Người nổi lửa trên sân điện Cần Chánh

DANH ĐỨC 14/06/2004 01:06 GMT+7

TTCN - Trong thời buổi mà “cái gì” (nhất là các hội chợ) cũng gắn mác “quốc tế” cả, nếu có ai đó hồ nghi về tầm cỡ quốc tế của các chương trình nghệ thuật ở Festival Huế 2004, nhất là các chương trình in có bán vé, thì bữa đại tiệc (trong) ánh sáng của nghệ nhân pháo bông lãng du Pierre - Alain Hubert chính là câu trả lời xác tín nhất: không những tài nghệ quốc tế mà còn ở trình độ thượng thừa nữa.



Pháo trên ngọ môn

Thật vậy, khó có ai ngờ rằng người đàn ông xuề xòa trong y phục, râu tóc “loạn xà ngầu” nọ đang tất bật sai vài nhân viên hiếm hoi chạy đi mua từng cuộn dây kẽm: “Đi đi. Tôi mắc tiếp khách mươi phút”, lại là một người đã từng ”nổi lửa” từ  Âu sang Á, hầu như ở mọi lễ hội lớn nào trên thế giới này cần được khai mạc hay bế mạc bằng một màn pháo bông hoành tráng. 

Quả thật, Pierre- Alain Hubert là tác giả của những buổi biểu diễn pháo bông vĩ đại. Ông đã từng thắp sáng Thế vận hội mùa đông Calgary 1988, đêm giao thừa 2000 ở Paris, đêm giao thừa năm sau - giao thừa thiên niên kỷ - tại Denver (Mỹ), gần hơn là World Cup 2002 Hàn Quốc trên pháo đài Hwaseong. 

Gần đây nhất là ở Romania trong ngày lễ châu Âu hôm chủ nhật 9-5 vừa qua, gọi là để “nhân bản hóa”, “tòa nhà nhân dân” một thời được xem như là biểu tượng nguy nga của kinh thành Bucarest (như tháp Eiffel là biểu tượng của thủ đô Paris) song để xây dựng tòa nhà vĩ đại này, người ta đã giải tỏa 7.000 căn nhà, 30 ngôi giáo đường, tiêu tốn 1/3 GDP của đất nước này trong suốt năm năm! Một tháng hơn sau đêm hoa đăng ở Bucarest, Pierre - Alain Hubert đến Huế trổ tài.

Gương mặt ông “bằng xương bằng thịt” sáng nay khác xa những bức ảnh chân dung “màu mè” của ông trên website pyrohubert.com (kẻ thích nổi lửa tên Hubert). Bên bờ sông Hương sao ông có vẻ “nhăn nhó” mệt nhọc quá? Hóa ra ông mới đến được ba ngày. Kế hoạch chi tiết buổi biểu diễn đã “đến” Huế trước ông, cách đây hơn ba tháng. 

Mọi công tác chuẩn bị đã được tiến hành khá trơn tru, trừ vài trục trặc không nhỏ. Đầu tiên là người trợ lý quen việc của ông vẫn chưa có visa nhập cảnh. Hỏi lại đại diện sứ quán Pháp tại Huế cũng có lý do: anh này bị mất passport nên chưa vào được. Tất nhiên, luật pháp nghiêm ngặt mới là luật pháp, song ông mệt nhọc vì mất “cánh tay”. Như Don Quichotte thiếu đệ tử Sanchez.

Chưa hết vận xui, từ Paris bay sang Hà Nội rồi Huế ba ngày trước đó, hành lý của ông bị lạc. “Quần áo tôi chẳng cần, chỉ cần mớ đạo cụ của tôi”. 

Có đọc dòng chữ viết nắn nót: “Tôi muốn chở sang bằng máy bay thiết bị này và máy kích hỏa đặc biệt tạo hình một quả tim bằng lửa (chạy bằng khí propane) cháy suốt đêm diễn trên bộ hồ sơ bản vẽ chi tiết chương trình biểu diễn của ông mới hiểu thêm tại sao ba ngày qua ông hốc hác thấy rõ vì chờ đợi hành lý. Don Quichotte đã thiếu đệ tử mà còn mất ngựa và kiếm...

 Sự so sánh này làm ông phì cười. “Cũng may là hãng hàng không (Vietnam Airlines) mới báo là đã tìm ra hành lý”. Hú vía! 

Pierre-Alain Hubert

Sẽ có ý kiến bảo rằng pháo bông là... pháo bông, bất cứ nhà máy sản xuất pháo bông nào cũng làm được, có gì đâu mà... nhặng xị. Đúng thế, lần này đến Huế, ông đặt hàng một nhà máy của Việt Nam. “Họ làm rất tốt” - ông bảo. Thế nhưng một buổi bắn pháo bông mang chữ ký của Pierre - Alain Hubert lại là những “bức họa vẽ trên trời” chứ không phải là cứ “alê hấp, bắn cấp tập!” hết hình trái châu xanh xanh đỏ đỏ đến hình bó lúa vàng rực rồi chấm hết.

- Ông có soạn ra một cốt truyện nào không?

- Không - ông trả lời.

- Thế nhưng, vẫn phải là “thẳng hàng”(linéaire) trong thời gian.

Thay cho câu trả lời “chay” là một bộ bản vẽ, mỗi bức là một hoạt cảnh với những mô tả thật chi tiết. Ông giải thích bằng giọng điệu của một nhà giáo - ông nguyên là nhà giáo tốt nghiệp thạc sĩ Trường Normale Sup,  sau dạy kiến trúc, rồi do mê pháo bông và mê hội hè đường phố quá mà bỏ nghề “godautre” (gõ đâu trẻ), quay qua làm nghệ nhân pháo bông cách đây đúng 30 năm với Festival Casa de Carvagem ở Porto (Bồ Đào Nha). 

Tám năm sau ông bước lên hàng “cao thủ quốc tế” với buổi biểu diễn nhân hội nghị G7 Versailles 1982. Người viết bài đã từng xem bắn pháo bông ở hội nghị G7 Lyon 1987 bên bờ sông Saône hay “Đêm Versailles” nên hiểu rằng những buổi biểu diễn pháo bông đó chính là những “bức tranh” thật sự cùng những “giấc mơ”. 

Những buổi biểu diễn mừng lễ lạt là vô số trong cuộc đời ông: 50 năm độc lập Indonesia, 50 năm giải phóng Paris, 50 năm giải phóng Marseille, 25 năm Algérie độc lập, 30 năm Cách mạng Algérie, 200 năm quốc ca Pháp La Marseillaise, Marseille 2.600 năm... Chưa nói đến những festival như liên hoan điện ảnh Cannes... 

Sách báo thế giới vẫn còn nhắc đến hình bóng nhà danh họa Van Gogh lừng lững trên bầu trời Amsterdam nhân lễ kỷ niệm 100 năm ngày giỗ Van Gogh mùa xuân năm 1990. Hình bóng đó của Van Gogh, Pierre - Alain Hubert vẽ ra bằng pháo bông của mình. Có lần, để khánh thành một khu giải trí chủ đề ở Eurodisney, ông đã bắn cả hồ nước phun tượng thần Apollon cổ kính của tòa lâu đài Versailles lên trời. 

Bản thiết kế của Hubert

Thế thì ở Huế ông sẽ “vẽ” gì? Những thần linh lung linh. Những mặt trời đại yến...

Xảo thuật của ông? Tại sao lại không thắp những khối lửa trên mặt phẳng bằng nhôm phản chiếu như những tấm gương? Những pháo bông mini sẽ tô điểm cho những món đại yến: các thực khách của bữa yến tiệc trên sân điện Cần Chánh sẽ không chỉ thưởng thức những sơn hào hải vị của đất kinh kỳ này bằng vị giác mà còn bằng thị giác và ảo giác khi chiêm ngưỡng những mặt trời nho nhỏ bừng sáng bên trên chiếc kiệu ngự thiện, sau đó là từng chuỗi hạt ánh sáng lung linh, rồi đến một quả cầu hoa vàng rực... Cảnh pháo bông cho từng món ăn này kéo dài đến năm phút mỗi lần đổi món.

Có cả những chùm sao, những dải ngân hà, ông nhiều lần nhắc lại. Tinh tú chính là một trong những yếu tố cấu tạo thành những giấc mơ bằng pháo bông của ông. Cũng như nước và lửa là hai vật chất xung khắc nhưng bổ sung cho nhau, ông giải thích như một nhà châu Á học thật sự. 

Mà quả thật, ông là một nhà châu Á học đích thực. Người đàn ông rặt phương Tây này nói thạo tiếng Nhật và bập bẹ tiếng Hàn, từ hơn 20 năm qua cứ tới lui châu Á, đặc biệt là Đông Á, có đến mấy chục lần chỉ để hành nghề nổi lửa trên trời (pyrotechnicien). 

Riêng tại Nhật đã từ Kyoto, đến Tokyo, Kobe, Omagari... không kể mấy lần (…ra vào không kể) sang Jakarta, Singapore, Manila... đốt pháo bông mừng quốc khánh cho thiên hạ! “Châu Á đối với tôi là rất quan trọng”, người đàn ông râu ria ngồm ngoàm như con gấu (xin lỗi) này có thể nói hằng giờ về kim, mộc, thủy, hỏa, thổ... bên dòng Hương Giang.

Chỉ tiếc là hiện ông đang quá bận - bận nổi lửa trên điện Cần Chánh, trước một cử tọa 700 quan khách đến dự hội nghị các bộ trưởng du lịch Đông Á - Thái Bình Dương nhân Festival Huế 2004 này. Cả trăm quan khách từ 26 nước ấy sẽ bấm bụng bảo nhau: “Họ dám chiêu đãi mình Pierre - Alain Hubert đấy nhé!

Thêm Huế trên tấm “bản đồ thế giới pháo bông” của Pierre- Alain Hubert, thêm một bảo chứng cho “chơi cho lịch mới gọi là chơi” của Festival Huế, để Festival Huế, cho dù mới có lên ba song cũng bước vào tầm quốc tế.        

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận