Nếu thất bại, hãy thất bại như người Úc

PHAN ĐỨC (TỪ ADELAIDE, ÚC) 23/06/2014 03:06 GMT+7

TTCT - Xem World Cup tại Úc, nơi có đội tuyển tham dự giải, tưởng như đó sẽ là một bầu không khí phấn khích đến nghẹt thở.

Matthew Leckie (giữa) của Úc trong vòng vây các cầu thủ Chile ở trận ra quân thua 1-3 - Ảnh: Reuters

Nhưng không, khác với cách làm và kỳ vọng vào bóng đá “xây nhanh thắng nhanh” của nước ta, họ có vẻ rất điềm tĩnh.

Thua Chile 1-3 trong trận ra quân, cơ hội đi tiếp của Úc gần như đã khép lại. Nhưng bạn bè người Úc của tôi không mấy ai buồn. Ngay từ trước giải, người Úc đã bi quan. Lý do thì có nhiều. Đầu tiên, bóng đá không được ưa thích tại Úc. Thậm chí Thủ tướng Abbott khi gửi lời chúc đến đội tuyển còn gọi nhầm tên đội trưởng từ Mile (Jedinak) thành Mike.

Tiếp đến là sự hụt hẫng thế hệ cầu thủ hay quyết định bổ nhiệm một HLV vô danh trên bình diện quốc tế như Ange Postecoglou. Nhưng bên cạnh đó, một lý do rất quan trọng là chất lượng của Giải VĐQG Úc (A-League).

Từ năm 2009 đến nay, chưa có đại diện A-League nào lọt vào đến bán kết Champions League châu Á (có đến bốn mùa giải sạch bóng ngay từ tứ kết). Trên trang web của LĐBĐ Úc, Michael Cockerill lý giải rằng A-League không thể thu hút những tên tuổi lớn như các giải VĐQG ở Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... là vì hạn chế tài chính.

Sau khi Del Piero chia tay Sydney FC, ngôi sao lớn nhất của giải đấu này sẽ là David Villa. Nhưng tiền đạo người Tây Ban Nha chỉ coi A-League là nơi quá cảnh, bởi đội bóng mới của anh New York City phải tháng 3 sang năm mới tham chiến ở MLS. Trong thời gian chờ đợi, Villa được gửi đến Melbourne City nhằm duy trì phong độ theo dạng cho mượn.

Chốt lại bài bình luận của mình, Cockerill nhận xét rằng những gì diễn ra ở World Cup còn phản ánh dòng tiền trong bóng đá. Điều đáng nói ở đây là nước Úc thuộc nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thậm chí theo một tính toán vui của hãng môi giới chứng khoán CommSec, Úc là “vô địch World Cup 2014” xét trên khía cạnh kinh tế khi sở hữu các chỉ số cực tốt về tốc độ tăng trưởng, khả năng kiểm soát lạm phát cũng như nợ chính phủ.

Người Úc có thể đổ tiền ra để nâng tầm A-League, nhưng họ đã không làm vậy. Ngược lại, họ còn kiểm soát chi tiêu rất chặt chẽ bằng cách áp trần quỹ lương cho mọi CLB. Ở mùa giải 2013-2014, quỹ lương một đội bóng ở A-League không được phép vượt quá 2,5 triệu euro/mùa (khoảng 72 tỉ đồng). Bên cạnh đó, một CLB chỉ được phép đăng ký ba cầu thủ ngôi sao là những người có mức lương đặc biệt, không tính vào quỹ lương đã được giới hạn của cả đội.

Dĩ nhiên mức lương thấp lại bị khống chế khiến các CLB không tiếp cận được các ngôi sao. Nhưng theo những nhà làm bóng đá Úc, đó là nền tảng đầu tiên cho sự phát triển bền vững. Họ đưa ra mức lương trần dựa trên những tính toán nhằm đảm bảo các CLB có thể tự nuôi sống mình. Trong hai năm từ 2013-2015, LĐBĐ Úc sẽ đầu tư 4 triệu đôla Úc cho các chương trình giáo dục và phát triển cầu thủ, một quyết định mang giá trị lâu dài.

Những điều trên khiến chúng ta giật mình khi nghĩ đến bóng đá Việt Nam. Chúng ta nghèo hơn, nhưng lại “chịu chơi” hơn. Ở V-League, không thiếu những CLB ngốn cả trăm tỉ đồng/mùa. Càng đáng nói hơn khi dòng tiền “chịu chơi” ấy lại được dùng để làm méo mó nền bóng đá bằng những thương vụ “đi đêm” về lót tay, lương thưởng.

Bóng đá Úc vẫn chưa thu được quả ngọt từ chiến lược của mình. Nhưng ít nhất vẫn cho người dân quyền hi vọng ở tương lai, vì dù sao họ mới chỉ có bóng đá chuyên nghiệp được 10 năm, so với 13 năm của bóng đá Việt Nam.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận