Màu vẽ: ngắm tranh giờ mới hết rùng mình

T.L 28/08/2020 18:08 GMT+7

TTCT - Để vươn tới cái đẹp, người ta đôi khi đã tạo ra một số màu chết chóc.

Màu đỏ hùng hoàng là một chất khoáng độc.
Màu đỏ hùng hoàng là một chất khoáng độc.

Trong tất cả các loài động vật, chỉ có người mới chủ động tạo được màu. Ta có thể nói con người là giống ưa màu mè, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Từ người cổ tới người hiện đại đều đã dùng các phương pháp độc đáo khác nhau để tạo màu nhuộm quần áo, vẽ tranh, sơn nhà, trang trí và trang điểm. Để vươn tới cái đẹp, người ta đôi khi đã tạo ra một số màu chết chóc.

TRẮNG CHÌ

Là màu được dùng nhiều nhất nhưng rất độc, trắng chì có từ 2.500 năm trước, có thể coi là một trong vài màu đầu tiên do con người “tự chế” bằng cách trộn bột chì với giấm cực chua, phơi qua phơi lại trong nắng hè. Từ thế kỷ thứ 4 đến thứ 3 trước Công nguyên, triết gia Theophrastus thành Eresos đã nói đến nó.

Trắng chì được các họa sĩ châu Âu thời xưa yêu thích, nhưng kinh khủng hơn, người Ai Cập, Hi Lạp và La Mã cổ đại còn dùng nó để pha dầu bôi da và cả mỹ phẩm. Hậu quả dĩ nhiên là tai hại. Với công thức hóa học của chất nòng cốt là 2PbCO3.Pb(OH)2, trắng chì có thể đi vào cơ thể bằng đường thở, ngấm qua da và nuốt. Thời xưa, triệu chứng ngộ độc chất trắng chì có tên là “cơn đau quặn bụng của họa sĩ”, gồm đau bụng, đau khớp, huyết áp cao; trẻ con mà nhiễm độc có thể chậm phát triển thể chất lẫn tâm thần.

Phải đến thế kỷ 20 mới có màu trắng khác thay thế cho trắng chì; tuy không mềm mại và ấm áp bằng nhưng không độc, có tên là trắng titanium dioxide.

VÀNG NAPLES

Một màu nữa cũng độc là vàng Naples, với công thức Pb3(SbO4)2 chứa tới hai kim loại rất độc là chì và antimony. Màu này đầu tiên được dùng ở Ai Cập cổ đại và Mesopotamia để sơn lên kính cho đẹp. Có lẽ vì độc quá nên chất vàng chì antimonite này hết bị vứt đi lại được moi ra dùng lại trong suốt lịch sử, cuối cùng được ưa chuộng nhất tại châu Âu vào khoảng 100 năm, từ 1750 - 1850. Trong thời gian này, đó là màu vàng duy nhất được các họa sĩ vẽ phong cảnh dùng. Thế rồi dần dần, may thay, ta có màu vàng chrome và vàng cadmium thay thế.

Bức tranh The Haller Madonna của Albrecht Dürer với màu xanh lam từ chất Azurite có chứa arsenic cực độc.
Bức tranh The Haller Madonna của Albrecht Dürer với màu xanh lam từ chất Azurite có chứa arsenic cực độc.

ĐỎ HÙNG HOÀNG, CAM THƯ HOÀNG

Hùng hoàng (realgar) là một chất khoáng độc, chứa arsenic (thạch tín), nhưng lại là màu cam tự nhiên duy nhất. Đi kèm một cặp với nó là thư hoàng (orpiment), gọi là đôi uyên ương. 

Họa sĩ thời xưa đã dùng hai chất này tạo màu đỏ và cam cho tranh. Thời nào cũng thế, tranh có màu đỏ thường hút người mua. Biết chất này chứa thạch tín rất độc nhưng không ai cưỡng được cái đẹp của nó.

Đỏ hùng hoàng 

Đôi hùng hoàng-thư hoàng này có ở các vùng núi lửa. Vì nghiền ra được thành dạng bột nên người ta mang nó đi bán khắp nơi, từ châu Á, Ấn Độ, Trung Đông, Ai Cập cổ, châu Âu... tranh pháo nào có màu đỏ màu cam là gần như phải có hùng hoàng-thư hoàng trong đó làm màu. 

Chúng còn được các nhà giả kim Ả Rập ưa chuộng, gọi đó là “hai vua”. Do rất độc, nhiều mỏ hùng hoàng-thư hoàng ngày xưa chỉ dùng tù nhân khai mỏ, biết chắc thế nào cũng chết.

May thay, chúng là những chất dễ phai màu. Tranh vẽ bằng màu đỏ hùng hoàng để lâu thành màu cam thư hoàng; còn tranh vẽ bằng màu cam thư hoàng để lâu ra mà vàng nhạt hơn nữa... Vừa không bền lại vừa độc, vì sao phải giữ?

Và khoa học đã thay thế chúng bằng những tuýp màu tổng hợp, vừa bền lại vừa lành.

Chân dung hoàng đế Maximilian (Tranh của Albrecht Durer) với màu xanh lá chết chóc.
Chân dung hoàng đế Maximilian (Tranh của Albrecht Durer) với màu xanh lá chết chóc.

XANH LÁ ARSENIC

Đây là màu mới được làm ra hồi thế kỷ 18, có tên là xanh Scheele, là tên của Carl Wilhelm Scheele, nhà hóa học Thụy Điển khi ấy đang nghiên cứu về arsenic và nhân tiện làm ra màu xanh ấy, năm 1775.

Đầu tiên Scheele thêm arsenious oxide As2O3 vào muối sodium carbonate Na2CO3 nung nóng. Hỗn hợp được khuấy lên cho đến khi hòa tan hết, tạo sodium arsenite NaAsO2. Cuối cùng, thêm copper sulfate [CuSO4(H2O)x] vào, và thế là ra một màu xanh lá rực rỡ, với công thức AsCuHO3 rất độc, rất rẻ, rất đẹp, vẽ lộc biếc thì ôi thôi tuyệt.

Nhưng rồi xanh rồi lại có thứ xanh hơn, năm 1808, xanh Paris ra đời và tuy cũng có arsenic nhưng được dùng làm màu tới tận 1960 ở châu Âu và Mỹ; sau đó được dùng trong thuốc... diệt côn trùng tới đầu những năm 1980.

Cái chết của người làm hoa giả Matilda Scheurer vào thế kỷ 19 đã làm người ta “tỉnh mộng” trước màu xanh nhân tạo chứa arsenic. Thời đó hoa giả rất “mốt”, lá giả được nhuộm bột màu xanh để trông cho tự nhiên. Khi mổ xác Scheurer, người ta thấy cô đã hít arsenic vào tận nội tạng, như dạ dày, gan, phổi; cả cơ thể bị hủy hoại từ trong ra ngoài.

Ngoài ra, tương truyền một nạn nhân nữa của xanh lá là Napoleon Bonaparte. Sau khi thua trận Waterloo, hoàng đế Pháp bị đày ra đảo Saint Helena và ở trong một căn phòng sơn xanh, không rõ bằng màu xanh Scheele hay xanh Paris. Người ta cho rằng chính chất arsenic trên màu tường đã giết ông. Khi mổ xác Napoleon, các phân tích hiện đại cho thấy chẳng cần nghĩ tới thất bại và nhân tình thế thái, lượng arsenic có trong cơ thể cũng đủ để khiến ông đau ốm và chết dần mòn.■

(*) tổng hợp và dịch

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận