Khủng hoảng môi trường từ thời trang nhanh

HẠNH NGUYÊN 24/07/2017 20:07 GMT+7

TTCT - Các hãng thời trang nhanh (fast fashion), nơi chi rất nhiều tiền để tiếp thị và khuyến khích người tiêu dùng liên tục chi tiền mua những món đồ có vẻ rẻ và hợp mốt, đang bị cáo buộc gây ra khủng hoảng ô nhiễm trên thế giới.

Ngay cả những thị trường truyền thống cho quần áo dùng rồi như châu Á và châu Phi, hàng thời trang nhanh cũng không được chuộng vì chúng quá xấu xí và vô giá trị. -Ảnh: Newsweek
Ngay cả những thị trường truyền thống cho quần áo dùng rồi như châu Á và châu Phi, hàng thời trang nhanh cũng không được chuộng vì chúng quá xấu xí và vô giá trị. -Ảnh: Newsweek

 Những khách hàng đến cửa hàng H&M ở New York vào tháng 4-2016 chứng kiến một núi quần áo chồng lên nhau tới trần nhà. Câu trích dẫn của nhà văn người Anh T.S. Eliot trên tường “In my end is my beginning” - với hàm ý khởi nguồn một vòng đời mới ở điểm kết thúc - khiến cửa hàng giống một phòng trưng bày nghệ thuật.

Cạnh đó, các phóng viên và blogger thời trang nhấp rượu trong khi xem các mannequin mặc trang phục được thiết kế riêng dựa trên chất liệu là những quần jeans cũ, áo jacket và blouse cũ.

Bữa tiệc này ra mắt bộ sưu tập Conscious Collection của H&M - một thương hiệu thời trang nhanh thuộc hàng lớn nhất hiện nay trên thế giới với gần 4.000 cửa hàng, và doanh thu 25 tỉ USD năm 2015.

H&M muốn quảng bá về sáng kiến thuyết phục khách hàng mang quần áo cũ (từ bất kỳ thương hiệu nào), bỏ vào những thùng chứa ở các cửa hàng H&M khắp thế giới. “H&M sẽ tái chế và tạo ra chất liệu dệt may mới, bạn sẽ có phiếu mua hàng để dùng tại H&M. Ai cũng được lợi!” - H&M cho biết.

Cảm giác “tiêu dùng có ý thức” mà H&M tạo ra cho khách hàng có vẻ rất tốt, nhưng chuyện không đơn giản như vậy.

Chỉ có 0,1% tất cả quần áo mà các tổ chức từ thiện nhận được đã được tái chế tạo ra vật liệu mới, theo giám đốc phát triển bền vững của H&M Henrik Lampa.

Dù chi tiêu rất nhiều vào chương trình tiếp thị thông qua Tuần lễ tái chế thế giới (World Recycle Week) để thúc đẩy ý tưởng tái chế quần áo, trong đó có cả video âm nhạc của M.I.A. - những gì H&M đang làm không có gì đặc biệt.

Những món quà tặng bị từ chối

Theo EcoWatch năm 2015, ngành thời trang nhanh ô nhiễm thứ hai trên thế giới, là nguyên nhân làm căng thẳng hơn ô nhiễm nước và không khí.

Thực tế, với tốc độ sử dụng đang được đẩy nhanh chóng mặt của các hãng thời trang nhanh thông qua xu hướng và các mùa được rút ngắn tuổi đời, quần áo mua từ các hãng thời trang có thể đã quá cũ nếu chúng được dùng sau khoảng một năm, thậm chí chỉ sau vài lần giặt.

Nhiều cửa hàng bán đồ cũ qua sử dụng (second hand) đã từ chối những món đồ từ các chuỗi cửa hàng thời trang nhanh như Forever 21, H&M, Zara và Topshop.

Những món đồ rẻ tiền bao giờ cũng đi kèm chất lượng thấp, không bán lại được với giá tốt. Và vấn đề lớn hơn cả là các cửa hàng nhận được quá nhiều món đồ như vậy.

Theo Cơ quan bảo vệ môi trường (EPA), 84% quần áo bị bỏ đi ở Mỹ năm 2012 đã đi đến bãi rác hoặc lò thiêu rác.

Khi các sợi vải tự nhiên như cotton, linen và lụa hay sợi bán tổng hợp được tạo ra từ cellulose thực vật, được vùi lấp ở bãi rác, chúng sẽ tạo ra khí thải nhà kính khi phân hủy.

Nhưng không như vỏ chuối, bạn không thể làm phân trộn từ quần áo cũ, ngay cả khi chúng được làm từ những vật liệu tự nhiên.

“Sợi vải tự nhiên phải qua rất nhiều quy trình phi tự nhiên khi trở thành vải - Jason Kibbey, CEO của Liên minh May mặc bền vững (The Sustainable Apparel Coalition), cho biết - Chúng phải được tẩy, nhuộm, in, ngâm trong chất hóa học”.

Những hóa chất này có thể phân hủy từ vải và lẫn vào bãi rác nhưng không qua xử lý phù hợp, và vào nguồn nước ngầm. Nếu đốt trong lò thiêu thì những chất độc hại sẽ bay lẫn vào không khí.

Những chất sợi tổng hợp cũng có vấn đề môi trường tương tự, vì chúng là loại nhựa được làm từ xăng dầu, và sẽ cần tới cả trăm năm, nếu không nói là ngàn năm, để phân hủy.

Tại Mỹ, trong chưa tới 20 năm, số lượng quần áo mà người dân ở đây vứt đi đã tăng gấp 2 lần, từ 7 triệu lên tới 14 triệu tấn (36 kg/người).

EPA ước tính xử lý được các chất độc hại từ đây sẽ tương đương việc không cho vào lưu thông 7,3 triệu chiếc xe hơi. Chi phí xử lý rác thải từ quần áo cũ cũng khổng lồ, khoảng 45 USD/tấn để đưa tới bãi rác.

Hằng năm, TP New York tốn 20,6 triệu USD để đưa đống chất thải này đến bãi rác hay lò thiêu, đây là lý do họ muốn chuyển quần áo cũ đi nơi khác, thay vì đến bãi rác.

Nhưng chỉ có 0,3% trong số 200.000 tấn vải vóc quần áo đến bãi rác mỗi năm ở New York, hầu hết đều đến các tổ chức từ thiện, như Goodwill, Salvation Army hay các cửa hàng nhỏ địa phương. Khi người dùng không thấy quần áo cũ của mình nữa, hành trình của những quần áo này trên quốc tế mới bắt đầu.

Những loại quần áo mặc nhanh, thải nhanh gây ô nhiễm nặng nề cho môi trường. -Ảnh: Newsweek
Những loại quần áo mặc nhanh, thải nhanh gây ô nhiễm nặng nề cho môi trường. -Ảnh: Newsweek

 Quần áo cũ ở châu Phi

Theo Hội đồng Tái chế dệt may (Council for Textile Recycling), các tổ chức từ thiện chỉ bán lại được 20% quần áo họ nhận hiến tặng tại các cửa hàng bán lẻ.

Tổ chức phi lợi nhuận N Street Village ở Washington, D.C., nơi cung cấp dịch vụ cho những người vô gia cư và phụ nữ thu nhập thấp, cho biết trong danh sách hàng hóa họ kỳ vọng nhận được, họ không muốn nhận quần áo vì đã có quá nhiều, ngoại trừ một số mặt hàng đặc biệt có ích nhưng ít khi nhận được như áo ngực hay áo mưa.

Thời trang nhanh đã buộc các tổ chức từ thiện phải xử lý số lượng lớn quần áo trong một thời gian ngắn hơn để có được doanh thu lớn nhất có thể, giống y mô hình của các nhà bán lẻ thời trang nhanh.

“Chúng tôi phải lục lọi nhiều món đồ hiến tặng để tìm được món đồ phù hợp, tức là chi phí để làm việc đó và đưa sản phẩm tới khách hàng sẽ cao hơn” - David Raper, phó chủ tịch cấp cao của Housing Works, cho biết.

Chiến lược quảng cáo sản phẩm mới liên tục này tương tự hãng bán lẻ thời trang nhanh Tây Ban Nha Zara, nơi thành công trong việc thay đổi toàn diện ngành bán lẻ thời trang bằng cách đưa ra các thiết kế mới hai tuần/lần, thay vì một hay hai bộ sưu tập mỗi mùa như trước đây.

Theo Hong Kong Economic Times (2014), H&M phải thuê hơn 250 nhà thiết kế làm việc, đưa ra hơn 12.000 mẫu mỗi năm. Các công ty cũng phải hợp tác với các hãng khác để đưa ra đủ mẫu quần áo cho thị trường.

Theo Forbes (2012), Zara hợp tác với 300 cửa hàng ở Bồ Đào Nha và Galacia để những nơi này cung cấp các kiểu mẫu cho Zara chọn.

Quần áo phải được đưa ra thị trường càng nhanh càng tốt, ai đó sẽ trả ít tiền để mua chúng, mặc và nhận thấy thực ra loại quần áo này không bền. Nhưng họ không phải chờ lâu, vì vừa vặn lúc món đồ đó hư thì đã có hàng mới ở cửa tiệm chờ sẵn. Và vòng quay cứ thế tiếp diễn.

Nếu tặng quần áo ở New York và món hàng không được bán ở các cửa hàng đồ cũ, thì có thể chúng sẽ đến Trans-Americas Trading Co.

Các công nhân tại nhà kho ở Clifton, New Jersey, nhận và xử lý khoảng 37.000kg quần áo mỗi ngày. Đôi khi, họ tìm thấy những đồ có giá trị mang màu sắc vintage để cho vào thùng xử lý những đồ dùng lại được, và bán tại các cửa hàng vintage ở Brooklyn.

Nhưng số này chỉ chiếm 2%. Còn lại là những thứ khác được phân loại theo chất lượng và chất liệu. 40% quần áo sẽ được chọn và chuyển đi khắp thế giới để bán lại. Năm 2004, 81% quần áo mua ở Uganda là đồ cũ.

Năm 2005, theo báo cáo của Oxfam, quần áo cũ chiếm 1/2 số quần áo nhập vào châu Phi hạ Sahara. Bởi thế, từ những năm 1990, ngành dệt may ở những nước châu Phi này sụp đổ.

Đầu năm 2015, hội nghị các lãnh đạo Đông Phi đã chứng kiến một số lãnh đạo đề nghị cấm nhập khẩu hàng hóa đã qua sử dụng vì chúng tạo ra sự hỗn loạn về kinh tế hậu thuộc địa.

Báo cáo năm 2005 của Oxfam cho biết ở Kenya, gần 1/4 quần áo cũ nhập về là không bán được vì kém chất lượng. Khi thị trường thời trang nhanh mở rộng, và hiện tượng “hư hỏng chỉ sau hai lần mặc” thì nguồn cung hàng hóa cũ cũng mở rộng theo.

Kiểu tái chế quần áo theo cách cũ đã không còn phù hợp vì có quá nhiều món hàng thời trang nhanh thải loại. Ảnh: Newsweek
Kiểu tái chế quần áo theo cách cũ đã không còn phù hợp vì có quá nhiều món hàng thời trang nhanh thải loại. Ảnh: Newsweek

 Chi phí môi trường

Chi phí mà hành tinh phải gánh chịu từ những hàng hóa này rất lớn. Các công ty như Adidas, Levi’s, Nike và H&M dĩ nhiên không muốn khách hàng dừng mua hàng, cũng không muốn rời khỏi mô hình kinh doanh thời trang nhanh đang tạo ra rất nhiều lợi nhuận.

Việc tiêu dùng quần áo sẽ ngày càng tăng, giá quần áo nhìn chung sẽ rẻ hơn, chi phí làm ra thấp hơn. Nếu mọi việc cứ tiếp diễn, ta sẽ sớm chứng kiến cơn khủng hoảng quần áo cũ toàn cầu.

Cotton là loại sợi tự nhiên thông dụng nhất và dùng trong 40% quần áo, được trồng khắp thế giới, đặc biệt ở Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Pakistan và Brazil.

Thực tế đây là loại cây cần rất nhiều nước và là một trong những loại phụ thuộc hóa chất nhiều nhất. 2,4% diện tích trồng trọt trên thế giới là cây cotton, nhưng nó chiếm 10% hóa chất nông nghiệp và 25% thuốc trừ sâu.

Và thuốc nhuộm đang tạo ra một dạng “thảm họa Fukushima hóa chất” ở Indonesia. Sông Citarum được xem là một trong những dòng sông ô nhiễm nhất thế giới một phần vì hàng trăm nhà máy dệt hoạt động dọc bờ sông.

Trước khi khuyến khích người dùng tham gia “giải cứu nạn ô nhiễm”, việc đầu tiên là ngành thời trang phải làm sao để bớt ô nhiễm.

Điều này rất khó vì chuỗi cung ứng trong ngành dài và khuếch tán: Levi’s có hơn 500 nhà cung ứng ở Mexico, Trung Quốc, Pakistan, Haiti, Ai Cập, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Bangladesh, nên không dễ dàng để hiểu hóa chất họ dùng là gì. Hãng này vừa đưa vào áp dụng chương trình xử lý ít nước hơn với quần jeans - Water

(Theo Newsweek, AlertNet.org, Washington Post)

Mỗi năm, thế giới sản xuất ra khoảng 2 tỉ quần jeans, một chiếc cần 7.000 lít nước để sản xuất, cần 2.700 lít nước để sản xuất ra một chiếc áo thun - tương đương lượng nước cần cho một người dùng trung bình trong 900 ngày.

Ở Hong Kong, ước tính cứ mỗi phút người ta vứt đi tương đương 1.400 áo thun. Ngành dệt may, đặc biệt là lĩnh vực thời trang nhanh, bị xem là cơn lốc xoáy tàn phá môi trường. “Ngành may mặc là nơi gây ra ô nhiễm nhiều thứ hai trên thế giới, chỉ sau ngành dầu hỏa” - hãng bán lẻ đồ sang trọng Eileen Fisher từng nhận định.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận