Lâm Quang Nhật: Giữa “nhà nòi” và “xã hội hóa”

HUY ĐĂNG 26/04/2022 17:00 GMT+7

TTCT - Ở tuổi 20, Lâm Quang Nhật đã có trong tay 2 HCV và 1 HCB bơi lội sau 3 lần tham dự SEA Games. Thế rồi chàng kình ngư người Sài Gòn đột ngột nói lời chia tay môn bơi lội, cũng là chia tay cuộc đời VĐV “gà nòi” - để hướng đến một hành trình mới.

Lâm Quang Nhật không hề giã từ thể thao. Tháng 5 này, anh sẽ tham dự… kỳ SEA Games thứ 5 trong sự nghiệp, đồng thời là kỳ thứ 2 liên tiếp cùng đội tuyển ba môn phối hợp (triathlon: bơi, đạp xe, chạy bộ).

Giã từ đường “gà nòi”

Cũng thể thao, cũng dự SEA Games nhưng chương mới trong sự nghiệp của Lâm Quang Nhật khác hoàn toàn với cuộc đời VĐV bơi lội trước đây. 


 
 Sau 3 năm, Lâm Quang Nhật trở thành VĐV triathlon hàng đầu VN hiện tại. Ảnh: Nhân vật cung cấp


“Trước đây, mỗi lần hướng đến SEA Games hay các giải đấu lớn là chúng tôi được cho đi tập huấn, rồi ăn tập với chế độ cách ly xã hội, càng ít dùng điện thoại, máy tính càng tốt. Và mọi chuyện sinh hoạt đều được Nhà nước lo”, Nhật nói. 

Ngược lại, giờ đây anh luôn kè kè điện thoại, vài ba ngày lại đăng một status trên Facebook, tự chạy vạy tìm tài trợ và dành dụm từng đồng để đầu tư cho trang thiết bị tập luyện lẫn thi đấu. Chơi ba môn phối hợp nghĩa là tốn kém… gấp ba chơi một môn bình thường. 

Cũng vì vậy, triathlon tuy đã có từ rất lâu nhưng vẫn khó lòng phát triển một cách chuyên nghiệp ở Việt Nam. Các VĐV triathlon ở Việt Nam hầu hết đều phải tự trang trải mọi chi phí tập luyện hoặc tìm nhà tài trợ.

Hỏi Nhật bây giờ cực vậy, có hối hận khi từ bỏ bơi lội không? Kình ngư sinh năm 1997 cười khẳng định “không hề hối tiếc, thậm chí là rất vui với cuộc sống hiện tại”.

9 năm trước, Lâm Quang Nhật được ca ngợi như một thần đồng bơi lội, khi giành HCV SEA Games nội dung 1.500m lúc mới 16 tuổi, là VĐV nhỏ tuổi nhất của đoàn thể thao Việt Nam năm đó. 

Phong độ của Nhật những năm sau này cũng khá ổn định, anh giành thêm 1 HCV ở SEA Games 2015, rồi HCB ở SEA Games 2017. 

Tuy không đạt tới đẳng cấp của các đàn anh đàn chị như Quý Phước, Ánh Viên nhưng Nhật vẫn nằm trong danh sách VĐV đỉnh cao của Việt Nam. Nếu tiếp tục gắn bó với bơi lội, anh hoàn toàn có thể giành thêm vài huy chương SEA Games nữa.

“Ở tuổi 20, tôi thực sự mệt mỏi với đời VĐV “gà nòi”. Tôi tập bơi từ nhỏ, khi 5-6 tuổi đã bắt đầu thi đấu, chưa đến 10 tuổi đã vào đội tuyển. 

Áp lực tập luyện mười mấy năm trời khiến tôi từng có giai đoạn trầm cảm. May nhờ có gia đình luôn động viên, thầy cô luôn chia sẻ nên tôi vượt qua được. Nhưng đến tuổi 20, tôi phải lo nghĩ về tương lai. Làng thể thao có rất nhiều bài học về cuộc đời hậu VĐV gian khổ”, Lâm Quang Nhật chia sẻ.

Không lâu sau SEA Games 2017, Lâm Quang Nhật chia tay bơi lội, rồi vào học Đại học Sư phạm thể dục thể thao TP.HCM. Gia đình chẳng khá giả gì, Nhật phải chạy xe ôm công nghệ để trang trải học phí và phụ giúp chi phí sinh hoạt. 

Với một VĐV từng được xem là thần đồng bơi lội, nhiều người chạnh lòng thay cho Nhật nhưng anh vẫn lạc quan. Khi đó, Nhật từng tâm sự: 

“Có thời điểm tôi chạy [xe ôm công nghệ] được gần 30 triệu/tháng. Thu nhập ngắn hạn như vậy kể còn hơn nhiều VĐV bơi lội rồi. Tất nhiên cũng cực khổ hơn nhưng lại tự tin hơn vì rồi mình sẽ có bằng đại học, sẽ có việc làm ổn định…”.

Chàng kình ngư trẻ tuổi từng là một cậu học trò “trường chuyên lớp chọn”, với điểm số thi cử ở các kỳ thi tốt nghiệp luôn khá cao. Cũng vì vậy, Nhật luôn đau đáu với việc lựa chọn con đường thể thao. Liệu thể thao có phải là một lựa chọn hợp lý về lâu về dài, một khi phải trả giá là bỏ ngang con đường học hành?

Bước vào đời VĐV tự do

Nhưng cái duyên với thể thao không dứt được. Năm 2019, Nhật được mời tham dự thi đấu tiếp sức môn bơi lội ở Iron Man - cuộc thi 3 môn phối hợp nổi tiếng. Anh vốn dĩ chỉ thi đấu bơi lội ở giải này, nhưng nhanh chóng bị nét độc đáo của triathlon cuốn hút.

“Tôi thấy có cả một gia đình kia dự thi Iron Man nội dung tiếp sức, mỗi người đấu một môn. Họ cùng nhau tạo nên thành tích cho cả nhà, rất vui và ý nghĩa. Trước đó, tôi thường theo dõi phong trào bơi - đạp - chạy ở Việt Nam". 

"Không giống những môn thể thao thành tích cao, phong trào bơi - đạp - chạy không quan trọng thành tích. Thay vào đó, mọi người thường truyền cho nhau những câu chuyện giàu cảm xúc về nghị lực sống, cách vượt qua thử thách, chiến thắng bản thân”, Nhật nói.

Ý nghĩ trở thành VĐV triathlon xuất hiện từ đó, với nguồn cảm hứng là những… cuốc xe ôm. 

“Tôi có tính ưa bắt chuyện nên khi chạy xe ôm công nghệ, tôi thường trò chuyện với khách, lắng nghe câu chuyện của họ rồi kể chuyện của mình… Triathlon khiến tôi nhận ra rằng tại sao mình không mang câu chuyện của bản thân đến với cộng đồng thể thao này? Đời VĐV chúng tôi có vô số chuyện để kể”, Nhật chia sẻ.

Thế là từ một VĐV nhà nòi, Lâm Quang Nhật bước vào con đường của một môn thể thao chỉ mới phát triển ở mức độ cộng đồng. 

Anh không gặp khó khăn với việc bơi đường dài trong môn triathlon, bởi vốn sở trường nội dung 1.500m, đồng thời từng nhiều lần thi các giải bơi biển trước đây. Nhưng với chạy bộ và xe đạp, Nhật cũng như mọi dân chơi phong trào khác, gặp đủ loại chấn thương.

Cuộc đời của một “VĐV xã hội hóa” như Nhật khác hẳn một VĐV ăn lương nhà nước. Cựu kình ngư người Sài Gòn giờ đây phải tự điều trị chấn thương, tự tìm kiếm nguồn tài trợ, kể cả tự tìm tòi giáo án tập luyện. 

SEA Games 2019, Nhật tham dự với một chiếc xe đạp đi mượn, và tất cả kinh nghiệm chỉ là một tháng tập luyện cùng đội tuyển trước thềm giải đấu.

Phải đến khoảng một năm gần đây, Lâm Quang Nhật mới có HLV cá nhân. 

Ông Wille Loo, người Singapore hiện huấn luyện trực tuyến cho Nhật nhờ sự giới thiệu của Phạm Thúy Vi - HLV bơi người Việt đang làm việc ở đảo quốc sư tử. Trước đó, Nhật nhận được tư vấn từ các HLV trong những hội nhóm chạy bộ ở TP.HCM.

Khi xã hội dần mở cửa trở lại sau dịch, Lâm Quang Nhật cũng dễ thở hơn. Anh được một số công ty mời về làm HLV bơi lội và tranh thủ kết hợp vừa làm vừa tập. “Tôi thường đạp xe hoặc chạy bộ đến nơi làm việc. Cái tiện của triathlon là có thể tranh thủ tập mọi lúc”, Nhật nói.

Chương mới trong sự nghiệp thể thao của Lâm Quang Nhật không chỉ là những buổi tập luyện mệt nhoài hay những ngày thi đấu căng thẳng. 

Từ những dòng chia sẻ trên mạng xã hội và cả những lần được mời đến các buổi hội thảo, giao lưu, Nhật thoải mái chia sẻ câu chuyện về cuộc đời mình. Cũng thông qua đó, anh ngày càng xây dựng được thương hiệu cá nhân của một VĐV dám “phá rào”…■

Tốn kém mức nào?

Triathlon ngốn một lượng kinh phí khá lớn cho trang thiết bị, dinh dưỡng, công nghệ bổ trợ… và nếu không có nhà tài trợ, những VĐV bình thường khó lòng theo đuổi môn thể thao này. 

Lâm Quang Nhật chìa một danh sách dài những khoản chi phí anh được tài trợ liên quan đến việc tập luyện như: xe đạp (hơn 100 triệu đồng), đồng hồ đo (khoảng 30 triệu), máy đạp xe trong nhà (khoảng 40 triệu), giày (gần 10 triệu đồng/tháng), dinh dưỡng (khoảng 2 triệu/tháng)… 

Thậm chí môn xe đạp ở các địa hình khác nhau còn đòi hỏi những chiếc xe riêng biệt, với mức giá hơn cả trăm triệu đồng mỗi chiếc.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận