"Người hòa giải" đặc biệt

HẢI MINH 05/07/2013 01:07 GMT+7

TTCT - Bất chấp những lo ngại về an ninh, Giải vô địch bóng đá U-21 châu Âu vừa kết thúc tốt đẹp ở Israel với chức vô địch thuộc về Tây Ban Nha. Sự kiện này đã tiếp nối hoạt động dùng thể thao để hòa giải giữa Israel và Palestine.

Phóng to
Các cầu thủ Israel ăn mừng bàn thắng ghi vào lưới đội Anh tại Giải vô địch U-21 châu Âu trên sân Teddy Kollek ở Jerusalem - Ảnh: Reuters

Mifalot, một tổ chức phi chính phủ đặt trụ sở ở sân tập của CLB Hapoel Tel Aviv - một trong những đội bóng lớn nhất Israel, hiện đang điều phối hơn 30 dự án trên toàn cầu ở Angola, Benin, Ấn Độ, Rwanda, Cameroon và Haiti. Người bảo trợ dự án là Avraham Burg, cựu chủ tịch Quốc hội Israel. Những người bỏ tiền là các quỹ từ thiện trên toàn thế giới.

Giáo dục trẻ em từ bóng đá

Mục tiêu của Mifalot là sử dụng ảnh hưởng từ bóng đá để giáo dục những thế hệ tiếp theo. Dự án tạo cơ hội cho thanh thiếu niên ở Israel và Palestine có cơ hội nhận bằng cấp về huấn luyện thể thao và tìm được công ăn việc làm. Người Ả Rập, người Do Thái, người Bedouin, người Druze… đều được tham gia.

Yael Lee-Weiss, điều phối viên của Mifalot, nói với Đài truyền hình CNN (Mỹ): “Tôi cho rằng thế hệ trẻ muốn thay đổi. Còn nhỏ tuổi, các em đã rất cởi mở và không có những định kiến… Chúng tôi sử dụng quyền lực của bóng đá và tình yêu mà cả trẻ em lẫn người lớn đều dành cho môn thể thao này, đồng thời cũng giáo dục các em những giá trị sống. Các em tò mò về nhau, các em là láng giềng của nhau, người Ả Rập và người Do Thái. Các em tò mò vì nghe thấy nhiều thứ, nhưng không phải lúc nào cũng nhìn thấy mọi thứ tận mắt”.

Một dấu hiệu khác của sự hòa hợp là đội tuyển U-21 Israel. Đội hình của họ có năm cầu thủ Israel - Ả Rập, hai người gốc Ethiopia và một người Bedouin. Từng có những cầu thủ Ả Rập khoác áo Israel trong quá khứ. Dù không hát quốc ca Israel và cũng tránh nói tiếng mẹ đẻ để không làm chia rẽ đội tuyển, họ vẫn cống hiến hết mình trên sân.

Việc Israel đăng cai giải U-21 châu Âu gây nhiều tranh cãi khi biểu tình nổ ra ở châu Âu phản đối cách nước này đối xử với người Palestine. Nhưng với các cầu thủ, chính trị không quan trọng bằng những gì diễn ra trên sân. Munas Dabbur, tiền đạo người Ả Rập hiện đang chơi cho Maccabi Tel Aviv, nói: “Tôi thấy rất vinh dự được đại diện cho Israel. Tôi luôn cảm thấy tự hào được khoác áo đội tuyển này và muốn được tiếp tục. Đây là lần đầu tiên chúng tôi có những trận đấu lớn như thế này”.

Gắn kết các cộng đồng

Một tổ chức khác cũng đang cố gắng kết nối những cộng đồng khác biệt là Quỹ Israel mới (NIF), hợp tác chặt chẽ với Liên đoàn Bóng đá Israel (IFA). Ra đời năm 2003, NIF tập trung vào việc loại bỏ phân biệt chủng tộc và bạo lực trong bóng đá, nâng cao công bằng xã hội, nữ quyền và bảo vệ môi trường thông qua thể thao.

Suan, một người Palestine, thành viên chủ chốt của NIF và là cầu thủ đã ghi bàn thắng tuyệt đẹp vào phút cuối ở một trận vòng loại World Cup 2006 vào lưới Cộng hòa Ireland. Bàn thắng ngày 27-3-2005 đó đã đưa anh vào lịch sử bóng đá Israel khi cuối cùng những cầu thủ Ả Rập cũng đã được thừa nhận một cách xứng đáng.

Suan nói: “Tôi có nhiều anh em họ hàng ở các nước Ả Rập. Tôi chưa bao giờ cảm thấy bị phân biệt đối xử trong bóng đá. Tôi có nhiều bạn bè Do Thái như anh em của tôi. Nhưng tôi chỉ cảm thấy bị phân biệt đối xử khi nhìn vào cơ sở hạ tầng và phát triển ở khu vực Ả Rập. Thật đáng buồn là một thành phố như Sakhnin không có lấy nổi một sân quần vợt hay bóng rổ đúng chuẩn”.

Nhưng Lee-Weiss tin rằng điều đó đang thay đổi: “Tôi rất hi vọng. Họ là tương lai và tôi biết chúng tôi không thể thay đổi tất cả trong một ngày hay mang hòa bình tới ngay lập tức. Nhưng chúng tôi đã cho các em nhỏ một cái nhìn tích cực”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận