Mất hút ở Shangri-La: tiểu thuyết phiêu lưu chân thực

(WIKIPEDIA) 09/06/2012 00:06 GMT+7

TTCT - Mất hút ở Shangri-La (Lost in Shangri-La) được khen ngợi vì ly kỳ mà chân thực. Nhà văn Mỹ Mitchell Zuckoff đã kỳ công đi thực địa điều tra để sáng tác.

Phóng to

24 quân nhân Mỹ háo hức lên chiếc máy bay vận tải "C-47" đến vùng trời New Guinea mong được ngắm một thung lũng vừa được các nhà trắc đạc hàng không phát hiện và đặt tên là Shangri-La (theo tên một thung lũng huyền thoại ở Tây Tạng, ví như thiên đường nơi hạ giới, nơi cư dân trẻ mãi không già). Nào ngờ máy bay bị trục trặc và rơi xuống một khu rừng rậm nguyên sơ, cả phi hành đoàn chỉ còn ba người sống sót, một nữ, hai nam.

Cuộc chạm trán của hai nền văn minh

Nhà văn kiêm nhà nghiên cứu Mitchell Zuckoff sinh năm 1963, hiện sinh sống và giảng dạy tại khoa báo chí của Đại học Boston, bang Massachusetts. Thường xuyên cộng tác với các tạp chí The New Yorker, Fortune và một số báo chí khác, từng làm phái viên đặc biệt của tờ nhật báo The Boston Globe, nên phóng sự điều tra của ông nhiều lần vào được đến vòng chung khảo giải thưởng uy tín Pulitzer. Hội Các chủ báo Mỹ đã tặng ông giải thưởng về thành tựu xuất sắc trong lĩnh vực báo chí.

Cô hạ sĩ Margaret Hastings xinh đẹp thường tự nhận mình là người có tính tự lập cao - "biết uống rượu nhưng có liều lượng, biết yêu nhưng không mãnh liệt cho lắm" - nên đã 30 tuổi chưa buồn nghĩ đến chuyện chồng con, bây giờ cô phải chống chọi với những vết thương sưng nhức và một mình ở lại chỗ máy bay rơi để hai đồng đội đi tìm cứu viện.

Đối với chàng trung sĩ Kenneth Decker, chuyến bay đến Shangri-La như một món quà sinh nhật trớ trêu, cuộc gặp gỡ trên máy bay với Margaret chẳng hề mang lại niềm vui vì trước đó vài tuần chàng có mời nàng đi chơi nhưng bị nàng cự tuyệt. Và trung úy John McCollom có một người anh em song sinh đã 26 năm gắn bó không rời, nhưng sau chuyến du ngoạn định mệnh này hóa "người còn kẻ mất", anh chỉ sợ mình là người sống sót duy nhất nếu máy bay ứng cứu không đến kịp thời...

Trải ba ngày đêm không miếng ăn vào bụng, đang lang thang trong rừng rậm thì ba người Mỹ đụng phải những thổ dân quen sống ở độ cao ngang tầm chim bay. Các thổ dân này không chỉ có vũ khí, tuy thô sơ nhưng không kém ác liệt, mà còn có tập tục ăn thịt đồng loại và được truyền thuyết dạy rằng khi người da trắng từ trên trời rơi xuống thì cũng là ngày tận thế.

Đọc Mất hút ở Shangri-La, độc giả như thể gặp lại những Robinson Crusoe hiện đại, cũng lâm vào cảnh sống cô độc giữa chốn hoang vu, nhưng may thay - họ có mang theo giấy bút, máy ảnh, máy quay phim và lưu lại thật ấn tượng cuộc chạm trán của hai nền văn minh giữa thế kỷ 20...

Viết tiểu thuyết theo phong cách... nhà báo

Mất hút ở Shangri-La dựa trên một chuyện có thật ngày 13-5-1945, đến tháng 11-1945 mới được tạp chí Reader’s Digest phản ánh, song hồi ấy chẳng mấy ai để ý đến. Hơn 65 năm đã qua nhưng vẫn còn đó những tư liệu, thư từ, sổ ghi chép, bản đồ, phim ảnh, hồi ký... để bây giờ nhà văn tái hiện thành cuốn tiểu thuyết phiêu lưu cuốn hút nhưng đầy chân thực. Song song với sách, trên trang mạng chính thức của tác giả (http://www.mitchellzuckoff.com/media/) công bố đầy đủ những tư liệu, hình ảnh, thước phim quý báu đó khiến các độc giả cuốn sách không chút nghi ngờ.

Có lẽ với thói quen nhà báo nên khi sáng tác tiểu thuyết này tác giả không chỉ thu thập nhiều tư liệu phong phú, mà còn đích thân đến điều tra tận hiện trường ở New Guinea, nơi chiếc "C-47" rơi. Ông trực tiếp hỏi chuyện các thổ dân còn nhớ cuộc gặp gỡ với nhóm người da trắng.

Nhờ vậy, ông có thể thuật lại tường tận và sinh động những chi tiết về cuộc sống của thổ dân và những hồi tưởng rất xúc động của ba quân nhân sống sót: họ được phát hiện và cứu sống ra sao, mối quan hệ giữa ba người trong điều kiện hết sức hiểm nghèo ở những thời điểm cận kề sống - chết như thế nào và cuộc đụng độ giữa hai nền văn minh sẽ dẫn tới đâu?... Cuốn sách là cả một bộ sưu tập những chuyện lạ lùng và kỳ bí!

Tuy không chiếm lĩnh được "đỉnh Pulitzer 2011" dẫu đã vào vòng chung khảo, tiểu thuyết Mất hút ở Shangri-La vẫn được đánh giá rất cao: hãng phát hành sách trên mạng Amazon gọi đây là "cuốn sách hay nhất năm 2011", tờ báo thanh thế The Washington Post gọi là "cuốn sách kiệt xuất của năm". Hơn thế nữa, sách còn được giải thưởng văn học độc lập của độc giả cho hạng mục "Sách chuyện thật hay nhất năm 2011".

Nhà văn kiêm nhà nghiên cứu Mitchell Zuckoff sinh năm 1963, hiện sinh sống và giảng dạy tại khoa báo chí của Đại học Boston, bang Massachusetts. Thường xuyên cộng tác với các tạp chí The New Yorker, Fortune và một số báo chí khác, từng làm phái viên đặc biệt của tờ nhật báo The Boston Globe, nên phóng sự điều tra của ông nhiều lần vào được đến vòng chung khảo giải thưởng uy tín Pulitzer. Hội Các chủ báo Mỹ đã tặng ông giải thưởng về thành tựu xuất sắc trong lĩnh vực báo chí.

ÐĂNG BẨY

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận