Nhật ký "người ở bển"

KIỀU BÍCH HƯƠNG 18/08/2013 22:08 GMT+7

TTCT - Tôi không thích bị gọi “Việt kiều hồi hộp” nên bạn chào mừng “người ở bển” trở về, phải chấp nhận một kiểu gọi nào đó về người xa xứ thăm quê chứ!

Phóng to
Tranh: Đức Trí

Bạn bè ở Hà Nội và Sài Gòn trước kia thi nhau kiếm sống bằng lương thưởng bỗng vùng lên môi giới bán mua nhà đất, túi váy hàng hiệu bước ra từ xe hơi đời mới, mời cơm trong những chung cư ngàn đô một mét vuông, hồi ấy trở về tôi đã chẳng gọi họ là “quật khởi đại gia” đó sao?!

Hè năm nay về chơi, Sài Gòn vẫn sống nhanh và cởi mở dang tay chào đón. Bún đậu mắm tôm trên những gánh hàng rong phố nhỏ ngõ nhỏ Hà Nội giờ được định danh giữa nhan nhản quán ăn bình dân ở Sài Gòn. Thế là lỡ hẹn bún đậu với cô bạn cùng thuê phòng ngày xưa. Cô gái chớm tuổi ba mươi ấy đã trở lại Úc, cũng vội vàng như hai năm trước đó cô từ Úc về Việt Nam để được sống nhanh, rồi nhận ra “vẫn sống nhanh, tiêu tiền nhanh nhưng tốc độ kiếm tiền chậm lại rồi”!

Rồi thì ra Hà Nội để gặp gia đình và hẹn hò những người bạn đại gia, bạn công chức thành đạt. Gọi cho bạn đại gia không nhấc máy, để tin nhắn “gặp hàn huyên chẳng lẽ khó thế” cho bạn yên tâm với số lạ, lập tức bạn gọi lại “Tớ đang trốn nợ, hí hí”. Gọi cho bạn công chức thành đạt, giờ lên chức phó phòng một sở. Bạn cắp ô che nắng đến ngay, nhiệt tình ngồi với nhau cả buổi. Bạn bảo việc văn phòng chủ yếu pha trà, chém gió chứ có gì đâu.

“À, những ngày nắng nóng này đến văn phòng sướng lắm, bật hết máy điều hòa lên, mát lạnh như kem, trước khi về nửa tiếng phải mở toang cửa sổ xả lạnh để khi bước ra ngoài khỏi sốc”.

Đi chơi với bạn nhưng tối về ăn cơm nhé, canh cua nấu rau mồng tơi, đậu rán giòn, cà muối xổi, mẹ dặn rồi: “Toàn thực phẩm độc hại ở nhà hàng mà phải trả tiền triệu, ăn hai ba bữa bằng ngốn cả chiếc máy giặt của mẹ!”. Thì về ăn cơm! Mùi thức ăn xào nấu ướp đẫm nước mắm thơm cả ngõ phố, tiếng chặt băm trên thớt tưởng đã quá xa xôi nay ùa về quánh đặc, rộn rã.

Mâm cơm của mẹ thơm tho dọn ra, vừa đưa đũa lùa canh đã nghe tiếng rên rỉ ngoài cửa. “Bà ơi, cô ơi làm phúc cho cháu xin bơ gạo về nấu cháo cho mẹ”. Gương mặt một thiếu niên gầy gò, xám xịt hiện ra. Chị gái lon ton vào đong bơ gạo, cậu thiếu niên lại cất giọng: “Cho cháu xin thêm tiền mua thuốc cho mẹ”, em gái sột soạt mở ví.

Cậu thiếu niên vừa đi khỏi, mẹ vội đóng cửa sắt và tra ổ khóa, giọng run rẩy: “Đứa nào về sau quên khóa cửa hả? Xin xỏ gì chúng nó, bọn nghiện hút đấy. Tháng trước vừa có thằng nghiện vào ngõ này xin đểu rồi rút dao chém bà Tám chảy máu đầu. Thời buổi làm phúc phải tội!”.

Xoành xoạch, đồng loạt những khung cửa sắt hàng xóm đóng lại, lòng đường bóng điện đan hình nan sắt, không gian ngõ phố tối mùa hè bỗng im lìm, bát canh cua rau mồng tơi chưa kịp ăn đã nguội lạnh.

Chán phố rồi, “người ở bển” về quê. Làng quê rợp lũy tre xanh giờ như phố thị. Những biệt thự chục tỉ ốp đá hiện lên lừng lững đầu làng, “nhà của vua Cua đấy, chú T. ngày xưa vẫn nhảy tàu mang cua đồng ra Hà Nội bán, nhớ không? Giờ chú ấy là đại lý thu gom cua, thuê người xay cua đóng hộp xuất đi khắp nơi, giàu khủng khiếp, không gọi đại gia nữa mà phải gọi là vua”.

Có khi nào những hộp cua xay đông lạnh tôi mua được tại cửa hàng Việt ở Brussels là của chú T. làng mình chăng? Bạn quê giờ khó gặp hơn bạn thành phố, vì phải làm theo ca. Đêm khuya bạn bấm đèn pin sang chơi, rút ra những chiếc thìa inox bóng loáng: “Chẳng có gì làm quà, tặng cậu bộ thìa dĩa này vậy, bên ấy toàn ăn bằng thìa dĩa phải không? Sản phẩm công ty tớ đang làm đấy, mỗi lần tan ca lại giắt trộm một hai chiếc vào lưng quần, dần gom đủ bộ”.

Đang giữa vụ mùa mà sáng sớm cô Bí đã sang chơi, ngồi lê la từ hiên vào đến trong nhà. “Tưởng phải bận rộn đi gặt thuê chứ cô?”, cô bĩu môi: “Cô chê ruộng xấu không làm. Ruộng vùng trũng nước ngập quá đầu gối, vất lắm”. Mẹ bật cười: “Ruộng bán hết cho công ty xây nhà máy rồi mà cô còn kén cá chọn canh”.

Cô Bí vừa giúp mẹ đổ bánh đúc ra tấm lá chuối đặt trên chiếc mẹt cũ kỹ vừa cười khích khích: “Ruộng ít nhưng thanh niên đi làm công nhân, chả đứa nào chịu cấy hái nữa, em đâm ra có giá! Thời buổi gì mà làng chẳng có thóc, phải đi đong gạo ăn thế này!”.

Biết có “người ở bển” về, vua Cua cho cua ngon, nồi riêu đã chín tới, bánh đúc vừa nguội. Bữa tiệc bánh đúc riêu cua loang loáng màu thìa inox giữa trưa hè, nắng không còn lấp ló bụi tre mà chiếu thẳng mặt người.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận