Nàng Dirce Thiên chúa giáo và số phận dân tộc Ba Lan

CANDID 02/04/2018 02:04 GMT+7

TTCT - Chủ đề về tinh thần ái quốc dưới vỏ bọc những câu chuyện cổ xưa thường được Henryk Semiradzki lặp lại trong các tác phẩm của ông.

Bức tranh

Bức tranh "Điệu múa kiếm” của họa sĩ  Henryk Semiradzki.

 Sau một thời gian đằng đẵng mắc kẹt ở dưới mức -120C thì dường như trời cũng phát chán vì lạnh. Bầu trời xanh ngắt, nắng vàng và cảm giác nhẹ nhõm vì không phải quấn chặt người trong những lớp áo như củ hành đã lôi tôi ra đường lang thang.

Bức tranh bị đánh cắp

Trước khi đến Ba Lan, ngoài một chút hiểu biết về văn học và âm nhạc với người đại diện quá nổi tiếng Chopin, tôi hoàn toàn không có một chút ý niệm về nền mỹ thuật của Ba Lan. Để lấp đầy khoảng trống tri thức, tôi dự định tìm hiểu các đại diện tiêu biểu và tình cờ một mẩu tin trên báo Ba Lan đã thu hút sự tò mò của tôi.

Mẩu tin cho biết cơ quan chức năng của Ba Lan đã thành công trong việc ép nhà đấu giá Sotheby ở London phải hủy bỏ việc đấu giá bức tranh Điệu múa kiếm của họa sĩ nổi tiếng người Ba Lan ở thế kỷ 19 tên là Henryk Semiradzki.

Đây là bức tranh nằm trong danh sách các tác phẩm bị đánh cắp và mang ra khỏi Ba Lan trong Thế chiến thứ 2, dù người sở hữu bức tranh cho rằng cha mẹ ông ta đã mua nó. Đến nay, người Ba Lan đã rất thành công trong việc tìm kiếm và mang các bảo vật nói trên quay về.

Theo Bộ Văn hóa Ba Lan, trung bình một tháng Ba Lan mang được một tác phẩm văn hóa bị đánh cắp quay về. Người sở hữu bức tranh Điệu múa kiếm hẳn rất thất vọng, một phiên bản của bức tranh này đã được Sotheby bán đấu giá thành công ở New York với giá 1,8 triệu USD.

Henryk Semiradzki sinh năm 1843 tại Kharkov (Nga) trong một gia đình danh giá, cha ông là vị tướng của quân đội Hoàng gia Nga (lúc đó Ba Lan đang bị Nga chiếm đóng). Henryk học vẽ tại Đại học Nghệ thuật hoàng gia Nga ở Saint Petersburg từ năm 1864-1870, khi tốt nghiệp ông đã đoạt huy chương vàng và có được học bổng để học vẽ tiếp tục tại Munich (Đức).

Năm 1872, ông chuyển tới Rome để vẽ và gây dựng tên tuổi ở đây. Là họa sĩ theo trường phái Kinh viện và bị ảnh hưởng bởi những tiêu chuẩn của Học viện hàn lâm Mỹ thuật Pháp khuynh đảo tiêu chuẩn mỹ học thời đó, chủ đề yêu thích của Henryk là các tích truyện thần thoại và lịch sử Hi Lạp, La Mã xoay quanh khu vực địa lý Địa Trung Hải. Bức tranh tôi muốn đến thăm cũng có chung chủ đề đó, tên Nàng Dirce Thiên Chúa giáo.

Bảo tàng Quốc gia Ba Lan ở trong một khối nhà gồm những tòa nhà hình hộp màu xám, bên ngoài nhìn không mấy thích nhưng không gian bên trong sáng sủa đầy thiện cảm. Khi tìm đến, tôi ngạc nhiên và choáng ngợp trước bức tranh chiếm trọn gần một bức tường.

Bức tranh mô tả khung cảnh đấu trường Colosseum nổi tiếng quen thuộc. Hoàng đế bạo chúa Nero và đoàn tùy tùng đang nhìn xuống một người con gái khỏa thân nằm trên mặt đất, đôi tay của nàng bị trói vào sừng con bò tót khổng lồ. Con vật đã bị giết đổ máu đỏ trên mặt đất. Ngoài rìa bên phải bức tranh là những người nô lệ đang dựa người trên cán giáo. Phía trên những khán đài là đám đông đang cúi xuống nhìn tò mò.

Từ trên cùng, hoàng hậu của Nero cũng đang nhìn xuống. Vị trí người con gái nằm rơi vào điểm mạnh trong quy luật thị giác, ánh sáng kiểu sân khấu cùng các đường dẫn tập trung vào người thiếu nữ đang nằm ngang tầm mắt người xem, khiến người xem cảm thấy mình cũng là một thành phần của bức tranh, cùng hồi hộp với diễn biến vừa qua của trận kịch chiến.

Một phần tên gọi của bức tranh bắt nguồn từ một câu chuyện thần thoại cổ của Hi Lạp. Vua Lycus - người trị vì một thành phố cổ xưa tại xứ Thebes - có một cháu gái xinh đẹp tên là Antiope, vẻ đẹp của nàng khiến thần Zeus, như mọi lần, động lòng.

Thần Zeus đã giả dạng làm vị thần rừng nửa người nửa dê để quyến rũ cô gái. Khi biết Antiope có thai, cha nàng đã rất giận dữ và trừng phạt nàng khiến nàng phải bỏ trốn sang một vương quốc khác. Cảm thấy nhục nhã, nên cha Antiope đã tự sát và dặn Lycus em mình phải trả thù. Lycus đã tấn công vương quốc Sikyon và bắt Antiope về giao cho hoàng hậu Dirce làm nô lệ.

Trên đường trở về, nàng Antiope hạ sinh đôi con trai là Amphion và Zethos. Lycus đã vứt bỏ hai anh em trên ngọn đồi với hi vọng họ sẽ chết ở đó. May mắn là hai anh em đã được những mục đồng nuôi nấng như con của họ.

Hai chàng trai được thần Hermes dạy bảo các môn nghệ thuật, trong khi đó mẹ của hai chàng bị nữ hoàng Dirce hành hạ. Khi Antiope biết các con còn sống, nàng đã trốn đi tìm. Các con nàng thoạt đầu không nhận ra mẹ của mình nhưng khi Dirce tìm tới và yêu cầu họ giết Antiope, các con nàng đã nhận ra kẻ thù. Họ trói nữ hoàng Dirce vào sừng con bò để xé xác bà ta.

Bối cảnh của bức tranh, cùng với phần Thiên Chúa giáo trong tên gọi, nhắc người xem gợi nhớ đến tác phẩm lừng danh Quo Vadis của nhà văn Ba Lan Henryk Sienkiewicz xuất bản năm 1895 - hai năm trước khi bức tranh được họa sĩ giới thiệu với công chúng. Bản thân họa sĩ cũng là người bạn thân thiết với nhà văn.

Tác phẩm Quo Vadis kể về mối tình của nàng Lygia - thiếu nữ Thiên Chúa giáo và Marcus Vinicius, quý tộc La Mã. Bối cảnh câu chuyện xảy ra tại thành Roma dưới thời hoàng đế Nero khoảng năm 64 SCN. Người Thiên Chúa giáo lúc đó bị xua đuổi, truy sát vì đức tin của họ. Cao trào của câu chuyện xảy ra tại đấu trường Colosseum, tên bạo chúa Nero sau khi bí mật đốt thành Rome để lấy cảnh đám cháy làm thi hứng đã đổ tội cho dân Thiên Chúa đốt thành, bắt họ đến đấu trường cho mãnh thú xé xác, làm trò mua vui cho dân chúng.

Poppaea, vợ của Nero, ôm mối hận vì bị Marcus khước từ đã xúi bẩy Nero cho trói Lygia vào một cọc gỗ trong đấu trường và thả một con bò tót vào để giết nàng, trước một Marcus bị trói vào chân khán đài để chứng kiến. Người cận vệ của Lygia tên là Ursus cố cứu nàng bằng cách giết con bò bằng tay không.

Trong nỗi tuyệt vọng, Marcus đã gọi tên Chúa để ban cho Ursus sức mạnh. Ursus đã bẻ gãy cổ con bò bằng nỗ lực phi thường. Cảnh tượng mãnh liệt cực độ và khuấy đảo tâm can ấy đã khiến đám đông hô to để yêu cầu Nero tha chết cho những người theo đạo Thiên Chúa giáo. Nero đã phải miễn cưỡng tha mạng cho họ. Đó cũng là khi đoàn quân La Mã đang tiến về Rome nhằm thay thế Nero.

Bức tranh “Nàng Dirce Thiên Chúa giáo” của họa sĩ Henryk Semiradzki.
Bức tranh “Nàng Dirce Thiên Chúa giáo” của họa sĩ Henryk Semiradzki.

 

Nỗi lòng của người Ba Lan

Ẩn sâu dưới bức tranh là một câu chuyện ẩn dụ, để hiểu được, ta cần phải quay lại bối cảnh Ba Lan thế kỷ 19. Nền độc lập của Ba Lan chấm dứt vào năm 1795 khi bị ba nước Phổ, Áo, Nga xâm chiếm. Suốt thế kỷ 19, người Ba Lan liên tục nổi dậy chống lại sự chiếm đóng của Nga. Cuộc nổi dậy tháng 1-1863 đã bị đàn áp đẫm máu nhưng người Ba Lan không chịu khuất phục, họ nuôi dưỡng lòng ái quốc qua việc bảo vệ các giá trị văn hóa bằng văn học, nghệ thuật, giáo dục...

Đó là thời kỳ chứng kiến sự nở rộ những tài hoa nghệ thuật như Chopin trong âm nhạc, hay Henryk Sienkiewicz đoạt giải Nobel văn học. Dù được sinh ra tại lãnh thổ của Nga và được dạy dỗ bởi trường nghệ thuật Nga, được nhiều người Nga cho là một họa sĩ Nga, nhưng họa sĩ Henryk Semiradzki coi mình là người Ba Lan. Chính vì thế, trong tranh của ông thường ẩn ý câu chuyện về số phận của dân tộc và Tổ quốc Ba Lan.

Trong bức tranh Nàng Dirce Thiên Chúa giáo, những người nô lệ Thiên Chúa giáo chính là những người dân Ba Lan. Phần lớn người dân Ba Lan theo Thiên Chúa giáo và họ cũng đang phải chịu ách nô lệ dưới tay Sa hoàng bạo chúa. Nero không ai khác chính là Sa hoàng, còn đất nước Ba Lan bị giày xéo chính là nàng thiếu nữ bị buộc vào sừng bò tót.

Bức tranh ẩn giấu thông điệp báo hiệu ngày tàn của bạo chúa. Trong tiểu thuyết Quo Vadis, chỉ ít lâu sau khoảnh khắc này, đám đông đã nổi loạn khi biết Nero là kẻ đốt thành Rome.

Cuộc đời của tên bạo chúa Nero cũng kết thúc ngay sau đó trong một cảnh tượng khốc liệt: tên bạo chúa muốn đâm dao vào cổ tự sát nhưng quá hèn nhát nên lưỡng lự mãi, một kẻ tùy tùng đã giúp ấn sâu lưỡi dao vào cổ y. Bức tranh của ông như một tiếng kèn báo hiệu ngày độc lập của Ba Lan khỏi ách thống trị của bạo chúa Sa hoàng đã đến rất gần.

Một trích đoạn từ bức tranh.

Chủ đề về tinh thần ái quốc dưới vỏ bọc những câu chuyện cổ xưa thường được Henryk Semiradzki lặp lại trong các tác phẩm của ông. Một bức tranh khác có cùng bối cảnh La Mã cổ đại mang tên Ngọn đuốc của Nero cũng kể về giây phút cuối cùng của tên bạo chúa. Bức tranh đó là quà tặng của ông cho Bảo tàng Krakow, là sự khởi đầu một bảo tàng non trẻ mới được thành lập.

Sau khi ông mất, vợ ông đã hiến tặng bức tranh này cho bảo tàng quốc gia tại Warszawa. Tôi tin rằng đó cũng chính là ý nguyện của họa sĩ dâng tặng tác phẩm của mình cho Tổ quốc.

Nghệ thuật không biên giới, nhưng nghệ sĩ cần có Tổ quốc. Ngày nay, tranh của Semiradzki được treo trong các bảo tàng của Ukraine, của Nga và ông được coi như họa sĩ Ukraine hay họa sĩ Nga. Nhưng đối với ông, Tổ quốc chỉ có một, đó chính là nơi con tim ông đã chọn để gửi gắm những bức tranh của mình.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận