gọi Philippe Bouler là “ông festival” kể cũng không ngoa bởi ông từng làm đạo diễn, giám đốc nghệ thuật, cố vấn, tham gia tổ chức... hơn 50 festival trên thế giới.

Ở Việt Nam, cái tên Philippe Bouler gắn với các kỳ Festival Huế kể từ kỳ đầu tiên cho đến nay...

Ông Philippe Bouler

Trở lại Việt Nam lần này, trong khuôn khổ của Năm Pháp tại Việt Nam, Philippe Bouler đang làm việc với các nghệ sĩ Việt để thực hiện một đêm đại nhạc hội lớn mà số vé phát ra lên đến 16.000 vé. Không dè dặt, né tránh, Philippe Bouler đã chia sẻ với TTCT khá thẳng thắn về những gì được hỏi và cả những gì ông quan tâm.

Thành công của festival phải được đo bằng sự hài lòng...

* Từng tham gia tổ chức festival ở trên 50 nước, ông thấy sự khác nhau rõ rệt nào giữa festival ở phương Tây và festival phương Đông?

- Tôi không chỉ tổ chức các festival mà còn là đạo diễn của nhiều dự án nghệ thuật độc đáo cũng như các tour biểu diễn cho các nghệ sĩ ở trên 50 nước. Festival Đông hay Tây đều có mẫu số chung ở các yếu tố: địa điểm, phong cách, một dự án nghệ thuật, một công chúng muốn khám phá và những nghệ sĩ dấn thân.

Sự khác biệt nằm ở các quy định của xã hội, các ưu tiên về mặt tôn ti trong xã hội và hình thức tổ chức để giới thiệu tới công chúng và nghệ sĩ.

* Đến bây giờ vẫn còn nhiều tranh cãi dù khó phủ nhận thành công của các kỳ Festival Huế, thì tranh cãi nằm ở chỗ rằng sự trầm mặc làm nên vẻ cổ kính của kinh thành Huế ít nhiều đã bị phá vỡ bởi sự náo động của mỗi kỳ festival. Như chiếc cầu Tràng Tiền có đèn nhấp nháy bảy màu, không phải ai cũng dễ dàng thấy rằng nó đẹp. Ông nghĩ sao về những tranh cãi này?

- Có tranh luận, tranh cãi tức là có dấu hiệu của thành công. Điều đó có nghĩa công chúng và báo giới quan tâm tới festival. Câu hỏi đặt ra hướng tới một vấn đề mà nước nào cũng phải tìm câu trả lời vào một thời điểm nhất định trong quá trình phát triển của mình.

Việt Nam đang phải trả lời câu hỏi này khi đứng giữa một bên là truyền thống và một bên là sự hiện đại. Tôi thấy một điều rõ ràng là không nên quá nghiêng về bên nào mà ngược lại phải làm hai yếu tố này kết hợp được với nhau.

Việt Nam nói chung và Huế nói riêng có một di sản vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú nhưng cần làm di sản đi vào cuộc sống. Để làm được như vậy cần phải tạo điều kiện cho sáng tạo nghệ thuật đương đại, cho nghệ sĩ trẻ phát triển, bởi chính họ làm nên sức mạnh của Việt Nam trong tương lai.

* Vậy phải làm cách nào để duy trì được bản sắc của vùng đất nơi lễ hội diễn ra, nhưng cũng đồng thời hấp dẫn được nhiều hơn du khách qua những gì mới mẻ, đặc sắc, hàn lâm... chỉ có thể thấy khi festival diễn ra?

- Không phải chỉ duy trì bản sắc của một địa điểm là đủ mà còn cần làm cho nó sống động hơn, đẹp hơn và giới thiệu nó đến với công chúng, khách tham quan dưới một góc nhìn khác - điều đó cần phải nhờ đến các nghệ sĩ. Ví dụ như tác phẩm của nghệ sĩ Denis Tricot trước Cung thái hậu Từ Dũ, Huế, năm 2008, người ta đã thấy những sáng tạo đương đại “cộng sinh” với di sản văn hóa, cả hai bổ sung cho nhau làm nên một giá trị mới vừa hiện đại vừa truyền thống vừa hấp dẫn.

Điều cần chú ý trong thái độ ứng xử với di sản không phải là giữ khư khư lấy quá khứ, cũng không phải phá bỏ hết nhân danh nghệ thuật đương đại mà cần làm cho hai yếu tố này cộng sinh với nhau, vừa giữ được vẻ đẹp và giá trị của quá khứ, vừa mang hơi thở của cuộc sống hiện đại.

* Đã gắn bó qua nhiều kỳ Festival Huế, một câu hỏi thẳng thắn: ông thấy còn những điều gì đáng tiếc trong cách điều hành quản lý để bỏ qua những quan điểm thủ cựu, thì những lời chê festival cũng không hẳn không có lý?

- Đúng là tôi đặc biệt gắn bó với Festival Huế, thành phố và người dân Huế. Chúng tôi đã cùng nhau đi qua một hành trình hơn 12 năm để đưa ra bộ mặt festival như chúng ta thấy hiện nay. Chúng tôi luôn có những cuộc tranh luận rất cởi mở (UBND tỉnh, ban giám đốc festival và tôi) xung quanh chủ đề nâng tầm festival, tạo ra sự hài hòa giữa sáng tạo nghệ thuật (đương đại) và di sản.

Một chủ đề thảo luận thường xuyên khác liên quan tới chất lượng trung bình của chương trình nghệ thuật trong thời gian gần đây. Tôi cho rằng cần chú trọng tới chất lượng hơn là số lượng các chương trình trình diễn. Tương tự như vậy, thành công của một festival cần phải được đo bằng sự hài lòng của các nghệ sĩ tham gia và công chúng tới xem.

Tôi cho rằng cần phải cải thiện khâu tiếp đón công chúng, cung cấp thông tin cho họ nhiều hơn và tốt hơn, chỉ dẫn cụ thể và dễ hiểu hơn, tạo mong muốn cho họ khám phá các chương trình nghệ thuật và những chân trời mới. Điều đó cần phải trở thành ưu tiên của nhiều năm tới, làm ít đi nhưng làm tốt hơn.

 Philippe Bouler sinh năm 1956, ông đến Việt Nam lần đầu tiên năm 1984 để xây dựng festival múa rối Pháp dưới sáng kiến của AFAA (Association Francaise d'Action Artistique - Hiệp hội Hành động nghệ thuật Pháp). Ông gắn bó với Huế trong hơn 10 năm, từ năm 2000-2012. Ông đóng vai trò là nhà sản xuất festival đại diện cho Bộ Ngoại giao Pháp và vùng Nord-Pas de Calais, vùng Poitou-Charentes và vùng Rennes để cùng hợp tác với phía Việt Nam. Ông đã tham gia sản xuất các chương trình của Festival Huế, huấn luyện các nhân viên và cố vấn cho ban tổ chức festival. 

Trở lại Việt Nam lần này, Philippe là giám đốc nghệ thuật chương trình “Oh Là Là” sẽ diễn ra tại Hà Nội ngày 12-10. Đây là chương trình nổi bật nằm trong chuỗi hoạt động trao đổi văn hóa giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Pháp năm 2013, 2014.

Những thử thách và hồ nghi là giống nhau

* Hình như điểm tựa trong công việc cũng như đam mê của ông là âm nhạc? Ông tìm thấy những gì từ “nó”?

- Tôi làm việc trong nhiều lĩnh vực từ sân khấu, âm nhạc cho đến múa, hình ảnh và nghệ thuật đường phố nhưng đương nhiên âm nhạc là cái hằng ngày chạm đến sâu thẳm tâm hồn tôi. Âm nhạc là phương tiện tốt nhất để giao tiếp giữa con người với con người, vượt qua các rào cản ngôn ngữ văn hóa.

Trong chương trình “Oh Là Là” chẳng hạn, các nghệ sĩ hát bằng năm thứ tiếng, nhưng bạn sẽ thấy điều đó không hề ngăn cản nghệ sĩ và công chúng chia sẻ cảm xúc, đến gần với nhau.

* Nghệ sĩ Việt Nam, ông thấy ở họ những ưu điểm nào chung và riêng so với các nghệ sĩ quốc tế. Và những điểm bất lợi mà nếu muốn tiến xa hơn, họ phải thay đổi ngay?

- Nghệ sĩ ở nước nào cũng phải đối đầu với những thử thách giống nhau, với những sự hồ nghi giống nhau và những giá trị quy chiếu mang tính truyền thống và di sản. Họ phải tìm ra con đường của mình trong môi trường mà họ hoạt động. Chỉ có môi trường hoạt động khác nhau mà thôi, các thử thách đều giống nhau. Những thay đổi về môi trường nghệ thuật ở Việt Nam đã cho thấy sự ra đời của nhiều nghệ sĩ tài năng.

Tôi muốn nói đến nhà tạo mẫu tên tuổi Minh Hạnh, ca sĩ Lê Cát Trọng Lý, Thanh Lam, hai nghệ sĩ Lê Thanh Hải ở Huế, Phó An My...

* Và Việt Nam còn có những gì để hơn 40 lần qua lại có lẽ sẽ chưa khiến ông muốn dừng chân?

- Đến với Việt Nam càng nhiều tôi càng không giải thích được tại sao mình gắn bó với mảnh đất này đến thế. Với tôi, chỉ có hai nước trên thế giới có sự hấp dẫn không thể cưỡng lại được, đó là Việt Nam và Argentina. Ở hai nơi này, tôi thấy mình sống hài hòa với chính mình. Tôi ngưỡng mộ chiều sâu lịch sử và phong cách sống của hai đất nước này. Và đặc biệt là người dân Việt Nam: luôn hiếu khách. Và cứ thế tôi đi đi về về giữa Pháp và Việt Nam trong suốt những năm qua.

 “Oh Là Là” sẽ đương đại và hấp dẫn

Với tôi, khái niệm festival sẽ không thể thiếu các yếu tố địa điểm, phong cách, một dự án nghệ thuật, một công chúng muốn khám phá và những nghệ sĩ dấn thân. Ví dụ như “Oh Là Là” mà tôi sắp thực hiện: về địa điểm, sân Hàng Đẫy nằm ở vị trí của một trong những sân vận động đầu tiên của Hà Nội đầu thế kỷ 20, được cải tạo những năm 1990 và ở trung tâm thủ đô, gần nhiều công trình quan trọng của thành phố.

Tôi đã luôn mơ sẽ tổ chức một chương trình ca nhạc ở đây và lần này giấc mơ ấy đã thành hiện thực.

Về phong cách, đại nhạc hội mang phong cách trẻ trung với những nhịp điệu sôi động của pop, rock và nhạc điện tử. Về dự án nghệ thuật, chương trình là sự kết hợp và hợp tác theo đúng nghĩa của nó. Tôi đã không thiết kế chương trình nghệ sĩ Việt Nam biểu diễn tại Pháp và đưa nghệ sĩ Pháp biểu diễn riêng tại Việt Nam, mà muốn họ biểu diễn cùng nhau trên một sân khấu, trong cùng một đêm diễn.

Những bài hát được biểu diễn trong chương trình cũng thể hiện hình ảnh của một nước Pháp đương đại: cởi mở và đa văn hóa. Về những nghệ sĩ dấn thân: họ đầu tư thời gian lao động nghệ thuật nghiêm túc và chấp nhận thử thách. Không dễ dàng gì cho một nghệ sĩ nổi tiếng như Thanh Lam tập hát tiếng Pháp, nghệ sĩ Pháp La Grande Sophie học hát tiếng Việt trước cả chục nghìn khán giả.

Và một festival không thể thành công nếu thiếu công chúng. Tôi hi vọng công chúng Hà Nội, đặc biệt là giới trẻ, sẽ thích thú với một chương trình đương đại và hấp dẫn. 

Philippe Bouler

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận