Ngợi ca loài kiến

TRẦN QUỐC TÂN 10/05/2014 02:05 GMT+7

TTCT - Ở kỷ nguyên thừa mứa nỗi sợ, sự nhàm chán và chiến tranh vô nghĩa, bộ tiểu thuyết Kiến, và kèm trong đó là Bách khoa toàn thư kiến thức tương đối và tuyệt đối, vẫn sống động và hợp thời.

Chuyện phân định lằn ranh “cũ mới” trong văn học có thể dẫn đến những tranh cãi sứt đầu mẻ trán, nhưng ở thời nay với sự ấm dần lên của các mối quan hệ, mạng xã hội, lẽ ra phải khiến người ta bộc bạch dễ dàng hơn với những gì đã mất dần sức quyến rũ.

Dẫu rằng tài năng của Gabriel García Márquez vượt rất nhiều ra ngoài Trăm năm cô đơn, tại sao không thể can đảm thừa nhận rằng “hiện thực huyền ảo” là thứ gì đó thuộc về một thời đại đã cũ, với hình ảnh ngôi làng Macondo và các cá nhân quai quái, kỳ dị như là biểu tượng của sự cách trở và mông muội, sự bất khả dung hòa những thế giới khác.

Cùng ngợi ca trí tưởng tượng, thể loại truyện khoa học viễn tưởng giờ đây cũng không còn nhiều sức hấp dẫn. Hai vạn dặm dưới đáy biển của Jules Verne trở thành đối thủ không xứng tầm với bộ phim 3D Đi tìm Nemo, hay Người vô hình của H. G. Wells giờ đây không sinh động hơn một tính năng của kính Google. Thế nhưng bộ ba tiểu thuyết Kiến (Les Fourmis) của Bernard Werber vẫn là một “ca” đặc biệt.

Tác phẩm best-seller ra đời cách đây 20 năm này là sự bổ túc không thể thiếu cho trí tưởng tượng và những suy tư đạo đức của con người trong thời đại số. Việc ra mắt đầy đủ bản dịch cả ba tập là một nỗ lực lớn của những người làm sách, và là sự kiện không nhỏ với giới độc giả dòng khoa học viễn tưởng đã rơi rụng ít nhiều trước sự lấn lướt của truyền hình và máy tính bảng.

Vốn là nhà báo chuyên viết mảng khoa học cho tờ Nouvel Observateur, Bernard Werber có thế mạnh là tài kết hợp giữa khoa học viễn tưởng và thứ triết lý thông minh, nhẹ nhõm; giữa cái bé nhỏ và giản đơn của thế giới côn trùng với sự phức tạp, ngẫu nhĩ của văn minh loài người. Ý tưởng xuyên suốt bộ sách có thể tóm gọn qua lời hoàng tử kiến số 24 về ba giai đoạn logic của quá trình thông hiểu giữa hai thế giới khác biệt, đó là tiếp xúc, đối đầu và hợp tác.

Tập đầu tiên, Kiến (*) kể về việc phát hiện sự tồn tại của kẻ khác và cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa hai nền văn minh kiến và Ngón Tay (tiếng lóng của kiến chỉ loài người). Sự tiếp xúc giữa hai nền văn minh bao giờ cũng là khoảnh khắc tế nhị và bạo lực thường là phản xạ đầu tiên, dẫn đến cuốn tiểu thuyết thứ hai - Ngày của kiến (**) - mô tả sự đối đầu với một thế giới khác. Và vì cả hai nền văn minh ấy sẽ không thể hủy hoại lẫn nhau nên tập cuối - Cách mạng kiến (***) - đương nhiên là tới lúc chuyển sang hợp tác.

Cả ba tập đều đi theo ba cốt truyện đồng hành, tượng trưng cho ba cách nhìn của kiến, Ngón Tay, và một nhân vật chính dẫn dắt cuộc giao thoa giữa hai thế giới - kiến đỏ hung vô tính 103. Cùng mỗi lớp tình tiết với ba mắt xích của kiến, người và kiến 103, là một mục từ trích trong Bách khoa toàn thư kiến thức tương đối và tuyệt đối (đây là phần đặc sắc nhất trong bộ truyện).

Pho bí kíp của giáo sư hư cấu Edmond Wells “tựa như một quán trọ Tây Ban Nha, ai cũng có thể tìm được thứ mình cần tìm trong đó”: từ thiên nhiên, vũ trụ, lối cư xử xã hội, xung đột giữa các dân tộc, đến cả công thức nấu ăn và câu đố, giúp người đọc trở nên toàn năng và có thể đi tìm con đường tự giải thoát.

Tại sao lại chọn kiến? Tác giả ca ngợi kiến là loài thành công nhất trên Trái đất, “không một kilômet đất nào tồn tại mà thiếu bóng loài kiến”. Trong sách Talmud về người Do Thái, côn trùng là biểu tượng của sự chính trực, hay người Polynésie coi chúng như những vị thần nhỏ. Côn trùng là địa hạt của một triết học khác, một không gian - thời gian khác, một tầm vóc khác (tr. 105, tập 1).

Đại biểu cho xã hội loài kiến thành phố liên bang Bel-o-kan. Trong lịch sử 5.000 năm, lực lượng chính trị kiến lớn nhất rừng Fontainebleau này vẫn trụ vững trước những cuộc chiến tranh “liên kiến”, cuộc tấn công của lốc xoáy, mối, ong vò vẽ, chim. Với ý thức cộng đồng của loài kiến, mỗi con kiến không ý thức được sự tồn tại của mình dưới tư cách một cá thể, vì thế chúng không e sợ cái chết, không biết đến trạng thái “âu lo hiện sinh” thường trực ở loài người.

Cuộc phiêu lưu của kiến 103 bắt đầu khi thành Bel-o-kan, “nơi những huyền thoại vĩ đại nhất của loài kiến sinh ra và mất đi”, xuất hiện sự chia rẽ. Một bên là lũ kiến “công nghệ” khâm phục những thành tựu của Ngón Tay, bên kia là lũ kiến “thần bí” chỉ biết sống trong cầu nguyện. Giáo phái của chúng lấy biểu tượng là vòng tròn, tức hình ảnh kiến thấy về Ngón Tay trước khi bị nghiền nát.

Đám kiến hữu thần gọi các Ngón Tay là đức Chúa (định nghĩa trong Bách khoa toàn thư: con người gọi thứ không nằm trong sự kiểm soát tương lai của họ là Chúa trời). Để chống lại loài Ngón Tay thỉnh thoảng lại làm sụp ổ kiến lãng nhách, đám kiến đỏ hung vô thần ở Bel-o-kan thực hiện một cuộc thập tự chinh về phía đông. Vượt qua bao miền đất lạ và chiến đấu với cả một đô thị ong, thế mà chỉ trong vòng bốn mươi giây, đoàn quân thập tự chinh rốt cuộc tan tành trôi nổi dưới... vòi xịt nước của xe tưới vỉa hè.

Sau đối đầu là giai đoạn hợp tác. Nhờ cỗ máy phiên dịch từ tiếng Pháp sang tiếng loài kiến của giáo sư Edmond Wells, con người giao tiếp được với lũ kiến. Họ được nghe kể về cơ chế hoạt động của các liên bang kiến, chiến tranh giữa các loài và phát hiện bên cạnh thế giới loài người có một vũ trụ song song.

Chúng đã có những công cụ, cách trồng trọt, “công nghệ” riêng, thậm chí còn có bóng dáng những khái niệm trừu tượng như dân chủ, tầng lớp, chuyên môn hóa... Đại sứ cho loài kiến, kiến lính 103, rút ra nhận xét: ăn, nói chuyện điện thoại, xem truyền hình, đó là ba hoạt động chính của Ngón Tay.

Và có ba điều mà kiến 103 đặc biệt quan tâm ở con người (vì nó không thể hiểu rốt ráo): sự hài hước, nghệ thuật và tình yêu.

Cường độ va chạm của hai nền văn minh được đẩy lên cao nhất khi đến tập 3, cô nữ sinh Julie phát động cuộc “cách mạng kiến” dựa trên những bài học từ Bách khoa toàn thư: hãy nghĩ về một thế giới khác, nghĩ khác đi, giải phóng trí tưởng tượng. Cô khao khát một thế giới của những người sáng tạo, nơi con người giao tiếp với thiên nhiên và thiên nhiên hồi đáp với tư cách là đối tác chứ không phải kẻ thù bị khuất phục.

Đối lập với quan điểm dung hòa và sáng tạo là thanh tra Maximilien Linart. Ông này cho rằng con người chỉ muốn được hạnh phúc, mà hạnh phúc là việc gì ở nguyên chỗ đó. Như một logic, Maximilien rốt cuộc tìm cách tận diệt loài kiến, giống như sự kèn cựa của tế bào ung thư, cứ liên tục sinh sản, “trong cuộc tìm kiếm điên rồ sự bất tử, cuối cùng nó giết hết mọi thứ xung quanh” (tr. 320, tập 3).

Đề tài dung hòa hai thế giới khác biệt xuất hiện khá phổ biến vì nỗi sợ cái khác, sợ bị cô lập luôn hiện hữu ở con người. Có thể thấy ý tưởng ấy trong Ernest & Celestine, bộ phim hoạt hình được đề cử Oscar năm nay, kể về tình bạn giữa một chú gấu hộ pháp và cô chuột con nhí nhảnh. Chúng cũng trải qua giai đoạn tiếp xúc, bạo lực, rồi sau đó tìm cách đưa hai thế giới không đội trời chung xích lại gần nhau.

Bernard Werber đi xa hơn, ông chỉ ra luật chơi lớn đầu tiên của thế giới chúng ta là luôn phức tạp hơn. Điều đó có thể được mở rộng thành quy tắc chung đối với nhiều dạng thế giới: ở nơi khác, có thể là luôn nóng hơn, hoặc luôn rắn hơn, hoặc luôn buồn cười hơn (tr. 74, tập 1).

Giả sử ở hành tinh Kepler-186f, bản sao của Trái đất mới được tìm thấy, có tồn tại sinh vật nào đó, có lẽ điều cuối cùng họ sẽ phải học khi tiếp xúc với người trái đất chính là óc hài hước, hình thức đề kháng cao nhất của sự tồn tại.

Mỉa mai, chính xác và đầy suy tưởng, đó là lý do Kiến vượt qua tất cả những địa hạt cũ.

_____________

(*): Lê Thu Hằng dịch, Nhã Nam & NXB Văn Học năm 2009.

(**): Phùng Hồng Minh dịch, năm 2011.

(***): Thi Hoa dịch, ấn hành quý 1-2014.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận