Nghệ thuật đang sống sót thế nào giữa đại dịch?

ĐẶNG HƯƠNG GIANG 20/04/2020 16:04 GMT+7

TTCT - Tất cả những lệnh giãn cách xã hội hay phong tỏa, dẫu nghiêm ngặt đến mấy cũng không đủ mạnh để ngăn cản nghệ thuật, ở nhiều loại hình, được phủ sóng ở mọi ngóc ngách của thành phố, từ những bancông đến đài radio hay các hỗ trợ trực tuyến.

“Tháng Tư là tháng tàn nhẫn nhất”

Đầu tháng 4, trong báo cáo hằng ngày về tình hình dịch bệnh gửi đến các đồng nghiệp Bệnh viện New York-Presbyterian, bác sĩ phẫu thuật Craig R. Smith mô tả cuộc chiến với sự thiếu thốn và mất mát của hệ thống y tế cộng đồng bằng những dòng đầu tiên bài thơ Đất hoang (T. S. Eliot). “Sống giữa một tháng Tư có thể tàn khốc tới mức tận thế là cách chúng ta lấy thăng bằng và khao khát mùa xuân” - ông viết.

Mô tả vắn tắt nhưng đúng trọng tâm của bác sĩ Smith có thể được quy chiếu vào bất kể khía cạnh khủng hoảng nào chẳng riêng gì bệnh viện mà còn là toàn thể đời sống chìm - nổi bị càn quét bởi dịch bệnh tại New York.

Ở đó, tháng 4 chỉ là khởi đầu của chuỗi ngày ảm đạm đối với đại lộ Broadway, trái tim của New York và cũng là linh hồn của nền công nghiệp kịch nghệ - sân khấu Mỹ. “Ý nghĩ về việc sẽ chẳng có ánh sáng nào ở Broadway, nhịp đập của thành phố, và chúng bị buộc phải lui vào bóng đêm khiến tôi bị sốc” - Patti LuPone, một nghệ sĩ trình diễn, lên tiếng.

Thống đốc New York Andrew Cuomo ra lệnh đóng cửa Broadway từ 12-3.

Không riêng gì tại New York, hệ thống sân khấu - nhà hát, những nơi sống nhờ vào sự quy tụ đám đông đã buộc phải đóng cửa vô thời hạn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Tại Pháp, khi Thủ tướng Édouard Philippe ra lệnh đóng cửa tất cả các địa điểm công cộng không cần thiết, những người dân vốn có truyền thống gắn chặt với các loại hình văn hóa sững sờ nhận ra thứ gắn bó với họ như hơi thở đột nhiên bị vô hiệu hóa.

Toàn bộ mạng lưới văn hóa của Pháp, một trong những trung tâm nghệ thuật của châu Âu, bị đóng băng. Hệ thống nhà hát, bảo tàng, phòng trưng bày nghệ thuật chằng chịt giữa Paris vốn sống nhờ vào vé tham quan của khách tứ phương, giờ đây tê liệt.

Thế mới thấy, đời sống văn hóa, thứ bồi đắp tài sản tinh thần cho chúng ta, dẫu thế nào cũng phải phụ thuộc vào bài toán kinh tế vốn đang bị đánh đến bầm dập bởi một con virus.

Sụp đổ này là một tái sinh khác

Mở đầu quyển Bệnh tật như là ẩn dụ (1978), cuốn sách liên tục được nhắc đến trong đợt cách ly gần như toàn cầu này, Susan Sontag đã viết: “Bệnh tật là bìa tối của cuộc đời”. Sontag cho rằng mỗi chúng ta sinh ra đều cầm chắc một cuốn hộ chiếu kép và dẫu ta vẫn thích được tung hoành với bìa hộ chiếu khỏe mạnh, sớm muộn gì ta cũng phải tiến gần đến mép bìa của bệnh tật và yếu đuối.

Nhìn về cuộc chuyển đổi giữa hai bìa sáng - tối của cuộc đời, nghệ thuật rõ ràng là thứ cởi mở và hào phóng hơn cả vào lúc này, vì nó cho phép ta nhìn thấy những khía cạnh hài hước và nhẹ nhõm của đời sống.

Điều quan trọng lúc này với nghệ thuật nói chung không chỉ là sống sót qua dịch bệnh, mà còn là tiếp tục sống ra sao thời hậu dịch. Và bởi vậy, rất nhiều sáng kiến giúp dân chúng được tiếp cận rộng rãi với nghệ thuật lập tức được đưa ra.

Ngay khi lệnh phong tỏa được đặt ra, Bộ Văn hóa Pháp lập tức ra mắt hoạt động “Chúng tôi mang văn hóa về tới cửa nhà bạn” (#CultureChezNous), liệt kê đầy đủ những sáng kiến giúp dân chúng có thể tiếp nhận nghệ thuật trong thời gian bị giam cầm. Đi đầu là việc truy cập qua mạng các bộ sưu tập từ những trung tâm triển lãm lớn nhất như Pompidou hay Palais de Tokyo và cả thư viện quốc gia.

Nhà hát opera Paris tuyên bố sẽ phát miễn phí các vở kịch trên trang web của nhà hát hoặc dịch vụ streaming Culturebox trong thời gian nước Pháp bị phong tỏa. Các vở diễn sẽ được thay thế định kỳ sau mỗi 6 ngày, ít nhất cho đến tháng 5.

“Chúng tôi muốn giữ liên kết với công chúng, bất kể các chi phí và mọi phức tạp trong thời gian này” - người phát ngôn nhà hát Martin Coulon giải thích trước báo chí. Việc duy trì mối liên hệ với khán giả là nước đi khôn khéo giữa sự đứt đoạn này. Không ai đảm bảo rằng sau thời gian dài của những gián đoạn biểu tình và dịch bệnh, khán giả sẽ không cảm thấy việc tìm đến các sân khấu nghệ thuật là một nhu cầu lạ lẫm.

Ở những quốc gia khác đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, như Anh hoặc Mỹ, đại dịch cũng khiến các phòng triển lãm hoặc bảo tàng phải đóng cửa. Và những nghệ sĩ của chúng ta không ngại xoay xở những cách khác để truyền đi thông điệp về cuộc khủng hoảng.

Tại Mỹ, các họa sĩ đã vẽ các tác phẩm trên những bức tường, không quên viết kèm những hashtag #Ởnhàđi (#StayTheFuckHome) và #Đeokhẩutrang (#WearAFuckingMask). Những thông điệp rõ ràng và mạnh mẽ như vậy xuất hiện trên khắp các đường phố như một chiến dịch tuyên truyền, và qua đó còn thể hiện sự thất vọng của giới nghệ sĩ trước những phản ứng chậm chạp của chính phủ.

Các bảo tàng cũng đang rục rịch nghĩ cách để tương tác với người xem thông qua các nền tảng xã hội quen thuộc như Twitter hoặc Instagram. Bảo tàng J. Paul Getty ở Mỹ đăng tải các bức họa cổ điển và kêu gọi mọi người hãy sử dụng chính bối cảnh nhà mình để thiết lập một minh họa tương tự. Ở Anh, rất nhiều nhà hát đã quyết định đăng tải các vở diễn cũ lên kênh YouTube để chúng có thể tiếp cận với nhiều khán giả hơn.

Và rải rác khắp nơi trên thế giới, các dàn hợp xướng vẫn hoạt động, chỉ có duy nhất sự khác biệt: mỗi thành viên đều ở yên trong chính sân khấu sàn nhà của mình.

Ảnh: Getty Images
Ảnh: Getty Images

Lời hứa hẹn của nghệ thuật

Lịch sử về dịch bệnh đi liền với tiền lệ về những khám phá mới trong lĩnh vực nghệ thuật, bắt đầu bằng những câu chuyện và lời hát.

Một trong những đại dịch khủng khiếp đầu tiên được ghi nhận trong biên niên sử loài người chính là 100.000 cái chết không rõ nguyên nhân của người dân Athens những năm 429-426 TCN, cùng thời điểm lên ngôi của nền bi kịch Hi Lạp.

Dưới sức tàn phá của bốn trận dịch hạch, châu Âu cùng lúc đón nhận sự ra đời những vở kịch vĩ đại của Shakespeare hay sự lên ngôi của dòng nhạc Baroque ghi dấu tên tuổi của Bach, Vivaldi và Handel.

Còn nếu như nhắc đến dòng nhạc jazz, ta sẽ lập tức nghĩ đến thành phố Orleans - nơi cư ngụ của những người Mỹ gốc Phi - vốn phải đối đầu với hàng loạt mối hiểm nguy từ dịch tả, sốt phát ban hay cúm những năm 1800.

Không phải đại dịch nào qua đi cũng để lại một di sản nghệ thuật, nhưng dường như trong những thời khắc con người phải vận dụng tối đa sức mạnh tâm trí của mình, nghệ thuật vẫn luôn là một nâng đỡ, mà nói như nhà văn Canada Heather O'Neill, cũng là nơi ghi lại những tiếng va đập cùng những vết sẹo trong đời chúng ta.

Dịch bệnh đã khiến ta nhận ra con người có thể yếu tới mức bị xóa sổ bởi một giọt bắn trong không khí, nhưng cũng chính khi ta thừa nhận mình mong manh, yếu đuối, dễ tổn thương và phụ thuộc, tâm trí ta bèn sinh ra một thứ kháng thể giúp cân bằng sức nặng của muôn vạn điều khác mà ở đó nghệ thuật góp phần xây dựng một hệ miễn dịch khỏe khoắn.

Cuộc sống tự cách ly đi liền với việc không được đến rạp phim, bảo tàng, không các buổi hòa nhạc, kịch nghệ. Thay vào đó, ta chỉ cần ngồi trước chiếc máy tính kết nối Internet của mình và lạc vào hằng hà sa số các cửa sổ chuyển đổi liên tục trên trình duyệt web. Nói khác đi, chỉ có khán giả bị cách ly, còn nghệ thuật thì không. Thế nhưng, suy cho cùng, nếu đã xem hay thưởng thức, ta cần nhấc chân mà đi đến gặp nghệ thuật ở đúng vị trí của nó.

Bản chất của một sân khấu, là nơi trình diễn của người nghệ sĩ, hay nơi để thính khán giả đón nhận nghệ thuật đều góp phần giải phóng cảm xúc của cả đôi bên. Thú vui của việc đến rạp phim, nhà hát, hay một lễ hội âm nhạc không chỉ dừng lại ở những tiếp xúc nội dung mà còn là các trải nghiệm bên lề: một vốc bắp rang, một cốc bia lạnh, vài trò chuyện xã giao, hay những hưng phấn được cộng hưởng từ các cấu trúc không gian đặc trưng cho việc thưởng thức.

Thật khó để chấp nhận đại dịch lần này đang đánh vào những liên kết giao tiếp rất bình thường, bao gồm cái bắt tay, nụ hôn má hay thậm chí kể cả việc đứng gần, những thứ còn cho thấy chúng ta vẫn đang nỗ lực để kết thân với nhau. Giữa những điều đang suy yếu ấy, nghệ thuật rõ ràng là một hứa hẹn. Nó cho thấy khi đại dịch này qua đi, ta sẽ biết trân quý hơn mọi giao tiếp cảm xúc dồi dào được tìm thấy trong những khám phá nghệ thuật.■

Không ít bài nhạc pop mới xuất hiện trên Spotify kể từ khi virus corona bùng phát thành đại dịch chẳng ngại pha trộn vài tiếng ho khục khặc đầy phản cảm vào bản ghi âm, một làn sóng sáng tác mà Jody Rosen của tờ Los Angeles Times mô tả như một “pandemic pop” - nơi những pha trộn hổ lốn âm thanh đậm mùi hài hước đen được cho là cảm xúc chân thực của nghệ sĩ giữa mùa dịch.

Theo Rosen, “nhạc pop thì không biết hổ thẹn, và nó nhắc cho ta nhớ về một sự thật văn hóa đang diễn ra”. Và câu hỏi mà chúng ta nên tự hỏi, như lời Carl Wilson, cây bút phê bình âm nhạc của tờ Slate, chính là: “Sau thời kỳ đen tối này, thế hệ tương lai sẽ được thừa hưởng một sự ghi nhận gì trong nghệ thuật đây?”.

Để duy trì nhịp độ luyện tập bất chấp dịch bệnh, các nghệ sĩ sân khấu không còn cách nào khác ngoài việc trình diễn với chính mình. Tất cả những nghệ sĩ trình diễn phải rời xa ánh đèn sân khấu, đồng nghĩa với việc không có khán giả nào.

Trả lời phỏng vấn New York Times, Constance Stamatiou, vũ công của nhà hát Alvin Ailey, cho biết thay cho ngày làm việc bình thường kéo dài 12 giờ, giờ đây cô phải chiếm dụng bãi đậu xe, không gian trống trong nhà, thậm chí bàn bếp và những vật dụng quen thuộc như bình nước hay cán chổi để luyện tập. Ngoài ra, Stamatiou còn tranh thủ thời gian gia nhập hội vũ đạo trên TikTok cùng con gái.

Max Zeugner, nghệ sĩ thuộc New York Philharmonic, tập luyện tại nhà trong thời gian giãn cách xã hội (Ảnh: NYT)

Với Max Zeugner, thành viên dàn giao hưởng New York, ngạc nhiên thay, dịch bệnh là lúc anh chơi nhạc chỉ để cho vui, điều mà anh có nằm mơ cũng không nghĩ đến kể từ thời trung học. Tương tự, Lauren Patten, diễn viên của sân khấu Broadway, đã lập tức chạy về vùng quê thuê một căn hộ trên Airbnb để tha hồ hát mà không bị hàng xóm than phiền!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận