Nghê Ni - "Mưu nữ lang" mới?

BAOCHAU 15/01/2012 01:01 GMT+7

TTCT - “Mưu nữ lang” là cách báo chí Trung Quốc gọi những nữ diễn viên chính lừng danh từ những bộ phim “bệ phóng” của đạo diễn nổi tiếng Trung Quốc Trương Nghệ Mưu. Cùng với bộ phim mới Kim lăng thập tam thoa vừa ra mắt, nữ diễn viên Nghê Ni được cho sẽ là một “Mưu nữ lang” mới.

Phóng to
Nghê Ni và Christian Bale, hai diễn viên chính của Kim lăng thập tam thoa, trong buổi chiếu ra mắt tại Trung Quốc - Ảnh: Baidu

Bộ phim bom tấn với mức đầu tư 600.000.000 NDT (1 NDT khoảng 3.000 đồng) của đạo diễn Trương Nghệ Mưu về sử thi chiến tranh Kim lăng thập tam thoa vừa được chính thức công chiếu ở Trung Quốc vào ngày 11-12-2011. Được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nghiêm Ca Lệnh, sau gần bốn năm chuẩn bị, bộ phim đang được giới điện ảnh Trung Quốc kỳ vọng đạt mục tiêu doanh thu phòng vé 1 tỉ NDT.

Ðược bí mật đào tạo

Tên tuổi nữ diễn viên chính đã được đạo diễn Trương Nghệ Mưu giữ bí mật từ lúc bấm máy đến khi công chiếu. Nghê Ni chỉ chính thức xuất hiện vào ngày 6-12-2011 trong buổi giới thiệu phim ở Los Angeles (Mỹ). Trong cuộc ra mắt đầu tiên, cô đã để lại ấn tượng khá tốt, xuất hiện với quần jean, áo len giản dị, khác hoàn toàn với hình ảnh kỹ nữ Ngọc Mặc hóa trang đậm nét, áo dài xường xám trong phim.

Nghê Ni không có vẻ đẹp sắc sảo nhưng khá xinh xắn, đặc biệt nhận được sự khen ngợi của bạn diễn người Anh Christian Bale về khả năng tiếng Anh. Christian Bale nói những khi anh thoại theo cảm hứng, cô vẫn hiểu và kết hợp khá tốt. Được biết, tiếng Anh, tiếng Nam Kinh là một trong những tiêu chuẩn chọn diễn viên của Trương Nghệ Mưu trong bộ phim Kim lăng thập tam thoa.

Kim lăng thập tam thoa là bộ phim nói về vụ thảm sát Nam Kinh năm 1937 ở Trung Quốc. Trong một nhà thờ chưa bị chiếm đóng, các nữ sinh, kỹ nữ, binh lính, thương binh và một người nước ngoài cùng lánh nạn. Khi quân Nhật phát hiện trong nhà thờ có nữ sinh, họ yêu cầu các nữ sinh đến biểu diễn văn nghệ. Không chịu nổi sự nhục mạ đó, các nữ sinh quyết định tự tử tập thể nhưng được cô kỹ nữ Ngọc Mặc cứu sống. Cuối cùng, 13 kỹ nữ gan dạ quyết định hóa thân thành các em nữ sinh lên đường tham dự buổi biểu diễn không hẹn ngày về.

Nhập vai kỹ nữ nói được tiếng Anh bên sông Tần Hoài những năm 1940, ngoài đời Nghê Ni chỉ là một sinh viên mới tốt nghiệp chuyên ngành ngôn ngữ phát thanh Học viện Nam Quảng Đại học Truyền thông Trung Quốc, vừa chính thức ký hợp đồng với Công ty "Tân họa diện" theo đuổi con đường diễn viên chuyên nghiệp. Cô được đoàn phim chọn và tham gia đào tạo vào cuối năm 4 đại học. Do ký hợp đồng bảo mật với đoàn làm phim nên hầu như bạn bè không ai biết cô đi đóng phim.

Chế tác phim Trương Vĩ Bình cho biết sau khi được chọn, cô được đào tạo bí mật thêm hai năm về tiếng Anh, cầm kỳ thi họa, diễn xuất từ cách hút thuốc, uống rượu đến chơi mạt chược, điệu bộ... Theo tờ Trùng Khánh Buổi Sáng, đạo diễn Trương Nghệ Mưu nói Nghê Ni thuộc lớp "thanh niên thế hệ mới rất khác so với 20, 30 năm trước", cô thông minh, kiên trì, sẽ có tương lai sáng sủa nếu được trao cơ hội.

Tám "Mưu nữ lang"

Trong suốt 30 năm làm đạo diễn, Trương Nghệ Mưu đã phát hiện được tám "Mưu nữ lang" (Củng Lợi, Cù Dinh, Ngụy Mẫn Chi, Chương Tử Di, Đổng Khiết, Lý Mạn, Lâm Diệu Khả, Chu Đông Vũ), số lượng không nhiều nhưng đều có ảnh hưởng nhất định đến điện ảnh Trung Quốc cũng như quốc tế. Phải mất 4-5 năm ông mới phát hiện một "Mưu nữ lang" mới, nhưng cũng không hẳn tất cả "Mưu nữ lang" đều nổi tiếng như Củng Lợi hay Chương Tử Di.

Điểm chung của những "Mưu nữ lang" là đều chưa danh tiếng lắm trước khi đóng phim của ông, ví dụ như Củng Lợi, Chương Tử Di, Lý Mạn lúc đó đang là sinh viên Học viện Kịch trung ương, Đổng Khiết là diễn viên múa, còn Chu Đông Vũ là học sinh trung học, Ngụy Mẫn Chi là cô thôn nữ. Họ chỉ trở thành tâm điểm của báo chí, diễn viên điện ảnh quốc tế nhờ những bộ phim bệ phóng của Trương Nghệ Mưu.

Củng Lợi được xem là "Mưu nữ lang" tiêu biểu nhất, nổi tiếng qua bộ phim Cao lương đỏ; còn Chương Tử Di là "Mưu nữ lang" nổi tiếng nhất, bộ phim đầu tay là Cha mẹ tôi, tiếp sau là Anh hùng, Thập diện mai phục.

CẢNH CHÁNH
(Theo Thành Ðô Thương Báo, Sina, BK Buổi Tối)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận