Madam Adi ở Bali

TTCT- Madam Adi trông coi một nhà nghỉ ở Denpasar, thủ phủ đảo Bali. Mới gặp, ai cũng đoán bà bảy mươi nhưng trẻ hơn tuổi nhiều. Người đàn bà Indonesia gương mặt bầu bầu, da ngăm ngăm, nói năng từ tốn phúc hậu.

Minh họa: Sà Và Ná
Minh họa: Sà Và Ná

 

Nhà nghỉ của gia đình theo kiểu homestay. Sách hướng dẫn du lịch giới thiệu những lời thiện cảm về nó. Qua cổng là vào đến một khoảng sân có thể đỗ được khoảng dăm cái ôtô con. Bên phải là tòa nhà hai tầng của gia đình.

Bên trái là cái mini bar để khách trọ uống cà phê và ăn sáng. Sau một ngày rong ruổi hơn trăm cây số khắp đảo, tối muộn tôi mới khoác balô bước vào nhà nghỉ.

Trong ánh sáng chập choạng dưới bóng một cây đại và một cây ngọc lan, Madam Adi bước ra chủ động chìa tay cho tôi: “Thái phải không? Tên là Thái nhưng không phải là người Thái Lan”. Adi nhắc lại lời tôi lúc xưng tên trên điện thoại để đặt phòng.

Tôi vào phòng tắm, tìm mãi không thấy công tắc nước nóng, đành phải ra gọi Adi. Madam mỉm cười: “Không có nước nóng đâu”. Tôi bảo: “Vậy phòng nào có nước nóng thì Madam đổi cho tôi”. Lại mỉm cười rất đôn hậu: “Ô không, ở xứ này không cần tắm nước nóng”.

Cái mỉm cười đôn hậu khiến người ta không thể nghĩ chuyện bỏ đi tìm một nhà nghỉ khác có nước nóng.

Cái câu thông tin không có nước nóng lại như kiểu gửi thông điệp: xứ Bali ấm áp quanh năm, nước nóng mà làm gì, hãy tắm nước lạnh để rèn luyện sức khỏe và nhờ thế khách cũng tiết kiệm được tiền thuê phòng. Kiểu tư duy của bà ngoại.

Thì đúng là thế, sáng hôm sau tôi nhờ Madam gọi taxi để đến Bảo tàng Bali. Nghe nói đấy là cái bảo tàng đáng xem nhất trên đảo. Nào là công cụ khai quật được của thời đồ đá đồ đồng.

Nào là bộ sưu tập về tôn giáo và lễ hội. Nào là bộ sưu tập trang phục dệt thủ công với sợi chỉ bằng vàng bằng bạc. Tôi bảo muốn đi taxi.

Madam Adi thản nhiên: Tại sao phải đi taxi, gần lắm mà. Madam lôi ra một cái bản đồ đen trắng trên trang giấy A4, dùng bút bi đánh dấu chỗ nào rẽ phải chỗ nào rẽ trái, đi bộ qua mấy ngã tư vân vân.

Tôi nhìn mấy cái giao lộ ngoắt ngoéo ấy biết là tương đối xa, nên vẫn khăng khăng đi taxi. Madam bảo: Lên taxi đi hai cây số đầu tiên họ tính luôn ba mươi lăm nghìn rupiah, mà quãng đường chỉ chưa đến hai cây số, đi bộ được mà.

Madam lo cho túi tiền của khách. Cũng không chỉ là chuyện tiền nong, mà còn là sự ngạc nhiên trước cái sự lười đi bộ của con người. Thực ra thì tôi không lười đi bộ, ở Âu ở Mỹ mỗi ngày trung bình tôi cuốc bộ dăm bảy cây số.

Nhưng thời gian ở Denpasar có gần hai ngày, mình sốt ruột với từng giờ trôi qua. Adi thì khác, mọi thứ có lẽ cứ phải thong dong như cái dáng đi của Madam trong khoảng sân đầy bóng cây vương vấn hương hoa.

Hễ tôi nhờ gọi taxi để đi đâu thì Madam đều đáp lại bằng một cái bản đồ photo đen trắng, dùng bút bi vạch đường qua lối lại rồi bảo tôi cứ cầm bản đồ ấy mà đi bộ, gần thôi mà.

Tôi hỏi Madam đủ chuyện. Sau chuyện chỉ đường là chuyện ẩm thực Bali. Nghe nói xứ Bali theo đạo Hindu nên không kiêng thịt lợn. Hỏi han một lúc, rồi sau đó đi quán ăn thì mới biết vài đặc sản. Babi guling là món thịt lợn quay, phần da vàng rộm giòn tan, ăn với nhiều loại gia vị được ngâm tẩm như ớt nghệ tỏi gừng.

Quán thịt quay ở gần nhà nghỉ, đi bộ qua một ngã tư là gặp ngay cái quầy kính có vẽ hình con lợn quay vàng ươm. Một món nữa là siobak, một kiểu thắng cố: miếng dạ dày miếng tràng miếng gan miếng tiết thịt tai thịt thủ, nấu trong một thứ nước xốt màu đen có mùi như thuốc bắc.

Món này Madam lại chỉ đường. Đi bộ đi. Đến tối, tôi tìm Madam để hỏi một lần nữa thì chị đầu bếp không nói được tiếng Anh phải vung tay vung chân ra hiệu là Adi không có nhà, rồi viết ra giấy con số 7am, tôi đoán là bảy giờ sáng mai Madam mới về, hoặc bảy giờ sáng mai lúc ăn sáng mới gặp được.

Rốt cuộc chị bếp phải quay máy điện thoại gọi cho Adi. Lại vẫn giọng thong dong phúc hậu: Vẫn cứ đi taxi à, đi bộ đi, gần thôi mà. Cuối cùng Madam bảo: Thôi, để tôi alô cho chú nhân viên, chú ấy chở xe máy đưa anh đi vậy.

Mười lăm phút sau, anh lái xe ôtô của nhà nghỉ đã sẵn sàng với chiếc xe máy. Tôi trèo lên sau xe anh. Đi. Ngoắt ngoéo đến ba cây số, đến nơi thì quán thắng cố siobak đã đóng cửa. Vòng vèo thêm vài cây số, thêm một quán nữa, lại đóng cửa. Mưa bắt đầu rơi hơi nặng hạt, nước bắt đầu nhỏ từng giọt trên mũ xe máy xuống vai cả hai con người không mang áo mưa.

Ái ngại cho anh xe. Ăn cái giải gì mà chở tôi đi trong mưa như vậy. Chỉ vì Madam Adi tiết kiệm tiền taxi cho tôi mà đến nước này.

Lúc ấy anh xe mới giải thích thêm. Món thắng cố thành phần chính là lòng lợn, người ta thường ăn sáng ăn trưa cho nó tươi, bữa tối thì rất ít quán còn bán.

Cuối cùng anh đưa tôi vào một quán ăn người Hoa, thả tôi vào đấy, chỉ đường cho tôi ăn tối xong thì đi bộ về, chỉ cần một cái rẽ trái rồi một cái rẽ phải là về đến nơi.

Nhưng anh không chỉ đường mà thôi, anh còn nán lại xem cái thực đơn một lúc và phát hiện quán ăn người Hoa này có thắng cố. Đây. Ông ăn cái này nhé. Cái hoa tai ngọc trai kiểu Indo trên tai trái anh bỗng nhiên sáng lên cùng với hàm răng anh cười rất trắng.

Quán bình dân. Rất bình dân. Chủ quán nhìn là biết gốc Hoa, một người đàn ông tỉa lông mày, kẻ vẽ lông mày bằng chì đen, tóc dài buộc sau gáy thả xuống ngang lưng lấp lánh những sợi nhuộm vàng nhuộm đỏ.

Miệng ngậm điếu thuốc lá, anh ta ngoe nguẩy đi qua đi lại băm băm thái thái. Rồi anh ta tiến lại gần tôi, đưa tay chỉ hai cô ở trong nhà khoảng mười bảy mười tám mặc áo xường xám màu đỏ giống hệt nhau: Sinh đôi đấy, đây là một, đây là hai.

Rồi chỉ tay lên trần nhà, ý là ở trên tầng hai: Còn trên kia là ba. Ngay lập tức cô thứ ba từ trên gác đi xuống, cũng xường xám đỏ giống hệt hai cô kia. Twin, this is one, this is two, and that’s number three. Anh ta không biết từ sinh ba, nên dùng từ sinh đôi và “đứa số ba” để chỉ ba đứa con gái. Chà, cái anh chàng ngoe nguẩy này, một phát sinh ba.

Bữa tối hôm trước đó thì Madam Adi chỉ đường cho tôi đến một quán ăn người Hoa tên là Rama. Quán ăn người Hoa ở Bali, cho nên tên quán lại là tên chàng Rama, chồng nàng Sita trong sử thi Hindu. Cũng là một cái quán sơ sài rất mực bình dân.

Chắc Adi không bao giờ chỉ cho khách trọ một cái quán ăn xa xỉ đốt tiền. Một cặp vợ chồng trạc ngũ tuần đã vào trước tôi, trong khi chờ món ăn đưa ra thì chọn mua mấy cái DVD của một chú bán dạo. Được một lúc, người phục vụ ra nói gì đó với cặp khách ăn, hình như là không có món này món nọ mà phải đổi sang món khác. Gật đầu.

Thỏa thuận. Nhưng rồi cặp thực khách cứ ngồi chờ dài râu. Tôi đã ăn đĩa cơm rang được một lúc mà vẫn chẳng có gì mang ra cho họ. Đến lúc ấy cả đôi mới mất bình tĩnh.

Gọi phục vụ bàn ra mắng xối xả. Rồi tức tối thu dọn đồ đứng lên. Trước khi đi, ông chồng còn đá một cái đánh ầm vào chân bàn cho bõ tức. Họ ra đến ngoài vỉa hè mới nhớ ra túi DVD bỏ quên trên bàn. Không thèm vào.

Sai chú bán dạo chạy vào lấy. Cãi cọ là chuyện hiếm thấy ở xứ vạn đảo Hồi giáo. Lại càng hiếm ở xứ Bali Hindu giáo đậm đặc không khí thiền.

Sáng hôm sau mới rõ cái con số 7am mà chị bếp nguệch ngoạc hôm trước là muốn nói rằng có thể gặp Madam Adi vào bảy giờ sáng, không phải là giờ ấy Madam mới đi xa về. Đang là ngày lễ Galungan, ngày vong hồn người thân tìm về thăm nhà cũ.

Khắp phường phố xã huyện người ta trồng cây nêu trước cửa, cả một rừng cây nêu bằng tre, lá cọ lá dừa màu vàng nhạt tết thành hình trang trí cho cây nêu.

Cơm gạo hoa quả bánh trái đặt trong những cái bàn thờ nhỏ treo gần gốc cây nêu, cúng vong hồn và cả thần thiện thần ác, thần thiện là để cầu may, thần ác là để hòa giải tránh tai họa.

Từng đoàn người đội đồ cúng lên chùa, trang phục dân tộc rực rỡ. Tôi đoán đêm hôm trước Madam Adi về muộn vì đi lễ ở xa.

Không, tôi đi làm đấy chứ. Madam bảo. Thì ra Madam không chỉ quản lý cái nhà nghỉ của gia đình. Hằng ngày Adi còn đi làm ở khu nghỉ dưỡng Marriott Resort trên bãi biển Kuta, từ ba giờ chiều đến mười một giờ đêm. Madam phải tự lái xe máy đi về, quãng đường khoảng ba mươi phút. Madam làm lễ tân ở đấy à? Không, tôi làm phục vụ bàn trong quán ăn.

Cái nhà nghỉ này chỉ là doanh nghiệp gia đình. Madam kể. Ngày trước thì chồng tôi quản lý, tôi khi ấy vẫn đi làm đều cho Marriott. Nhưng chồng tôi mất vì ung thư não tám năm trước, năm 2008, từ ấy tôi phải làm quản lý chính, tất nhiên là vẫn có nhân viên thường xuyên.

Chồng tôi kia kìa. Qua khoảng sân um tùm, tôi nhìn thấy một tấm ảnh chân dung đen trắng treo trước tường tòa nhà gia đình. Thoạt nhìn tưởng là ảnh phụ nữ, vì người trong ảnh tóc buông ngang vai. Nụ cười rất rộng rất tươi.

Chồng mất khi con trai mới năm tuổi, mà nay nó đã mười ba. Cha mẹ chồng Adi vẫn khỏe, vẫn ở cùng, nhưng ông bà không tham gia việc quản lý nhà nghỉ, ngày ngày chỉ đi ra đi vào thắp hương cho cái đền thờ gia đình ở phía bên kia sân. Quản lý nhà nghỉ là việc của Adi.

Tòa nhà hai tầng của gia đình có bốn phòng ngủ, nhưng bây giờ thì thiếu người ở, hai phòng vẫn bỏ không.

Sao chị phải đi làm xa đêm hôm như thế, mà không tập trung cho nhà nghỉ tại gia. Tôi hỏi. Madam từ tốn, nhà nghỉ này chỉ là doanh nghiệp nhỏ thôi mà, chúng tôi đặt tên cho nó là Quán Nakula Thân Mật. Nakula Familiar Inn.

Tôi biết trong sử thi Ấn Độ Mahabharata, Nakula là con trai thứ tư trong năm anh em Pandava, là chàng đẹp trai nhất, có tài ngoại giao và đoán định tương lai. Madam dừng lại một lúc như nghĩ ngợi về cái tên Nakula, rồi bảo hai năm nữa tôi về hưu rồi.

Chị sẽ có lương hằng tháng đấy nhỉ. Không, tôi về hưu nhận một cục. Ồ, chị sẽ nhận cục tiền ấy rồi gửi vào ngân hàng mà đầu tư. Vâng, tiền ấy để cho con trai tôi.

Tôi nhìn lại Adi. Mấy con số: hai năm nữa về hưu, con trai mới mười ba tuổi, chồng chết tám năm trước, lúc mới bốn mươi sáu tuổi.

Tính ra như thế thì Madam Adi không thể là một bà già trẻ hơn cái tuổi bảy mươi như tôi đoán lúc đầu. Có khi còn ít tuổi hơn cả tôi. Tóc bạc một nửa mái đầu. Cái kiểu nửa mái đầu bạc chỉ sau một đêm. Dáng đi dáng đứng giọng nói thong thả. Đôn hậu.

Từ chỗ làm việc gọi điện về chu đáo cắt đặt công việc cho nhân viên. Ra dáng một bà già bảy mươi còn gì.

Trong khi các bà chị trên sáu mươi ở Việt Nam còn ăn mặc thời trang sơn vẽ kẻ biển như thiếu nữ, ngồi với nhau còn kháo chuyện báo an ninh viết câu “một bà cụ sáu mươi đi qua đường bị ôtô điên đâm phải”, sáu mươi mà dám gọi bà cụ, nói với nhau thế để mà cười.

Adi ở Bali có thể chưa đến sáu mươi, và tôi vẫn cứ muốn gọi chị là Madam Adi.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận