Nghiên cứu sử, phải hiểu con người đã sống như thế nào

LAM ĐIỀN THỰC HIỆN 13/11/2011 00:11 GMT+7

TTCT - Nhà xuất bản Trẻ vừa ấn hành quyển sách Dấu xưa - tản mạn lịch sử nhà Nguyễn, viết về một số vấn đề lịch sử thuộc giai đoạn nhà Nguyễn còn ít người biết đến.

Tác giả Mathilde Tuyết Trần - đang sống ở Pháp, một gương mặt mới với độc giả Việt Nam - trao đổi với TTCT về câu chuyện xung quanh tập sách và những ý tưởng sử học sắp tới.

Phóng to
Tác giả Mathilde Tuyết Trần trên đường tìm kiếm sử liệu, chỗ bà đang ngồi là một di tích lịch sử tại thành phố cảng Rouen, nơi Jeanne d'Arc bị đưa lên dàn hỏa thiêu - Ảnh nhân vật cung cấp

* Xuất thân từ chuyên ngành kỹ thuật nhưng bà đến với văn hóa, lịch sử do “tự nhiên hình thành, đưa đẩy bởi nhiều sự tình cờ, may mắn…”. Có câu chuyện nào bà có thể kể đằng sau những “tình cờ”, “may mắn” ấy?

- Vâng, vợ chồng tôi thường trao đổi những mẩu chuyện nho nhỏ hằng ngày, có gì vui vui thì kể nhau nghe. Một hôm, “đi dạo” trên mạng, tôi thấy có một trang viết một câu khá vui là “Bá Đa Lộc chết trên một bãi biển ở Cochinchine”. Tôi mới kể cho chồng nghe, ngụ ý là tác giả viết thông tin này buồn cười thật, và Bá Đa Lộc là ai trong lịch sử Việt Nam. Chẳng ngờ, anh ấy bảo giám mục Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine) “ở” gần đây thôi, có muốn đi thăm không? Thế là ngay hôm sau chúng tôi lái xe đến quê hương của giám mục Bá Đa Lộc...

Đó là một điểm tình cờ và may mắn, mở đầu cho một cuộc hành trình nho nhỏ về sử học, khiến tôi bỏ luôn “nghề” vẽ. Một số tranh đang vẽ hiện nay vẫn còn dang dở, xếp góc bỏ đó, vì tôi đâm ra “mê” viết hơn. Một thí dụ thứ hai là một hôm chuông điện thoại reo, tôi nhấc máy, người trong máy xưng danh là “Monsieur Vĩnh San” làm tôi giật mình, vì tôi biết “Vĩnh San” là tên vua Duy Tân.

Hóa ra là vì trong nước, trên mạng và ra cả nước ngoài có tin đồn sắp sửa đưa di hài của vua Hàm Nghi về Huế, nên ông Georges Vĩnh San - con trai vua Duy Tân - bèn gọi cho ông trưởng làng Thonac hỏi thực hư ra sao, có đúng không. Ông trưởng làng Thonac cho ông Georges Vĩnh San số điện thoại của tôi và khuyên ông nên hỏi tôi. Nhờ đó tôi hân hạnh có mối quan hệ đặc biệt với ông Georges Vĩnh San. Và cũng vì thế vua Duy Tân trở thành một đề tài trong cuốn Dấu xưa...

* Bà đã mất bao lâu mới tìm đủ các tư liệu để viết tập Dấu xưa...? Cách trình bày những vấn đề trong sách được gọi là “tản mạn”, nhưng toàn tập là những vấn đề quan trọng, thậm chí có một số nghi án và những tình tiết chưa từng được khám phá. Đây là những vấn đề bà quan tâm nên tập trung tìm hiểu và trình bày, hay tùy thuộc vào tài liệu tìm thấy?

- Có lẽ tôi đã làm việc khẩn trương và liên tục trong suốt bốn năm để sưu tập, viết và đúc kết cuốn Dấu xưa... Tôi còn nhớ người Việt mình ít thích đi thăm mộ lạ, ngoại trừ mộ người thân, vì sợ bị “huông” hay bị “quở”. Nhưng nếu đi tìm dấu xưa của lịch sử thì phải đi tìm mộ vậy, vì nơi chôn cất cũng “nói” lên được điều gì đó. Tôi đã đi tìm mộ vua Hàm Nghi, mộ bà Nam Phương, mộ vua Bảo Đại, mộ của De Gaulle, mộ của d’Argenlieu, mộ của Leclerc, mộ của Adrien-Paul Balny d'Avricourt... trên đất Pháp. Mỗi lần đến một nơi, tôi đều thấy bâng khuâng đặt câu hỏi: người nằm đây, ở nơi chốn này có liên quan gì đến một nước Việt xa xôi?

Những ai làm công việc tham khảo đều hiểu rằng có nhiều việc mình chủ tâm tìm thì lại ít tìm thấy thông tin, còn có những việc lại tự nhiên hiện ra bên lề, như là mình có duyên với việc ấy. Như hiện tại, chủ đích của tôi là tham khảo về De Gaulle và vấn đề Đông Dương, thì bên cạnh chủ đề đó tôi lại phát hiện vài tư liệu về Hoàng Sa vào cuối thế kỷ 19, và về nhân vật “Đồ Phổ Nghĩa” (Jean Dupuis) trong giai đoạn lịch sử Pháp tấn công thành Hà Nội lần thứ nhất vào năm 1873.

Ngoài ra, tôi còn một vài tư liệu về vua Duy Tân và vua Hàm Nghi chưa công bố trong cuốn Dấu xưa..., đặc biệt là hai lá thư viết tay, bản chính của vua Duy Tân viết cho con gái một tháng trước khi tử nạn, và bản khai sinh của công chúa Nhữ Mây có chữ ký của vua Hàm Nghi. Nhờ đó, tôi sẽ thực hiện được lời hứa với độc giả trong cuốn Dấu xưa... là sẽ “sửa sai” về cái tên chính xác của công chúa Nhữ Mây khi có dịp. Hiện tôi đang viết về “Đồ Phổ Nghĩa” vì thấy sự kiện này khá thú vị cho người học và đọc sử.

* Khi đề cập đến 11 hiệp ước của nhà Nguyễn ký với Pháp nay còn lưu trong văn khố của Pháp, bà có viết: “Tôi chưa thấy có sách sử Việt Nam nào viết chi tiết về đề tài này, và có những điều mà kẻ hậu sinh cần biết”. Nếu một sinh viên hoặc một bạn trẻ Việt Nam muốn nghiên cứu sử nước nhà, bà có thể chia sẻ với họ nên bắt đầu như thế nào?

- Công việc tìm tòi, học hỏi, tham khảo... cần có một sự kiên nhẫn và đam mê. Muốn xin tham khảo trong các văn khố thì cần phải có nhiều thời gian chờ đợi và cần có nhiều tốn kém, phải đi đến tận nơi chốn và làm việc nhiều ngày, mua tư liệu, mua văn kiện, mua sách vở... Rồi phải có sự yên tĩnh, tập trung để đọc, tổng kết và lọc lựa... Muốn đi đó đi đây kiểm tra tận mắt thì phải có kinh phí. Không thể nóng nảy, vội vàng được. Vì thế, các bạn trẻ yêu thích ngành sử học Việt Nam nên biết ít nhất ba ngoại ngữ: Pháp, Anh và Hoa.

Thứ hai, nên đi theo đường “chính quy”, có nghĩa là theo học đại học, rồi xin làm nghiên cứu sinh lập luận án tiến sĩ tại nước ngoài, như thế sẽ đỡ được vấn đề cần kinh phí cho công việc nghiên cứu. Thứ ba là hằng ngày và liên tục, tự lập cho mình một “kho văn khố” cá nhân bằng cách sưu tập và trữ các thông tin, các chủ đề mình lưu ý, trong quá khứ hay trong hiện tại, qua sách vở, báo chí, trên mạng...

Thứ tư, tạo một “liên kết” hay vào một liên kết nào đó để trao đổi tư liệu, thông tin, vì một mình mình thì cứ như “ếch ngồi đáy giếng”, không học hỏi được nhiều lại mang tính chủ quan. Thứ năm, đọc nhiều, càng đọc nhiều nguồn khác nhau càng tốt. Thứ sáu, bên cạnh những chủ đề mang tính chất chính trị, kinh tế nên đặc biệt chú ý về các chủ đề xã hội, vì con người làm nên lịch sử thì phải hiểu con người đã sống như thế nào trong hoàn cảnh lịch sử ấy. Anh hùng tạo thời thế, nhưng thời thế (cũng) tạo anh hùng. Thứ bảy, tập viết văn và tập làm bố cục sao cho trong sáng, trôi chảy, dễ hiểu.

Tuy nhiên, con đường sử học không phải là con đường làm giàu, nên phải đặt hạnh phúc và thành công của mình vào phương diện tinh thần hơn là vật chất.

* Với những gì đã nghiên cứu, hẳn bà có một niềm yêu mến, quan tâm tha thiết với lịch sử, điều đó đến từ đâu? Bởi nếu không có nó, nhiều người sẽ không có đủ nghị lực và cảm tình để gắn bó với hành trình tìm hiểu nghiên cứu lịch sử?

- Dạo còn đi học, tôi học sử như một con vẹt, ngày ấy tháng ấy việc ấy cứ phải học thuộc lòng, nản vô cùng. Cho nên tôi thích môn địa lý hơn, vì có thi vẽ bản đồ, vui hơn! Bây giờ có môn khoa học Geopolitik (địa lý chính trị) trộn lẫn sử và địa là một môn học khá hấp dẫn. Nhưng tôi nghĩ sự quan tâm của tôi về sử có liên quan đến ưu tư của riêng tôi về chiến tranh và hòa bình.

Thế hệ của tôi lớn trên trong chiến tranh trong lịch sử cận đại của đất nước Việt Nam, suốt từ 1940-1975, cho nên tôi hằng mong mỏi các thế hệ sau sẽ được sống trong thời bình lâu dài để có thì giờ xây dựng con người, xây dựng đất nước.

Các thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên trong thời hậu chiến, thời bình ít có những rung cảm về chiến tranh hay hòa bình, vì họ thiếu kinh nghiệm sống, vốn sống của chính bản thân, của gia đình. Những bài học lịch sử chính là những bài học kinh nghiệm sống mà một dân tộc đã trải qua. Các thế hệ sau chắc chắn sẽ biết đời nay chúng ta sống ra sao. Song, nhận thức, tri thức và kiến thức cần phải được nuôi dưỡng bởi tình cảm, mà tình cảm nhớ quê, thương quê ấy có khi đơn giản lắm, có thể là những khi chợt nhớ lại một câu hát thuở nhỏ.

Thời tôi còn học tiểu học, cả lớp cứ ngoạc mồm ra mà hát cho to: Đêm dài... ta ngồi... trong rừng... (Đêm Mê Linh). Hay ước mơ sẽ về thăm lại mộ má, mộ anh..., những người thân trong gia đình, con đường khi xưa đến trường, thầy cũ, bạn cũ, hàng me, hàng điệp... Chính những hình ảnh quê hương, chén cơm, chén canh, mùi hoa dạ lý hương, những câu hát văng vẳng... làm cho người Việt nào xa quê cũng đều nhớ quê cả, tôi tin là như thế, vì nỗi nhớ tăng theo khoảng cách không gian và thời gian.

Phóng to
Tập sách Dấu xưa... vừa ra mắt bạn đọc Việt Nam - Ảnh: L.Điền

Tập sách Dấu xưa - tản mạn lịch sử nhà Nguyễn gồm năm chương, cũng là năm đề tài về lịch sử còn nhiều tồn nghi mà tác giả đã dày công tìm kiếm tư liệu lẫn đi điền dã để thực hiện: Tại sao mất nước thời Tự Đức, Một bí ẩn về vua Hàm Nghi, Vua Duy Tân và một kết cục bi thảm, Đề Thám - người anh hùng hay thằng giặc, Ngôi làng bỏ quên C.A.F.I. tại Sainte Livrade-sur-Lot.

Trong số các đề mục đó, đóng góp của tác giả Mathilde Tuyết Trần thật đáng trân trọng, nhất là việc công bố những văn bản hiệp ước quan trọng trong số 11 hiệp ước mà nhà Nguyễn đã lần lượt ký với Pháp, những tư liệu này đến nay ít người Việt Nam được tiếp cận. Hay như những phát hiện về cuộc đời của vua Thành Thái, Hàm Nghi và Duy Tân trong thời gian lưu đày... - một phần sử Việt nhưng không phải người Việt nào đến nay cũng rõ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận