Ngắm hoa tết, nhớ "Quốc hoa"

QUẾ VIÊN (COPENHAGEN) 09/02/2013 19:02 GMT+7

TTCT - Phong vị tết của chúng ta xưa nay vẫn được mô tả là “cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh...”, nhưng nay có lẽ “pháo nổ” nên được thay bằng “hoa tết” vì tết có thể vắng tiếng pháo, cây nêu, đôi câu đối đỏ, thậm chí cả bánh chưng xanh - đối với những người Việt xa xứ, nhưng không thể thiếu hoa.

Hoa tết không chỉ đem lại vẻ rực rỡ, tươi vui cho những ngày đầu năm, mà còn tượng trưng cho những điều tốt đẹp sẽ đến cùng năm mới.


Minh họa: Bích Khoa

Trong năm 2011 đã có một cuộc bình chọn “quốc hoa” được tổ chức khá rầm rộ trên phạm vi cả nước. Khi sen được chọn thì cũng có những ý kiến cho rằng loài hoa này ít thông dụng vì nở theo mùa, hình ảnh sen từ lâu đã gắn liền với Phật giáo, sen phải được trồng trong đầm... 

Chung quy chỉ là những người đề xuất ra chuyện bình chọn dường như thiếu một kế hoạch cụ thể để quảng bá và phát triển quốc hoa. Thậm chí tới bây giờ vẫn chưa có một bộ tem sen nào đẹp và xứng tầm với danh hiệu này. 

Tuy người Việt nào cũng biết câu ca dao “Trong đầm gì đẹp bằng sen, lá xanh, bông trắng lại chen nhị vàng...” nhưng chắc không mấy ai biết nước ta có bao nhiêu loại hoa sen và sen Bắc, sen Huế, sen Đồng Tháp có gì khác biệt? 

Tôi nhớ mẹ tôi lúc sinh thời có nói rằng hoa sen bán tại các chợ Sài Gòn không phải sen mà là hoa quỳ. Theo bà thì búp hoa quỳ dài hơn búp sen, cánh mỏng hơn và không có nhiều lớp bằng sen. Hương quỳ hơi hắc, không dịu nhẹ như sen nên trước kia ở miền Bắc quỳ được trồng để lấy hạt, sen thì để ướp trà.

Tất nhiên khi đã có quốc hoa thì chúng ta đều mong người nước ngoài hễ thấy hoa sen là nghĩ tới Việt Nam, cũng như khi nhìn hoa tulip thì liên tưởng tới Hà Lan hay hoa hồng thì nhớ tới Bulgaria...

Chuyện này có lẽ không quá khó vì theo bản liệt kê quốc hoa 2012 thì mới chỉ có ta và Macau chọn sen hồng. Ấn Độ là sen trắng, còn Sri Lanka, Ai Cập là hoa súng.

Nước ta cũng chưa gắn với một loài hoa đặc trưng nào, vì mai, đào mới được xem là hoa tết. Thái Lan đã phải bỏ nhiều công sức để quảng bá quốc hoa “Ratchaphruck” (*) có màu vàng tươi - màu biểu trưng của Phật giáo, quốc giáo của họ và cũng là màu của hoàng gia Thái, vì hình ảnh của Thái Lan từ lâu đã gắn liền với hoa lan tím!

Việc quảng bá quốc hoa tất nhiên cần thời gian nhưng điều cần thiết là sự quan tâm đúng mức và những hành động thiết thực, chẳng hạn tổ chức tour đi ngắm những đầm sen đẹp không thể tả tại Cao Lãnh, Đồng Tháp vào mùa sen nở cho khách du lịch trong nước và quốc tế.

Những việc cần làm kể ra cũng không ít. Những địa danh liên quan tới sen như làng Sen quê Bác, công viên Đầm Sen thì chẳng thấy bóng sen. Hồ Tây xưa nổi tiếng với sen trắng, sen hồng nhưng diện tích dành cho sen trên hồ cứ bị thu hẹp dần do hàng quán lấn chiếm, còn sen hồ Tịnh Tâm - niềm tự hào của cố đô Huế - thì năm có, năm không vì còn tùy thuộc vào lượng nước thải của thành phố!

Hội hoa xuân được tổ chức tại công viên Tao Đàn hằng năm có đủ kỳ hoa dị thảo, có tổ chức thi lan, mai vàng, bonsai nhưng hình như thiếu hoa sen. Với trình độ của các nghệ nhân cây kiểng hiện nay thì chuyện có hoa sen nở vào dịp tết ắt không phải là nan giải.

Nhật Bản chẳng phải là quốc gia duy nhất trên thế giới có hoa anh đào nhưng hình ảnh hoa anh đào đã gắn liền với nước Nhật, được xem như “sứ giả” của nền văn hóa Nhật do sự trân trọng mà họ dành cho loại hoa này, cho dù chẳng có chút “giá trị kinh tế” nào, như trong các tiêu chí chọn quốc hoa của chúng ta.

Chỉ cần nhìn cách người Nhật tổ chức lễ hội hoa anh đào tại Hà Nội là đủ thấy họ tự hào với quốc hoa của họ thế nào. Nếu không có sự trân trọng ấy thì anh đào, suy cho cùng, cũng chỉ là một loài hoa như hàng trăm, hàng ngàn loài hoa khác mà thôi!

___________

(*): Ratchaphruck: phương Tây gọi là Laburnum hoặc Guld regn (cơn mưa vàng), ta gọi là hoa bò cạp.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận