Mỗi tuần một chuyện: Những người muôn năm cũ…

HUY THỌ 16/07/2020 03:07 GMT+7

TTCT - Giáo sư Dương Nghiệp Chí là một người vừa trở thành “muôn năm cũ”. Nhà báo, nhà khoa học Vũ Công Lập cảm thán: Không biết đến bao giờ lĩnh vực khoa học thể thao mới có được một người như thế?

 
 Giáo sư Dương Nghiệp Chí trong một lần trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ tại Viện Khoa học TDTT - Ảnh: KHƯƠNG XUÂN

 Giáo sư Dương Nghiệp Chí là một người vừa trở thành “muôn năm cũ”. Nhà báo, nhà khoa học Vũ Công Lập cảm thán: Không biết đến bao giờ lĩnh vực khoa học thể thao mới có được một người như thế?

Không chỉ lĩnh vực khoa học thể thao, một loạt cán bộ lãnh đạo ngành thể thao thời kỳ đầu mở cửa cũng đã bước qua tuổi cổ lai hi…, trong khi hiện tại, tin mới nhất tôi nghe được thì đương kim tổng cục trưởng Tổng cục TDTT chỉ còn hai tháng nữa là đến tuổi nghỉ hưu, nhưng không tìm được ứng viên sáng giá nào đủ sức thuyết phục mọi người để ngồi vào ghế số một ngành thể thao.

Ông Vũ Công Lập chia sẻ nỗi suy tư này, và nói: “Ngày xưa, lãnh đạo thể thao cấp tỉnh thành cũng rất nhiều người độc đáo, như ông Giang ở Hà Nội, ông Lộc ở Khánh Hòa, ông Phán ở Quảng Nam, ông Thì ở Bình Định… Ở trung ương thì từng trưởng bộ môn, từng vụ trưởng cũng đều là người độc đáo, có năng lực”.

Thậm chí, trưởng phòng thể thao một quận ở TP.HCM như ông Tư Ngữ cũng có vô vàn chuyện để đời, với bóng đá nữ, xe đạp nữ, aerobic… ngày nay đều rất phát triển nhờ đóng góp không nhỏ của ông. Rồi ở Hà Nội, ông Hoàng Vĩnh Giang đặt nền móng cho một loạt môn võ, nhảy cầu, bắn cung… Ông Hồng Minh thì đặt nền tảng cho thể dục dụng cụ, thể hình, cử tạ…

Ông Phạm Văn Tuấn, người vừa rời ghế tổng cục phó Tổng cục TDTT, cũng cảm thán: “Buồn lắm. Một sự khủng hoảng thật sự về đội ngũ cán bộ quản lý thể thao, từ địa phương đến trung ương!”.

Tại sao vậy? Người tài trong lĩnh vực quản lý thể thao ở đâu? Ông Vũ Công Lập suy tư một lúc rồi mới trả lời: “Chúng ta đã không tạo ra được một cơ chế minh bạch cho việc tuyển chọn, đào tạo người có năng lực. Tôi suy nghĩ rất nhiều về điều này, khi có quá nhiều nơi xảy ra tình trạng sóng lớp sau không đè được lớp trước. Vì vậy, tôi cho rằng nó là câu chuyện của thể chế vậy!”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận