Nắng chiều

TTCT - Chiều đậu xuống bậu cửa. Nhà dì Tám day ngược hướng mặt trời mọc nên khi chiều về, nắng vàng héo rủ xuống chỗ bậu cửa rồi từ từ chậm rãi rọi tuốt từ trước ra sau nhà, trống huơ trống hoác.

Phóng to
Tranh: Hoàng Tường

Dì Tám ngồi ngược nắng trên một cái ghế bố vải có mùi cũ mốc lặng lẽ đổ cái bóng mình gắn xuống nền đất đen thui cứng ngắc, nổi vẩy rồng.

Ngày nào dì cũng ngồi ráng đến chạng vạng để lọ mọ xỏ chỉ luồn kim nối vải vụn làm mền. Khi nào chế Hai tranh thủ may xong cho khách vài bộ đồ thun hoa hòe sặc sỡ rồi tất tả đón xe chạy ra thăm là dì có được một bọc vải lụn vụn với nhiều kích cỡ, màu sắc khác nhau. Bọc vải đó đủ cho dì cặm cụi tỉ mẩn cắt xén cả mấy tuần liền. Những mảnh vải nhỏ hình lục giác chắp lại nhau xoay tròn quanh cái nhưn thành một bông hoa vải sáu cánh to bằng bàn tay.

Rất nhiều cái bông như vậy được chắp nối lại. Dì định sẽ làm hoài, nhanh là chừng vài tháng, lâu là vài năm trời cũng được, chừng nào thằng Hải - con trai của dì - về, cưới cho dì một đứa con dâu. Hẳn lúc đó dì đã hoàn thành một tấm mền thật là đẹp, kết trong đó cả rừng hoa rực rỡ để tặng cho vợ chồng nó, cùng với cả ngôi nhà cũ - tài sản có giá trị lớn nhất mà dì có cho tới từng tuổi này.

Căn nhà có vẻ co rúm lạc lõng trước sự vươn lên khoe dáng của những ngôi nhà hàng xóm khác được trang điểm diêm dúa trong khu phố này nơi vùng thị tứ. Trong cái dòng chảy đô thị hóa cuồn cuộn mấy năm nay, nó vẫn cứ như một tảng đá cũ mốc màu rêu phong nằm lạc lõng ngơ ngác mà lì lợm.

Đã có nhiều người đến, thèm thuồng nhìn khoảng sân rộng phía trước nhà, rồi năm lần bảy lượt gạ gẫm dì sang lại nền đất cả trăm mét vuông này bằng một cái giá khá hời. Họ không để ý lắm đến ngôi nhà nền đất bé nhỏ khiêm nhường lùi sâu bên trong mà chỉ mê mẩn hình dung mình sẽ đốn cây mận đi như thế nào, san phẳng vườn hoa ra sao để xây lên trên đó một tòa biệt thự tiện nghi sang trọng.

Mặc kệ, trước sân, dưới bóng râm của một cây mận trắng già cỗi mùa nào cũng rơi rụng một rổ trái sâu, vườn hoa nhỏ xíu đến rưng rưng của dì cứ nằm đó. Những bông hoa với sắc màu tai tái vì nắng chiều, vẫn cứ nở rồi lại tàn, tàn rồi lại nở.

Mỗi lần chế Hai tranh thủ ghé ra thăm dì, ngoài bọc vải vụn chắc chắn không thể thiếu, chế thường mua thêm ít mắm ruốc tươi với đọt măng non luộc ngâm chua, món mà hồi còn nhỏ thằng Hải rất thường xuyên vòi vĩnh dì làm cho nó. Giờ, dì cũng mê món ăn dân dã đậm đà này như một thói quen không tốt. Chế Hai hay nhắc dì, lớn tuổi rồi, không nên ăn mặn quá. Nhưng lần nào chế lỡ quên mang ra cho dì thì trong bụng vô cùng áy náy.

Bước vô nhà là chế đi một lèo từ trước ra sau, lẩm bẩm nói nhà gì vắng như cái am. Nắng mà tắt thì không gian cứ nhờ nhờ, nửa ngày nửa đêm, tranh tối tranh sáng. Nhà chỉ có mình dì nên tiết kiệm điện, đến khi tối thui hết thấy đường thì dì mới bật lên một cái đèn hột vịt duy nhất ở phía nhà trước. Ánh đèn vàng tỏa ra một mùi hiu hắt không đủ soi sáng những góc khuất, làm ngôi nhà cũ thêm âm u.

Ở thì như vậy, còn ăn thì dì nấu một nồi cơm từ sáng sớm dành cho cả ngày. Chiều, chỉ cần hâm cơm nguội lại với ít thức ăn kho mặn là qua bữa. Có khi tối mịt mới sực nhớ chưa ăn cơm, vậy là bới một chén lên gian nhà trên ngồi, vừa nhai nhóp nhép vừa dán mắt nhìn vào một bộ phim Hàn Quốc phát trên chiếc tivi màu cũ hình ảnh bắt đầu nhem nhuốc. Cái tivi này là tiền của con trai dì đi làm gửi về một lần duy nhất sau cả năm trời bặt tin, dì ăn nhịn để dè mua lại từ nhà hàng xóm muốn đổi tivi mới.

Thằng quỷ con dì, nó biểu chừng nào đủ tiền cất lại nhà mới và có chút đỉnh vàng đi hỏi vợ thì nó mới về. Vậy nên dì đã ngồi ăn cơm một mình mấy năm nay. Gần đây cũng không hẳn là một mình. Có một con mèo hoang đi lạc vào nhà mấy tháng nay, giờ cơm cũng hay nằm cọ cọ dưới chân, chắc cũng cùng coi tivi, sẵn chờ dì thỉnh thoảng cho nó một miếng cơm nhai với mắm.

Hôm nào có chế Hai ra chơi thì dì Tám cầm cái điều khiển bấm tivi cho nó nín. Chế Hai thắc mắc:

- Sao dì không coi tiếp, phim bộ tình cảm mà bỏ tập rồi sao hiểu đứa nào nó thương ai?

- Xời - dì chép miệng - Mở lên cho có tiếng người vui nhà vui cửa chứ có hiểu nó yêu đương vòng vòng thế nào đâu. Bữa nay nhà có tiếng bây nổ râm ran thì cần gì coi nữa.

- Hí hí - chế Hai cười rổn rảng như nắng sáng - ý của dì là tiếng con nghe còn hay hơn mấy con nhỏ diễn viên Hàn Quốc có phải không?

Những khi như vậy thì dì Tám cười rất hiền, mắt nheo nheo nhìn chế âu yếm lắm.

- Lâu nay hia không có thư từ tin tức gì sao dì? - chế Hai thỉnh thoảng vẫn hay tò mò hỏi.

Và những lần sau này thì dì Tám thường ít hoặc không trả lời những câu hỏi như vậy nữa. Dì thường lén kéo khăn chùi nước mắt, rồi đánh trống lảng:

- Bây cứ đem vải vụn cho tao hoài, xe cộ ra vô tốn kém, may chưa kịp hết đã có vải mới. Trông cho mau mau được cái mền...

Chế Hai trề môi:

- Thiệt hông đó, dăm ba tuần mà con không ra là dì nhớ con mà khóc hu hu chớ ở đó mà nói ngon! - Rồi chế chộp cây chổi xăng xái leo lên ghế - Với lại con còn ra đại náo mấy con nhện trên trần nhà dì nữa nè, vắng con có vài tuần chứ mấy mà nó giăng mùng tùm lum, thấy ớn chưa!

Rồi vừa với người đưa cây chổi lên cao quét váng nhện, chế vừa lẩm bẩm người ta hổng nuôi đi nuôi nhện; mà mấy con này cũng ác nhơn, thấy nhà vắng người tranh thủ phủ tơ, mình không ra tay, chắc mai mốt vô nhà dì mà tưởng vào động yêu nhền nhện quá. Dì Tám vừa xỏ guốc đi ra sau nhà pha ấm trà cho chế, vừa rủa đồ con quỷ, nói năng ba xàm bá láp... À, lát nữa ra tưới vườn bông giùm dì, hồi sáng loay hoay quên tưới, chắc bữa nay nó héo queo.

Ừ mà héo thiệt. Nắng chiều đọng từng vũng ngoài sân hong rũ hết mấy cái hoa tàn. Chế lật đật ra nhà sau xách một cái xô nước nhỏ, múc từng ngụm hớp vào miệng rồi phun phèo phèo lên mấy nhánh cây quặt quẹo, kiểu giống như là phun sương cho bông héo tươi hơn lên một chút. Tội nghiệp, bông sao nhái đã hoe hoe, nằm lẫn với tụi mười giờ tím bầm tàn rụi và ít cúc dại vàng cam như màu nắng quái.

Phấn son trên hoa đã nhạt, lại gặp nắng chiều hắt hủi thì còn gì. Chế phun xong một đợt, rảnh miệng ra cằn nhằn, dì trồng mần chi ba cái thứ này, sân nhà dì ngược nắng sáng mà. Tối ngày nhìn mấy cái bông quéo quắt này, buồn có nước kiếm chùa nào mà xuống tóc quá... Hay là dì đăng bảng kiếm ông nào đó về ở cho vui, để mai mốt con có ra chơi, gặp ổng, thưa dượng Tám cái coi, dì!

Tía lia cái miệng, rửa ráy tay chân, vào ngồi ghế chưa nóng đít, không chịu lùa miếng cơm nào dì mời, chế đã vội vã chộp lấy cái nón lá, cắp cái giỏ đệm, thưa dì Tám con về… Dì Tám đưa ra cửa, biểu hôm nào mày thử bỏ chồng, ngủ lại đây với dì một đêm nghen. Ra, tao kho mắm cà cho ăn, tối kể chuyện đời xưa, hồi dượng Tám mày còn sống, nghe chơi.

Chế dạ dạ rồi tất tả đi. Nhà chiều còn vắng hơn lúc chế chưa ghé. Dì Tám cứ tần ngần ngoài cửa, nhìn hút bóng con nhỏ leo lên chiếc xe buýt cuối ngày rồi mới đóng cổng rào, lặng lẽ quay vào.

Nói vậy thôi chứ nghe chế Hai tâm sự, dì biết cái nết thằng chồng của chế, trời có mà sập lên sập xuống mới cho vợ ra đây ở với dì một hai ngày. Dì đã biết chế Hai hồi dì còn ở quê, láng giềng tối lửa tắt đèn, lúc chế nhỏ xíu, tóc buộc cọng thun nhỏng nhảnh, chơi bán đồ hàng.

Lớn lên, con vợ hiền lành xởi lởi bao nhiêu thì cưới nhằm cái thằng chồng cộc cằn thô lỗ bấy nhiêu! Tội nghiệp, đi vậy về nhà thế nào chồng cũng mặt nặng mày nhẹ, dằn mâm xán chén cho coi. Thế cho nên dì đều quyết liệt từ chối mấy lần chế Hai mở lời, biểu dì Tám về quê ở với chế.

Miệng thì nói ở đây chờ tin thằng Hải, nhưng bụng thì nghĩ về nhà nó tự nhiên biến mình thành người ở ké, làm cái gai mọc trong mắt thằng chồng, ở đó nhắm được ba bữa.

Vài ngày nó đuổi chạy không kịp ra mua vé xe. Nhà của mình cũ xì mốc meo, nhưng mình làm gì cũng được. Ở mình ên thì có làm sao? Chế Hai thì cứ nhì nhằng, ở đây, dì cứ lủi thủi, vô ra không ai hầu chuyện đỡ đần, bình thường khỏe mạnh thì thôi, lỡ ra đêm hôm trái gió trở trời, không có ai mà cạo gió. Tới chừng hay ra, chết thúi hoắc rồi sao?

Mấy lần nghe vậy, dì vừa cười vừa chửi yêu chế, cái con nhỏ mắc ôn mắc dịch, nó trù ẻo mình chết mà còn thúi nữa kìa. Chế Hai trả treo, ai chết mà không sình không thúi? Con thằn lằn nhỏ xíu chết trong kẹt cửa còn bốc mùi. Người ta bự chảng thế này, chết hôi thúi dậy trời luôn chứ chẳng chơi. Mà dì rảnh rảnh ngẫm ra thấy con nhỏ nói cũng đúng quá trời quá đất.

Nhiều đêm ngủ giật mình thức dậy vì một tiếng tắc kè nức nở bên vách, một tiếng chó sủa ma văng vẳng đầu xóm, dỗ mình ngủ lại hoài không được, dì cứ chập chờn nghĩ. Có khi nào mình ngủ lại rồi đi tuốt luốt một giấc dài thật dài, theo ông bà ông vải luôn thì sao ta? Thằng Hải làm gì hay biết. Dì lỡ đặt tên nó là Hồ Hải nên nó tứ hải giang hồ theo bạn bè rủ rê vọt đi làm thuê ở xứ người mất rồi. Phải chi nó kịp cưới vợ để dúi vào lòng dì đứa cháu nội hủ hỉ đỡ buồn, rồi muốn đi đâu thì đi...

Ở cái con ngõ này nhà nào xây lại cũng ưu tiên kín cổng cao tường hết trọi thì có ai mà để ý sao sáng nay không thấy bà già nhà kế bên dậy lụi hụi quét sân? Không thấy bả gom lá khô và bông mận lại đốt cho khói lãng đãng hiện lên từng luồng trong nắng sáng chiếu lòn từ nhà sau ra trước? Rồi nghĩ chắc bả có việc đi đâu đó? Con cháu đón về quê không chừng?

Đến lúc nghe mùi thúi hoắc thì biết đâu người ta lại cho là có con chuột nào đó dưới cống chết sình? Rồi dám đi kêu bên tổ dân phố tới móc thông ống cống, rồi bấm bụng trả bồi dưỡng cả trăm ngàn chứ chẳng ít.

Lúc đó, dì Tám nghĩ nhiều khi tội nghiệp cho con Hai. Ở dưới quê, đón xe lên, chắc là í ới gọi từ cổng vọng vào tới khản tiếng. Không thấy cái dáng của dì ngược nắng chiều trên ghế bố cũ mốc, ngồi chắp lại với nhau từng mảnh vải vụn đủ màu, trông cái mền mình dành cho con mau thành một rừng hoa để mừng ngày cưới của nó.

Cũng không thấy dì lom khom đứng dậy rồi chầm chậm bước từ trong vùng ánh quái chiều tà ra mở cổng rào, mắt reo vui nhưng miệng lại trách yêu chế ra thăm hoài xe cộ tốn tiền...

Chỉ thấy dưới cây mận già đầy trái sâu ăn, mấy cái bông lổm ngổm trên mảnh vườn nhỏ không chỉ héo queo mà đã tàn khô nằm phơi mình la liệt dưới nắng chiều xấp xãi.

Hai à, khi đó đừng có mà sợ hãi nghen con. Chẳng qua là đã hết một ngày thôi...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận