Lành

TRUYỆN NGẮN CỦA HẠ TUYÊN 16/03/2017 21:03 GMT+7

TTCT - “Một tín đồ duy nhấtVừa thiêu hủy lầu chuông” (*)

Minh họa: Ry Nguyễn

Năm đứa con gái ngồi đều ro, mắt trợn tròn, tai dỏng cật lực. Cái vách tường cũng làm như căng phồng lên, con ruồi bay qua cũng áp lực chùng chình mấy nhịp. Nho nguyên chùm có trái hư, ông thầy bói nói thêm, giọng như thùng loa rè bị chặn ngược, bàn tay có ngón dài ngón ngắn, nhà sẽ có đứa ngớ ngẩn lạc nhịp.

Đứa này thường thường sẽ gánh nghiệp cho tám chục đứa khác. Vừa nói vừa dòm lom lom vô mũi má, dứt lời phủi đít thênh thang đi thẳng. Không biết mình đã quăng lại cục gì ở phía sau. Có khi là đời đời sau.

Má năm đó bảy tuổi. Nghe không hiểu. Hoặc hiểu cũng không để ý. Hoặc để ý mà không biểu hiện. Hoặc biểu hiện chỉ tới đó, cười toe, nhạt toẹt.

Chỉ có dì Hai dì Ba khóc rống. Chửi rủa không ngớt, đòi xách ghế chọi theo. Đêm đó nằm dò lại, kỳ thực trong bụng không phải không có chút thở phào. Cái trái sâu đó - không phải mình. Nghiệp chướng đó - không phải mình.

Thần linh ơi, chuyện cả đời chớ giỡn. Cặp mắt ông thầy bói, chỉ cần hiêng hiếng một chút, ngó lung một chút, làm biếng một chút, cái đứa gánh nghiệp lập tức ngồi bên cạnh. Năm đứa con gái ngồi xếp bằng. Tóc còn bay lẫn vào nhau.

Cái đứa còn sức để lăn ra khóc lóc thương tội đương nhiên không còn là mình. Nghĩ vậy bèn khóc to hơn. Nghĩ vậy bèn xót xa hơn. Vì chỉ trúng hay trật gì, con Lành cũng cười toe.

Con Lành là tên của má. Má Lành. Cái tên đột ngột rớt giữa dòng, giữa những Trinh, những Tuấn, những Thịnh, những Vũ, Việt, nghe đầy triển vọng, hoặc kỳ vọng, cũng có chút tham vọng. Không ai như má, Lành! Cái độp. Cười cười. Hiền queo. Ờ mà có khi đó là kỳ vọng nhứt, tham vọng hơn cả. Ai biết đâu.

Má Lành làm gì cũng chậm chậm. Không phải chậm chạp. Chậm chậm là vì người ta chủ ý muốn vậy, má không thấy cuộc đời có gì phải vội vã. Nên má làm những người vội vã phát điên lên. Nhưng cũng không có gì to tát lắm, chậm chậm rồi cũng qua. Chậm chậm, hì hì. Không ai ghét má được, ghét cũng như không.

Nhưng duy nhất một lần trong đời má quýnh quýu. Má giằng hắt má chối bỏ má oán hờn má nằng nặc chối bỏ cái tên mình. Má làm người ta không nhận ra con Lành cười toe năm đó. Giá mà má không tên Lành.

Tên gì cũng được miễn đừng Lành, xấu kiểu gì cũng được, miễn đừng xấu kiểu Lành. Đó là khi nói về một mộng tưởng dài hơi. Ai mộng làm ca sĩ mà chẳng dài hơi. Hơi má dài tít tắp, mút từ đầu xóm cuối xóm, rồi xóm lân cận của xóm cận lân, không ai là không biết tới tiếng hát hay hơi dài của má.

Mát hát hay thiệt. Má hát mới nửa câu lông gà lông vịt người nghe dựng đứng, hát hết câu thiên hạ nhũn hết cả thần kinh, tới câu thứ hai người nghe nhúc nhích hết muốn nổi.

Đó là nghe ông bà cô bác kể lại, tới thế hệ sau này năng lực cảm thụ suy yếu hẳn (chắc vậy), nghe cũng chỉ để nghe chơi (chắc vậy), ủa thấy bình thường mà ta.

Bọn trẻ lớn tướng xì xầm. Mà dù tụi nó có cảm xúc, tụi nó thấy má hát hay gần chết, kể cũng không đáng tin. Lứa trước lúc nào cũng sâu sắc hơn, cũng đậm đặc tự sự các thứ. Có điều, đời thuở tam sinh, tân nhạc Việt, có cô ca sĩ nào chịu tên Lành? Thị Lành? Cũng không. Nguyễn Thị Lành? Chắc luôn. Tại cổ không đi thi. Cổ mắc cỡ.

Má bấu cái cục “dị nghị” đó chán chường lê thê, tới năm năm mươi hai tuổi. Gần bốn mươi năm tự ôm hận tên mình. Tại vì má thích hát vô hạn. Tại vì má còn muốn làm ca sĩ nữa. Gì cũng được, đụng tới chuyện hát hỏng, má biến thành người khác.

Một chiến binh, một cảm tử quân, nghe hơi gồng gánh, nghe như đánh trận, nhưng giá như đời này có điều gì khiến má nghiêm túc hơn vậy, giá như đời này có chuyện gì khiến má quên mất má hơn vậy. (Tất nhiên, trừ cái tên).

Sân khấu, micro, tiếng nhạc, một thánh đường, mặc kệ có ai biết hay không. May là năm đó ông thầy bói nói chuyện văn vẻ, về cái gì đó khác người, cái gì đó bi thiết, cái gì đó dị biệt, cái gì đó lạc loài, cái gì bá vơ đó chớ không phải chuyện hát hò, bằng không ổng không còn sợi tóc ra khỏi cổng.

Trong những buổi mê hồn say sưa quá, má thẽ thọt nói với các con má, tại tên má dở nên má không đi hát. Chớ không má là ca sĩ rồi. Tự nói rồi tự bụm miệng không kịp, mắt còn lén dập nét cười đang thoát tung ra rờ rỡ. À, đó là mấy lúc hiếm hoi má bày tỏ câu chuyện, còn lại, má hiền như cục kẹo, cạy cả ngày không ra tiếng.

Chỉ có câu hát thay lời, nên má hát không nguôi ngoai.

Bốn mươi năm sau, khi người đàn bà cuối cùng đã cúi đầu nhận chịu phận số mình, rằng thiên phú đã lỡ song trùng với bất hạnh, thì trần gian lại bất đồ xuất hiện một cuộc thi hát lớn.

Ở đó, bạn có thể hoàn toàn bỏ qua yếu tố mỹ cảm của tên gọi. Tên khai sinh hay tên ở nhà cũng được, chấp hết, miễn bạn biết hát.

Hoặc cũng có thể má chán núp né trong đám hào quang má chưa bao giờ chạm tới, cũng có thể má nhận ra điều gì đó sai sai ở cái cục gồng gánh trĩu trịt mà bà con cô bác đã vô tâm vô tình chất đống lên lưng mình.

Tên gì cũng kệ, cho má hát một miếng má cũng vui mà. Năm đầu tiên má hùng dũng đi thi, thằng cu Tí tám trăm năm nay nổi tiếng lạnh lùng lười lẫm thân chinh đi đăng ký cho má, chở má tới tận nơi, chọn một góc ngồi trong kẹt quay phim rồi chở má về.

Mặt má tự nhiên dàu dàu rất khổ. Dĩ nhiên là má thi rớt. Thường thường mấy cuộc thi như vậy người có thực tài không có chỗ đậu đâu. Cả nhà an ủi. Cả làng an ủi, xóm trên xóm dưới rần rần chửi cái đài truyền hình.

Tất nhiên trong tiếng chửi cũng lẫn lút vài hơi thở mừng khì khị, hát hay thì hay thiệt, chớ làm gì tới cấp truyền hình nhà nước.

Rủi con Lành đoạt giải... mà làm gì có chuyện đó. Tin nhắn chia buồn gửi về tới tấp, Lành đọc tin tới tấp, bụng rưng rưng trách hùa cái đài bá vơ. Thằng Tí mặt ngầu lạnh lùng khoát tay xác nhận, cả hội trường hôm đó không ai hát hay bằng má. Không ai phù hợp với không khí bài hát như má, cả các yếu tố giao thời mãnh liệt khác nữa. Nhưng sao má lại trượt.

Trượt chỏng chơ ngã ngửa ngay vòng gửi xe. Trượt là trượt thôi, đâu thể nói được, mấy cuộc thi như vậy người ta đều có dàn xếp hết rồi.

Cho nên lần thi thứ hai má đâu có cho ai biết. Ý là má sợ bị hỏi tại sao đã biết dàn xếp rồi vẫn ráng đi thi. Nhưng hát thôi mà. Mấy ngày cuộc thi thông báo tuyển sinh, má rậm rực đứng ngồi không yên, ngày thường một ngày má hát tám trăm bài, bữa nay có một bài tua đi tua lại, cả nhà bắt thuộc lòng.

Má có con gái con trai đều thích hát, má hát một câu cả bầy trên dưới trong ngoài hát theo, bè trầm bè cao y như trong mấy phim nông trại Tây phương. Cả con mèo cũng mắc uốn éo theo. Rất là nhịp nhàng cờ phướn. Một bài hát dài tới tận khuya. Con út chịu hết nổi kêu má đổi bài khác đi má ơi có một bài hát hoài. Má mỉm mỉm nín nín như nụ cười Mona Lisa.

Má tự đi đăng ký tự đi thi và tự đi về. Dĩ nhiên là rớt nữa. Lần thứ ba nên rõ ràng má tỉnh táo hơn hẳn. Có cái gì đó như tổn thương mà cũng như tỉnh thức mà cũng như bẽ bàng mà cũng như an nhiên chịu thuần phục phảng phất bao quanh người má.

Mặt năm nay như năm ngoái, không dám rầu rầu sợ bị phát hiện. Nhà tịnh không có tiếng hát. Ba hôm sau cũng không. Lạ là cả nhà cũng không ai hỏi, cũng không ai hát, cũng không ai nhìn thẳng vô mặt má cười giỡn như thường.

Những cái nhìn cứ trợt qua trợt lại hai bên lỗ tai, hụt tuốt đằng sau, rớt tõm vô khay rửa chén rồi hối hả vặn vòi xối nước trôi luôn tuồn. Khắp nhân gian những ngày này đều đi vắng. Dù những hình người vẫn hoạt động bình thường. Còn má thì chớ hề nhận ra chuyện đó. Cái bài hát bị đánh rớt cứ xoay xoáy trong đầu, mỗi câu giờ lù mù như những cụm bông gòn, đụng chỗ nào cũng muốn ngã ngửa.

Ba bữa sau lại nghe má hát ri rỉ ngoài sân sau, tất nhiên là một bài hát khác. Sau này nghe má hát tám nghìn bài nữa, tuyệt nhiên không trở lại cái bài má lén đi thi và lén rớt (hai ba) năm nọ, chắc con út hát lải nhải làm má ngán, hay có một lý do nào khác ai mà biết.

Cả nhà chẳng ai biết chuyện gì. Hai ba năm nay đều không biết. Hai ba năm nay, vào cái ngày má đi thi, cả thiên hạ đều mắc bệnh quên nghiệt ngã.

Ba bữa sau má cười cả nhà cùng cười. Một bài hát cất lên ba bốn ngày còn nghe đứa này đứa kia hát thòng theo. Bè trầm bè cao giăng từ trên xuống dưới.

Con cái có thể gân cổ cãi má, chồng má có thể đè bẹp má bởi mớ lý sự trưởng thượng rất gồ ghề rất gay cấn, nhưng đụng đến chuyện ca hát của má, cả nhà xếp re. Thánh đường của má. Lầu son của má. Bệ thờ huy hoàng của má. Chỉ có bước lên đó má mới hoan hỉ làm mình.

Đám cưới con gái lớn. Họ hàng tề tựu đặt hàng má hát một bài ngon lành đặng mừng, má chối nguây nguẩy bước tuột vô phòng đóng tịt cửa.

Tám ngày sau trong nhà một bài cứ tua đi tua lại ri ri. Má vui sướng tông cửa bước ra thông báo đã tìm được bài phù hạp. Cả nhà nháy mắt ngó nhau, bắt chước Mona Lisa cười bí ẩn. Luôn có một cái sân khấu dành cho má. Kiên nhẫn. Tin yêu. Và không đánh rớt bao giờ.

***

Lão thầy bói bữa đó đi nhanh như vậy là vì lão mắc bận chạy sô. Khách hàng mới nhà chỉ có hai cô con gái. Loại chùm nho vắng vẻ kiểu vầy không dễ để xác định trái này hay trái khác phải bị hư. Lão đang kiếm cách nói khác ấn tượng hơn.

Cũng chẳng phải mất công gì. Bài bổn đều có sẵn. Xui (hoặc hên) cho cô nào ngồi gần lão nhất. Mắt lão vừa cận vừa lé. Mấy chuyện này không phải ai cũng biết.■

(*): Thơ Nguyễn Tất Nhiên

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận