Nhiều cổ vật quý của Việt Nam đang bị rao bán ở nước ngoài

TRẦN ĐỨC ANH SƠN 14/05/2011 22:05 GMT+7

TTCT - Sau khi bài viết Một bộ tranh quý về triều Nguyễn được chào bán tại Mỹ đăng trên TTCT (số 17, ra ngày 1-5-2011), Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã liên lạc ngay với đại diện của Eric Kline Books để hỏi mua bộ tranh. Đáng tiếc, Eric Kline Books vừa bán bộ tranh tại Hội chợ sách New York.

Debra Lemonds, người đại diện của Eric Kline Books, thông báo người mua bộ tranh về lễ tế Nam Giao này tại Hội chợ sách New York lại tiếp tục bán cho một người khác. Vì bộ tranh đã được bán nên Eric Kline Books đã xóa đường link http://www.klinebooks.com/cgi-bin/kline/11638.html giới thiệu bộ tranh này trên website của họ.

Chậm chân mua tranh quý

Phóng to
Quán tẩy bằng vàng có nguồn gốc từ Đại nội Huế - Ảnh tư liệu của Philippe Truong

Như vậy, mong muốn hồi hương một cổ vật quý đã không thành hiện thực. Hiện tại, tôi đang nhờ một số đồng nghiệp trong ngành bảo tàng ở Mỹ và ở châu Âu “truy tìm” tông tích người mua (thứ hai) để xin chuyển nhượng hay có thể khai thác (có trả tiền) nội dung 54 bức tranh quý này. Hi vọng điều này sẽ trở thành sự thật.

Tuy nhiên, một đồng nghiệp của tôi là Philippe Truong ở Paris (Pháp) vừa thông báo: “Vẫn còn một số cổ vật quý của VN đang được rao bán ở Mỹ và ở châu Âu”. Theo ông Philippe Truong, những cổ vật VN đang được chào bán ở nước ngoài gồm:

1. Chậu pháp lam chưng một bộ cành vàng lá ngọc của triều Nguyễn đang được một nhà sưu tập tư nhân ở Mỹ rao bán 30.000 USD. Theo Philippe Truong, đây là bộ cành vàng lá ngọc thật sự, được gia đình nhà sưu tập này lưu giữ trong hơn 50 năm qua. Tại các di tích triều Nguyễn ở Huế và tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế hiện đang trưng bày và lưu giữ khoảng 20 bộ “cành vàng lá ngọc”, nhưng tất cả đều là bản phục chế dưới triều Đồng Khánh (1885-1889), đều làm bằng gỗ thếp vàng, không có bộ nào bằng vàng thật sự.

2. Một sách phong bằng vàng (thuộc bộ sưu tập của ông Ralph Marty ở Anh) do nhà đấu giá Sotheby’s ở Paris rao bán. Sách phong này do vua Gia Long cho làm vào năm 1807 để tôn phong bà Đoàn Thị (khuyết danh), chánh phi của chúa thượng Nguyễn Phúc Lan (1601-1648).

Ngày 16-12-2010, nhà đấu giá Sotheby’s đã đấu giá thành công một sách phong khác làm bằng bạc mạ vàng, do vua Thiệu Trị tấn phong cho vợ là bà Vũ Thị Viên, từ hạng Lương tần lên hạng Lương phi vào năm Thiệu Trị thứ 6 (1846). Sách phong này gồm 5 tờ 10 trang, kích thước 23cmx14cm, đã bán với giá 72.750 EUR.

Phóng to
Chậu pháp lam chưng bộ cành vàng lá ngọc của triều Nguyễn - Ảnh tư liệu của Philippe Truong

3. Một quán tẩy (chậu để vua rửa tay trước khi cử hành những đại lễ trong tông miếu triều Nguyễn) làm bằng vàng, cũng thuộc sưu tập của ông Ralph Marty, đường kính 31,7cm. Vành trên miệng chậu có khắc dòng lạc khoản “Bát ngũ tuế kim, tam thập ngũ lượng lục chỉ bát phân, tượng tác tượng tứ phụng tạo” (vàng 8,5 tuổi, nặng 35 lượng 6 chỉ 8 phân, do thợ ở đội 4 trong tượng cục vâng mệnh làm).

Quán tẩy này đã được trưng bày trong triển lãm của nhà buôn đồ cổ Roger Keverne (London) năm 2008, thông tin trong catalogue triển lãm cho thấy quán tẩy có nguồn gốc từ Đại nội Huế vào năm 1887, trước khi được bán cho ông Ralph Marty vào năm 1926. Tuy nhiên, theo những ghi chép của linh mục Siefert mà tôi có được thì quán tẩy này có thể đã bị người Pháp lấy đi từ miếu thờ các vua nhà Nguyễn ở trong Đại nội Huế khi họ tràn vào đây cướp bóc của cải sau sự kiện “Kinh đô thất thủ” (5-7-1885).

Nhà đấu giá Sotheby’s cũng đang rao bán một số nghiên mực quý hiếm có niên đại Thiệu Trị và Tự Đức. Ngày 16-4 vừa qua, nhà đấu giá Sophie Himbaut ở Aubagne (Pháp) đã bán một mô hình bi đình lăng Khải Định làm bằng đá cẩm thạch đỏ, kích thước 190x180x170 cm. Theo khảo cứu của Philippe Truong thì đây là hiện vật do triều Nguyễn chế tác và đưa sang Pháp dự cuộc triển lãm Expo coloniale năm 1931.

Cổ vật VN hiện đang được rao bán khá nhiều ở nước ngoài, có thể tìm thông tin dễ dàng thông qua website của các nhà đấu giá cổ vật danh tiếng như Sotheby’s, Christie’s, Butterfield, Nagel, Spink... Có được thông tin thì cần phải nhanh nhạy và tất nhiên cũng phải có nhiều tiền mới có thể theo đuổi việc đấu giá.

Nhưng không phải có tiền là mua được, bởi người mua cần am hiểu luật lệ về đấu giá cổ vật, thuế, thủ tục vận chuyển, luật pháp liên quan đến việc mua bán cổ vật của nước sở tại và Luật di sản văn hóa VN mới có thể “hồi hương” những cổ vật VN đang lưu lạc.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận