Không thể biện minh...

TTCT - Thật ngỡ ngàng khi nhìn thấy những tấm ảnh “sởn gai ốc” trên TTCT số 48 (ra ngày 4-12) về việc trùng tu di tích ở Huế. Với trách nhiệm của người làm công tác nghiên cứu bảo tồn di sản văn hóa ở Huế, tôi xin nói lên những suy nghĩ của mình trên tinh thần góp ý xây dựng.

Tiền tỉ và những vết thương di sản

Phóng to

So với 10 năm trước, hiện nay các dự án bảo tồn trùng tu di tích đã và đang được vận hành theo quy trình được luật hóa từ khâu nghiên cứu lập dự án, phản biện hội đồng, thực thi trùng tu, lập hồ sơ hoàn công và nghiệm thu bàn giao công trình. Tuy nhiên, những gì xảy ra tại các khu di tích cố đô Huế mà TTCT phản ánh khiến chúng ta phải suy nghĩ và rà soát lại từng công đoạn trong quy trình nêu trên.

Những điều đáng tiếc

Theo quy chế của Cục Di sản văn hóa thuộc Bộ Văn hóa - thông tin (cũ) ban hành năm 2004, tất cả các dự án trùng tu di tích đều phải được lập thành dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp của Minh Ân viện, Công Nghĩa đường và Vĩnh Khánh đường ở lăng vua Đồng Khánh là trường hợp đáng tiếc. Nếu trong khâu nghiên cứu lập dự án các nhà tư vấn thiết kế khảo sát kỹ càng và ghi nhận hiện trạng một cách nghiêm túc thì việc loại bỏ trang trí trên các bức tường hoặc nền lát gạch hoa sẽ không xảy ra. Và nếu hồ sơ thiết kế có chi tiết phục hồi trang trí này thì đây là lỗi do thi công (?).

Hình trang trí trên tường nội thất Vĩnh Khánh đường hay Minh Ân viện là hình thức “Liên Vạn Cẩm”, môtip trang trí phổ biến của kỹ thuật chạm khắc gỗ trong trang trí kiến trúc Nguyễn, nay được thể hiện bằng kỹ thuật bích họa. Ngoài ra, kỹ thuật vẽ mạch vữa trên các bức tường (phần ngoại thất) cũng có thể thấy được mặc dù đã bị che phủ bởi lớp vôi trắng quét tạm thời. Hình thức trang trí này cũng có ở Ngưng Hy điện (lăng vua Đồng Khánh).

Tôi nhớ không lầm thì kỹ thuật bích họa này cũng xuất hiện trong trang trí nội thất công trình Ngũ Đại Đồng đường (Trường Sanh cung) trước lúc trùng tu (quan sát được do những mảng vôi bị bong tróc), nhưng sau khi trùng tu (2008) thì không còn nữa.

“Đồng phục hóa” di tích?

Gạch hoa được sử dụng lần đầu tiên ở kiến trúc cung đình Huế vào năm Thành Thái thứ 11 (lát nền Cần Chánh điện) như một sự kiện công nghệ quan trọng. Vì vậy, việc loại bỏ nền lát gạch hoa ở Vĩnh Khánh đường để thay vào bằng nền lát gạch Bát Tràng như hiện nay là sai lệch hẳn. Kỹ thuật sơn thếp truyền thống (sơn mài) ban đầu chỉ được sử dụng đối với đồ gia dụng cao cấp của hoàng gia, các bức liễn đối, hoành phi hoặc cửa khuếch phanh hay quách bình môn có diện tích sơn thếp nhỏ, kích thước vừa tầm thao tác của người thợ.

Những bức ảnh đen trắng chụp Cần Chánh điện (trong Hoàng thành) cho thấy đến đầu thời Thành Thái hệ khung gỗ vẫn để gỗ mộc và không sơn thếp. Đến thời Khải Định, kỹ thuật sơn thếp mới bắt đầu được ứng dụng để trang trí kiến trúc một cách rộng rãi, tạo nên sự nguy nga tráng lệ cho cung điện triều Nguyễn. Tuy nhiên, không phải công trình nào cũng được sơn thếp, vì chi phí cho công việc này cực kỳ tốn kém và triều đình Nguyễn chắc chắn phải cân nhắc.

Tôi đồng ý với ông Phùng Phu (nguyên giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế), trong phục hồi di tích cố đô Huế phải dựa trên nền tảng chung, đó là một phong cách Nguyễn đã được nghiên cứu. Tuy nhiên, trên nền tảng “mẫu số chung” đó cần phải xác định “tử số” của từng giai đoạn kiến trúc.

Kiến trúc thời Gia Long là sự tiếp nối truyền thống, thời Minh Mạng đến thời Tự Đức là quá trình định hình phong cách và chuyển hóa nội tại, thời Thành Thái - Đồng Khánh là giai đoạn ứng phó với sự tác động của yếu tố ngoại lai, và giai đoạn Khải Định - Bảo Đại đã hình thành được một phong cách mới cho kiến trúc Nguyễn ở Huế.

Mặt khác, cần lưu ý rằng các nghiên cứu chuyên ngành về lịch sử công nghệ kiến trúc hiện nay ở di tích Huế chưa được đúc kết có hệ thống, mà theo sự đúc kết lý luận của các quốc gia nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực này như Nhật Bản, Ba Lan, Ý.

Trở lại với “thực đơn” vật liệu kiến trúc hiện nay đang sử dụng để trùng tu di tích, vật liệu ngói lợp hoàng lưu ly, thanh lưu ly (ngói vàng, ngói xanh) là hai trong nhiều chủng loại ngói được sử dụng trong quần thể di tích kiến trúc Nguyễn. Chọn hình thức mái ngói lợp theo cách “trùng diêm” hoặc hoàng lưu ly hay thanh lưu ly là có chủ đích của các chủ nhân bấy giờ. Thế nhưng, các công trình trùng tu di tích Huế lâu nay đều làm theo cách “đồng phục”: công trình kiến trúc chính thường lợp ngói hoàng lưu ly, các công trình phối thuộc thì lợp ngói thanh lưu ly.

Hơn 15 năm trong nghề bảo tồn trùng tu di tích, tôi nhận thấy được cái khó của công việc này. Cái đích cần đạt đến của công tác bảo tồn là gìn giữ đến mức cao nhất các giá trị nguyên gốc của di tích. Chỉ một chút thiếu trách nhiệm, hoặc có thể chỉ là sự sai sót vô tình đều dẫn đến sự mất mát, vĩnh viễn không thể tạo dựng lại được!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận