Ký ức ban đầu

ĐĂNG THUYÊN 07/01/2017 02:01 GMT+7

TTCT - Ký ức đầu tiên của một người là những gì? Các nhà khoa học cho rằng ký ức của con người sẽ ghi nhận những chuyện từ hai tuổi trở lên, trước tuổi đó hầu như không nhớ được bao nhiêu.

Minh họa: VIIP
Minh họa: VIIP

Khi đọc điều này, tôi nhắm mắt lại và cố nhớ xem mình có ký ức từ năm bao nhiêu tuổi? Có lẽ lúc đó là khoảng hơn một tuổi. Có một buổi chiều trong đời, chị Sắn, người giúp việc cho gia đình lúc đó, đặt tôi ngồi trong cái thau nhôm lớn đã pha sẵn nước ấm.

Chị xối nhẹ nước lên đầu tôi khiến tôi ré lên, vừa sợ hãi vừa phấn khích. Xong chị xoa xà bông vào tóc và tấm thân trần trụi của tôi. Trí nhớ bé thơ của tôi ghi nhận ngoài trời còn nắng, cái thau đặt bên trong bờ tường bằng ximăng quét vôi xanh nhạt.

Chị Sắn bận áo bà ba trắng, da ngăm đen và có hàm răng trắng bóc. Chị có mái tóc dài, kẹp không sát phía gần cổ mà lửng lơ giữa mái tóc. Mùi xà bông Cadum thơm dịu dàng chung quanh tôi, trong không khí nồng oi của một mùa hè năm 1963 ở Phú Nhuận.

Là những lần đùa với ba tôi trong bữa ăn, khi tôi lên năm. Ba tôi có một tư thế ngồi ăn cơm khá kỳ lạ. Ông luôn đặt một cái ghế đẩu bé xíu lên mặt cái ghế xếp có lưng dựa và ngồi lên ghế đẩu, co bàn chân đặt lên mặt ghế xếp.

Ông ngồi suốt buổi cơm, uống nửa chai bia lớn Larue, nửa chai còn lại bỏ tủ lạnh để chiều uống tiếp. Thấy tôi la cà bên cạnh (lúc đó đã ăn no), ông cho hớp một ngụm bia đắng, bật cười khi thấy mép tôi dính bọt trắng.

Ăn cơm xong, ông ngồi tại chỗ hút ống điếu, thả những làn khói trắng lên nóc nhà và thế nào tôi cũng chơi trò giơ tay chộp lấy làn khói, miệng hô: “Bắt khói! Bắt khói!”. Năm lên năm hay sáu tuổi, nhiều lúc tôi bị đau khi chơi trò chui ra chui vào gầm bàn để đầu va vào cạnh bàn.

Thấy tôi khóc, ông luôn nói một câu: “Thôi thôi đừng khóc, để lấy dây kẽm ràng lên cái đầu bị bể!”. Ông nói giọng rất vui, tràn đầy tình âu yếm.

Ấn tượng này tôi nhớ rất rõ. Nên chỉ vài năm sau đó, tôi luôn ngạc nhiên tự hỏi vì sao người cha luôn cưng chiều mình lúc bé thơ lại trở nên nghiêm khắc, dữ đòn với đứa con ông thường âu yếm. Mãi khi tôi tới tuổi trưởng thành, ông vẫn giữ thái độ xa cách với đứa con trai út vốn hiền lành là tôi. Đến khi ông mất gần nửa thế kỷ sau, tôi vẫn chưa tìm được câu trả lời.

Khi ba tôi nằm trên giường bệnh, nghĩ về ông, tôi nhớ những kỷ niệm ban đầu nhỏ nhoi như vậy, chứ không phải là những trận đòn roi có lý và vô lý triền miên từ ông khi tôi bảy, tám tuổi cho đến khi học hết cấp hai.

Những ký ức giúp tim tôi không trở thành sẹo, không biết oán giận, thậm chí luôn tìm lý do bào chữa cho ông, dựa vào những gì ông có thể trải qua khi cuộc sống ngày càng khó khăn. Những trìu mến thân thương ban đầu như vậy giúp tôi trìu mến và thương yêu, kiên nhẫn dẫn dắt từng chút một hành trình ấu thơ của hai đứa con trai thơ dại.

Để mong các con sẽ có hàng ngàn, hàng vạn, hàng triệu kỷ niệm thân thương trong tim, không chỉ là một chút khói thuốc để bắt, một câu nói đùa để nhớ hoài hay một vị bia đắng để gợi lại ký ức tuổi nhỏ.

Ba tôi không sống cùng với hai cháu trai được bao lâu. Nhưng vô tình và gián tiếp, qua tôi, ông để lại cho cháu nội những điều giúp cháu lớn lên trong cuộc sống đầy thương yêu. Từ bộ lọc khôn ngoan của trí nhớ và trái tim.

Hãy tạo những ký ức ban đầu đẹp đẽ tràn đầy yêu thương cho trẻ thơ. Và tiếp tục tạo những ký ức đẹp mỗi ngày cho người thân của mình. Đó là điều đáng làm nhất trong đời.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận