Một "cõi người ta" của W. Faulkner

LAM ĐIỀN THỰC HIỆN 30/07/2013 22:07 GMT+7

TTCT - Trong vai trò là người tổ chức tủ sách Tinh hoa văn học của Công ty sách Phương Nam, nhà văn, dịch giả Nhật Chiêu cho biết tập truyện Nắng tháng tám của William Faulkner do ông chọn và đề nghị dịch giả Quế Sơn dịch sang tiếng Việt vừa được ấn hành.

Phóng to
Ảnh: L.Điền

Dịch giả Nhật Chiêu: “Sở dĩ tôi đề nghị Quế Sơn đảm nhận việc dịch Nắng tháng tám sang tiếng Việt vì trước đó dịch giả này đã dịch rất đạt một số tác phẩm khó như Người đẹp ngủ mê của Kawabata, Lụa của Alessandro Baricco. Với lại, chắc chắn nhiều dịch giả sẽ ngần ngại khi nghĩ đến nhiệm vụ phải chuyển ngữ nghiêm túc và đạt phong cách của Faulkner”.

Marquez, Hemingway đều từng coi Faulkner là bậc thầy, mới đây nhà văn Mạc Ngôn cũng phát biểu xem Faulkner là thầy. Có điểm chung nào trong ba nhà văn đoạt giải Nobel kia khi cùng xem nhà văn Faulkner (cũng đoạt giải Nobel) là thầy như thế?

- Với một nhà văn lớn, văn chương thực chất là công cuộc sáng tạo huyền thoại (mythopoeia - NC) - tương đương với sáng tạo một thế giới. Ở Faulkner, thế giới hư cấu của ông hình thành nổi bật là Yoknapatapha. Thế giới hư cấu nhưng như một thế giới thật, ám ảnh bất kỳ ai. Điều này ảnh hưởng đến Marquez với thế giới Macondo và Mạc Ngôn thì có thế giới Cao Mật.

Làm sao biến cái vắng mặt thành có mặt, không thành có, hư cấu thành có thật, nếu không có thủ pháp sáng tạo huyền thoại?

Đó còn là sáng tạo điển mẫu (những hình mẫu chung như người mẹ, người anh hùng đi tìm một điều gì quý báu... đã tồn tại bao đời trong tâm thức nhân loại). Có khi tính khái quát đạt đến cao độ cũng cho ra một điển mẫu, như mở đầu Nắng tháng tám: một người con gái mang thai đi tìm tác giả bào thai. Tính sáng tạo huyền thoại này được những nhà văn sau ông như Marquez, Hemingway, Mạc Ngôn theo đuổi.

Còn về tư tưởng, Faulkner miêu tả con người ở những tố chất lớn lao nhất, và những lỗi lầm cũng rất lớn lao. Trong Nắng tháng tám có hai câu rất ngắn: “Tội nghiệp con người. Tội nghiệp nhân gian” (Poor man. Poor mankind).

Đọc hai câu này ta nhớ nhiều lần Nguyễn Du viết về “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Chính vì tấm lòng đồng cảm, đau đớn xót xa ấy mà những tác giả như Nguyễn Du và Faulkner đã tạo dựng nên một “cõi người ta” vừa hư cấu vừa sống động đến từng chữ như vậy.

Hình tượng Lena mang thai tạo ấn tượng không quên được, ý nghĩa ẩn dụ của cuộc đi tìm này là rất sâu thẳm: tìm tác giả của sự sống trong lòng mình. Và mặc dù tác giả ấy giấu mặt, sự sống vẫn ra đời. Các nhà văn Nobel kia xem Faulkner là bậc thầy chính ở khả năng sáng tạo huyền thoại, sáng tạo điển mẫu như vậy.

Dịch giả Quế Sơn ghi nhận sơ bộ xung quanh Nắng tháng tám có bốn bài giảng của giáo sư Wai Chee Dimock ở Đại học Yale (Mỹ) và hàng chục cuốn sách tiếng Anh nghiên cứu. Người ta tìm hiểu những gì ở tác phẩm này?

- Lâu nay ở Việt Nam khi giảng dạy văn học Mỹ người ta thường dạy nhiều về Hemingway mặc dù Hemingway bái Faulkner làm thầy. Hemingway được dịch nhiều ở ta, trong khi Faulkner chỉ có Âm thanh và cuồng nộ được dịch, gần đây thì có Khi tôi nằm chết, và Nắng tháng tám lần đầu tiên được dịch.

Với Nắng tháng tám, chắc chắn sẽ cải thiện tình hình nghiên cứu và giảng dạy về Faulkner. Bên cạnh Âm thanh và cuồng nộ, Nắng tháng tám là một trong hai tác phẩm lớn nhất của Faulkner. Nhưng theo tôi, Nắng tháng tám dễ đọc hơn vì ở tác phẩm này Faulkner ít sử dụng những kỹ thuật về dòng ý thức như trong Âm thanh và cuồng nộ.

Nắng tháng tám kể về nỗi đau của con người, của một phụ nữ bị bỏ rơi khi mang thai và sinh con, của một thanh niên gốc da đen giết người và bị hành hình dã man...

Đọc Nắng tháng tám ta có cảm nhận như cuộc sống mình được trải rộng hơn vì những trải nghiệm mới trong cõi người ta với các nhân vật vừa gần gũi với mình trong nỗi đau và niềm vui nhưng đồng thời họ có những góc khuất cuộc đời được tác giả soi sáng. Và điều đó đem đến cho ta những hiểu biết và cảm thông mới.

Với sự cảm nhận Nắng tháng tám từ nguyên tác tiếng Anh, ông cho rằng dịch giả Quế Sơn đã chuyển tải tinh thần cũng như giọng văn Faulkner trong trường hợp này như thế nào?

- Theo tôi, bản dịch Nắng tháng tám của Quế Sơn là rất công phu và tài tình. Công phu ở chỗ dịch giả đã sửa đi sửa lại nhiều lần bản dịch và chú giải rất kỹ, theo tôi còn kỹ hơn cả bản dịch tiếng Pháp của Nắng tháng tám. Còn tài tình là Faulkner dùng nhiều văn phong ngôn ngữ khác nhau: có văn phong như thơ, có văn phong phương ngữ của miền nam nước Mỹ, có văn phong của cộng đồng da đen... và dịch giả đã biết cách chọn từ, chọn cách diễn đạt cho từng trường hợp.

Ví dụ với Lena - một cô gái dân dã, Quế Sơn đã chọn ngôn ngữ khi cô nói “ui cha...”, đây là ngôn ngữ của nhân vật chứ không phải của tác giả. Và trong Nắng tháng tám có cả văn phong tục, dịch giả phải chạy theo tác giả từ nhã đến tục để chuyển tải cho đúng. Và tôi nghĩ đây là điều thành công của dịch giả Quế Sơn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận