Mỹ thuật châu Âu trong Zócalo

BÀI VÀ ẢNH: ĐĂNG LÂM 19/09/2020 18:09 GMT+7

TTCT - Lần thứ hai quay lại, giáo đường Tổng giám mục trong đô thị cổ Zócalo của UNESCO vẫn luôn quyến rũ ánh mắt. Chậm rãi xuyên qua từng lớp mỹ thuật xếp thật ngăn nắp lên nhau, tôi thấm hiểu câu nói của người đi trước: quy hoạch đô thị và dòng mỹ thuật còn phản ánh lại vàng son của đế chế, vương triều và cả một giai đoạn lịch sử…

Quảng trường trung tâm (Plaza) phải đủ lớn để tổ chức các sự kiện, nghi thức cho cả lục địa. Quảng trường trung tâm México rộng 1.485km2.
Quảng trường trung tâm (Plaza) phải đủ lớn để tổ chức các sự kiện, nghi thức cho cả lục địa. Quảng trường trung tâm México rộng 1.485km2.

Vùng đất mới được người xứ bò tót đặt tên là “Tân Tây Ban Nha” khi khai phá Tân thế giới và chọn México là kinh đô vàng son cho Bắc Mỹ. Người Méxicano mến gọi linh hồn và trái tim của riêng mình đơn giản là Zócalo. Theo ngôn ngữ Latin cổ, Zócalo đã ôm trọn bốn sắc thái văn hóa khác nhau.

Đô thị theo quan điểm Zócalo

Càn quét châu Âu, người La Mã đưa ra khái niệm “Zócalo” để quy hoạch diện mạo đô thị đồng nhất trong đế chế của mình. Thuở xưa, theo quan điểm “đất hình vuông” và có bốn châu lục hiện diện, nên quận trung tâm sẽ gồm bốn dãy phố nằm ở bốn cạnh ôm ấp giáo đường trung tâm.

Mỗi dãy phố gồm ba khối nhà, lối dẫn đến ngôi nhà linh thiêng của Đức Chúa Trời sẽ có bốn phương tám hướng giúp con chiên hướng thiện. Trong ba khối nhà, đối trực diện về hướng đông của giáo đường trung tâm là tòa nhà Quốc hội với ý nghĩa mỗi ngày mặt trời lên, những người nắm cán cân quốc gia sẽ thực hiện việc hành pháp trong trắng.

Dãy cột Estípite.
Dãy cột Estípite.

Phía tây là bệnh viện trung tâm bởi khi tà dương tìm về, là lúc bóng đêm đến quấy nhiễu gây bệnh tật cho loài người. Hướng nam là tòa thị chính, phía bắc là tòa nhà dành riêng cho các bộ ngành. Trong mỗi tòa nhà, sơ đồ bố trí phòng ốc vẫn theo kiến thiết hình vuông.

Người Rome nghĩ rằng Thượng đế đã tạo ra quả địa cầu có hình chữ nhật, nên từ quận trung tâm, kiến trúc một đô thị sẽ được thiết kế chạy dài đều trong khuôn khổ hình chữ nhật. Trong đô thị hình chữ nhật, ở trung tâm mỗi cạnh của bốn con đường lớn, được xem là cổng thành, các kiến trúc sư bố trí thêm bốn ngôi giáo đường khác.

Về nơi mặt trời mọc là ngôi giáo đường dành riêng cho mẹ Maria, người đã mang Chúa vào trần gian để khai sáng cứu rỗi. Phía tây là giáo đường Sant Domingo, vị thánh bổn mạng của những đứa trẻ và phụ trách y học. Với người Tây Ban Nha, vị thánh thành Assisi là Sant Francisco - người cha đỡ đầu cho Tân thế giới - nên ngôi giáo đường mang tên ông luôn đặt ở hướng nam.

Khi Christopher Colombus tới châu Mỹ, người Tây Ban Nha áp dụng tiêu chí quy hoạch chuẩn mực đô thị của người La Mã để tạo dựng hình hài ở Tân thế giới. Thủ đô Santo Domingo của CH Dominica được xây dựng vào năm 1502, San Juan (Puerto Rico) năm 1509, Santiago de Cuba năm 1514, Havana (Cuba) năm 1515, Panamá la Antigua (Panama) năm 1519, Veracruz (Mexico) năm 1519, thủ đô México vào năm 1521, Santa Marta và Cartagena đều của Colombia lần lượt vào năm 1525 và năm 1533.

Mỹ thuật Renaissance trên cánh cổng chính giáo đường
Mỹ thuật Renaissance trên cánh cổng chính giáo đường

Trong các thành phố thuộc địa Tây Ban Nha nằm dọc biển Caribê được UNESCO công nhận di sản văn hóa của thế giới, chỉ thủ đô México diễn đạt đúng nhất về “Zócalo”. Theo quan điểm của người La Mã, “Zócalo” phải gắn liền với bốn yếu tố văn hóa lớn: (1) Đó là chốn hội tụ, phơi bày tất cả các nét đẹp nghệ thuật và dòng kiến trúc. 

(2) Quảng trường trung tâm (Plaza) không chỉ là nơi để mọi người đến vui chơi, tụ tập, hít thở không khí trong lành mà còn phải đủ lớn và rộng để tổ chức các nghi thức, sự kiện lớn tầm cỡ quốc gia và cho cả lục địa.

(3) Về yếu tố địa lý, “Zócalo” là thành phố thể hiện sự thịnh vượng giàu có và các vùng đất lân cận thủ đô México vô cùng trù phú các quặng mỏ kim loại bạc.

(4) Ý nghĩa trong phong thủy, “Zócalo” còn phải là vùng đất long chầu hổ phục và kinh đô vàng son México của vương triều Aztec vừa sụp đổ khi đoàn quân viễn chinh Catalan đã san bằng.

Dòng mỹ thuật thời gian

Ngày 8-11-1519, đổ quân từ thương cảng Veracruz để tiến về thủ phủ México, tướng Hernán Cortés đã chứng kiến tận mắt “thành phố vĩ đại” từ những lời đồn đại. Ông sững sờ trước những nét đẹp mỹ thuật của các công trình mà các vị vua Maya (vương triều Aztec) xây cất từ các khối đá núi lửa Tezontle.

Giáo đường Tổng giám mục (Metropolitan Cathedral)
Giáo đường Tổng giám mục (Metropolitan Cathedral)

Động thổ vào năm 1573 và mất hơn 240 năm xây dựng, giáo đường Tổng giám mục (Metropolitan Cathedral) dài 128m, rộng 59m, cao 67m là nơi thu nhỏ và cất giữ các tác phẩm từ những trường phái mỹ thuật nổi tiếng nhất của châu Âu thế kỷ 12 đến giữa thế kỷ 18 ở Tân thế giới.

Cuối thế kỷ 12, mỹ thuật Phục hưng (Renaissance) ra đời ở Frolence (Ý) gây ảnh hưởng khắp lục địa châu Âu, phục hưng những công trình di sản mà người Hy Lạp và La Mã đã khai sinh từ những thế kỷ trước.

Các kiến trúc sư đã áp dụng Phục hưng trên cánh cổng chính của giáo đường Tổng giám mục. Các cây cột Doric, Ionic và Corinthian của đế chế Hy Lạp - La Mã được mẹ Maria và bốn vị thánh tối cao gồm Peter, Paul, Andrew và James bảo hộ. Những mảng tường thành bốn mặt của Metropolitan Cathedral lại đậm đà Renaissance Herrerian, một dòng mỹ thuật khác biệt của xứ Catalan.

Renaissance Herreian cách điệu từ mỹ thuật Baroque, được vua Philip II khai sinh vào thế kỷ 17 để dành riêng kiến thiết đô thị Madrid. Renaissance Herreian là bài toán hình không gian mà các kiến trúc sư cần phải giải quyết trong hình tròn cầu và kim tự tháp để bố trí các tháp chuông vững chắc và các ô cửa sổ cân xứng.

Người Tây Ban Nha phả hơi thở mỹ thuật rất riêng Churrigueresque của bán đảo Iberia bằng cánh cổng Tabernacle nằm bên phải lối chính vào giáo đường. Churrigueresque còn được gọi là “Baroque Tây Ban Nha”, ra đời vào cuối thế kỷ 17 khi các kiến trúc sư sử dụng vôi rửa “stuco” để tạc các pho tượng trang trí.

Cánh cổng Tabernacle được phác họa từ hình dáng thập tự giá, thật lộng lẫy khi trở thành bức bích họa đá kể lại câu chuyện sống động vị hiền triết Jesus cùng 12 vị tông đồ.

Với hai tháp chuông của Metropolitan Cathedral, các kiến trúc sư lại áp dụng mỹ thuật Neoclassical - Tân cổ điển thịnh hành vào giữa thế kỷ 18 để công trình thêm hoàn hảo. Khác với mỹ thuật Rococo, Neoclassical nghiêng nhiều về nhấn nhá để phân biệt rõ nét từng phần kiến thiết khi bức tường thành công trình đã lên cao.

Mỗi thân tháp chuông gồm có ba tầng thể hiện “nhân đức đối thần” gắn liền Thần học và triết học Kitô giáo trong sự cứu rỗi của Thiên Chúa bao gồm: đức tin, đức cậy và đức mến.

Bên trong Metropolitan Cathedral, các kiến trúc sư sử dụng mỹ thuật bản lề Gothic để thiết kế các sảnh điện. Biến tấu từ mỹ thuật Romanesque có từ thế kỷ 6 - 11, kết hợp kiến trúc Norman của người Anh vào thế kỷ 12, nghệ thuật Gothic chú ý nhiều đến việc bố trí các dãy cột chạy dài để tạo thành “nấc thang lên thiên đường” hun hút sâu.

Nghệ thuật Baroque và Churrigueresque trên bệ thờ Altar.
Nghệ thuật Baroque và Churrigueresque trên bệ thờ Altar.

Áp dụng hình học không gian, Gothic lại chú trọng các đường viền nhấn Rib Vault trên các lối hành lang để diễn đạt cõi nhà Trời rộng lớn giữa các vị tinh tú.

Những thỏi vàng của các vị vua Maya đã tan chảy để điện thờ linh thiêng luôn phát ra ánh sáng óng ánh mê hoặc. Giáo đường Tổng giám mục México đặc biệt khi có đến hai bệ thờ với kiến trúc và ý nghĩa khác biệt. Ngay sau lối vào là bệ thờ Forgiveness, nơi mẹ Maria rửa tội và tha thứ những lỗi lầm trần ai của con chiên, nơi kiến trúc sư Jerónimo Balbás sáng tạo ra cây cột “Estípite” có ba hướng đặc trưng cho lục địa châu Mỹ.

Men theo dãy thang lên thiên đường, con chiên ngoan đạo sẽ đến điện thờ trung tâm có tên gọi “Ngai vàng của vua”. Chào đời vào đầu thế kỷ 17, mỹ thuật Baroque tôn vinh các bức bích họa, tranh ảnh trên các mái vòm, nên “Ngai vàng của vua” là hỗn hợp hai dòng nghệ thuật đương đại gồm Baroque và Churrigueresque. Điện thờ tuyệt đẹp, vô cùng trang nghiêm, những bức bích họa, pho tượng kể lại mỗi ngày Chúa ngự triều cùng các vị Thánh thiên sứ, thiên thần xem xét và cứu rỗi nhân thế.

Sau hơn 200 năm kể từ ngày thiên tài Michelangelo tô điểm thánh địa Vatican thật lộng lẫy bằng bích họa Renaissance, họa sĩ Francisco de Zurbarán đưa Tây Ban Nha sánh ngang tầm mỹ thuật quốc tế với các đế quốc khác bằng dòng tranh “Baroque Mudéjar”, pha thật tinh tế giữa ba gam màu đỏ, vàng và đen trên giấy sơn dầu. Nghệ thuật Mudéjar hàm ý: rồi mặt trời Catalan sẽ soi rọi nhiều tia sáng vàng ở Tân thế giới.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận