​Một cuộc đời từ “thiên đường vô ưu”

NGUYỄN MINH 17/06/2015 19:06 GMT+7

TTCT - Khi ta mơ quá lâu (*) là câu chuyện khá bình lặng của nhân vật chính Kwang Meng, một chàng trai 18 tuổi ở giai đoạn chuyển tiếp giữa những mộng mơ tuổi trẻ và gánh nặng trách nhiệm mà xã hội đòi hỏi. Thế nhưng, chỉ qua số phận một con người nhỏ bé và những lựa chọn của anh ta, người ta thấy được chân dung một đất nước.

 

Trong cái nhìn từ xa, Singapore mang vẻ sạch sẽ vô ưu của một thiên đường, khách du lịch mong muốn ở đây sự trật tự, tiện lợi và những khu mua sắm bất tận. Đổi lấy những tiện nghi đó là hàng chục năm bồi đắp của những con người “sản phẩm của đợt bùng nổ dân số thời hậu chiến”, từ khi đất nước trở thành một quốc gia độc lập năm 1965.

Con đường đi lên của Singapore cần tất cả người dân đi theo, như một định mệnh.

Tốt nghiệp trung học, Kwang Meng (Quang Minh) xin được một chân thư ký - công việc mà cha anh đã làm cả đời, còn anh tuy thấy nó chán và vô nghĩa nhưng không kiếm được việc gì khác với tấm bằng và điều kiện gia đình mình. Dù mới bước vào đời, anh đã chẳng hứng thú xây dựng sự nghiệp. Không giống như cái tên, anh luôn lùi khỏi sân khấu, tránh ánh đèn và thấy an toàn hơn khi màn đêm buông xuống.

Thứ ánh sáng duy nhất khiến anh dễ chịu là ánh nắng của biển. “[...] Ở nơi bất di bất dịch này, bầu trời quanh năm lúc nào cũng giống nhau như một căn bệnh mãn tính không thuốc chữa, như cơn sốt kéo dài lúc nào cũng bừng bừng trong không khí. Trên hòn đảo nhỏ Singapore này không có lấy một ngọn đồi đích thực, không một dòng sông đích thực, không một ngọn núi..., chỉ có biển mà thôi”.

Bơi, cảm nhận nước và cát nóng là nhu cầu khôn tả mà cả thân xác và tinh thần Kwang Meng đòi hỏi, trong cơn sốt mãn tính ấy. Vì nơi mà anh sống vốn là một hòn đảo nhưng nó không còn giống đảo nữa. Người ta xây vô số dãy nhà dài, làm những khu vui chơi nhân tạo, đẩy biển ra xa và tẩy rửa cái nóng nhiệt đới bằng điều hòa. “Chìm trong cái bình thường không mùa”, cuộc sống “không tuyệt vọng, không cao trào”, “chả có đánh nhau, chả có cách mạng” gì nữa. Giống như một thành phố trong phim giả tưởng.

 Ra sân khấu quá trễ, tới thế hệ mình, mọi chuyện đã xong béng rồi. Giờ chả ai cần chúng ta”. 

Như rất đông những người trẻ tuổi, Kwang Meng và các bạn từng có ước mơ thay đổi thế giới, nhưng họ nhanh chóng hiểu ra là đã “ra sân khấu quá trễ, tới thế hệ mình, mọi chuyện đã xong béng rồi. Giờ chả ai cần chúng ta”. Họ đủ ăn, đủ mặc, có nhà cửa, có nhiều quán bar để giải trí, xã hội đã đi vào trật tự và “chỉ có thể chấp nhận các điều khoản của nó, hoàn cảnh và quy ước của nó, không thì đi đứt”.

Hai người bạn thân của anh có cách thích nghi riêng, đi du học, hoặc cặp với một cô gái con nhà giàu rồi tìm cách leo dần lên cao. Họ sẵn sàng để trở thành “những sinh vật hoàn chỉnh đến kỳ lạ, nhưng cũng tuyệt đối đáng buồn”.

Còn Kwang Meng, từ sâu thẳm anh hoang mang như một con chó lạc, không cam lòng, luôn cảm thấy có gì đó không thực trong những gì mình đang tham dự, cuộc sống vì thế mà vô nghĩa, ngay cả mối tình với cô gái bán quán bar Lucy - người mang lại cho anh những giây phút hạnh phúc hiếm hoi - cũng là thứ chẳng đi đến đâu.

Gánh nặng mà gia đình chất lên vai anh, anh nhận lấy mà không kêu ca, coi đó như số phận của một bánh răng trong dây chuyền. Ở đấy nếu không lơ lửng như hạt bụi người ta sẽ chìm dần giữa cái nóng, trong rác và tiếng ồn đô thị, trong lúc hiểu rằng “mọi thứ đã an bài rồi”, nhưng cũng không rõ thứ gì đã được an bài.

Tràn đầy những ẩn dụ xuyên suốt, Khi ta mơ quá lâu là cuốn sách thật lớn dù độ dày chỉ hơn 200 trang. Ngay cả những biến cố quan trọng nhất cũng được mô tả một cách bình dị, ngang nhau, dù là niềm vui hay nỗi đau. Nhưng từng mảnh trong bối cảnh tưởng như không có chuyện gì xảy ra ấy là cảm giác nhói buốt khi có gì đó tan vỡ, trong khi người ta thậm chí còn chưa kịp nhìn kỹ nó. Chỉ đơn giản là, mọi thiên đường mà con người gắng sức tạo thành đều có giá rất đắt.       

(*): Tiểu thuyết của Goh Poh Seng, Nguyễn Dương Quỳnh dịch, Nhã Nam và NXB Lao Động, 2015.

Goh Poh Seng (1936-2010) sinh tại Kuala Lumpur, hành nghề y song song với hoạt động trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật, từng là phó chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Singapore. Từ năm 1986 ông sang Canada định cư và mất tại đó. Khi ta mơ quá lâu là tiểu thuyết đầu tay của ông, in năm 1972, năm 1976 đoạt giải của Hội đồng phát triển sách quốc gia, trở thành tác phẩm kinh điển của văn học Singapore. Ông còn sáng tác nhiều tiểu thuyết, thơ và kịch.

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận