Làm dấu mùa rơi

LÊ MINH NHỰT 15/05/2019 04:05 GMT+7

“Má con nói có mấy cái bánh đem qua cho cậu mợ ăn lấy thảo, năm nay đám giỗ ba, nhờ bà con tới phụ đông nên gói được nhiều hơn mọi năm!”.

Nhỏ cháu khép nép nhưng không kém phần trịnh trọng khi đưa bọc bánh ra bằng cả hai tay rồi khoanh tay cúi chào và từ giã ra về. Hai đòn bánh tét gói bằng dây lát, một đòn cột thêm sợi dây màu đỏ (chắc để làm dấu đòn bánh có nhưn chuối mà cậu thích ăn) với chục bánh ít đậu xanh, vừa nắn nhẹ đã chạm phải phần nhưn cồm cộm qua lớp lá.

Cậu sực nhớ, mình chẳng phụ được chút công sức gì cho đám giỗ bên nhà nhỏ cháu, và hồi trưa cũng chỉ tạt qua giây lát, thắp nén nhang lên bàn thờ, uống vài ly chiếu lệ rồi gấp gáp từ giã để kịp giờ dự đám cưới ở nhà hàng. Dường như sau đám cưới, cậu hơi quá chén nên khi về đến nhà thì vừa đặt lưng lên võng là đã mê mệt cho đến xế chiều. Giờ cậu lại tiếc ngẩn ngơ khi nhìn bọc bánh nằm rụt rè ở một góc bàn, vì một lần nữa đã để vuột mất mùi xứ sở.

Giỗ quảy ở quê thường rộn ràng trước vài ngày. Trước đó, chuyện mời mọc bà con lối xóm đã được phân công kỹ lưỡng: mời nhà có người lớn tuổi thì chủ nhà đích thân đi; nếu có bận quá, sai con cháu đi thì phải dặn dò nói năng cung kính. Ký ức của cậu nhắc vậy. Không riêng gì chuyện này mà còn nhiều thứ luật bất thành văn nơi làng xóm nữa, cậu không chắc giờ mình còn nhớ hết.

Ảnh: Gia Tiến
Ảnh: Gia Tiến

Tờ mờ sáng trước bữa giỗ đã nghe tiếng í ới gọi nhau ngoài đường rủ đi tiếp gói bánh của cánh phụ nữ; tiếng cười nói sang sảng của toán thanh niên đang bắt cá dưới đìa, rọng sẵn chuẩn bị cho ngày hôm sau; vài ba ông già lim dim quanh bàn uống trà trước hiên nhà, vừa nói chuyện xưa vừa thưởng thức mùi hoa lài bên hè thoang thoảng.

Phía sau nhà chuẩn bị đám giỗ, tiếng bà má chồng dặn dò cô con dâu lần này gói thêm chục đòn bánh tét nhưn chuối để gửi về cho anh chị sui ăn lấy thảo. Mà nhớ cột dây làm dấu, không thôi lẫn lộn hết như năm rồi. Mới nghe cô con dâu “dạ” ngọt lịm ở phía cầu ao đã thấy chị khệ nệ gom mớ củi khô ngoài sân trở vô bếp chuẩn bị cho bữa nấu nướng tất bật chiều nay.

Cậu vẫn nhớ, bữa gói bánh là bữa vui nhất, gian nhà sau là nơi đông đúc huyên náo nhất, vì tập trung gần như đông đủ cánh phụ nữ khéo tay trong xóm. Cũng từ những buổi gói bánh, chỉ cần nhìn cung cách ăn nói, đi đứng của các cô gái thì đã có những cuộc chọn dâu diễn ra âm thầm trong mắt của vài bà mẹ chồng khó tánh. Đôi khi cũng chỉ vì vài nút thắt khó coi trên đòn bánh tét hoặc nếp xếp lá chuối của chiếc bánh ít thiếu gọn gàng mà các cô gái không hay có người vừa gạch tên mình ra khỏi “danh sách” tuyển dâu của nhà họ.

Không ít cô gái cũng chẳng ngờ, vài kinh nghiệm học lóm được từ lần tiếp gói bánh ở nơi khác, đem áp dụng cho lần này lại lọt vào mắt xanh của má chồng tương lai. “Tại hồi đó, má thấy bây nói năng nhỏ nhẹ, lễ phép, lại thêm phần khéo tay chăm chỉ, má thương!”.

Bánh ú. Ảnh: Gia Tiến
Bánh ú. Ảnh: Gia Tiến

Cậu lại nhớ, mỗi lần giỗ quảy xong xuôi, má lúc nào cũng đảm nhận phần chia bánh cho bà con lối xóm. Má nhớ chính xác khẩu vị thích ăn bánh nhưn chuối, nhưn đậu hay nhưn dừa của từng người rồi biểu con cháu đem tận nhà và dặn phải đưa bằng hai tay mà thưa rằng: Bà nội (bà ngoại) con gửi ông cậu, bà mợ hoặc ông chú, bà thím ăn lấy thảo... Kể cả những nhà bận bịu không đến dự đám giỗ được cũng có phần vì “bà con lối xóm, cho người này mà không cho người kia thì kỳ lắm, mỗi năm chỉ có một lần, tốn kém thêm bao nhiêu đâu”.

Mỗi chiếc bọc đựng một hai đòn bánh tét với chục bánh ít khi ấy cũng làm cảm động người nhận vì biết vẫn còn có người nhớ đến, kể cả khi mình không góp mặt. Cậu cũng chưa từng nghe má “để bụng” mà thốt thành lời rằng “năm nay không thèm gửi bánh cho nhà kia vì đám nhỏ ở “bển” tánh tình ương ngạnh, rầy la rát họng hoài chuyện hay táy máy chân tay hái ổi bẻ xoài, chọc phá gà vịt sau vườn mà có chịu nghe đâu”.

Không chỉ mỗi mình má, còn nhiều người khác ở xứ quê mùa cũng vậy, luôn biết cách cho đi, chẳng khi nào toan tính về phần nhận lại. Dẫu ít chữ, cả đời cũng chỉ quanh quẩn với gian bếp, mảnh vườn nhưng chắc là đã được thừa kế món tài sản quý giá về cách đối nhân xử thế chính từ đất đai, cây cỏ quê mình. Cậu vẫn luôn tiếc nuối vì mình là con của má, ăn đến mòn chân răng hạt gạo, bánh trái của “xứ quê mùa”, nhưng cho đến lúc tóc trên đầu sắp bạc vẫn không níu kéo được chút gì trong số “tài sản” mà má cả đời dành dụm truyền lại cho con cháu.

Hay là đi càng xa, trèo càng cao, người ta sẽ rơi rớt mọi thứ cũng là chuyện thường tình?■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận