Nghe đối âm trong Cọ hoang

THANH VÂN 22/11/2014 22:11 GMT+7

TTCT - Cọ hoang (*) được coi là một trong những tác phẩm lớn nhấtcủa Faulkner và là một thể nghiệm của ông trong tiến trình đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết, khi dùng phương pháp trộn haicốt truyện riêng rẽ trong một tác phẩm.

Trong Cọ hoang, các chương bám theo hai cốt truyện lần lượt xen kẽ nhau, nhưng hai câu chuyện thì xảy ra ở những khoảng thời gian và không gian hoàn toàn khác, cho đến kết thúc cũng không có liên quan trực tiếp.

Nếu coi cuốn tiểu thuyết như một bản giao hưởng thì người đọc có thể thưởng thức các đối âm trong một tổng thể, tận hưởng niềm vui thích khi khám phá dần những tương phản và hòa hợp của chúng. 

Sự mang thai và sinh nở không phải là yếu tố mới trong thế giới nghệ thuật của Faulkner, ông thường dùng nó như một chủ điểm để triển khai các chủ đề khác và xoay chuyển số phận nhân vật.

Trong câu chuyện thứ nhất, được kể ở những chương cùng có tên Cọ hoang, Charlotte - một phụ nữ đã có chồng con yên ấm bất ngờ gặp và yêu Wilbourne -  một bác sĩ trẻ sắp học thành tài.

Đặt niềm tin ở một thứ tình yêu thuần túy, cả hai bất chấp mọi định kiến xã hội hay khó khăn cơm áo, vẫn duy trì được sự cân bằng nào đó, cho đến khi xuất hiện khả năng về một đứa con chung và kể từ đó, họ tiến thẳng đến kết cục bi kịch.

Trong câu chuyện thứ hai, nằm ở những chương cùng có tên Ông Già - cái tên dân dã của sông Mississippi - thì kể về cuộc phiêu lưu của một người tù vô danh trong trận lụt lịch sử trên dòng sông này.

Được sai đi đón một người đàn bà mang thai kẹt trong trận lũ, anh ta đã vật lộn hết sức trong cơn thịnh nộ của thiên nhiên để cứu sống cô, sau đó quay lại để nhận phán quyết của nhà tù.

Những đứa trẻ dù chưa ra đời đã buộc các nhân vật phải đối mặt với những bước ngoặt trong cả thân xác và linh hồn, từ đó nảy sinh bao khúc mắc về sự lựa chọn, đam mê, tội lỗi, hi sinh, trừng phạt hay giải thoát, như Charlotte đã đoán biết về “cuộc tình bất chính” của mình:

“Sẽ không thể là bất cứ gì khác. Không phải thiên đường, chẳng phải địa ngục. Không có sự chuộc tội thanh thản an toàn thoải mái nào để anh và em mong ngóng cho đến khi đạo đức, khả năng kiên nhẫn chịu đựng, nỗi hổ thẹn hoặc ăn năn chiến thắng chúng ta”. 

Cọ hoang còn có tên khác là If I forget thee, Jerusalem (tạm dịch: Nếu ta quên người, Jerusalem). Cái tên được trích từ một câu trong Thánh Vịnh 137 này, cũng như nhiều hình ảnh khác trong cuốn sách, có liên quan mật thiết đến những chủ đề lớn của tôn giáo và triết học, bao bọc trong một dòng lũ ngôn ngữ đầy sức mạnh tương xứng với câu chuyện, sẽ cuốn người đọc theo ngay từ trang đầu tiên.

Việc sắp xếp một tình huống quan trọng ở chương thứ nhất, trước khi lần ngược lại khởi đầu câu chuyện giống với lối phân cảnh tạo kịch tính trong điện ảnh. Ấn tượng tả thực của bút pháp cổ điển ở nhiều đoạn không làm mất đi tính chất mới mẻ, trong đó sự dồn nén căng thẳng và những cách tiếp cận, những lối rẽ bất ngờ gợi nhớ đến những góc quay táo bạo của một bộ phim hồi hộp.

Theo dòng những câu dài một cách khác thường, người đọc sẽ dần dần cảm nhận được văn phong đặc biệt của Faulkner, với những sáng tạo độc đáo trong tính liên tưởng và ẩn dụ. Các nhân vật ở đây chỉ được mô tả chấm phá về xuất thân hay hình dáng, định hình sự tồn tại của mình bằng những cá tính mãnh liệt, bằng sự kiên quyết khi đối mặt với “bổn phận”.

Là những kẻ bên lề, điều mà họ tin tưởng và làm theo không được đo bằng những tiêu chuẩn đạo đức thông thường, bởi vậy mỗi hành động và hậu quả đối với họ đều cần đến sự lý giải xoáy sâu vào bản chất con người, ở đó mọi ranh giới đều mong manh và khó có thể áp dụng mọi sự phán xét. 

William Cuthbert Faulkner (25-9-1897 - 6-7-1962) là nhà văn Mỹ, một trong những gương mặt quan trọng nhất của văn học thế kỷ 20. Ông đoạt giải Nobel văn chương năm 1949, và hai giải Pulitzer cho tác phẩm hư cấu năm 1955 và 1963.

Sự nghiệp sáng tác đồ sộ của ông gồm 19 tiểu thuyết, 125 truyện ngắn, nhiều kịch bản, thơ và tiểu luận. Một số tiểu thuyết tiêu biểu: Âm thanh và cuồng nộ (1929), Khi tôi nằm chết (1930), Thánh địa tội ác (1931), Nắng tháng tám (1932), Absalom, Absalom! (1936), Cọ hoang (1939), Bọn đạo chích (1962)… 

(*): Cọ hoang, tiểu thuyết của William Faulkner, Nguyễn Bích Lan dịch, BachvietBooks và NXB Lao Động, 11-2014.

Không phải sự lãng mạn của tình yêu bất chính cuốn hút phụ nữ, cũng chẳng phải vì lý tưởng đầy đam mê của hai kẻ bị nguyền rủa, đày đọa, bị thế giới và Thượng đế xa lánh đã lôi cuốn họ mà vì ý niệm về tình yêu bất chính là một thách thức với họ, bởi họ có một niềm khao khát không thể cưỡng lại được (và một niềm tin không gì lay chuyển nổi rằng họ có thể vượt qua thách thức ấy, giống như ai đó tin mình có thể quản lý một nhà trọ vậy), niềm khao khát chấp nhận tình yêu bất chính và biến nó thành tình yêu chân chính…
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận