Nhà bên

TOBIAS WOLFFPHAN VIỆT DỊCH 17/11/2011 09:11 GMT+7

TTCT - Tôi tỉnh dậy, sợ hãi. Vợ tôi đang ngồi ở mép giường, lay tôi. “Bọn họ lại bắt đầu rồi”, vợ tôi nói.

Phóng to
Minh họa: Hoàng Tường

Tôi đi tới cửa sổ. Tất cả đèn trong nhà họ đang bật sáng, cả tầng trên và tầng dưới, như thể họ cần đốt tiền. Người đàn ông gào lên, người đàn bà hét cái gì đó đáp lại, con chó sủa. Tiếp đó là một khoảng lặng ngắn rồi đứa bé khóc - tội nghiệp.

“Anh đừng đứng chỗ đó”, vợ tôi nói. “Nhỡ đâu họ nhìn thấy anh”.

Tôi nói: “Anh sẽ gọi cảnh sát”, và biết rằng vợ tôi sẽ không để tôi làm thế.

“Thôi mà”, vợ tôi nói.

Cô ấy sợ rằng bọn họ sẽ đầu độc con mèo của chúng tôi nếu chúng tôi gọi cảnh sát.

Ở nhà bên cạnh, người đàn ông vẫn đang gào lên nhưng tôi không nghe rõ anh ta nói gì vì tiếng chó sủa và tiếng đứa bé khóc. Người phụ nữ cười to, ha ha ha; chị ta không muốn cười, rồi bất ngờ chị ta bật khóc. Rồi mọi thứ lặng đi.

“Hắn lại đánh cô ta rồi”, vợ tôi nói. “Em thấy cứ như là hắn đánh em”.

Nhà bên, đứa trẻ ngặt đi một hồi dài và con chó lại bắt đầu sủa. Người đàn ông bước ra khỏi nhà, đóng sầm cửa.

“Anh cẩn thận”, vợ tôi nói. Nàng quay lại giường và kéo chăn lên tận cổ.

Người đàn ông lầm bầm một mình và giật mạnh khóa quần. Rốt cục anh ta cũng kéo được khóa xuống và đi về phía hàng rào nhà chúng tôi. Đấy là một cái hàng rào trắng, được trang trí tử tế. Cái hàng rào không phải để ngăn người. Tôi đã tự tay dựng nó và trồng hoa kim ngân với hoa giấy dọc hàng rào.

“Hắn đang làm gì đấy?”, vợ tôi hỏi.

“Suỵt”, tôi nói.

Người đàn ông vịn một tay vào hàng rào, tay còn lại thì giữ cái của quý tiểu vào những khóm hoa. Hắn ta cứ thế đi dọc hàng rào, không bỏ sót một cây hoa nào. Khi xong việc, hắn giũ cái của quý, rồi kéo khóa quần và quay trở lại lối vào. Hắn suýt trượt chân trên sỏi nhưng kịp lấy thăng bằng; hắn rủa rồi đi vào nhà, lại đóng rầm cửa.

Khi tôi quay đầu lại, vợ tôi đang ngồi chúi người về phía trước, quan sát tôi. Nàng nhướn lông mày. “Lại thế à?”.

Tôi gật đầu.

“Cả hắn với con chó cùng thế thì làm sao mà mấy cây hoa của anh còn mọc được”.

Tôi muốn nói chuyện gì khác. Tôi không muốn nghĩ đến mấy cây hoa. Ở nhà bên, người đàn bà đang gào. Tôi nói: “Em nghe xem”.

“Hồi trước em còn thấy thương cô này, chứ giờ thì chả hơi đâu”, vợ tôi nói. “Từ sau tháng rồi thì quên đi”.

“Anh cũng thế”, tôi vừa nói vừa cố nhớ xem chuyện gì xảy ra tháng trước. Tôi không thấy thương cô ta nhưng thực ra thì tôi cũng đã bao giờ thương đâu. Cô ta hay mắng đứa bé, và, xin lỗi chứ tôi không định phí nước mắt cho loại người đối xử với trẻ con như thế. Cô ta gào lên những câu kiểu như: “Tao đã bảo mày ở nguyên trên giường cơ mà”, mà đứa bé thì còn chưa cả biết nói.

Phải nói là cô ta thực ra cũng thuộc loại đẹp. Nhưng vẻ đẹp đó sẽ không bền. Cô ta thuộc loại không có khung xương đẹp. Trông cô ta mỏng mảnh, như thể cô ta chẳng ăn gì khác ngoài bánh quy và sữa. Da cô ta trắng. Đứa bé giống cô ta - dĩ nhiên là chả ai mong nó giống anh ta, vừa đen vừa lắm lông. Ngay cả khi anh ta mặc áo thì vẫn có thể đoán là anh ta có lông khắp lưng và vai - chắc là phải rậm và xoăn như lông chó xù.

Giờ thì cả hai đang cùng gào thét, đã thế lại còn mở nhạc hết cỡ. “Anh thì chỉ thương đứa bé”, tôi nói.

Vợ tôi lấy tay bịt tai. “Em không thể nào chịu được nữa”, vợ tôi nói. Nàng bỏ hai tay ra. “Anh xem vô tuyến có gì không?”. Nàng ngồi thẳng dậy. “Xem ai ở trên chương trình Johnny Carson”.

Tôi bật vô tuyến lên. Cái vô tuyến này trước ở dưới phòng làm việc nhưng tôi mang nó lên cách đây vài năm khi vợ tôi bị bệnh. Tôi tự tay chăm sóc nàng - nấu ăn và làm tất tật mọi thứ. Tôi thành thạo đến nỗi tôi có thể thay khăn trải giường trong lúc nàng vẫn nằm trên giường. Tôi đã luôn định mang cái vô tuyến xuống dưới sau khi vợ tôi khỏi bệnh nhưng rồi tôi vẫn không làm. Giờ nó nằm trên một cái bàn nhỏ giữa hai chiếc giường đơn của chúng tôi. Johnny đang nói gì đó với Sammy Davis và Ed McMahon đang cúi gập người cười. Lúc nào ông ấy cũng vui vẻ. Nếu bạn phải đi một chuyến đi dài thì bạn nên chọn Ed McMahon làm bạn đồng hành.

Vợ tôi muốn biết còn có gì khác trên vô tuyến. “El Dorado”, tôi đọc. “Một câu chuyện phiêu lưu về một nhóm công dân đi tìm một thành phố huyền thoại có rất nhiều vàng. Nó được 2 sao rưỡi”.

“Công dân của cái gì?”, vợ tôi hỏi.

“Không thấy nói”.

Cuối cùng, chúng tôi quyết định xem phim. Phim về một người đàn ông mù đi vào một thị trấn nhỏ. Ông ta nói rằng ông ta đã tới El Dorado và rằng ông ta sẽ dẫn một đoàn thám hiểm đến đó nếu họ sẽ chia cho ông ta một phần những gì tìm được. Ông ta không còn nhìn được, nhưng ông ta có thể gọi tên các dấu hiệu trong khi đi.

Lúc đầu, người ta cười nhạo ông ta; nhưng cuối cùng, tất cả những công dân có địa vị cao nhất đã tập hợp nhau lại và quyết định thử đi tìm. Ngay lập tức, họ bị thổ dân Apache tấn công và một vài người muốn quay lại, nhưng cứ khi nào họ định quay lại thì người đàn ông mù lại chỉ cho họ một dấu tích mới, thế là họ cứ đi.

Ở nhà bên, người đàn bà đang phát điên. Chị ta nói với anh ta những lời mà không một ai nên dùng để nói với một người khác. Vợ tôi bồn chồn. Nàng nhìn tôi. “Em sang bên chỗ anh được không?”, vợ tôi hỏi. “Chỉ sang thăm thôi”.

Tôi kéo chăn xuống và nàng chui vào. Cái giường chỉ đủ cho một người; khi có hai người, nó trở nên chật chội. Chúng tôi nằm nghiêng, tôi ở phía sau. Tôi không có ý định nhưng chỉ một lúc sau là của quý của tôi bắt đầu cứng lên. Tôi vòng tay qua người vợ tôi. Tôi đưa tay lên phía rặng núi Rocky của nàng, rồi đưa qua bình nguyên xuống dưới phía nam.

“Nào”, vợ tôi nói. “Không học địa lý đâu. Không phải tối nay”.

“Anh xin lỗi”, tôi nói.

“Em sang thăm không thôi không được sao?”

“Anh đã bảo anh xin lỗi rồi mà”.

Những người đi tìm vàng đang vượt qua sa mạc. Họ sắp hết nước ngọt và môi họ nứt nẻ. Mặc dù người đàn ông mù đã cảnh cáo nhưng một số người vẫn uống nước từ cái giếng độc và chết một cách thê thảm. Đêm đó, xung quanh đống lửa, những người còn lại bắt đầu cãi nhau. Hầu hết họ muốn về nhà. “Chỗ này không phải chỗ cho người da trắng”, một người nói. “Và tôi nghĩ là chưa có ai từng đến đây”. Nhưng người đàn ông mù tả cho họ nghe về một thỏi vàng ròng lớn và sáng đến nỗi nó sẽ thiêu cháy mắt người nào nhìn thẳng vào nó.

“Tôi chính là bằng chứng”, ông ta nói. Khi ông ta nói xong, những người đi tìm yên lặng; lần lượt từng người rời đống lửa và nằm xuống ngủ. Họ gối đầu lên tay và nhìn lên những ngôi sao. Một con chó sói tru lên.

Nghe tiếng chó sói, tôi nhớ ra tại sao vợ tôi không còn thấy thương người đàn bà ở nhà bên. Đấy là một tối thứ hai cách đây chừng một tháng, ngay sau khi tôi từ chỗ làm về nhà. Người đàn ông đang đánh con chó, và không phải là chỉ đập nhẹ một hai cái. Anh ta đánh thật sự, cho đến lúc con chó thậm chí không kêu được nữa; con vật đáng thương lạc cả giọng. Cuối cùng thì việc đó cũng chấm dứt. Rồi một vài phút sau, tôi nghe thấy vợ tôi nói “Ôi!” và tôi đi vào bếp để xem có chuyện gì.

Nàng đang đứng ở cửa sổ nhìn sang bếp nhà bên. Người đàn ông đang ghì người đàn bà vào tủ lạnh. Đầu gối anh ta nằm giữa hai chân chị ta và đầu gối chị ta ở giữa hai chân anh ta và họ đang hôn nhau cuồng nhiệt. Vợ tôi không nói gì trong vài tiếng liền. Rồi sau đó, nàng nói rằng nàng sẽ không bao giờ phí sự thương hại của nàng cho người đàn bà nhà bên nữa.

Nhà bên bây giờ đang yên lặng. Vợ tôi đã ngủ và tay tôi cũng tê bại dưới đầu nàng. Tôi rút tay ra, rồi co duỗi các ngón tay và nghĩ xem có nên đánh thức nàng. Tôi thích ngủ trên giường của tôi; cái giường cũng không đủ chỗ cho cả hai. Cuối cùng, tôi quyết định cũng chẳng hại gì nếu chúng tôi đổi giường một đêm.

Tôi ra khỏi giường và tưới cây một lúc, rồi mang một vài chậu cây tới cửa sổ, một vài chậu ra phía sau. Tôi tỉa những khóm hoa coleus đã mọc dài rồi bỏ những cụm hoa đã cắt vào một cái cốc nước trên bậu cửa sổ. Bên nhà hàng xóm, tất cả đèn đã tắt, trừ đèn trong phòng ngủ. Tôi nghĩ về cuộc sống của họ - và việc cái cuộc sống ấy cứ tiếp diễn ngày này qua ngày khác cho đến lúc dường như họ hiển nhiên phải sống như thế.

Ai cũng bảo loài người thật tuyệt vời vì biết cách thích nghi với hoàn cảnh, nhưng tôi không chắc lắm. Ở Istanbul, một người bạn của tôi nhìn thấy một người đàn ông đi trên phố với một cái đàn piano khổng lồ ở trên lưng. Mọi người trên phố chỉ tránh ra cho ông ta đi chứ không ai giúp. Thật kinh khủng - những gì mà con người có thể trở nên thích nghi.

Tôi tắt vô tuyến rồi lên giường của vợ tôi. Mùi của nàng - ngọt và nồng nồng - dậy lên từ những tấm khăn trải giường. Nó làm tôi hơi say say nhưng tôi thích cái mùi này. Nó làm tôi nhớ đến hoa dành dành.

Lý do mà tôi không xem hết bộ phim là vì tôi có thể đoán được nó sẽ kết thúc thế nào. Những người đi tìm vàng rồi sẽ giết lẫn nhau, có lẽ khi chỉ còn cách thành phố vàng chừng mấy bước chân, và người đàn ông mù sẽ mò mẫm vào trong thành phố một mình mà không biết rằng ông ta đã trở lại El Dorado.

Tôi có thể làm một bộ phim hay hơn thế. Bộ phim của tôi sẽ kể về một đoàn thám hiểm, gồm cả đàn ông và phụ nữ; họ rời bỏ nhà cửa, công việc và gia đình - rời bỏ tất cả những gì họ từng biết. Họ băng qua biển và tàu của họ bị đắm gần bờ một mảnh đất không hề có trên bản đồ của họ. Một người trong số họ chết đuối. Một người khác bị thú rừng tấn công và ăn thịt. Nhưng những người khác vẫn tiếp tục đi. Họ vượt sông và đi qua một núi băng khổng lồ bằng xe chó kéo. Họ đi ròng rã nhiều tháng trời. Ở trên núi băng, họ cạn lương thực và có một lúc, tưởng như họ sẽ cắn xé ăn thịt lẫn nhau, nhưng không, họ không làm thế. Cuối cùng, họ thống nhất là sẽ ăn thịt những con chó. Đấy là phần buồn của bộ phim.

Cuối phim, chúng ta sẽ thấy những nhà thám hiểm ngủ trên một đồng cỏ đầy hoa dại. Những bông hoa đẫm sương đêm và phủ đầy trên người họ - những cánh hoa chuông đất, hoa bóng nước, hoa sao, hoa huệ, hoa cúc đất, hoa violet, hoa cỏ - chúng phủ dày đến nỗi tất cả họ đều trở nên trắng xóa, đến nỗi không thể phân biệt người này với người khác, đàn ông và đàn bà, đàn bà và đàn ông. Rồi mặt trời mọc. Họ đứng dậy và giơ tay lên trời; trông họ như những thân cây trắng trên một mảnh đất mà loài người chưa từng đặt chân.

Mở đầu với một hiện thực màu xám và kết thúc với một đồng hoa nơi con người trông như những thân cây trắng - một “sự thật” và một lựa chọn đầy ngụ ý, Nhà bên là một trong những truyện ngắn mà tác giả Tobias Wolff - một trong những cây bút truyện ngắn xuất sắc nhất của văn học đương đại Mỹ - xem là thành công nhất của ông.

Đây cũng là truyện ngắn nằm trong tuyển tập truyện ngắn của Tobias Wolff mang tên Chuyện chúng ta bắt đầu ra mắt độc giả Việt Nam vào ngày 11-11-2011, cùng với bốn cuốn sách khác trong loạt sách đầu tiên của tủ sách Cánh cửa mở rộng (do GS Ngô Bảo Châu, nhà văn Phan Việt phụ trách thực hiện cùng với NXB Trẻ).

Trong lời giới thiệu dành riêng cho độc giả Việt Nam mà Tobias Wolff viết theo đề nghị của nhà văn - dịch giả Phan Việt, ông chia sẻ chân tình về điều mình cố gắng gửi gắm trong tác phẩm:

“Mỗi câu chuyện được kể theo một lối có thể hé lộ những hoàn cảnh thách thức suy nghĩ của chúng ta, buộc ta phải lựa chọn như chúng ta vẫn phải làm trong cuộc sống thực: tức là lựa chọn không phải giữa những phiên bản trắng - đen của cái tốt và xấu mà giữa những sắc xám. Nếu những lựa chọn đạo đức lúc nào cũng rõ ràng với chúng ta thì cuộc sống sẽ trở nên dễ hơn rất nhiều”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận