Làm sách lịch sử từ tình yêu và tiền túi

VIỆT TRUNG THỰC HIỆN 15/12/2012 10:12 GMT+7

TTCT - Ngày 4-12 tại Hà Nội, nhóm tác giả cùng đại diện NXB Trẻ đã ra mắt cuốn sách tư liệu lịch sử Đối mặt với B-52. Ngoại trừ bác Nguyễn Xuân Mai sinh năm 1935, những người tham gia làm nên cuốn sách đều lớn lên hoặc sinh ra khi đất nước đã hòa bình: Đào Thanh Huyền (1969), Đặng Đức Tuệ (1973), Trần Phúc Thái (họa sĩ trình bày, 1986).

TTCT đã trò chuyện với một trong các tác giả - nhà báo Đặng Đức Tuệ.

Phóng to
Các tác giả của cuốn sách trong buổi ra mắt và giao lưu tại Hà Nội ngày 4-12-2012. Từ phải qua: nhà báo Nguyễn Xuân Mai (phó tổng biên tập báo Phòng Không - Không Quân năm 1972 và tổng biên tập báo Cựu Chiến Binh VN cho đến năm 2007), Đào Thanh Huyền, Đặng Đức Tuệ (đều là giảng viên của Trung tâm nghiệp vụ báo chí - Hội Nhà báo VN) và họa sĩ Trần Phúc Thái - Ảnh: Việt Trung

Lịch sử... ở trong đầu 24 tiếng/ngày

* Ba năm trước, cả nhóm làm sách các anh chị đã nổi tiếng với cuốn Chân dung những người làm nên lịch sử - Hồi ức Ðiện Biên Phủ 1954-2009. Lý do gì khiến mọi người chọn đề tài B-52 để làm sách lần này?

- Năm 2007 khi làm cuốn Điện Biên Phủ, lúc tiếp xúc các nhân chứng, nghe thấy mọi người đều nói: dấu ấn mạnh mẽ nhất trong đời binh nghiệp của họ thời chống Pháp vẫn là Điện Biên Phủ, còn về sau là "Điện Biên Phủ trên không". Là một người trẻ, sinh ra sau thời điểm đó, tôi tự đặt câu hỏi: sự kiện đó là cái gì mà khiến họ nói như vậy? Chúng tôi đã cân nhắc rất nhiều và quyết định làm câu chuyện về B-52 như một sự tiếp nối với cuốn Điện Biên Phủ đã làm.

Tuy chỉ diễn ra 12 ngày đêm và chỉ là một phần của cuộc chiến đấu diễn ra tại Hà Nội, nhưng nó liên quan nhiều hơn đến chúng tôi, thời điểm lại không quá xa xôi, là chính thời điểm bố mẹ chúng tôi sống, tôi thì lại đang trong bụng mẹ. Một việc có lẽ vừa sức với mấy bác cháu của nhóm làm sách hơn. Nếu làm về đề tài Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh, ai cũng thích nhưng làm thì chắc phải mất cả đời.

* Các anh chị làm cuốn B-52 lần này khác cuốn Ðiện Biên Phủ hồi năm 2007 như thế nào?

- Khác nhiều chứ. Hồi làm cuốn Điện Biên Phủ rất hoành tráng, rình rang, đơn giản là muốn làm một việc đến nơi đến chốn, không tính toán gì cả. Nhưng lần này phải làm như thế nào cho vừa sức hơn. Lần này thì có nhân chứng của cả hai phía, kể cả phía Mỹ muốn tìm là được, nhờ vào bạn bè và các mối quen biết. Không khó gì cả, chỉ mất công sức, thời gian và tốn kém hơn thôi.

Khi gom lại thì mới thấy mình nên khiêm tốn hơn, nên khoanh lại, bắt đầu từ dưới đất, từ những người hứng chịu bom nhiều nhất, rồi một số ít những ông bay những chiếc máy bay be bé trên trời đuổi theo mấy chiếc máy bay to đó, rồi cả nhóm đi đến quyết định chủ yếu là tư liệu Việt Nam thôi. Những tư liệu khác vừa nhiều, vừa rối làm nặng công việc của mình lên và quá sức của mấy bác cháu. Kết quả như mọi người đã thấy...

* Trong sách có nhiều nhân chứng kể chuyện. Các anh chị chọn nhân chứng như thế nào?

- Nhưng việc lựa chọn ra ai, khó khăn vô cùng. Một mặt mình phải giương ăngten lên từ rất sớm. Ngay từ khi manh nha nghĩ đến đề tài B-52, chúng tôi gặp ai sống ở thời chiến tranh cũng hỏi họ sống thế nào, để xem, à, người này có thể là nhân chứng tiềm năng không, hay họ có thể dẫn đến những người khác. Và những cuộc điều tra này là "đi câu, ăn may", không phải lúc nào mình cũng gặp được nhân chứng hay. Lại có vấn đề là cứ kể mãi, kể mãi thì khi tập hợp lại sẽ giống bên quân sự, người ta sẽ kể giống nhau thôi. Thế là chúng tôi quyết định dừng lại ở mức độ vừa đủ, không quá tham nữa, trừ những trường hợp như nhân chứng của các trận ném bom xuống Khâm Thiên hay Bệnh viện Bạch Mai. Hoặc nếu tìm được một người lãnh đạo tổ chức cho nhân dân đi sơ tán hồi ấy thì hay lắm. Nhưng cũng có trường hợp không thể tìm được và phải chấp nhận.

* Mọi người trong nhóm tác giả đều bận công việc và gia đình, vậy dành thời gian tìm hiểu và thu thập tư liệu lịch sử vào lúc nào?

- Năm năm qua thì đấy là công việc chính của mình. Nó ở trong đầu mình 24 tiếng mỗi ngày và luôn là ưu tiên trên cùng. Vì dự án này mà mình phải từ chối rất nhiều cơ hội đi kiếm tiền khác.

Kết quả của "sự thôi thúc bên trong"

Phóng to

Chọn một cái tên giản dị và có sức nặng, Đối mặt với B-52 là một cuốn sách khổ lớn, 176 trang, gồm nhiều hình ảnh tư liệu trải ra cho những câu chuyện của 116 nhân chứng về những ngày Hà Nội sống và chiến thắng trước B-52. Không chọn kiểu viết về lịch sử thêm giấm ớt làm phồng lên những bi kịch. Cuốn sách này có một sự bình thản, đúng như cách đối mặt của những nhân chứng cho một thời lịch sử.

Các tác giả đã làm được một việc đáng nể là xâu chuỗi hơn 100 nhân vật ròng rã năm năm trời tìm kiếm và phỏng vấn. Phương pháp làm việc khoa học, ghi chép và tổng hợp các dữ kiện theo logic mạch lạc đã góp sức cho cuốn sách có dáng vẻ chững chạc và thuyết phục.

* Làm một cuốn sách lịch sử, các anh chị quảng bá ra sao? Khác với những cuốn sách bị xếp kho, chẳng ai đọc thì cuốn này có vẻ truyền thông khá hiệu quả, có lẽ một phần do chọn đúng thời điểm kỷ niệm 40 năm sự kiện B-52?

- Đây là lần thứ hai chúng tôi lại có cuộc chơi tốn kém, đấy là phần không tiến bộ gì so với lần trước. Bài toán của người làm truyền thông mà ai cũng biết rõ là bỏ ra tiền bạc, công sức và thời gian thì phải dẫn đến cái gì? Nếu bạn làm một cuốn sách với từng ấy nhân chứng và sự kiện mà không đưa ra được vào thời điểm mọi người quan tâm thì nó sẽ rơi tõm xuống sông xuống biển, mình có lỗi với chính mình trước tiên, sau đấy là đông đảo người đã tham gia giúp sức.

Dĩ nhiên làm sách thì phải tính đến thời điểm ra sách. Nếu không làm kịp bản thảo cho NXB Trẻ đợt này thì hoặc chúng tôi sẽ không bao giờ làm, hoặc sẵn sàng dừng lại đợi năm năm nữa. Lần này còn đỡ, lần trước chúng tôi chưa có kinh nghiệm, làm ra bản thảo còn chưa biết in ở đâu, thậm chí còn nghĩ đến việc bỏ tiền ra đăng ký giấy phép liên kết. Sách in ra chủ yếu tặng, thế là hết.

* Nhưng các anh chị đã trở thành một nhóm tác giả có công lưu lại ký ức tập thể một cách hấp dẫn và cảm động...

- Chúng tôi không quan tâm nhiều đến việc lấy tiếng đâu. Nói thẳng là chúng tôi muốn tự tạo điều kiện làm việc cho vui, nhưng tốn tiền nhà quá. Một trong những cái "được" là được làm việc theo cách mình muốn, nhưng cũng đã đến lúc phải dừng lại...

* Nếu tiêu nhiều tiền quá như thế, các anh chị có tiếp tục làm cuốn sách thứ ba về lịch sử nữa không?

- Sẽ không có quyển thứ ba bằng tiền túi nữa đâu... Tuyệt chủng rồi! Nếu có thì sẽ phải dưới một hình thức khác, sự huy động nguồn lực khác, phải làm kiểu khác.

* Theo kiểu khác là như thế nào?

- Như một công việc hẳn hoi. Được tính công sức một cách đàng hoàng. Ở đây chúng tôi thích sự kiện ấy. Cuốn sách là kết quả của sự thôi thúc bên trong, chúng tôi khi làm chỉ thấy rằng cần phải làm nốt việc cần làm, không tính toán gì cả.

* Tức là ý anh thấy cần có mạnh thường quân mới có thể đi tiếp những việc như thế này được?

- Không biết, nhưng chưa chắc mạnh thường quân đã là một điều hay. Bởi vì rất dễ bị ràng buộc và phải chấp nhận thỏa hiệp với những điều kiện. Không phải dễ dàng mà người ta đưa mình một cục tiền để tùy mình làm theo ý thích.

* Sách ra rồi, anh nghĩ đối tượng độc giả nào được thụ hưởng nhiều nhất?

- Bản thân tôi cũng không nghĩ đến đối tượng độc giả cụ thể nào. Về phần này có lẽ chúng tôi cũng hơi tham. Chúng tôi muốn cuốn sách mình đưa ra là để cho những người sống ở thời đấy, từ những người trong cuộc như các bác trong lực lượng phòng không - không quân, cho đến những anh em trẻ như chúng tôi đều có thể đọc được. Mọi người có thể đọc một mẩu hay cả quyển đều được. Tôi muốn là cuốn sách có thể chia sẻ và hấp dẫn với tất cả mọi lớp người. Có những người vẫn nghĩ họ biết rõ mọi chuyện về thời đấy, nhưng đến lúc đọc sách họ mới biết có nhiều chuyện mới.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận