Người đàn bà xa lạ

TRỊNH TÚ 24/05/2013 01:05 GMT+7

TTCT - Đôi khi chợt nghe một ca khúc mà nhớ lại cả một thời tưởng như đã xa lắm, đôi khi tiếng huýt sáo của một người đi chơi đêm đánh thức biết bao kỷ niệm, hay thi thoảng ngửi thấy một mùi quen khiến xốn xang lòng dạ.

Phóng to
Người đàn bà xa lạ (Tranh: Ivan Nikolaievich Kramskoi) - Ảnh: wikimedia

Ký ức là vậy, nó có đời sống của nó và được nuôi dưỡng bằng những chi tiết nhỏ nhất của hiện tại. Nếu không thì đời sống sẽ lạnh lẽo làm sao.

Tôi có anh bạn vong niên, một người làm khoa học nghiêm cẩn nhưng không có nổi một thành tựu đáng kể nào. Anh sống chừng mực và lành mạnh trong một căn hộ tập thể ở Giảng Võ, nơi anh được phân sau khi tốt nghiệp tiến sĩ ở nước Nga Xô viết trở về cho đến bây giờ. Và, đến giờ này, anh vẫn yêu tha thiết nước Nga Xô viết ngày xưa.

Trong căn hộ của anh, giờ chỉ còn hai vợ chồng, các con anh đã thành gia thất cả, những gì anh mang từ nước Nga về thuở nào vẫn còn nguyên vẹn. Một giá sách đóng từ gỗ thông thùng hàng, những cuốn sách chuyên môn đã ngả màu thời gian, và đặc biệt là bức tranh in phiên bản Người đàn bà xa lạ của Kramskoi, họa sĩ Nga theo khuynh hướng hiện thực lãng mạn cuối thế kỷ 19.

Đó là ấn phẩm hội họa duy nhất có mặt trong nhà anh. Một tác phẩm đẹp, dễ xem, dễ hiểu bởi ngôn ngữ văn học nhiều hơn là ngôn ngữ hội họa. Nhưng điều đó không quan trọng và cũng không nằm trong câu chuyện này. Câu chuyện nằm ở đằng sau bức tranh. Nằm ở sự hiện diện của nó trong một không gian mới.

Vào những năm 70 của thế kỷ trước, khi những đợt du học sinh Việt Nam tốt nghiệp các ngành nghề ở Liên Xô về nước, cũng khá là đông đúc, trong đó có anh bạn của tôi. Họ trở về một đời sống chậm chạp tuân thủ theo tem phiếu nhưng mang theo rất nhiều những câu chuyện về một đất nước vĩ đại phồn vinh và nhân hậu.

Và, họ đương nhiên là đại diện cho một nền văn hóa mới, với trang phục mới, với máy quay đĩa, tủ lạnh Saratov, nồi áp suất, với thái độ sống đầy nhiệt huyết đúng với cung cách Nga, với ca khúc Đôi bờ, Cây thùy dương, Kachiusa, và dường như ai cũng treo trong nhà mình bức Người đàn bà xa lạ.

Bức tranh đã trở thành dấu ấn chung của giới trí thức mới, năng động và hòa nhập rất nhanh vào guồng máy hành chính nhà nước. Nó tiêu biểu đến mức không còn là Người đàn bà xa lạ nữa, mà là một gương mặt thứ hai của chủ nhân bức tranh.

Đôi lúc chợt nhớ đến anh bạn vong niên của tôi, thì hình ảnh đầu tiên lại là bức tranh và các giá sách cũ đó, rồi sau đấy mới là cái dáng người kềnh càng của anh cùng giọng hát khàn khàn bài Cây thùy dương sau vài ba chén vodka. Cũng bởi mỗi người mỗi việc nên họa hoằn chúng tôi mới gặp nhau. Nhưng có một lần, mới gần đây thôi, anh gọi điện cho tôi, mời đến nhà, có chai vodka mới và đôi điều tâm sự.

Gặp anh mới thấy thời gian là một điều đáng nguyền rủa, lưng anh đã hơi còng xuống, cặp mắt ướt và tóc đã rụng nhiều, chỉ còn nụ cười vẫn nhún nhường nhân hậu. Anh mở đĩa CD toàn ca khúc Nga cho tôi nghe rồi chậm rãi uống rượu. Tôi hơi hoảng vì mọi khi anh ồn ào lắm.

Người đàn bà xa lạ trên tường, vẫn chỗ cũ, vẫn thờ ơ vô tư lự. Mãi rồi anh mới cất lời. Anh kể rằng anh vừa có một chuyến về lại nước Nga, về lại Odessa nơi anh được nuôi dưỡng trưởng thành, rằng mọi thứ đã đổi khác nhiều quá, khiến anh trở thành kẻ xa lạ. Anh đã định bụng đi tìm mua bằng được bức phiên bản Người đàn bà xa lạ về thay cho bức cũ đã ố vàng mà không tìm ra. Bây giờ người ta bán những bức tranh gì đó anh không nhìn được...

Nghĩ rằng để cho anh khuây khỏa, tôi rụt rè nói ở mấy cửa hàng chép tranh trên phố Hàng Trống tôi cũng có thấy họ chép bức tranh này bày bán, để tôi mua tặng anh. Nào ngờ, anh dằn mạnh chén rượu rồi trừng mắt nhìn tôi nói: “Mày là thằng có học lại là họa sĩ mà sao ăn nói ngu thế, chúng nó hiểu gì về nước Nga, hiểu gì Kramskoi mà đòi chép tranh. Mày mà rước về đây thì ông vứt ra khỏi cửa!”.

Có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời anh nổi cáu với tôi. Mà lạ, cũng là lần đầu tiên tôi thấy anh đáng yêu đến thế. Hai chúng tôi lặng lẽ uống cho hết chai, rồi anh bảo nếu có thể kiếm cho anh chiếc đĩa vở Hồ thiên nga của Tchaikovsky, anh muốn nghe trọn vẹn vì từ trước đến giờ anh chỉ nghe trích đoạn.

Tạm biệt anh, tôi ra về với một nỗi buồn nhẹ và ngọt ngào, lâu lắm mới được buồn như thế. Thì ra, một đời sống tưởng như phẳng lặng của anh đôi khi lại có nhiều ý nghĩa, bởi vì anh sống với một đức tin bền vững, không suy giảm. Điều mà chúng ta đang ngày càng thiếu hụt.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận