Không dễ dùng SWIFT làm đòn trừng phạt

NGUYỄN VŨ 08/03/2022 00:05 GMT+7

TTCT - Trong tuyên bố phương Tây đưa Nga ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT nhằm đáp trả chiến dịch quân sự của Matxcơva ở Ukraine, cần chú ý chỉ có “một số ngân hàng của Nga” bị loại, chứ không phải là tất cả.

Đó là bởi họ còn phải chừa ra một số ngân hàng để các nước như Đức, Ý chuyển tiền tiếp tục mua khí đốt từ Nga, và để giảm mức độ tăng giá dầu thô đang là tác nhân gây lạm phát ở Mỹ.

SWIFT (Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication, tức Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn thế giới) là một hệ thống liên lạc mà đa số các ngân hàng trên khắp thế giới sử dụng để chi trả cho nhau một cách nhanh chóng, bất kể hàng rào địa lý. Nhờ nó mà giao thương quốc tế mới có thể tiến hành thông suốt.

Năm 2021, mỗi ngày có đến 42 triệu giao dịch diễn ra thông qua SWIFT (tăng 11,4% so với năm 2020), trị giá hàng trăm tỉ USD. Nga với hơn 300 tổ chức tài chính tham gia hệ thống này là nước sử dụng SWIFT nhiều thứ nhì sau Mỹ. Nên biết SWIFT chỉ là mạng thông tin, chỉ chuyển thông tin từ ngân hàng này đến ngân hàng khác chứ không chuyển tiền; thanh toán tiền bạc giữa các ngân hàng phải qua tổ chức khác.

Nếu các nước châu Âu, Mỹ và Canada đồng thuận và buộc SWIFT loại bỏ Nga ra khỏi hệ thống thì các ngân hàng Nga xem như bó tay, không thể thanh toán hay nhận nợ cho khách hàng. Năm 2012 khi Iran không còn được sử dụng hệ thống SWIFT, nước này thiệt mất gần một nửa doanh thu bán dầu và 30% thương mại quốc tế.

Tuy nhiên, loại bỏ toàn bộ như thế thì lợi ích của một số nước châu Âu sẽ bị ảnh hưởng. Hiện nay Nga là bạn hàng thương mại lớn thứ năm của EU, là nơi cung cấp đến 41% lượng khí đốt cho các nước châu Âu và là nơi đang nắm giữ 350 tỉ USD tài sản của những nước này. Không có SWIFT làm sao các nước này nhận tiền mua hàng của Nga; làm sao trả tiền cho Nga để duy trì dòng chảy khí đốt và dầu mỏ. Một khi nguồn cung dầu khí giảm, giá sẽ tăng vọt.

Dù chưa có danh sách cụ thể ngân hàng nào bị ảnh hưởng, có thể suy đoán EU sẽ để ngỏ cơ hội cho những ngân hàng đảm nhận việc thanh toán cho các khoản mua khí đốt hay dầu mỏ từ Nga. Một ngoại lệ khác nữa là những ngân hàng đang nợ phương Tây, cũng sẽ được kết nối với SWIFT để trả nợ. Hiện các ngân hàng, doanh nghiệp, tổ chức ở Nga đang nợ các ngân hàng nước ngoài chừng 121 tỉ USD, trong đó 14,7 tỉ nợ các ngân hàng Mỹ, 50 tỉ nợ ngân hàng Ý và Pháp chia đều. Rất có thể người ta sẽ sử dụng chính cơ chế nội bộ SWIFT để lọc xem giao dịch nào được tiến hành, giao dịch nào sẽ bị chặn.

Khi không tiếp cận được SWIFT, các ngân hàng Nga và đối tác có thể sẽ chuyển sang hệ thống thông tin khác, kể cả tin nhắn thông thường, fax hay điện tín (trước lúc có SWIFT, các ngân hàng giao dịch với nhau bằng TELEX). Ngoài ra, các giao dịch có thể chuyển sang hệ thống SPFS dù không bao quát và tinh vi như SWIFT nhưng cũng tạm dùng được. Hệ thống SPFS của Nga hiện có 400 tổ chức tài chính từ 23 nước sử dụng; chừng 20% giao dịch nội địa Nga được tiến hành thông qua mạng lưới này nhưng chỉ hạn chế trong giờ làm việc chứ không hoạt động ban đêm hay những ngày cuối tuần. Cũng có thể ngân hàng bị loại trừ sẽ giao dịch thông qua ngân hàng không bị ảnh hưởng.

 
 Ảnh: Reuters

Sử dụng vũ khí SWIFT đối với Nga có thể có hại đến lợi ích lâu dài của Mỹ. Hiện Mỹ đang chiếm thế thượng phong trong nền tài chính quốc tế là nhờ vị thế của đồng đôla Mỹ và lợi thế chủ động trong thanh toán quốc tế. Nếu Mỹ chính trị hóa SWIFT sẽ buộc Trung Quốc có động lực đẩy mạnh CIPS, một đối thủ cạnh tranh với SWIFT trong thanh toán xuyên biên giới sử dụng nhân dân tệ. Hiện nay CIPS đã chiêu dụ được khá nhiều ngân hàng lớn tham gia. Vào cuối năm 2021, mạng này có lượng giao dịch hằng ngày vào khoảng 310 tỉ nhân dân tệ (chừng 50 tỉ USD), còn ít hơn nhiều so với chừng 400 tỉ USD của mạng SWIFT nhưng đã tăng gấp đôi so với trước đó một năm.

Tuyên bố của các nước cũng nói họ sẽ tìm cách ngăn chặn ngân hàng trung ương của Nga sử dụng 640 tỉ USD dự trữ ngoại hối của nước này. Họ làm được điều này là bởi dự trữ ngoại hối của một nước thường có một tỉ lệ cao duy trì bằng USD hay euro và đầu tư ở nước ngoài. Nếu dự trữ ngoại hối đang nằm trong tài khoản của một ngân hàng do phương Tây làm chủ, các nước dễ dàng đóng băng tài khoản này, Nga không thể giải ngân. Dự trữ ngoại hối cũng có thể ở các dạng tài sản khác như trái phiếu, vàng, chứng khoán… cũng có thể bị đóng băng, không được giao dịch nếu nằm bên ngoài nước Nga. Theo IMF, cơ cấu dự trữ ngoại hối của Nga gồm 6,6% là đôla Mỹ, nhân dân tệ Trung Quốc đến 13,8%. Đó không hẳn là ngoại tệ mà còn có thể là các tài sản khác định giá bằng hai đồng tiền này. Phần còn lại có tài sản ở Pháp (12,2%), Nhật (10%), Đức (9,5%)… ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận