Nghệ thuật và tấm căn cước văn hóa

NGUYỄN THU QUỲNH 14/06/2019 21:06 GMT+7

TTCT - Việc đem đến sự xa lạ ngoại lai sẽ đầy hấp dẫn, dễ thu hút người “bên ngoài” các nền văn hóa. Nhưng nếu không dũng cảm nhìn nhận và chối bỏ nhãn quan “ngoại lai hóa” thì chỉ giúp thỏa mãn cái nhìn tò mò sẵn có về văn hóa, củng cố cái nhìn định kiến, dán nhãn, thay vì cung cấp một thông tin đúng.

Một cảnh trong phim Vợ ba.

Việt Nam còn ít tác phẩm văn hóa nói chung và điện ảnh nói riêng “mang chuông đi đánh xứ người” nên mỗi dịp có sản phẩm đoạt giải thưởng, dù lớn hay nhỏ, ở môi trường nghệ thuật quốc tế thì đều là điểm nhấn nhận được sự quan tâm trong xã hội.

Một ẩn dụ văn hóa xa lạ

Lấy ví dụ về một bộ phim gây ồn ào gần đây: Vợ ba của đạo diễn Nguyễn Phương Anh (Ash Mayfair). Những loan báo hồ hởi ban đầu về Vợ ba không nằm ngoài xu thế nói trên khi bộ phim giành được giải thưởng quốc tế tại các liên hoan phim Toronto, San Sebastián. Những bỉnh bút trên các tờ New York Times, Hollywoodreporter còn nhận xét phim đầy thơ mộng và tinh tế đến khó tin, nên bộ phim càng được khán giả trong nước mong chờ.

Bộ phim xoay quanh thân phận, cuộc sống tù túng của những người phụ nữ hầu như không có tiếng nói trong xã hội để qua đó “thách thức lại truyền thống gia trưởng” - theo lời của đạo diễn khi trả lời tờ Hollywoodreporter.

Đó là một mục tiêu rất nhân văn. Nhưng trong khi đạo diễn lấy một không gian truyền thống nặng nề, một cấu trúc xã hội trọng nam với những khuôn mẫu áp đặt, thậm chí cầm tù người phụ nữ để phản ánh, để tấn công thì nội dung, chi tiết của phim dường như lại mang tính xa lạ hóa (exotic), huyền bí hóa, chứ không thể hiện đúng thứ cần tấn công.

Theo logic thông thường, sẽ tấn công đối tượng thế nào nếu ta không thấu hiểu và mô tả chính xác “kẻ địch”, thay vào đó lại đi mô tả đối tượng hao hao giống một kẻ khác nào đó?

Dễ dàng nhìn ra những yếu tố xa lạ ở một nền văn hóa nào đó được rót vào khung cảnh một gia đình giàu có tại Đồng bằng Bắc Bộ thế kỷ 19. Những dấu mốc quan trọng, phải trải qua những hành động có tính nghi lễ vòng đời đều gắn với những biểu tượng văn hóa khó mà nói là quen thuộc với cư dân vùng này xưa kia như: đèn lồng đỏ treo cao; húp trứng gà ở rốn vợ trong đêm tân hôn; người vợ ba (Mây) mặc đồ trắng đứng cúi đầu cạnh người vợ cả, bên dưới nhành liễu treo tấm khăn trắng có dấu máu trinh tiết; một đám tang với ngựa kéo và thuyền chở quan tài lênh đênh trên dòng nước...

Đạo diễn cũng tuyên bố làm phim với cảm hứng từ câu chuyện về lịch sử gia tộc mình. Nhưng bộ phim lại cho thấy đạo diễn đang cố gắng kéo những biểu tượng văn hóa các vùng khác nhau, thuộc không gian sinh sống của những tộc người khác nhau vào cùng trong một bối cảnh và cũng có biểu tượng không rõ nguồn gốc từ văn hóa nào.

Người am hiểu văn hóa sẽ cảm thấy dường như bộ phim được làm từ con mắt của người “bên ngoài” nhìn vào văn hóa người Kinh ở Đồng bằng Bắc Bộ. Người xem phim Trương Nghệ Mưu hay Trần Anh Hùng sẽ thấy loanh quanh đâu đó có màu sắc, hình ảnh tương tự với dày đặc ẩn dụ văn hóa, dường như một phương Đông đang hiện lên.

Phương Đông trong mắt ai?

Trên thực tế, việc nhìn nền văn hóa “phương Đông” với thị hiếu tò mò bằng cái nhìn không đầy đủ, méo mó, thậm chí mang nặng nhiều định kiến từng được phản ánh, phân tích nhiều. Chính các học giả phương Tây đã chỉ ra sự ngạo mạn của thế giới quan lấy phương Tây làm trung tâm (Euro-centralism) khi mô tả các thế giới ngoài phương Tây với đầy ắp yếu tố “xa lạ hóa”, “huyền bí hóa”, “kỳ dị hóa” về con người và xã hội.

Trong tác phẩm nổi tiếng và có ảnh hưởng sâu rộng Orientalism, Edward Wadie Said phê phán việc phương Đông thường được tạo dựng nên dưới diễn ngôn của những ngòi bút với “đặc quyền phương Tây”, từ một nơi có văn hóa “mạnh hơn” nói về nền văn hóa “thấp kém hơn”, “yếu hơn”.

Bìa sách
Bìa sách

Sâu xa hơn, việc xây dựng hình ảnh các nền văn hóa không đúng mà lại cố tập trung vào những yếu tố “không bình thường” chính là tư tưởng thực dân, phân biệt văn hóa “cao” “thấp”, để từ đó tự cho mình cái đặc quyền “khai sáng” cho những nơi có nền tảng được cho là thấp hơn.

Nghiêm trọng hơn, lối nhìn ngạo mạn đó đã ngự trị không chỉ ở “chính quốc” - nơi nó ra đời, mà còn ảnh hưởng tới chính những người chịu đựng nó. Ở cấp độ tinh vi hơn, nó ăn sâu vào chính đời sống của các tộc người “ngoài trung tâm”, họ tự nhận ra sự “lạc hậu” của mình và ngày càng tin vào điều đó.

Phân tích cái nhìn mang tính “xa lạ hóa” của một mình phim Người vợ ba sẽ là không công bằng, bởi không chỉ bộ phim mang đi thi đấu ở xứ người này mới mắc lỗi đó. Có chăng, vấn đề của nó là tự mình “xa lạ hóa” chính mình. Những bộ phim trình chiếu ở trong nước, với rất nhiều tâm huyết đầu tư nhằm phục vụ các dân tộc thiểu số, được đánh giá là phản ánh chân thực, sinh động cuộc sống của người dân cũng mắc lỗi này. Diễn ngôn người dân tộc thiểu số thì “chậm tiến”, người Kinh thì “tiến bộ” đã trở thành điều thường trực và đương nhiên.

Chưa nói tới những nội dung phim hầu như chỉ tập trung vào bối cảnh xã hội với những bản làng khó khăn, nghèo đói, mê tín và khổ đau, câu cửa miệng của các nhân vật trong phim thường nhắc tới là “lạc hậu”.

Xem Tình yêu Seo Ly, nhân vật nữ chính người Mông đi học đại học về nhận xét “bản mình còn lạc hậu lắm”. Trưởng bản người Dao trong Tình thắm Sa Pa đã mở đầu lời khuyên một hộ gia đình khác rằng “bây giờ xã hội mình tiến bộ rồi!”.

Thử tưởng tượng chính những người Mông và Dao xem phim này sẽ nghĩ gì? Có thể là cười ngượng nghịu? Rồi dần sẽ tránh nói về văn hóa của mình với lòng tự hào, thay vào đó là sự xấu hổ, lo ngại bị chê bai và dè bỉu?

Nhà thơ người Tày Dương Thuấn từng nói: “Lắm lúc nghe trên truyền hình, đọc trên sách báo thấy người ta nói và viết sai về văn hóa của dân tộc mình thì cũng đành ngậm ngùi vậy thôi”. Bởi tâm lý của họ khi bị xúc phạm “thường quay lưng đi hơn là nói lại”.

Trong khi bộ phim Aladdin mới nhất của Disney được phát hành toàn cầu (tài tử Will Smith tham gia),  một triển lãm ở Lebanon đã mở cánh cửa nhìn lại một thế kỷ của các apphich quảng cáo phim về phương Đông qua đôi mắt phương Tây. Những nhà phê bình nghệ thuật Trung Đông nhận xét rằng các apphich quảng cáo cho thấy một phương Đông trong mắt phương Tây chẳng có gì ăn nhập với một phương Đông trong thực tế. -(Ảnh: Apphich phim It Happened in Aden bằng tiếng Đan Mạch, 1956, middleeasteye.net)
Trong khi bộ phim Aladdin mới nhất của Disney được phát hành toàn cầu (tài tử Will Smith tham gia), một triển lãm ở Lebanon đã mở cánh cửa nhìn lại một thế kỷ của các apphich quảng cáo phim về phương Đông qua đôi mắt phương Tây. Những nhà phê bình nghệ thuật Trung Đông nhận xét rằng các apphich quảng cáo cho thấy một phương Đông trong mắt phương Tây chẳng có gì ăn nhập với một phương Đông trong thực tế. -(Ảnh: Apphich phim It Happened in Aden bằng tiếng Đan Mạch, 1956, middleeasteye.net)

Cần sự dũng cảm chối bỏ nhãn quan ngoại lai hóa

Học thuật ngày nay đã chối bỏ những ám ảnh tiến hóa luận đó trong nghiên cứu, mô tả, phản ánh về các nền văn hóa, tiến tới cái nhìn nhân văn hơn, tôn trọng đa dạng văn hóa hơn. Còn trong đời sống, từ khóa “oriental” mang đầy hàm nghĩa tiêu cực đã bị loại ra khỏi các văn bản luật, hành chính của nước Mỹ. Không lẽ gì chúng ta không dám nhìn thẳng thắn với nhau rằng nên tôn trọng các nền văn hóa trong các sản phẩm phim ảnh hơn?

Phải thừa nhận rằng với thị hiếu tò mò đã trở thành bản chất của con người thì việc đem đến sự xa lạ ngoại lai sẽ đầy hấp dẫn, dễ thu hút người “bên ngoài” các nền văn hóa. Nhưng nếu không dũng cảm nhìn nhận và chối bỏ nhãn quan “ngoại lai hóa” thì các tác phẩm đó sẽ giúp thỏa mãn cái nhìn tò mò sẵn có về văn hóa, sẽ củng cố cái nhìn định kiến, dán nhãn, thay vì cung cấp một thông tin đúng.

Cũng có ý kiến cho rằng điện ảnh là nơi mà đạo diễn được quyền sáng tạo, tạo ra một không gian của riêng mình. Anh bước vào rạp chiếu phim, bước vào xem phim của tôi là bước vào thế giới của tôi. Nhưng chúng ta có thể đồng cảm với nhau và thấu hiểu giá trị, vẻ đẹp của các câu chuyện, thông điệp đó không? Nếu như người trong nền văn hóa được phản ánh đó lại thấy biểu tượng văn hóa đó xa lạ với chính mình?

Mặt khác, không thể phủ nhận phim là cầu nối văn hóa. Nó “đã trở thành một phương tiện mạnh mẽ cho văn hóa, giáo dục, giải trí và tuyên truyền”, cũng luôn là “sự phản ánh về xã hội ở cả hiện tại và quá khứ”, như chính lời của Tom Sherak, chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học và nghệ thuật điện ảnh (đơn vị chọn giải Oscar), khi trả lời phỏng vấn trên Thoughteconomics.

Khó lòng có một sản phẩm văn hóa nào lại không xuất phát từ một nền văn hóa nhất định, phản ánh một bối cảnh nhất định, nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu người sản xuất ra nó không nắm chắc lấy tấm căn cước đó của mình? Nắm lấy tấm căn cước đó sẽ tạo ra được bản sắc của riêng mình, không nhầm lẫn trong một rừng sản phẩm khác, những câu chuyện khác. Còn nếu tạo ra những thứ mang hơi hướng “xa lạ” và na ná nhau, phải chăng cảm giác của người xem cũng là thấy na ná nhau hoặc ngờ ngợ về chính văn hóa của mình.

Người làm phim có quyền tạo ra một thế giới riêng với góc nhìn của riêng mình, có quyền lựa chọn các biểu tượng văn hóa, ẩn dụ văn hóa, có quyền sáng tạo ra một không gian của riêng mình, nhưng phải có tính thuyết phục. Còn giả sử như họ có quyền tưởng tượng và thêm thắt những yếu tố khác biệt vào nền văn hóa họ chọn để làm phim, thì những khán giả thuộc những nền văn hóa được phản ánh đó có quyền từ chối nó hoặc lên tiếng phản biện. Hoặc có thể như những người Mông, người Dao, người Kinh... chỉ là im lặng quay lưng đi không nói lại. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận