Lũ cuốn phăng 200 tỉ đồng

H.T.DŨNG - P.CAO 16/10/2011 05:10 GMT+7

TTCT - LTS: Chuyện lũ lụt, lúa, đê bao (TTCT số 40 ngày 9-10) và những hệ quả người nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long đang gánh chịu trong mùa lũ năm nay tiếp tục nhận được nhiều phản hồi.

Phóng to
Lúa bị lũ nhấn chìm, người dân phải nhanh tay gặt trước khi chịu cảnh mất trắng - Ảnh: Văn Đất

Tính đến ngày 10-10 đã có trên 22.000ha lúa vụ 3 (lúa thu đông) ở Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang bị nhấn chìm trong nước lũ, trong đó mất trắng trên 6.800ha. Theo tính toán sơ bộ cứ 1.000ha lúa bị ngập là mất 30 tỉ đồng, như vậy lũ đã cuốn phăng gần 200 tỉ đồng của nông dân.

Cách đây chừng nửa tháng, khi nhiều diện tích lúa vụ 3 bị lũ nhấn chìm, vùng bị thiệt hại được cho là nằm ngoài đê bao - nơi không khuyến khích sản xuất. Bây giờ cả diện tích lúa nằm trong đê bao cũng mất phăng theo lũ.

Từng được cảnh báo

Đã hơn 10 năm rồi người dân ĐBSCL cứ chờ “lũ đẹp” - ý mong muốn lũ lớn sẽ về để khai thác nguồn lợi từ thiên nhiên ban tặng. Và điều đó gần như sẽ trọn vẹn nếu những hình ảnh vỡ đê, nước nhấn chìm hàng ngàn hecta lúa không xảy ra.

Cách đây vài năm, có hai câu chuyện được bàn trong giới khoa học và lãnh đạo địa phương ở các tỉnh thành vùng hạ lưu sông Mekong. Thứ nhất, có năm lũ không lớn nhưng khi kết hợp triều cường ở nhiều địa phương như Cần Thơ thì ngay trong đô thị cũng bị ngập cục bộ. Có ý kiến cho rằng tại các tỉnh đầu nguồn Đồng Tháp, An Giang làm đê bao kiên cố chống lũ nên nước đổ dồn về vùng hạ lưu.

Thứ hai, khi các địa phương làm đê bao vững chắc, liên tục làm lúa ba vụ trong năm, các nhà khoa học cảnh báo nguy cơ đất bạc màu, môi trường ngày càng ô nhiễm do dư lượng chất hóa học. An Giang đã có lúc phải tính đến phương án hai năm xả lũ một lần để lấy phù sa (không làm lúa vụ 3), vệ sinh đồng ruộng. Những tranh luận về hệ thống đê bao và làm lúa vụ 3 chưa được “soi” cẩn thận.

Năm 2011, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có chủ trương mở rộng diện tích sản xuất lúa vụ 3, với khuyến cáo sản xuất ở những vùng có đê bao. Có lẽ các tỉnh đã chủ quan nên “đua nhau” đăng ký thêm khoảng 600.000ha, cao hơn nhiều so với những năm trước đó. An Giang, Đồng Tháp có gần 250.000ha.

Đáng buồn hơn, tại Đồng Tháp đã có cảnh báo về sản xuất lúa vụ 3 ở những nơi mới hình thành đê bao, nền còn yếu, chưa được thử sức qua mùa lũ nào, nguy cơ thiệt hại rất lớn... nhưng đã bị bỏ qua.

Có những cách khác

Đã có nhiều phân tích cho rằng nông dân ĐBSCL vẫn nghèo khi bám trụ nghề trồng lúa. Việc giá lúa tăng là điều đáng mừng nhưng chuyện mở rộng diện tích lúa vụ 3 trong mùa lũ khi chưa đánh giá hết những rủi ro, cái lợi và cái hại của nó trong mùa lũ là điều cần phải xem xét lại.

Mới đây, TS Đặng Kim Sơn - viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn - đã thẳng thắn đề nghị giảm diện tích đất lúa từ 3,8 triệu ha hiện nay xuống còn khoảng 3,3 hoặc 3 triệu ha. Nếu cho phép nông dân chuyển đổi đất lúa sang nuôi trồng cây, con khác sẽ góp phần cải thiện đời sống nông dân vì họ có thể tăng thu nhập trên một diện tích đất.

Đề xuất của TS Sơn làm người ta nhớ lại đề xuất của ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang: “Không làm lúa vụ 3 trong mùa nước nổi mà tận dụng nó để tạo thành những “túi cá” của vựa lúa”. Tiếc rằng đề xuất này cũng chẳng ai để ý.

Có nhiều cách để “sống chung với lũ”, không nhất thiết phải làm lúa vụ 3 - gia tăng sản lượng để đánh đổi bằng cảnh hàng ngàn nông dân phải trắng tay vì lúa chìm mất trắng như hiện nay.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận