Người trong cao ốc

TRẦN ANH (HÀ NỘI) 30/12/2013 10:12 GMT+7

TTCT - Hôm nay, lấy xe ra ngoài ăn trưa, gặp hai người đang ăn cơm ngay ở cửa tầng hầm. Một đàn ông, một đàn bà, có khi là hai vợ chồng.

Phóng to
Minh họa: Salem

Có lẽ họ là công nhân đang sửa chữa cái sảnh phía bên hông tòa nhà, hoặc là người ở bên đơn vị được thuê về lau các bức tường kính cuối năm đây mà.

Bữa cơm được bày trực tiếp trên nền ximăng và hai người ngồi bệt dưới sàn mà ăn. Tô cơm trắng trên tay. Một hộp lớn màu xanh đựng rau muống xào. Bên cạnh là một tô nhựa trứng đúc với cà chua. Xe cộ của cư dân chính chủ tòa nhà trước khi vọt lên mặt đất để vù ra đường đều chững lại, lạ lẫm nhìn “mâm cơm” này. Thật là, chắc mới đến đây làm lần đầu, hết chỗ khuất ngồi ăn hay sao mà bày ra giữa đường, xấu cả tòa cao ốc thế này...

Tòa nhà cao tầng ở một quận không trung tâm lắm, dân văn phòng xúng xính sơmi bỏ trong quần tây lịch lãm, áo đầm đủ kiểu ra vô. Mát rượi, thơm tho. Bốn thang máy chạy lên chạy xuống, quần quật khách khứa. Thi thoảng, thang bị kẹt vì người bên cung cấp nước suối hay văn phòng phẩm trưng dụng để chở hàng. Lúc đó thật nghẹt thở vì đủ thứ mùi hỗn tạp.

Chị em nào vô tình bước vô thang máy ngay sau đó là cảm thấy choáng liền, người thì kín đáo... nín thở, nhưng có người ngay lập tức thối lui, ra ngoài gọi chị tạp vụ, biểu xịt liền cho thang máy chút hương khử mùi đi nào.

Tạp vụ được phân bổ riêng cho từng bộ phận. Mỗi khi lỡ tay làm đổ cái gì đó xuống sàn là người ta vội mở cửa khẽ gọi: chị Cúc ơi, chị dọn giùm.

Nhưng khi có tiệc tùng, bánh trái, dân văn phòng ít khi nhớ bộ phận mình còn có một người khuất ở phía sau, thường chỉ xuất hiện những khi cần thiết. Ví như lúc thức ăn dư xử lý không hết cần ai nhận lãnh, mấy lẵng hoa đã héo phải mang bỏ, hộp đựng quà lớn quá nhét vô thùng rác không lọt chẳng hạn...

Lâu lâu đi chung thang máy với mấy chị tạp vụ hoặc bảo vệ, mùi mồ hôi nồng nặc, có chị khó chịu nói sau lưng là đàn bà gì mà hôi hám thế, chồng con nào chịu nổi. Người khác tỏ ra hiểu biết hơn, bảo cả ngày họ lao động tay chân, áo quần lại dày vậy, làm sao thơm tho cho nổi. Như mấy tay bảo vệ xé giấy gởi xe ở cổng đó, có bữa nổi hứng lên căngtin ăn cơm, ngang qua họ là nuốt hết vô luôn.

Thật tình, chẳng có mấy người đó thì không xong, nhưng bọn họ làm mình cứ cảm giác như người ngoài vô nhà, làm gì cũng phải giữ kẽ. Mấy anh em có bàn chuyện tiền bổ sung lương thưởng cuối năm thì cũng phải kín đáo, chứ không họ chạnh lòng, nói tùm lum ra ngoài là phiền.

Rồi mấy ông hay đi công tác, đồ mua về cứ gởi tạm dưới bảo vệ, để lúc xuống lấy cũng ngại ngần. Hôm trước, có anh bảo vệ oang oang nói chuyện với ai đó qua điện thoại, rằng tui làm ở tòa nhà V. Thật buồn cười. Bọn họ làm ở đây nhưng thật sự đâu có thuộc về nơi này, đúng không nào?

Trưa đó, dân lầu sáu liên hoan ăn buffet hải sản nướng và lẩu. Thịt cá ê hề. Nấm, hàu và những thứ hảo hạng khác thừa mứa. Nghe nói một phần ăn gần ba trăm ngàn đồng, chắc gấp mấy lần một ngày lương của công nhân chứ ít gì.

Chẳng biết trong những người đang ngồi quanh mấy cái bếp thơm nức mùi thức ăn, rực màu than đỏ ấy, có ai chợt nghĩ đến hai người công nhân ngồi ở cửa tầng hầm, ăn bữa cơm gồm rau muống, trứng xào hay không...?

HOÀNG MY

Đôi mắt Lang Biang

Mẹ địu con lên đỉnh núi, rải bạt ngồi bán những chiếc túi thổ cẩm. Đôi mắt con hồn nhiên nhắm ngủ, đôi mắt mẹ thường xuyên kiếm tìm khách mua hàng.

Gió to, mưa ào đến. Lạnh buốt. Môi con thâm tím khi mẹ lật đật chạy mưa. Giấc ngủ đã kéo dài tuổi thơ con giữa một ngày mưu sinh của mẹ trên đỉnh núi cao 2.167m.

Khách du lịch tận hưởng độ cao của Lang Biang để quan sát Đà Lạt cao nguyên trong sương, trong nắng. “Mua hàng đi cô ơi”, lời mời của người phụ nữ dân tộc Chil hiền lành, không ai từ chối mua một cái ví, khăn, chiếc áo... được dệt bằng thổ cẩm.

Biết đâu trong sợi dệt có tiếng gà gáy canh ba, canh tư; có men rượu của người đàn ông suốt ngày say khướt; có tiếng thở dài của người địu con... Đôi mắt trũng sâu sau triền miên nhiều đêm thiếu ngủ bên khung dệt. Làm ra một sản phẩm hi vọng kiếm được một chén cơm. Lầm lũi leo núi, vắt vẻo giỏ hàng, nếu Lang Biang thiếu họ thì không còn một ám ảnh nhân sinh thường nhật.

Về phố, nhớ đôi mắt Lang Biang giữa hàng vạn đôi mắt dán lông mi giả cong vút, kẻ thêm đường chì nay đen mai nâu đồng. Thấy rằng, có hạt cơm trong cái nhìn của người mẹ trên đỉnh núi xa!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận