Men

HẰNG MAI - NHƯ HUY 14/02/2017 02:02 GMT+7

TTCT - Vài năm gần đây bạn bè tôi đi nhiều. Lâu lâu lại có người qua chào chia tay. Mừng cho bạn vì đã làm được điều bạn muốn làm, có sự thay đổi mà bạn muốn cho bạn và gia đình bạn.

Tranh: Lê Thiết Cương
Tranh: Lê Thiết Cương

 

Đi để thay đổi cũng là một cách. Nhưng với những người không thể đi hoặc không muốn đi mà vẫn muốn thay đổi thì có hi vọng gì không?

Chúng ta thường nghĩ thay đổi luôn có liên quan đến một cá nhân anh hùng, được trao quyền năng hay vũ khí để cứu vớt số phận của một người hay một nhóm người, và thường tự thấy bản thân mình nhỏ bé, không thể làm được gì.

Thầy tôi có lần nhắc đến bài hát Athem của Leonard Cohen. Từ đó đến nay, nó trở thành bài hát yêu thích của tôi. Trong lời bài hát có đoạn “Đừng mong gì hoàn hảo. Mọi thứ đều có vết nứt. Đó là nơi mà ánh sáng lọt vào”.

Và đó là cách tôi nhìn nhận sự thay đổi. Sự thay đổi không được tạo ra bởi các cá nhân kiệt xuất, các nhân vật anh hùng hữu danh ở trung tâm của sự thay đổi, mà là sự thay đổi được giải tâm và đặt cơ sở trên các nỗ lực nhỏ bé liên tục của nhiều cá nhân nhỏ bé vô danh.

Cái hiền minh của dạng thay đổi này nằm ở chỗ “nhận ra”. Muốn nhận ra, dĩ nhiên phải “thấy”. Muốn “thấy”, phải “nhìn”. Nói cách khác, con đường từ nhìn, thấy, và nhận ra là một con đường của nhận thức, của giác ngộ.

Dạng thay đổi này được truyền thừa qua những nhân vật minh triết nhất của thế giới, từ Jesus, qua Gandhi, tới Nelson Mandela, hay Thích Nhất Hạnh...

Sự “nhận ra” nhỏ bé, hằng ngày, nơi đời thường, của những con người vô danh như các vết chân kiến kiên nhẫn và tí hon đến một mức nào đó mở ra một sự thay đổi có tính hữu cơ và bền vững, một sự thay đổi mà ở đó kẻ thay đổi đã thay đổi trước khi có sự thay đổi diễn ra.

Ở đó, kẻ thay đổi là một với sự thay đổi chứ không tách biệt với sự thay đổi theo mẫu một anh hùng tạo ra thay đổi cho thế giới. Sự thay đổi thực sự không phải là một cảnh diễn để chúng ta ngồi nhìn. Nó là một phần thưởng cho kẻ thay đổi.

Hồi bé tôi thích chuyện cổ tích. Tôi thích ông bụt bà tiên, thích hoàng tử công chúa, tin vào phép mầu. Lớn lên vẫn thích chuyện cổ tích nhưng không thèm mơ làm hoàng tử công chúa hay mơ gặp bụt gặp tiên nữa mà biết rằng mình có thể làm bụt làm tiên, mình cũng có phép mầu, mình cũng có quyền năng thay đổi.

Rồi đến một lần, ngồi ở sân bay với một người bạn, chị nói: “Chỉ cần làm men thôi. Men rơi vào sữa thì sữa thành yogurt. Sữa đổ vào sữa thì vẫn là sữa”. Tôi nhận ra rằng đúng thật, chả cần gì to tát, làm một con men thôi, nhỏ bé nhưng có năng lực chuyển hóa.

Người ta thường ít khi ngần ngại trước một việc xấu nhỏ, tặc lưỡi “có chút xíu hà, không sao đâu”. Nhưng trước một việc tốt nhỏ thì hay hỏi câu: “Việc này liệu có thay đổi được gì không?” và thường bỏ qua. Ta quên rằng mọi thứ lớn lao đều được tạo nên bởi những điều nhỏ nhặt.

Một hạt mưa cũng góp phần tạo nên cơn lũ, một hạt bụi vào mắt khiến bạn xốn xang, một con muỗi nhỏ xíu ban đêm sẽ quấy rầy bạn không ngủ được, một hạt sạn trong cả nồi cơm khiến bạn mất ngon, một sợi tóc trong ly nước là quá nhiều, một hòn sỏi nhỏ trong giày khiến ta không đi được. Vậy chỉ cần làm những việc rất nhỏ thôi.

Nhỏ như một hạt mưa, một hạt bụi, một con muỗi, một sợi tóc, một hạt sạn, một viên sỏi cũng tạo nên sự khác biệt lớn rồi.

Để tôi kể bạn nghe kinh nghiệm đi xe đạp amateur của tôi. Hồi còn trẻ hơn, tôi thích môn xe đạp đường dài. Tôi không giỏi môn này nhưng thích nó vì những cung đường vắng và cảm giác sung sướng khi thả dốc dài.

Có một điều mà các bạn cùng đi hay ngạc nhiên vì tôi bé nhỏ nhưng rất “lì”, lên dốc không xuống dắt xe. Thật ra bí quyết của tôi chỉ đơn giản là khi thấy dốc, tôi không nhìn đỉnh dốc nữa, chỉ nhìn vào ngay trước bánh xe, và nhích từng pêđan một.

Với tâm thế ấy để nhìn vào những chuyện to lớn hơn, như thực trạng môi trường sống ô nhiễm, ta biết điều lớn phải làm: giảm xả thải và tái lập rừng. Rừng? To quá! Đất đâu mà trồng?

Đừng lo chuyện to khi ta không thể. Chỉ cần bắt đầu trồng cây ở bất cứ nơi nào bạn có thể. Hiểu về kết cấu của một khu rừng đã. Rồi mảnh vườn nhỏ nào cũng có thể thành rừng. Chuyện gì to thì chẻ nhỏ ra để làm. Làm từ từ cũng xong. Nhưng cái chính là phải bắt đầu. Rồi cứ thế lan dần ra, như men chuyển hóa sữa thành yogurt. Chỉ cần là men thôi!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận