Nhà văn Tim O'Brien: "Trải nghiệm Việt Nam đã quyết định phần đời còn lại của tôi"

KHỔNG LOAN 04/05/2011 04:05 GMT+7

TTCT - "Những gánh nặng quan trọng nhất mà người lính thường mang thì thật sự không thay đổi nhiều qua thời gian."


Nhà văn Tim O'Brien - Ảnh do nhân vật cung cấp

* Thưa ông, ông nghĩ thế nào về việc Những thứ họ mang vẫn đang được cho là một cuốn sách đáng đọc về cái nhìn của người Mỹ với cuộc chiến tranh tại Việt Nam, cho dù chúng tôi đã không còn nghe tiếng súng tại đất nước mình 36 năm qua?

- Nhà văn Tim O'Brien: Tất nhiên là tôi rất hài lòng khi Những thứ họ mang vẫn được độc giả Mỹ tiếp tục mua, được dạy rất nhiều ở các lớp học về văn chương, lịch sử Mỹ tại cả cấp III và đại học. Sinh viên ở đây dường như vẫn rất muốn tìm hiểu thêm về chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Một phần vì cha ông của họ đã phục vụ trong quân ngũ thời kỳ lịch sử đó. 

Thêm nữa, nhiều cựu binh Mỹ đã trở nên im lặng, không thể nói thêm về trải nghiệm của họ, và tôi hi vọng cuốn sách này sẽ là một tiếng nói của những người như thế.

Tôi cho là có nhiều lý do cuốn sách vẫn rất được yêu thích. Thứ nhất, cấu trúc tác phẩm là sự kết hợp của cả hiện thực và trí tưởng tượng, chúng đan cài, xen vào nhau, các ranh giới dường như mờ đi và nhiều độc giả cảm thấy bị lôi cuốn. Đâu mới là sự kiện “thật sự” “có thật”? Sự kiện nào là sản phẩm của trí tưởng tượng đây? 

Thứ hai, các câu chuyện trong cuốn sách không phải là “các câu chuyện về chiến tranh thường thấy” - vốn dĩ thường nói về mặt vinh quang của chiến trận.

Khác với những cách kể chuyện khác, Những thứ họ mang lại tỏ ra rất ngờ vực chiến tranh nói chung và cuộc chiến tranh của người Mỹ tại Việt Nam nói riêng. Thứ ba, cuốn sách được kể lại từ góc nhìn của một người lính không tin vào thái độ đúng đắn của cuộc chiến này nhưng vẫn phải tham gia. Cái nhìn đó không mang tính điển hình của hầu hết các cuốn tiểu thuyết về cuộc chiến ở Việt Nam, và tôi nghĩ điều này khiến nhiều độc giả đặt ra sự hoài nghi của mình với cuộc chiến.

Cũng như Bảo Ninh trong Nỗi buồn chiến tranh, tôi cố gắng không tập trung vào khía cạnh chính trị của cuộc chiến, mà là những trải nghiệm hằng ngày của người lính bình thường. Cả hai chúng tôi đều cố gắng thể hiện những trải nghiệm này qua những câu chuyện kể.

* Kể từ năm 1975, thế giới đã chứng kiến rất nhiều cuộc chiến tranh và xung đột tiếp diễn. Quan điểm của ông về chiến tranh có thay đổi gì không?

- Đã 40 năm kể từ khi tôi tham chiến ở Việt Nam, tôi vẫn tiếp tục là người phê phán quyết định gây chiến của Mỹ ở Việt Nam. Chúng tôi không phải là cảnh sát của thế giới. Người dân ở những nước khác có quyền chọn chính phủ của họ theo thể loại nào, ngay cả khi Mỹ không đồng ý với lựa chọn đó. Tôi lo là chúng tôi đang lặp lại những sai lầm trước đây.

* Những thứ ông và đồng đội “mang” trong chiến tranh ở Việt Nam liệu có khác những gì mà người lính Mỹ đang “mang” trên chiến trường Iraq, Afghanistan hay Libya?

- Tất nhiên vũ khí mà lính Mỹ mang theo hiện nay là khác. Nhưng nay họ tiếp tục mang theo những gánh nặng cảm xúc và tinh thần mà chúng tôi đã có ở Việt Nam từ rất lâu: nỗi sợ hãi, kinh hoàng, đau đớn, nhớ nhà, tức giận, cô đơn, tội lỗi và cảm giác rõ ràng về cái chết của bản thân mình. Những gánh nặng quan trọng nhất mà người lính thường mang thì thật sự không thay đổi nhiều qua thời gian.

* Sống sót sau cuộc chiến, học chuyên ngành về chính phủ ở Đại học Harvard, làm việc với tư cách phóng viên các vấn đề trong nước của tờ Washington Post và giờ đang dạy chuyên ngành “viết sáng tạo”, ông nghĩ thế nào về thực tế sự có mặt ở Việt Nam trong thời điểm chiến tranh đã hình thành cuộc đời ông theo một cách nào đó?

- Đúng là trải nghiệm của tôi ở Việt Nam đã quyết định phần đời còn lại của tôi, trong rất nhiều khía cạnh quan trọng. Tất nhiên sự nghiệp viết lách của tôi cũng khởi nguồn từ Việt Nam. Đúng là chuyện mỉa mai lạ lùng là thứ mà tôi ghét nhất - những năm tôi ở trong quân ngũ - lại trở thành sự kiện ảnh hưởng tới phần còn lại của cuộc đời mình.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận