Nhà văn võ hiệp Ôn Thụy An "tái xuất giang hồ"

TTCT - 12 năm trước, sau khi hoàn thành tác phẩm Thiên hạ vô địch, nhà văn tiểu thuyết võ hiệp Trung Quốc gốc Malaysia Ôn Thụy An đột nhiên “biến mất”. Nay, cũng bất ngờ ông trở lại...

Phóng to
Nhà văn võ hiệp Ôn Thụy An - Ảnh: Wangyiboke

Tháng 7 năm nay, Ôn Thụy An trở lại bằng hàng loạt sự kiện: tải lên mạng văn học Trung Quốc tác phẩm mới nhất Thiếu niên vô tình chính truyện (7-7); bộ phim Tứ đại danh bổ chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của ông chính thức công chiếu (12-7) và tham gia tọa đàm các nhà văn trong Hội chợ sách Hong Kong (18-7). Người ta bắt đầu nói về "cơn sốt Ôn Thụy An mới" ở Hong Kong, Trung Quốc.

"Tứ đại danh gia"

Các phương tiện tuyền thông gọi đó là sự "tái xuất giang hồ". Hàng chục năm qua hầu như không ai biết ông ở đâu, Hong Kong, Kuala Lumpur, Bắc Kinh, Đài Bắc?... Hỏi vì sao lui về ở ẩn, ông cười bảo nếu giang hồ là nơi con người đang sống thì ông vẫn "ở đấy bao lâu nay". Thực tế, ông cho biết vẫn sáng tác đều đặn. Gần đây nhất, năm 2011, ông đã cho ra đời 40 tác phẩm võ hiệp.

Vào mạng gõ tên Ôn Thụy An sẽ tìm thấy hàng chục ngàn tin bài liên quan, Hội Hiệp thiếu do ông sáng lập thu hút hơn 3.000 người tham gia, trang mạng xã hội Vi võ hiệp (tiểu thuyết võ hiệp ngắn chỉ mấy trăm chữ) của ông có đến 7 triệu người hâm mộ.

Tuy nhiên thời gian qua ít người biết về ông do ông không dùng điện thoại di động, không lên mạng (bài của ông chủ yếu do trợ lý tải lên), không tham gia sự kiện, không rượu chè, hầu như không xuất hiện trước công chúng. Trong sự ẩn danh, ông siêng năng tập võ, ngồi thiền, luyện khí công.

Theo mạng Sina, tiêu biểu cho tiểu thuyết võ hiệp phái mới ở Trung Quốc có "tứ đại danh gia"gồm Lương Vũ Sinh, Kim Dung, Cổ Long và Ôn Thụy An. Nay các nhà văn Cổ Long, Lương Vũ Sinh đã mất, Kim Dung không còn sáng tác.

Theo nhận xét của nhà văn Hong Kong Nghê Khuông thì Ôn Thụy An là người "nắm giữ đại cục" sau Cổ Long. Ông sáng tác tiểu thuyết, thơ ca, tản văn, bình luận, trong đó có những tác phẩm nổi tiếng như Chiêu thức võ thuật, Bố y thần tướng, Tứ đại danh bổ... nhiều tác phẩm được chuyển thể thành phim.

Võ hiệp chưa lụi tàn

Thời gian qua Ôn Thụy An xuất bản hơn 850 bộ tiểu thuyết. Hiện nay ông phụ trách bảy chuyên mục trên báo nên mỗi ngày phải viết 6.000 chữ. Trợ lý của ông tiết lộ với giá bản quyền hiện nay, nhuận bút của ông khoảng 30 NDT/chữ (khoảng 90.000 đồng). Trang Yicai.com cho rằng việc "tái xuất" của ông có liên quan đến tiền, trang 163.com ra giá 2.000 NDT/1.000 chữ để mua bản quyền phát hành tác phẩm bản điện tử của ông.

Ôn Thụy An phủ nhận điều đó, chỉ nói với hơn 45 năm xuất bản sách, ông từng nếm trải nỗi khổ bị đạo văn, bị mạo danh xuất bản tác phẩm giả, nên ông khá cẩn trọng trong việc chọn nhà mạng để đăng tải tác phẩm điện tử.

Còn theo zaobao.com, nhiều tác phẩm trước đây của ông sau khi chuyển thể thành phim đều không truyền tải được cái hồn của tác phẩm, mãi đến thời gian gần đây ông mới được đạo diễn Trần Gia Thượng thuyết phục (Trần Gia Thượng là đạo diễn nổi tiếng Hong Kong, các phim Họa bì, Tinh võ phong vân do ông đạo diễn gần đây đều lập kỷ lục doanh thu).

Được hỏi về tiểu thuyết võ hiệp hiện nay, Ôn Thụy An nhận định tiểu thuyết võ hiệp vẫn chưa đến hồi lụi tàn, phim ảnh, trò chơi điện tử đều chịu ảnh hưởng của võ hiệp. Nói về tinh thần võ hiệp, ông cho rằng võ là ra tay vì sự hòa bình, hiệp là làm những việc không có lợi cho mình nhưng là một việc nghĩa đáng phải làm. Vì vậy, khi nhiều thanh niên cho rằng tiểu thuyết võ hiệp chỉ là những điều hư cấu, Ôn Thụy An nói nếu viết tiểu thuyết võ hiệp mà không phản ánh được các vấn đề xã hội, thời đại, nhân sinh thì viết để làm gì!

Tác phẩm của ông viết về thế giới võ hiệp từ một góc độ mới, với những tiểu hiệp sĩ, thích giúp đỡ bạn bè, láng giềng. Ôn Thụy An luôn tìm cách đưa hơi thở cuộc sống vào võ hiệp. Ở đấy có hình ảnh bạn bè, người thân ông, như tác phẩm Bố y thần tướng được viết từ hình ảnh người bố của ông.

Ôn Thụy An sinh năm 1954, trong một gia đình người Hoa ở Malaysia, từ nhỏ theo cha học võ. Theo Tuần san Châu Á, năm 1973 ông sang Ðài Loan học đại học, cùng bạn bè thành lập Câu lạc bộ thơ Thần Châu, xuất bản Tuần san thơ Thần Châu mà ông làm chủ biên, lượng phát hành rất cao. Tuần san không chỉ đăng tải thơ mà còn tuyên truyền về lý tưởng sống.

Năm 1976, ông bị bắt giam ba tháng và trục xuất khỏi Ðài Loan vì tội "tuyên truyền cho kẻ xấu". Năm 1981 ông đến Hong Kong làm việc, từ năm 1990 ông trở về Trung Quốc.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận