Nhà văn Lyudmila Ulitskaya: Những con đường của thế hệ chúng tôi

ELENA YAKOVICH 27/09/2019 18:09 GMT+7

TTCT - Lyudmila Ulitskaya là một trong những nhà văn nữ đương đại nổi tiếng nhất nước Nga hiện nay. Ra đời trong Thế chiến thứ hai, sống ở những năm bản lề của thế kỷ 20-21 đầy biến động, bà cho rằng thế hệ mình đã sống trên một “mối nối của nền văn minh”. TTCT trích giới thiệu cuộc trò chuyện của bà với nguyệt san Nga Story về con người và thời đại của mình.

Nhà văn  Lyudmila Ulitskaya khi còn làm công việc của một nhà sinh học.

Thường xảy ra việc thế này: bạn rất muốn làm gì đó, vò đầu bứt tai, khổ sở, nhưng vẫn chẳng được gì - vô số trở ngại. Nhưng rồi bỗng dưng có gì đó thay đổi và mọi thứ bật ra. “Có nghĩa là gió thổi xuôi buồm” - nữ nhà văn Liudmila Ulitskaya suy luận về công thức này. Vậy thì bà bắt gặp cảm giác đó vào những khoảnh khắc nào của cuộc đời - khi “gió thổi xuôi buồm”?

- Trên đường đi luôn có gì đó xảy ra với tôi, tôi luôn may mắn. Có một chuyện thật thế này: nhà ga, dân tình đông đúc nhưng không có vé, vậy mà tôi tình cờ đứng ngay quầy vé đã đóng. Bỗng nhiên quầy mở. Đám đông xô tới, nhưng tôi là người đầu tiên! Bà thu ngân bán vé cho tôi. Rồi cửa sổ lại sập xuống. Hết! Cái vé đã được bán chỉ cho tôi. Nó vừa được ai đó trả lại…

Con đường - đó nói chung là một ẩn dụ quan trọng của đời người. Cuộc đời như một con đường từ điểm “A” đến điểm “B”. Và cả đời bạn sống chính xác là với cái balô trên lưng, lúc nào cũng có chút sẵn sàng. Và chẳng có đâu để nhảy, chẳng cách nào né tránh, phải đi thôi. Nhưng điều thú vị nhất là khi bạn nhận ra điều đó, con đường sẽ trở nên tốt hơn.

Tôi sẽ nói nhiều hơn - tôi luôn sống với cảm giác là mình có một thiên thần độ hành. Nhiều năm trước, tôi và chồng về làng bạn của chúng tôi: ngày 31-12, tàu đêm, bạn có hình dung được không? Thậm chí sau đó tôi đã viết truyện ngắn Tàu chợ. Bởi vì là trước thềm năm mới nên cả toa đều say. Tức con đường đó được khởi đầu tỉnh táo, nhưng rồi nó trở nên ngà say, rồi say khướt và chuyện đó hết sức ngộ nghĩnh. Đó cũng là một trong những chiều kích tồn tại của chúng ta: con đường, trên đó mọi thứ đều thay đổi. Thay đổi phông nền ngoài cửa sổ, thay đổi những con người - không đơn giản là chúng tuần tự nhau, mà được tạo ra khác hẳn, vào rồi ra…

Tôi đi công tác nhiều, khi còn là nhà sinh học. Tôi thu thập những con ruồi giấm ở tất cả các kiểu nhà máy hoa quả. Bởi đề tài là sự di truyền của quần thể, mà những quần thể này cần được thu thập ở những địa điểm khác nhau. Khi đó tôi đã tới cả Trung Á, còn ở Uzhgorod (tây Ukraine - từ đây, những chú giải in nghiêng là của người dịch) tôi đến đúng vào ngày mà quân đội chúng tôi được đưa vào Tiệp Khắc. Tôi ngồi trên đỉnh Uzhgorod, trên đầu máy bay bay qua… Sau này bác tôi kể lại - thuở đó ông làm việc ở một trong những sân bay, phụ trách liên lạc - khẳng định họ đã đưa máy bay lên, nhưng phút cuối điều chúng quay về. Dường như chúng phải ném bom ở đó thì phải. Tôi không biết, không biết…

Nhưng trong bất cứ trường hợp nào, tôi ngồi trên đỉnh núi, năm 1968, tháng tám, và cái khối khủng khiếp đó đã bay trên đầu tôi, tôi đã nghĩ thế chiến thứ ba đang bắt đầu. Tôi quyết phải đứng dậy và ra ga xe lửa, nhanh nhanh về nhà. Và trong lúc tôi trải nghiệm thực tế rằng thế chiến thứ ba đang bắt đầu hay chưa bắt đầu, máy bay đã bay vòng trở lại.

Những chuyến đi này thường là bằng xe lửa và khá vất vả vì không phải đi về thủ đô, mà tới một thành phố bình thường nào đó. Nhưng nhiều điều quyến rũ trong những hành trình này. Tôi có một cung đường yêu thích - từ Tbilisi (thủ đô Gruzia) đi Qutaisi (tây Gruzia). Tuyệt vời! Tôi lên xe lửa tới Tbilisi, đi trong vài giờ, tàu hỏa ở đó chạy đàng hoàng. Đến một ga nào đó, người Gruzia lên tàu - những nông dân. Mà đó là những nông dân dung dị nhất với những chiếc giỏ đầy hoa quả, gà qué. Chúng tôi đi, người này lên, người kia xuống và bài hát không kết thúc…

Có cảm giác như hôm nay tất cả chúng ta đã bước ra hẳn, không thể đảo ngược, khỏi vùng mà trên đường đang xảy ra chuyện gì đó - tương tự những gì tôi đã mô tả. Một kỷ nguyên đã kết thúc. Tựa như chúng ta đang đếm thời gian - trước Công nguyên, sau Công nguyên. Mối nối sâu sắc nhất và tuyệt đối hiển nhiên. Trong bất cứ trường hợp nào, tôi, thế hệ của tôi đều cảm nhận được đứt gãy nào chúng tôi đã sống qua.

Những người trong sân nhà chúng tôi

Tôi thật sự không nhớ về chiến tranh, nhưng tôi nhớ những năm đầu hậu chiến. Đó là nước, chảy từ các cột vòi, mà những cột vòi này phải được gõ bằng xà beng để băng rơi ra. Hay nó bị bể, cứ chảy không ngừng, chung quanh nó là một vũng nước lớn. Không thể mang giày nỉ ra đó, sẽ bị ướt. Có nghĩa là phải chạy kiếm đôi ủng cao su, hỏi mượn ai đó. Đó là những lò sưởi trong nhà.

Tôi sống ở Matxcơva và tôi nhớ như in những cái bếp chung khổng lồ này với lò sưởi, có lò đốt bằng than, bằng củi. Do điện chập chờn, vì thế ai cũng có nến dự trữ. Tôi thuộc về thế hệ, có lẽ là cuối cùng, còn nhớ tất cả những thứ lỉnh kỉnh này, đèn dầu, bếp dầu…

Một mối nối nào đó của nền văn minh đã chạy đúng qua thế hệ chúng tôi, như tôi nghĩ thế. Mặc dù trên thực tế thế hệ chúng tôi hết sức thành công, chúng tôi quá may mắn với thời gian. Nhiều người không đồng ý với tôi, nhưng tôi cho rằng chúng tôi đã sống - đang sống trong thế kỷ vàng. Bởi vì mai đây có thể ai đó sẽ sống giàu có hơn, nhưng thiên nhiên đã không còn là những gì chúng tôi từng có được. 

Tôi nhớ Crimea với những con vịnh nguyên sơ. Tôi nhớ những sân nhà Matxcơva bằng đất, với hoa và hàng rào cọc, với những nhà kho bằng gỗ và những dây phơi quần áo…

Một xã hội khác

Tôi từng viết về Nabokov, nhưng có liên hệ với tất cả chúng tôi: “Đã kết thúc thời gian Nga nhàn nhã”. Với mứt, được đun sôi từ từ, khuấy bằng muỗng gỗ. Mưa rơi hoài không dứt, các tuyến bã sưng phù.

Đấy là những căn bệnh trẻ con dai dẳng, những cây bút chì - mọi thứ như thế đã kết thúc. Chekhov đã cảm nhận rất sắc thời gian Nga này. Và cần phải nói là nỗi muộn phiền chiếm lĩnh tôi khi đọc những hài kịch của Chekhov, thực khó lòng đương cự. Tôi nghĩ đây chính xác là nhà văn biết gì đó về thời gian mà ngày nay chúng ta không biết.

Nói chung, tôi có cảm tưởng rằng nét đáng kinh ngạc nhất của đời sống Nga lẫn đời sống hiện đại là có một vài thời gian và chúng khác nhau. Tức có nghĩa vẫn tiếp tục thời gian đó của Chekhov, nó vẫn còn đó và cùng lúc diễn ra sự tăng tốc khó tin - mọi thứ đổi thay chỉ trong vài giây.

Chính sự tăng tốc đáng kinh ngạc đó đã tước mất của chúng ta không gian của cảm giác tồn tại: không có thời gian dừng lại, để đơn giản là ngồi xuống và nghĩ ngợi… Một tốc độ khiến mọi thứ thấp thoáng, như sau cửa sổ trên chuyến tàu tốc hành. Chúng ta cứ thế mà sống, quen rồi. Vấn đề chỉ là chúng ta đã tuyệt nhiên quên cách để tâm đến chi tiết - chỉ nhìn qua cửa sổ, nhìn vào bông hoa - mà trên thực tế đó mới chính là những điều quan trọng nhất.

Vấn đề là ở chỗ mỗi con đường chỉ được tạo ra có một lần và duy nhất. Và những gì diễn ra ở tầm nhìn ngoại vi đôi khi lại là quan trọng nhất. Không phải cái bạn định nói, mà là cái bạn không định nói. Và những gì diễn ra bên cạnh, gần bạn đôi khi hóa ra là khám phá của chính bạn.

Mua hàng trên đường phố Matxcơva thập niên 1950.
Mua hàng trên đường phố Matxcơva thập niên 1950.

Rác thiêng

Tôi còn nhiều con đường khác: tôi dịch chuyển nhiều, từ căn hộ này sang căn hộ khác. Và một số đồ cổ: tấm gương, tủ ngăn kéo, cái đèn của bà ngoại, máy may Singer của bà, bàn viết, những tấm ảnh - tất cả chúng đều đi cùng tôi. Như mẹ tôi hay nói: “Tất cả đồ nội thất của Lyuska đều cố định, nếu dịch ra khỏi tường nó sẽ rơi”. Và dù tôi có chuyển đi đâu, tất cả đồ vật đó đều được bài trí trong cùng một trật tự, những tấm ảnh được treo cùng một cách. Và nếu có trọn bộ những vật này, được sắp xếp thì xong, tôi biết, tôi cảm thấy: mình đang ở nhà.

Trong một ý nghĩa nào đó, đây chính là nhà tôi - vài đồ vật và một mớ hình ảnh. Mặc dù…

Vườn hoa nhỏ Miussky cũng là nhà, miền của tôi, làng của tôi, một trong những chốn đầu tiên của tuổi thơ tôi. Mỗi ngày tôi đều được đưa tới đó, trong áo khoác lông, giày nỉ, khăn quàng, mũ có tai che. Và nói chung khu vực này, sau hai mươi năm làm nhà văn, tôi đã đưa vào gần như hầu hết các cuốn sách của mình. “Ngôi làng của Kotyashkin”, Trường Đảng cao cấp, mà ngày nay Đại học Nhân văn quốc gia Nga nằm đó, nhà thờ Pimenkovskaya. Thật sự chúng đã sống cuộc đời riêng của mình, bởi ngày nay tất cả đã đổi thay rất nhiều.

Mới đây, tôi đi ngang qua vùng này và một phụ nữ nào đó đến gần tôi. Đôi khi như thế, người ta đến gặp tôi và nói: “Bà có phải là Lyudmila Ulitskaya?”. Còn ở đây, bà ấy nói với tôi hoàn toàn khác: “Hồi trước cô có sống ở đây không?”. Tôi đáp: “Đã sống”. Và đáp lại là: “Đấy, tôi cảm thấy vậy, mặt cô quen lắm”. Chỉ ở làng quê mới thế, ở những thành phố lớn bạn không gặp được ký ức gương mặt này.

Chúng ta thường rời bỏ nơi mình trân quý mà chúng ta từng gắn bó theo cách nào đó, và từ bỏ chúng có khi là mãi mãi, đến độ đã không thể nào quay lại, chúng dường như chẳng còn tồn tại về thể lý. Còn vườn hoa Miussky của tôi là một trong những chốn còn hiện diện thể lý. Có nghĩa cả hai chúng tôi còn sống. Vì thế, khi tôi ở cạnh nó, có cảm giác như gặp lại người đã quen lâu...

Ngôi nhà tôi từng sống nằm ngay đó, không xa. Đó là một căn hộ tập thể lớn. Đâu đó vào những năm 1950, tôi kết bạn với một bà cụ, người gần như cả đời sống lưu vong: năm 1918 bà xuất ngoại và cuối những năm 1950 quay về. Dĩ nhiên bà cũng rơi vào một căn hộ tập thể, nhưng không phải của tôi, mà căn hộ khác. Và bà nói: “Căn hộ tập thể - đó là trường học vĩ đại của cuộc đời”. Rồi thêm vào: “Cuộc đời của Kitô hữu”.

Nghe buồn cười, nhưng kỳ thực đúng là vậy. Vài năm trước, một trong các bà láng giềng gọi điện cho tôi, bà già lắm rồi. Tôi vui đến độ như gặp lại người họ hàng thất lạc nào đó. Bởi vì, dĩ nhiên rồi, tha hồ hít thở sự gần gũi con người. Đấy, khái niệm đó - gần gũi - có những cách hiểu khác nhau. Gần gũi, trước tiên là gia đình, bạn bè của bạn, nhóm những người bạn làm việc cùng. Còn những người này cũng gần gũi, nhưng cùng lúc lại hoàn toàn ngẫu nhiên.

Căn bếp chung trong một chung cư tập thể tại Nga thấp niên 1950.

Nhưng ở đây là một khoảnh khắc đặc biệt - trong những căn hộ chung này, những căn bếp Matxcơva nổi tiếng với những cuộc trà đàm và những buổi chuyện trò chân tình đã không và không thể có. Ở gian bếp chung người ta có thể tâu hót, nên phải sống hết sức chỉn chu. Còn khi người ta bắt đầu cấp những căn hộ riêng biệt - khi đó mới xuất hiện những căn bếp năm mét, chứa chật chội tới 15 con người. Bây giờ khó mà tưởng tượng điều đó.

Đó đã là một môi trường đặc biệt - nhà bếp Matxcơva. Ở đó người ta nhận thêm một trình độ đại học, hỗn loạn, thiếu hệ thống, tuy nhiên một số lượng rất đông những con người sáng láng nhất, tài năng, hài hước, thú vị, chẳng ai cần đã đi qua căn bếp mà tôi từng cùng với họ này. Và khi bây giờ người ta nói, đó, giai đoạn nhà bếp đã lại bắt đầu, mọi người đang tập hợp lại, thì theo tôi, không, hiện tượng này không thể phục hồi. Và nhiều trong số những người chúng tôi cùng uống trà hay vôtka những năm tháng đó, đã ra đi. Vâng, chủ yếu chúng tôi uống vôtka. Và họ uống, như người ta nói, nhiều như điên. Lẽ ra có thể uống ít hơn. Dẫu sao tôi biết bao nhiêu người rực rỡ, tài năng đã uống be bét trong những nhóm ấm áp này.

Những đám tang vui vẻ

Dostoyevsky có một câu hỏi muôn thuở: Nếu không có Chúa, mọi chuyện có được phép không? Nhưng trong thế hệ chúng tôi, thế hệ vô thần mà chúng tôi được hình thành, câu hỏi lại khác. Thực tế hơn và ít triết lý hơn thì phải. Với tôi, đó thường là một việc hết sức cụ thể.

Khi tôi bắt đầu nghiên cứu sinh học, xuất hiện tình huống thế này: đấy, một con chuột, nhỏ, mới sinh, cần cắt đầu nó. Đó là một nhiệm vụ quan trọng: chỉ bằng cách ấy mới lấy được não, tìm hiểu về các mao mạch đang phát triển. Ai đó có thể cắt đầu, ai đó thì không. Mà tôi thực sự muốn nghiên cứu khoa học! Và tôi, vâng, tôi đã cắt. Tôi cầm kéo và nghiến răng, cắt ra. Lần đầu việc đó hết sức nặng nề. Và sau đó… thì quen.

Đó chính là cái mà bây giờ người ta gọi là “cái giá của vấn đề”. Đã không còn nhận thấy khía cạnh đạo đức. Khi là người chuyên nghiệp, bạn chỉ quan tâm việc duy nhất: làm cách nào nối hai mạch máu, cây kim đâm có đúng chỗ chưa? Nhưng vào một khoảnh khắc nào đó, tôi chợt hiểu có những nguy hiểm khủng khiếp trong tính chuyên nghiệp.

Nhà văn Lyudmila Ulitskaya
Nhà văn Lyudmila Ulitskaya

Sợi chỉ xuyên suốt

Tôi rất thích truyện ngắn này của Mark Twain: Chuyến thăm thiên đường của thuyền trưởng Stromfield. Ở đó có một tình huống xuất sắc: khi một người được lên thiên đường đề nghị chỉ cho anh ta nơi các nhà viết kịch đang ngồi, Virgil chỉ cho anh ta đấy các kịch tác gia ngồi ở chỗ kia. Anh ta hỏi: “Vậy Sophocles đâu?”. Người ta đáp: “Không có Sophocles ở đây”. “Còn Shakespeare đâu?”. Họ bảo anh ta: “Shakespeare không có đây”. Anh ta: “Sao lại không có Shakespeare? Ai đang ngồi kia vậy?”. “À, hình như ngài Brinkins”. “Không có kịch tác gia nào như vậy”. Họ bảo anh ta: “Sao lại không, ông ta là nhà viết kịch xuất sắc, là người giỏi nhất! Chỉ là ông ta làm thợ may, chuyên may quần và không viết một vở kịch nào”.

Tôi hoàn toàn có thể trở thành thợ may quần. Có thể nói chung là không bắt đầu viết. Nhưng lại thành ra như thế. Gió thổi xuôi buồm.

Có khoảnh khắc đến mà chỉ sau này tôi mới đánh giá cao nó. Bởi tôi đã bắt đầu viết truyện ngắn, mà hành động của chúng diễn ra vào những năm 1950, 1960. Sau đó xuất hiện truyện vừa Sonechka của thời đó. Rồi đến Medeya. Và Chuyện rắc rối của Kukotsky, đó đã là thập niên 1970, thời kỳ trưởng thành của tôi. Hóa ra - bằng cách đó - tôi đã sống lại cuộc đời của mình lần thứ hai. Tôi nhìn vào đó, phân tích mọi thứ bằng con mắt trưởng thành của mình, để đánh giá mọi thứ lại lần nữa. Tôi hiểu ra điều đó khi người ta bắt đầu hỏi tôi: “Tại sao bà không viết về ngày hôm nay?” và sáng tỏ ra điều này: ngày nay ít hấp dẫn tôi hơn. Tôi vẫn chưa hiểu hết ngày hôm qua.

Tôi sống vào thời kỳ vững chắc nhất, như bêtông cốt thép của đường nhựa chính quyền Xô viết. Và rồi, trước sự kinh ngạc của tôi, chính quyền Xô viết đó bỗng dưng sụp đổ không sao tưởng tượng được. Và không ai có thể tiên đoán những gì chúng tôi đang nhận lại giống nó một cách nực cười. Nhưng dẫu sao nó sẽ khác. Vì vậy, tôi cho rằng chúng tôi, thế hệ chúng tôi không cần phải phàn nàn, chúng tôi rất may mắn với thời gian. Và tôi rất quan tâm những gì diễn ra quanh mình hiện nay. Nhưng dĩ nhiên tôi đặt trọng tâm ở đó, vào quá khứ.

Tranh vẽ Nhà thờ Thánh George tại Samara của Nina Silaeva.
Tranh vẽ Nhà thờ Thánh George tại Samara của Nina Silaeva.

Hiện nay, tôi quan tâm hơn hết là con người riêng tư và cuộc đối đầu giữa con người với nhà nước - điều tuyệt đối chẳng có gì độc đáo: đã và sẽ luôn là thế, đó là quy luật cuộc sống. Nhà nước luôn muốn nghiền nát, còn con người muốn né tránh và sống sót, bảo tồn gì đó của riêng mình. Và nói chung, đây là đề tài về sự bên lề trong cuộc sống, bởi vào thời Xô viết những người rực rỡ nhất, quý giá nhất với tôi đã ở bên lề. Bởi vì con người, muốn thành công, thăng tiến trong xã hội và nhận được chiếc bánh của mình, dĩ nhiên, anh ta sẽ bị bóp méo nhiều hơn, so với người ngoài lề, như nữ nhân vật Medeya của tôi, người trung thực hành nghề y tá để kiếm từng xu, tiêm thuốc và rửa tai cho trẻ em… Có một số người nào đó hiểu rằng thậm chí chẳng nên nghĩ gì về sự thành đạt, bởi vì chỉ cần hiện lên trên bề mặt, trở nên đáng chú ý thì đã bắt đầu những chiều kích khác, những yêu cầu khác mà nhà nước đặt ra cho họ.

Thời trẻ tôi có rất nhiều, như sau này tôi gọi họ, những bà bạn già. Các tầm cỡ khác nhau và thể loại khác nhau. Một số rất nổi tiếng, với tiểu sử sống động, Irina Ilinichna Erenburg (1911-1997, dịch giả văn xuôi tiếng Pháp), Nina Konstantinnovna Bruni-Balmont (1900-1989, dịch giả, nhà hoạt động văn hóa, sinh năm 1900, con gái nhà thơ nổi tiếng của thế kỷ Bạc Konstantin Balmont và vợ họa sĩ lừng danh Lev Bruni)... mỗi người trong số họ đều có thể viết “Cuộc đời của những người nổi tiếng”. Và cũng có những người hết sức khiêm tốn, tên tuổi họ chẳng nói được gì cho ai, nhưng cũng rất tuyệt vời. Chủ yếu là phụ nữ, bởi nam giới ở đất nước chúng tôi sống ít thọ hơn. Và vào một lúc nào đó tôi chợt hiểu tự tôi cũng đã là bà bạn già đối với những bạn gái trẻ của tôi, vốn cũng nhiều. Và vào khoảnh khắc ấy, khi hiểu ra điều đó, tôi thấy khôi hài, nghĩ mình không tương thích với quy mô này, vì những bà bạn già của tôi to lớn hơn, thông minh hơn, được giáo dục tốt hơn. Nhưng có vẻ thời của chúng ta là thế, rằng mọi thứ ở chúng ta đều pha loãng hơn.

Nói chung, cảm giác rằng chúng tôi đang là những người thay thế ai đó, đã xuất hiện trong tôi khá lâu… Tôi đã thảo luận điều đó với bạn mình, một cựu đồng nghiệp, cũng là một nhà di truyền học mà bây giờ đang là linh mục, cha Aleksandr Borisov. Chúng tôi đã buồn bã nói với nhau về cảm giác đó rằng chúng tôi thay thế ai đó rực rỡ hơn, mạnh mẽ hơn, uy dũng hơn mà chúng tôi đã không được thế. Dĩ nhiên chúng tôi đã cố gắng, phồng người lên, làm tất cả những gì trong kích cỡ mình được trao. Nhưng hơn nữa thì chúng tôi không thể.

Tôi chỉ có thể nói một điều thế này về mình: tôi không cho phép mình cẩu thả, cố làm mọi thứ trong giới hạn khả năng của mình và đến mức tối đa.■

Phan Xuân Loan (dịch)

Lyudmila Ulitskaya sinh năm 1943 ở Bashkiria (Liên bang Nga), tốt nghiệp khoa sinh Đại học Tổng hợp quốc gia Matxcơva (MGU). Bà làm việc được hai năm ở Viện sinh học thuộc Viện hàn lâm Khoa học Liên Xô thì bị sa thải do in lại những tác phẩm bị cấm, hoặc chưa được kiểm duyệt (samizdat) thập niên 1970. Từ đó, bà quyết định không làm việc trong khu vực nhà nước nữa. Bà làm quản lý văn học cho nhà hát, viết hồi ký, kịch bản thiếu nhi, dịch thơ Mông Cổ. Bà bắt đầu in các truyện ngắn từ thập niên 1980 và trở nên nổi tiếng sau khi các kịch bản của bà được quay thành các phim Các chị em Liberti (1990), Người phụ nữ cho mọi người (1991) và sau khi tạp chí Thế Giới Mới in truyện vừa Sonechka (1992). Năm 1994, quyển sách này trở thành cuốn sách dịch tốt nhất năm của Pháp và mang đến cho nữ tác giả giải thưởng danh giá Medici. Bà là nữ tác giả Nga đầu tiên đoạt giải Sách Nga (2001), hai lần đoạt giải Sách lớn (2007 với tiểu thuyết Daniel Stein, người phiên dịch, 2016 với Cầu thang Yakov).

Các tác phẩm của bà đến nay đã được dịch ra 25 thứ tiếng. Các nhà phê bình gọi sáng tác của Ulitskaya là “văn xuôi của các sắc thái”, nhấn mạnh “những biểu hiện tinh tế nhất của bản chất con người cùng những chi tiết của cuộc sống hằng ngày đã được viết bằng sự chăm sóc tối đa”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận