Khi siêu sao trốn thuế

HẢI SƠN 08/07/2017 02:07 GMT+7

TTCT - Cristiano Ronaldo là vận động viên kiếm được nhiều tiền nhất thế giới, nhưng mới đây anh bị cáo buộc trốn thuế.

Messi hầu tòa. Trước pháp luật, mọi người đều bình đẳng -ESPN
Messi hầu tòa. Trước pháp luật, mọi người đều bình đẳng -ESPN

 

CLB chủ quản của anh, Real Madrid, nhanh chóng lên tiếng bảo vệ siêu sao của mình. Đội bóng hoàng gia nói họ tin tưởng CR7 không làm gì sai, và anh sẽ được minh oan. Nhưng phía sau là một chuỗi dài những câu chuyện chưa được hé lộ.

Trước Ronaldo, Lionel Messi từng bị cáo buộc trốn thuế, thậm chí đã bị kết tội. Những cáo buộc Ronaldo trốn thuế cũng giống như Messi trước kia: hầu hết liên quan tới bản quyền hình ảnh, cũng như lập ra những công ty “ma” rồi sử dụng nó để phân bổ các nguồn thu nhập ra nước ngoài nhằm tránh bị nước sở tại đánh thuế.

“Pháp bất vị thân” và “pháp bất dung tình”, bất chấp vị thế và ảnh hưởng xã hội cực lớn của những siêu sao thể thao, nhà chức trách Tây Ban Nha đã làm tới nơi tới chốn những vụ việc này, thể hiện sự nghiêm minh của nền tư pháp vào loại cứng rắn nhất ở châu Âu.

Những vụ việc gửi đi thông điệp rõ ràng cho giới ngôi sao giải trí về nghĩa vụ giải trình và minh bạch thông tin, như với bất cứ người có thu nhập phải chịu thuế này.

Khi điều tra Messi và Ronaldo, các công tố viên Tây Ban Nha không chỉ bóc gỡ những bí mật tài chính của họ ở Tây Ban Nha, mà còn lần đến tận các công ty “ma” được mở ở những nơi né thuế xa xôi nhất, dù là ở Anh, Thụy Sĩ, Uruguay hay... Belize.

Các công ty bình phong này đã giúp Messi và cha anh - cũng là người đại diện của anh - tránh khoản thuế thu nhập lên tới 4,16 triệu euro từ tiền bản quyền hình ảnh. Sự vụ đã khiến tên Messi cũng được nhắc trong Hồ sơ Panama khét tiếng.

Tương tự với Messi, các công tố viên Tây Ban Nha cáo buộc Ronaldo từ chối cung cấp cho cơ quan thuế vụ kê khai kế toán đầy đủ những khoản thu nhập có liên quan tới bản quyền hình ảnh của anh. Ronaldo bị cho là đã sử dụng Tollin - một công ty bình phong - để che giấu thu nhập.

Khoản thuế mà Ronaldo có thể đã né một cách bất hợp pháp có thể lên tới 14,7 triệu euro trong giai đoạn 2011-2014, gấp 3,5 lần Messi.

Để bào chữa cho Ronaldo, công ty đại diện Gestifute của anh đã đưa ra thông cáo nói rằng sử dụng những công ty ở nước ngoài để “điều chuyển dòng thu nhập” là chuyện hết sức bình thường trong giới cầu thủ.

Bản thân Ronaldo luôn muốn đóng thuế đầy đủ đúng theo luật pháp Tây Ban Nha quy định. Tất nhiên, nhà chức trách Tây Ban Nha sẽ không dễ dàng nghe lời ngon ngọt như thế.

Công bằng mà nói, khi Ronaldo gia nhập Real Madrid năm 2009, luật thuế ở Tây Ban Nha còn khá cởi mở với những người lao động nước ngoài kiếm được nhiều tiền.

Nhưng một vấn đề không bao giờ được làm rõ là tỉ lệ phần trăm tiền bản quyền hình ảnh được xác định là “thu nhập tại Tây Ban Nha”. Vấn đề phức tạp bởi Ronaldo đại diện cho các công ty có quy mô toàn cầu: Nike, Coca-Cola, Emirates, Castrol, Herbalife, Tag Heuer...

Nhóm tư vấn của anh tin rằng họ có thể tuyên bố phần thu nhập này là ở nước ngoài. Nhưng nhà chức trách thuế vụ Tây Ban Nha thì nghĩ khác.

Các luật sư của Ronaldo sẽ khó có thể thuyết phục tòa án rằng thu nhập từ bản quyền hình ảnh của anh chủ yếu phát sinh ở... quần đảo Virgin thuộc Anh, một vùng lãnh thổ Caribê chỉ có hơn 28.000 dân và hẳn không mấy người đi hàng không Emirates hay đeo đồng hồ Tag Heuer!

Sau khi vụ việc vỡ lở, báo chí Tây Ban Nha mới phát hiện ra từ năm 2014, Ronaldo đã trả cho cơ quan thuế vụ 6 triệu euro với mong muốn dàn xếp mọi chuyện một cách lặng lẽ.

Nhưng giờ các công tố viên nói số tiền đó không đủ, và họ đang đe dọa có thể biến vụ này thành một vụ khởi tố hình sự.

Phía biện hộ nói họ tin rằng phải tới 90% thu nhập từ bản quyền hình ảnh của Ronaldo là ở nước ngoài (điều này có thể có lý, nhưng không thể là ở Belize hay quần đảo Virgin), và bất chấp điều đó, Ronaldo vẫn đã trả mức thuế tương đương với 20% thu nhập của anh là phát sinh ở Tây Ban Nha trong vụ dàn xếp năm 2014.

Ronaldo, hiện đang cùng đội tuyển Bồ Đào Nha tranh tài ở Confederations Cup tại Nga, giờ có hai lựa chọn: ra hầu tòa hay nhận có tội và trả một khoản tiền phạt (sẽ không nhỏ). Kịch bản tồi tệ nhất là sẽ giống như Messi, bị tuyên án 21 tháng tù treo vì phạm lỗi lần đầu.

Ở tuổi 32, lúc này rất nhiều tin đồn đang rộ lên về tương lai của anh, với sự chú ý từ Paris Saint-Germain, Manchester United, hay những đội bóng giàu sụ ở Trung Quốc, và cả điểm dưỡng già quen thuộc của các ngôi sao châu Âu: giải nhà nghề Mỹ.

Tuy nhiên, trước khi Ronaldo được phép rời Tây Ban Nha, anh sẽ phải giải quyết cho xong chuyện thuế má đã.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận