Ngạc nhiên chưa

DUYÊN TRƯỜNG 07/01/2012 00:01 GMT+7

TTCT - Nước Trung Hoa tự hào về Vạn lý trường thành. Niềm tự hào này kéo dài vạn dặm từ Sơn Hải quan (Hà Bắc) đến Gia Dụ quan (Cam Túc), theo trục hoành ngàn năm, khí thế ngất cao xanh...

Phóng to
Minh họa: Lê Thiết Cương

Trong Tinh hoa tri thức văn hóa Trung Quốc, một số nhà nghiên cứu nước này đã khẳng định: “Phi công vũ trụ bay trên bầu trời bao la, phóng tầm mắt nhìn ra khoảng không vũ trụ sẽ thấy Trái đất được bao bọc bởi một bầu khí quyển màu xanh, mây trắng cuộn bay, biển cả và lục địa phân minh và cái mà nhà du hành vũ trụ có thể nhìn thấy được trên Trái đất chỉ có Vạn lý trường thành quanh co uốn lượn và Kim tự tháp hùng vĩ, tráng lệ...” (1).

Đến lượt ngài Quách Cảnh Phong, trong Tiểu học sinh thiên hạ sự toàn tri đạo, một cuốn sách phổ biến kiến thức phổ thông cho học sinh, thậm chí chỉ còn một thứ: “Theo lời một nhà du hành vũ trụ đã từng đặt chân lên mặt trăng thì nếu từ trên mặt trăng nhìn xuống dưới đất, công trình kiến trúc có thể trông thấy rõ nhất là Vạn lý trường thành của Trung Quốc” (2). Tiếc là điều quan trọng nhất nhưng không được Quách tiên sinh nói rõ, nhà du hành vũ trụ đó là ai, nói lúc nào, nói ở đâu.

Nhưng, ngạc nhiên chưa! Lại có người nói khác: thấy vậy mà không phải vậy!

Chip Heath (Graduate School of Business, Đại học Stanford, Mỹ), một chuyên gia về huyền thoại thành thị, đã “nói lại cho rõ”: đó cũng chỉ là một huyền thoại, như hàng loạt các huyền thoại thành thị khác mà người đời, không hiểu vì sao, ai cũng tin, kiểu như chúng ta có thể đã từng ăn... chuột rán của Kentucky, nếu uống Coca-Cola thì phải bị mục xương, hoặc loài người đang dùng chưa quá 10% bộ não của mình...!

Giáo sư Heath “lý lẽ” ngắn gọn trong một cuốn sách dành cho dân truyền thông - tiếp thị, Made to stick (viết chung với người anh em Dan Heath, bản dịch Võ Công Hùng Tạo ra thông điệp kết dính, NXB Trẻ, 2008, trang 22): “Bức trường thành này rất dài nhưng không rộng cho lắm. Nghĩ mà xem: nếu ta có thể nhìn thấy bức trường thành từ vũ trụ, nghĩa là ta cũng có thể nhìn thấy bất cứ một đường cao tốc liên bang (tức nước Mỹ - NV) nào, và hẳn là cả một số siêu thị Wal-Mart nữa”.

Nên có lời bàn như sau: Chuyện này hệt như một sợi tóc dẫu rất dài vẫn không thể nào nhìn thấy từ trên lầu cao. Có lẽ kẻ si tình, vì quá mê đắm mái tóc của ai kia, mà tin rằng mắt mình đã trông thấy một sợi tóc đang nằm lăn trên mặt đất?

Chung cuộc thế nào? Chúng ta, người trần mắt thịt, làm sao biết được thực hư! Chỉ thấy đây là một dự án kinh doanh tầm cỡ quốc tế! Ai đó có vốn liếng và tài tổ chức, có thể thiết kế ngay một tour du lịch vũ trụ cho thiên hạ toàn cầu, với khẩu hiệu: “Vạn lý trường thành - Tầm nhìn mới!”. Bảo đảm công chúng hai phe đều có người sẵn sàng, bạc tỉ để tham gia.

Phe phản bác muốn tìm kiếm sự thật từ trên trời, hoặc phe ủng hộ với hi vọng được nhìn ngắm trường thành từ bên ngoài khí quyển, tất cả đều có lý khi bỏ tiền leo lên tàu không gian. Chỉ có điều phải cấm tiệt các nhà báo đi theo và mọi du khách đều phải cam kết trước ngày đi, có hợp đồng có chữ ký hẳn hoi, như kế của cụ Trạng Quỳnh ta ngày xưa: Sau khi trở về đất liền, tuyệt đối không được hé răng, không phim không ảnh, không bờ lốc bờ liếc gì cả... Sợ gì lãi không kịp đếm!

Vấn đề là những người đọc sách như ta chắc phải tay đấm vào ngực thường xuyên mà rằng: sao ai nhẹ dạ, cả tin thế này! Từ nay cần tự nhắc mỗi ngày, đừng quên “khẩu quyết” của Aristote: Cái nguyên tắc của tinh thần khoa học là sự ngạc nhiên! Cứ đọc thấy, nghe thấy điều gì phải hỏi ngay trong đầu: Ngạc nhiên chưa?

__________

(1) Tinh hoa tri thức văn hóa Trung Quốc (Vương Kiến Huy, Dịch Học Kim chủ biên, NXB Thế Giới, 2004, trang 801)
(2) Tiểu học sinh thiên hạ sự toàn tri đạo (nhiều tác giả), Thiếu niên Nhi đồng xuất bản xã Trung Quốc xuất bản năm 2001 (bản dịch tiếng Việt có tựa Biết tất tật chuyện trong thiên hạ, NXB Lao Động, 2007)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận