TTCT - Trong khi các nhà chức trách tiếp tục bàn thảo những giải pháp, hoàn thiện quy định... đảm bảo an toàn thực phẩm thì hằng ngày người tiêu dùng vẫn phải “đánh đu” số phận của mình với nguy cơ mất an toàn trong tiêu dùng thực phẩm.

Phóng to
Các loại trái cây sấy khô không nhãn mác, không nguồn gốc là thuốc độc giết người dần dần - Ảnh: Thuận Thắng

Thịt thối, chất tạo nạc, xí muội Trung Quốc nhiễm chất cực độc, hóa chất công nghiệp bán tràn lan... là những câu chuyện thời sự nóng bỏng liên tục trong vài tuần qua, không chỉ là mối lo của các bà nội trợ mà còn là câu chuyện của thế hệ, giống nòi. Nhiều phân tích tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn vệ sinh thực phẩm gần đây cho thấy với cung cách quản lý hay sự tồn tại của những bất hợp lý, sự chồng chéo trách nhiệm như hiện nay, nguy cơ mất an toàn thực phẩm vẫn còn tiềm ẩn dài dài.

Đùn qua, đẩy lại

Phụ gia thực phẩm đang được sử dụng rộng rãi với 70-90% các loại thực phẩm chế biến. Tuy nhiên, việc sử dụng phụ gia thực phẩm không đúng quy định còn diễn ra ở hầu hết địa phương, với hai nhóm hành vi chủ yếu là sử dụng phụ gia ngoài danh mục cho phép (chiếm 50-87%) hoặc với hàm lượng vượt quá giới hạn (chiếm 22-93%) ở các địa phương trong cả nước.

Ông Trần Trọng Bình - phó cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49, Bộ Công an) - cho hay đã có ít nhất hai kiến nghị gửi Bộ Y tế từ năm 2005, nhưng quả thật trong xử lý các vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn gặp nhiều khó khăn vì đến nay những kiến nghị đó chưa được giải quyết một cách thỏa đáng.

Ông Bình kể vài câu chuyện mà cảnh sát môi trường từng “đụng” phải cũng dở khóc dở mếu. Và đó là những sự việc phản ánh thực tế bất cập trong kiểm soát an toàn thực phẩm sẽ còn tiếp diễn.

Theo ông Bình, khi xin ý kiến vụ đưa chất formol vào bánh phở, các bộ ngành đều nói loại hóa chất này có tác hại rất lớn nhưng xử lý hình sự không được vì luật quy định phải gây thiệt hại nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng về sức khỏe mới khởi tố hình sự được. Khi đưa vụ việc ra bàn, ngành kiểm sát không đồng ý khởi tố xử lý hình sự vì luật không cho phép. Do vậy những vụ việc được phát hiện phải chuyển sang xử lý hành chính kinh doanh trái phép, trong khi “rõ ràng đây là hóa chất công nghiệp đưa vào thực phẩm”.

Cảnh sát môi trường bắt giữ gần 3 tạ mỡ heo thối để bán cho những hàng chiên cháo quẩy, bánh... Thanh tra ngành y tế nói chưa phải là thực phẩm vì còn trong giai đoạn... mỡ. Hỏi thanh tra ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn nói hễ mang ra chợ bán (cùng với lòng, thịt heo) thì chắc chắn phải là thực phẩm. Mất gần một ngày trời nhưng không phối hợp xử lý được.

Như đã đề cập, phải có thiệt hại tính mạng, có người chết... mới coi là nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng. Nhưng theo ông Bình, có những thứ chất tồn dư trong cơ thể phải đến cả chục năm sau mới gây bệnh tật hay ung thư chứ đâu có làm chết ngay.

Không khó xử lý

Cảnh sát môi trường đã đề xuất với Chính phủ và các bộ ngành liên quan nghiên cứu để ra quy định về những loại hóa chất cấm đưa vào thực phẩm. Nếu Bộ Y tế đưa ra được danh mục chất cấm đưa vào thực phẩm thì hoàn toàn có thể xử lý hình sự một số vụ vi phạm rất nghiêm trọng.

“Nếu Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có danh mục chất cấm đưa vào thức ăn chăn nuôi thì Bộ Y tế chắc chắn sẽ làm được danh mục chất cấm đưa vào thực phẩm” - ông Bình cũng lưu ý ở đây điều quan trọng hơn phải định lượng rất rõ ràng những chất cấm đưa vào thực phẩm bao nhiêu là khởi tố hình sự được.

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhắc Bộ Y tế đã hai lần nợ việc xếp hạng các địa phương về chỉ số an toàn vệ sinh thực phẩm. Bộ cũng chưa báo cáo được từng địa phương tiến bộ như thế nào trong lĩnh vực này. Cuối năm nay, Bộ Y tế phải có được chỉ số này, song trước mắt các địa phương tự đánh giá, xếp hạng cho mình.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận